413. “Cứ 10 vụ án kinh tế, có đến 7-8 vụ liên quan đến ngân hàng”

(GDVN) – Nguyên nhân dẫn đến nhiều sai phạm của ngân hàng được phát hiện thời gian qua theo LS Trương Thanh Đức, xuất phát từ việc phát triển nóng, tăng trưởng nóng, trong khi khả năng quản lý, trình độ, tư duy quản lý, việc phát triển nóng từ vốn điều lệ, quy mô tăng trưởng, mở chi nhánh… chưa theo kịp, từ đó xuất hiện nhiều điểm yếu trong quản lý điều hành tại chính các ngân hàng.

Chưa bao giờ số vụ án liên quan đến sai phạm ngân hàng được phát hiện nhiều như thời gian qua, cùng với đó hàng chục cán bộ quản lý của các ngân hàng phải vào lao lý. Trong đó, có những vụ án lớn thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên cán bộ Vietinbank chi nhánh TP.HCM) lừa đảo chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân khoảng 4.000 tỷ đồng; Tương tự Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Nam Hà Nội đang bị treo một khoản vay lớn là hơn 3.500 tỷ đồng nợ gốc (tương đương 180 triệu USD).

Mới đây nhất vụ việc bắt giữ hàng loạt Giám đốc chi nhánh, Phó giám đốc chi nhánh, Trưởng bộ phận quan hệ khách hàng, cán bộ tín dụng… của NHTMCP An Bình (ABBank) chi nhánh Bạc Liêu, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Sóc Trăng do sai phạm trong quan hệ cho vay với doanh nghiệp “đại gia” một thời – Công ty CP Thủy sản Phương Nam…

Vì sao phần lớn các vụ án kinh tế đều liên quan đến sai phạm của ngân hàng? LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: Ngân hàng dễ bị “tổn thương” vì ngân hàng là xương sống mạch máu nền kinh tế, tất cả các giao dịch buôn bán đều phải qua ngân hàng. 


“Khi hầu hết hoạt động kinh tế đều liên quan đến ngân hàng, ngân hàng trực tiếp cho vay hoặc ngân hàng đứng ra cấp vốn. Hiện nay với khoảng 70% vốn đầu tư, vốn phát triển từ doanh nghiệp là dựa vào nguồn vốn ngân hàng. Có thể thấy nếu doanh nghiệp “ốm” thì chắc chắn một thời gian ngắn sau ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng, nhiều sai phạm sẽ được bộc lộ”, LS Trương Thanh Đức cho biết.


Nhận định cho rằng trong 10 vụ án kinh tế có đến 7 – 8 vụ liên quan sai phạm của ngân hàng được LS Trương Thanh Đức căn cứ theo thông kế của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao đề xuất 10 “đại án” tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Trong 10 đại án kinh tế chuẩn bị đưa ra xét xử của VKSND Tối cao thì có đến 9 vụ liên quan đến ngân hàng. 

LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng ngân hàng dễ bị “tổn thương” vì ngân hàng là xương sống mạch máu nền kinh tế, tất cả các giao dịch buôn bán đều phải qua ngân hàng.

LS Trương Thanh Đức cho rằng các ngân hàng sai phạm đều sử dụng “bài cũ” giống nhau như gian lận hồ sơ, lừa đảo, chộp giật, tham ô, cố ý làm trái. “Ngân hàng hiện nay có nhiều do quy mô nền kinh tế tăng trưởng, các sai phạm của ngân hàng cũng lớn tương ứng không chỉ là cấp số cộng mà là cấp số nhân”, LS Đức nhận định.

Tuy nhiên, trong nhiều vụ án kinh tế cũng không thể đổ lỗi tất cả cho ngân hàng, ngân hàng không phải là thủ phạm chính. Có những vụ việc khác ngân hàng cũng chỉ là một tác nhân, một thành phần, yếu tố trong đó. 

“Trong những vụ án tham nhũng ngân hàng không phải là nguyên nhân mà liên quan đến cả nền kinh tế, liên quan đến các đối tượng bên ngoài việc doanh nghiệp, tổ chức vay nhưng không trả được, cán bộ ngân hàng tiếp tay chứ không phải tất cả đều do ngân hàng, ngân hàng không phải là người chủ đích thiết kế gây ra vụ việc tham nhũng”, LS Đức nói.

Theo đó, câu chuyện nền kinh tế “chết” do yếu kém của vĩ mô, trong đó có một phần lỗi do quản lý nhà nước thời gian qua nhiều sai lầm. Yếu kém của ngân hàng cũng từ hàng chục năm nay trong lúc nền kinh tế khó khăn những sai lầm, sai phạm đó được bộc lộ ra mà chắc chắn năm 2014 sẽ còn nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến ngân hàng được hé mở.


Nguyên nhân dẫn đến nhiều sai phạm của ngân hàng được phát hiện thời gian qua theo LS Trương Thanh Đức xuất phát từ việc phát triển nóng, tăng trưởng nóng của các ngân hàng nói riêng và tổ chức tín dụng chung. Trong khi khả năng quản lý, trình độ, tư duy quản lý, việc phát triển nóng từ vốn điều lệ, quy mô tăng trưởng, mở chi nhánh… chưa theo kịp, từ đó xuất hiện nhiều điểm yếu trong quản lý điều hành tại chính các ngân hàng.

