(IFN) – Hàng loạt sếp ngành ngân hàng bị bắt do dính nghi án tham nhũng, cho vay sai nguyên tắc khiến đội ngũ nhân viên tín dụng ngày càng dè chừng, run rẩy thẩm định hồ sơ vay tín dụng.
Sa chân là lĩnh án
Con số 20 lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực ngân hàng phải “vô khám” từ đầu tháng 9 tới nay đang gây rúng động dư luận. Gần đây nhất là vụ bắt giữ hàng loạt Giám đốc chi nhánh, Phó giám đốc chi nhánh, Trưởng bộ phận quan hệ khách hàng, cán bộ tín dụng… của NHTMCP An Bình (ABBank) chi nhánh Bạc Liêu, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Sóc Trăng do sai phạm trong quan hệ cho vay với doanh nghiệp “đại gia” một thời – Công ty CP Thủy sản Phương Nam… Hàng loạt sếp ngành ngân hàng vào tù đã phần nào bộc lộ “mảng tối” trong lĩnh vực này.
Vì lợi ích bản thân nhiều cán bộ ngân hàng đã sa chân vào vũng lầy tham nhũng Ảnh minh họa từ internet. |
Lãnh đạo bị bắt, cán bộ tín dụng run rẩy cho vay
Cũng bởi rất dễ sa chân mà nhiều cán bộ tín dụng đành ngậm ngùi nghỉ việc hoặc chuyển sang làm lĩnh vực khác. Chị Phương từng giữ vị trí trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp của một ngân hàng ngoại tại Hà Nội tâm sự, sau hai năm làm tại vị trí này không, phải đối diện với những tình huống “sống dở chết dở” chị đành xin nghỉ, ra kinh doanh riêng.
“Nhiều doanh nghiệp là khách hàng quen của sếp, không cho vay cũng dở mà cho vay thì chết. Gặp những tình huống này nhiều lúc đành châm chước cho hồ sơ của họ, doanh nghiệp vay tiền rồi kinh doanh tốt không sao, chứ rơi vào doanh nghiệp cầm tiền vay rồi làm ăn thua lỗ, nợ vay biến thành nợ xấu thì cán bộ tín dụng cũng sẽ lãnh đủ”- chị Phương chia sẻ. Phụ trách mảng tín dụng doanh nghiệp một thời gian chị Phương nhận ra, rằng nghề tín dụng chẳng “lung linh” như những gì mọi người vẫn hằng mường tượng về nó. Vất vả, luôn tiềm ẩn rủi ro là những gì chị Phương đúc kết được sau một thời gian làm nghề.
Rủi ro luôn rình rập nên dễ hiểu khi ở một NHTM lớn (nằm trong top 4 NHTM lớn nhất hiện nay) có sự luân chuyển liên tục vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng. Đã từng nhiều năm làm trong lĩnh vực ngân hàng, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, không ngạc nhiên về hiện tượng trên. Ông cho rằng, đây là vị trí “nóng” nhất trong ngành ngân hàng, ai “đứng mũi chịu sào” vị trí này đều là những người có thần kinh thép trong bối cảnh hiện nay. Không hẳn là do vị lãnh đạo quản lý yếu kém khiến bộ phận không đạt doanh số, chỉ tiêu mà nhiều trường hợp họ tự nguyện xin được điều chuyển vị trí làm việc.
“Tôi có anh bạn làm Phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng tại một ngân hàng lớn từng tâm sự, có lẽ chỉ làm trong ngành ngân hàng vài ba năm nữa hoặc là anh sẽ xin chuyển, hoặc ra ngoài làm kinh doanh riêng vì nhiều lúc tưởng chừng phát điên vì áp lực quá lớn”- ông Đức nói. Đặc biệt, trong lúc thị trường khó khăn, nhìn đâu đâu cũng thấy nợ xấu, thì áp lực lên bộ phận tín dụng, người đứng đầu phụ trách bộ phận là rất lớn.
“Nhiều sếp sa lưới pháp luật nên nhân viên tín dụng bây giờ cho vay cũng run như cầy sấy, vì kiểu gì cũng sai, mà sai là chết. Ngay cả người cực kỳ sành sỏi, có kinh nghiệm nhiều lúc nếu không “tỉnh” cũng có thể dính đòn như chơi”- Luật sư Đức chia sẻ.
Vị luật sư có 19 năm kinh nghiệm về lĩnh vực pháp chế và nghiệp vụ ngân hàng nhận định, sở dĩ tội phạm ngân hàng “nở rộ” và làm nóng ran các mặt báo thời gian qua một phần là do quản trị rủi ro và quản lý con người tại những ngân hàng trên yếu. Phát triển quá nóng nên nhân viên ngân hàng dù sau khi được tuyển dụng đã được ngân hàng đào tạo nhưng vẫn thiếu kiến thức, không nắm chắc thủ tục quy trình.
“Làm sao có thể đòi hỏi cán bộ không học luật ngày nào, không có kinh nghiệm từng trải phải lao vào kinh doanh, “chạy” làm sao cho đủ doanh số, chỉ tiêu hàng tuần,tháng.
Trong văn bản trả lời chất vấn gửi các ĐBQH, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thừa nhận, thời gian qua dù ngành ngân hàng và các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng tại một số nhà băng vẫn phá sinh vụ việc tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực cấp tín dụng. Năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, NHNN đã chuyển 19 hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an để xử lý.
“Một bộ phận cán bộ ngân hàng thậm chí có cả cán bộ cấp cao của NHTM suy thoái về đạo đức nghề nghiệp và vi phạm quy định của pháp luật, thậm chí câu kết với các đối tượng bên ngoài để phạm tội. Hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban điều hành của một số TCTD còn buông lỏng quản lý và chưa thực sự quan tâm, chưa có biện pháp phòng, chống tham nhũng, tội phạm có hiệu quả”- Thống đốc NHNN.
Bên cạnh nỗi lo về nợ xấu “khủng”, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng… thì tội phạm ngân hàng đang nổi lên như là những “ung nhọt” cần được “diệt” triệt để ngành ngân hàng lấy lại hình ảnh bấy lâu đã xấu đi ít nhiều trong mắt công chúng.
Không ngạc nhiên khi hay tin thêm một vài lãnh đạo ngân hàng bị bắt vì cho vay sai nguyên tắc với những doanh nghiệp đại gia một thời, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI còn đưa ra con số giật mình, cứ 10 vụ án tham nhũng thì tới 9 vụ liên quan tới ngành ngân hàng.
“Toàn bộ cán bộ ngân hàng dính đến cho vay, giao dịch đều có thể phạm tội. Tín dụng là lĩnh vực dễ “dính đòn” nhất”- luật sư Đức nói. Khó có bộ hồ sơ vay tín dụng nào chuẩn 100%, đạt được 80-90% đã là tốt lắm rồi. Nhưng chỉ cần 1% sai thì cán bộ tín dụng có thể bị truy tố trách nhiệm hoặc ngồi tù nếu sự việc nghiêm trọng.
Trường Giang
———————————————-
Infonet 18-11-2013 (Mục Tiền tệ):
http://infonet.vn/Kinh-doanh/Sau-dai-an-ngan-hang-sep-vo-tu-nhan-vien-run-ray-cho-vay/120439.info
(511/1.202)