(VNE) – Phải chờ đợi vài năm cho một phán quyết giải chấp tài sản đảm bảo là ví dụ được nhiều nhà đầu tư ngoại nhắc tới khi đề cập tới rào cản pháp lý khi tham gia thị trường nợ tại Việt Nam.
Nhận định trên vừa được ông Victor Ong – Giám đốc Khối Tư vấn quản trị rủi ro dịch vụ tài chính của Ernst & Young (EY) ASEAN – đưa ra khi tới làm việc tại Việt Nam. Theo ông, thực tế cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang rất hào hứng muốn vào Việt Nam để mua lại nợ xấu. Tuy nhiên, điều họ “ngán” nhất chính là tiến trình xử lý các tài sản đảm bảo tại Việt Nam quá chậm trễ.
Quy trình xử lý tài sản đảm bảo khiến các nhà đầu tư ngoại ngán ngẩm và dè chừng khi vào Việt Nam. Ảnh: Anh Quân. |
Từ kinh nghiệm tư vấn cho một số khách hàng gần đây, vị lãnh đạo EY thấy quy định và những vấn đề của hệ thống pháp lý là thách thức lớn nhất mà họ gặp phải. “Theo tôi hiểu, để xử lý được nợ xấu có tài sản thế chấp là bất động sản, các ngân hàng Việt Nam cũng phải có được phán quyết của tòa án trong khi theo đuổi những vụ việc này có thể mất vài năm. Nếu vậy thì nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào đây sẽ càng khó khăn hơn nhiều”, ông Victo Ong chia sẻ vớiVnExpress.
Ông Ian Baggs, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng và thị trường Vốn toàn cầu của EY nói thêm: “Tại hầu hết thị trường khác, các ngân hàng đang chứng kiến một môi trường pháp lý có nhiều thay đổi và những đơn vị mới nổi càng phải chứng tỏ mình hơn”. Trong khi đó, một khảo sát với lãnh đạo của 50 định chế tài chính tại 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh, trong đó có Việt Nam cũng chỉ ra rằng, những quy định về pháp lý tại Việt Nam có mức thay đổi ít nhất.
Nói về những vướng mắc pháp lý, ngay cả các ngân hàng trong nước cũng ngao ngán. Trong một hội thảo về vấn đề này tại Hà Nội, bà Lê Thu Hiền – Trưởng phòng pháp chế Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) – cho biết: “Các ngân hàng đang rất khó và khổ ở cả đầu vào lẫn đầu ra. Bức xúc bây giờ là làm sao xử lý được đống tài sản đảm bảo đang ôm. Ngoài yếu tố thị trường còn nhiều yếu tố do cơ chế chưa tạo điều kiện và thậm chí có những quy định gây khó dễ”.
Vị này dẫn chứng thêm, những quy định về xử lý tài sản đảm bảo hiện không phải ít nhưng lại liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau. Do đó, không ít quy định của cơ quan này lại trái với của cơ quan khác.
Ông Trương Thanh Đức – Chủ tịch CLB Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng – cho biết, nhiều ngân hàng phải khởi kiện mới thu hồi được nợ nhưng quá trình này thường mất rất nhiều thời gian khi toà án giải quyết xong một vụ án thường mất một vài năm, chưa kể tốn kém chi phí. Do đó, ông kiến nghị nên sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng, rút ngắn thủ tục giải quyết các vụ việc yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm.
Một nguồn tin từ Công ty tài chính Quốc tế IFC cũng cho biết, để đẩy nhanh tiến trình xử lý tài sản đảm bảo, tổ chức này đang làm việc cùng Bộ Tư pháp để hoàn thiện các quy định luật pháp về Luật phá sản, giảm thiểu những rắc rối cho nhà đầu tư như hiện nay.
Trên thực tế, nhiều tổ chức và chuyên gia của quốc tế khác cũng từng bày tỏ lo ngại với hệ thống pháp lý của Việt Nam. Ông John Sheehan – cựu giám đốc Lehman Brothers – cũng cho rằng cản trở về pháp lý đang ngăn các nhà đầu tư rót tiền vào Việt Nam. “Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn vào Việt Nam nhưng mâu thuẫn ở chỗ, các chính sách gần như vẫn đóng cửa với họ, như quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần, mua cổ phiếu, nắm giữ đất đai…”.
Mới đây, thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Mỹ phần nào đã giải tỏa những lo ngại trên của các nhà đầu tư nước ngoài. Tại cuộc trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp ở đây, Thủ tướng liên tục cam kết sẽ cải tổ và kêu gọi sự tham gia của nhà đầu tư ngoại vào thị trường Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, người đứng đầu Chính phủ khẳng định chủ trương mở cửa, khuyến khích nhà đầu tư. Theo quy định hiện nay, tỷ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 30%. Với cam kết “mở thị trường tài chính không thua kém bất kỳ nước nào trong khu vực”, ông Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ nới room theo hướng thích hợp với điều kiện của từng ngân hàng.
Thanh Thanh Lan
—————————-
Vnexpres 30-9-2013:
(91/926)