Sự phát triển nóng đi kèm nhiều yếu tố rủi ro trong khi chính sách không theo kịp, không bịt được kẽ hở nên không kịp thời chấn chỉnh nên hiện nay khi nền kinh tế chung gặp khó khăn dẫn đến ngân hàng là mấu chốt bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Doanh nghiệp gặp khó từ nhiều năm trước nhưng phải đến năm nay ngân hàng với bị ảnh hưởng.


“Nguyên nhân nữa chính là việc ngân hàng tăng vốn pháp định một cách không hợp lý, tăng bất thường làm cho vốn ảo dẫn đến sở hữu chéo, dấn đến lợi ích nhóm, cùng với đó cán bộ ngân hàng thực giao dịch “sân sau” với doanh nghiệp mà không căn cứ theo điều kiện cho vay dẫn đến thất thoát tài sản lớn”, LS Đức lý giải.

Thừa nhận yếu kém của ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng cho biết: “Một bộ phận cán bộ ngân hàng thậm chí có cả cán bộ cấp cao của NHTM suy thoái về đạo đức nghề nghiệp và vi phạm quy định của pháp luật, thậm chí câu kết với các đối tượng bên ngoài để phạm tội. Hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban điều hành của một số TCTD còn buông lỏng quản lý và chưa thực sự quan tâm, chưa có biện pháp phòng, chống tham nhũng, tội phạm có hiệu quả”.

Con số 19 hồ sơ vụ việc được NHNN chuyển sang cơ quan công an điều tra làm rõ những sai phạm của ngân hàng có lẽ chưa phải con số cuối cùng.

Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính-ngân hàng N.T.H, việc các ngân hàng Việt Nam trong thời gian ngắn vừa qua liên tục dính nghi án tham nhũng xuất phát từ hai nguyên nhân chính: Thứ nhất sự quản lý lòng lẻo của các ngân hàng, thể hiện hoạt động cho vay tín dụng, thẩm định hồ sơ thiếu các lớp phòng thủ. Trong khi đó cán bộ ngân hàng lại vì lợi ích riêng mà cấu kết với doanh nghiệp cố tình lơ đi nhưng quy định về điều kiện được vay, thế chấp…

Thứ hai, khi nền kinh tế khó khăn khiến sai phạm của ngân hàng được lỗ rõ hơn. “Nó giống như hồ nước khi nước sâu thì không thấy đáy nhưng khi nước cạn thì mọi rác rưởi dưới đáy với lỗ rõ, cũng như vậy trước đây những sai phạm của ngân hàng là có nhưng do kinh tế tăng trưởng nó bị lấp liếm đi nhưng hiện nay khó khăn kinh tế khiến ngày càng có nhiều sai phạm được làm rõ” chuyên gia này nói.

Để ngăn chặn tham nhũng qua hoạt động cho vay tín dụng theo chuyên gia tài chính N.T.H các ngân hàng cần phải lập 3 tuyến phòng thủ. Tuyến phòng thủ thứ nhất lựa chọn cán bộ có năng lực, trình độ thẩm định hồ sơ các doanh nghiệp, tổ chức muốn vay tiền. Tuyền thứ hai tuyến thẩm định doanh nghiệp ngầm, tuyến này không làm việc với doanh nghiệp nhưng có nhiệm vụ điều tra lịch sử vay tín dụng của doanh nghiệp, thẩm định vốn điều lệ, vốn tự có, tài sản doanh nghiệp một cách chi tết cặn kẽ.

“Nếu doanh nghiệp vượt qua cả hai tuyến phòng thủ thì sẽ gặp tuyến phòng thủ thứ ba là kiểm toán, kiểm soát nội bộ. Tuy nhiên vấn đề chính là con người nếu cán bộ ngân hàng vẫn móc nối với doanh nghiệp để tư lợi cá nhân thì rất khó” chuyên gia N.T.H cho biết.

VKSND Tối cao đề xuất 10 ‘đại án’ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp

1. Vụ tham ô tài sản xảy ra tại Vinalines.

2. Vụ tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng NN-PTNT.

3. Vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty dệt kim Phương Đông và chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT ở TP HCM.

4. Vụ cố ý làm trái về quản lý vốn gây hậu quả nghiêm trọng tại Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ Ngân hàng NN-PTNT.

5. Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm các quy định về cho vay tại Công ty CP chế biến thực phẩm Phương Nam và một số ngân hàng ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu.

6. Vụ nhận hối lộ xảy ra ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đăk Nông.

7. Vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.

8. Vụ bầu Kiên.

9. Vụ cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm xảy ra tại chi nhánh Nam Hà Nội của Ngân hàng NN – PTNT.

10. Vụ tham ô tài sản ở Tập đoàn Vinashine.
 HOÀNG LỰC

—————————————————————

Giáo dục Việt Nam 19-11-2013 (Mục Kinh tế):

http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Cu-10-vu-an-kinh-te-co-den-78-vu-lien-quan-den-ngan-hang/325861.gd

(844/1.761)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,189