(VEF) – Ngân hàng Nhà nước vừa có chỉ đạo về giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với TCTD và khách hàng liên quan đến điều kiện và thủ tục tín dụng. Trong đó có việc tháo gỡ các khó khăn về nợ để DN tiếp tục được vay mới. Tuy nhiên, rất ít ngân hàng mạnh tay cho vay, nhất là vay tín chấp, với những doanh nghiệp đang có vấn đề về điều kiện vay nợ.
Đường mở nhưng khó đi
Thông thường, doanh nghiệp có khoản vay được xếp và diện có vấn đề tại ngân hàng thì khó có thể vay thêm được nữa,. Tuy nhiên, với chỉ đạo mới đã mở ra con đường cho phép các đối với TCTD và khách hàng có khó khăn liên quan đến điều kiện và thủ tục tín dụng được tiếp tục vay vốn mới tài trợ cho các dự án của mình.
Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp không có tài sản thế chấp vì đã thế chấp trước đó, nếu xét thấy dự án kinh doanh sản xuất khả thi, các ngân hàng vẫn cho vay mới bằng hình thức tín chấp. Hoặc, cho vay thế chấp bằng hàng hóa, tiền bảo lãnh của doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, theo nhận định điều này vẫn chỉ đúng trên lý thuyết bởi, các doanh nghiệp khó được hưởng lợi từ chính sách này.
Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng, trong bối cảnh tình hình tài chính khó khăn như hiện nay, không phủ nhận những lợi ích thiết thực của các chương trình mở rộng điều kiện tín dụng mang lại. Về lý thuyết, ngân hàng cho doanh nghiệp vay tín chấp để tiếp tục hoàn thành các dự án sản xuất, kinh doanh mới có tính khả thi thu hồi vốn và hiệu quả kinh doanh cao.
Lo ngại rủi ro nợ xấu gia tăng, các DN vẫn chưa dám mạnh tay cho DN vay (ảnh minh họa – TN) |
Nhưng công văn này chỉ có hiệu lực đến 31/12/2013 nên khả năng doanh nghiệp được vay là khó, bởi từ khi có phương án khả thi, đến lập hồ sơ vay vốn, rồi được các ngân hàng thẩm định phải mất thời gian khá dài. Trong khi, bản thân nhiều doanh nghiệp lại đang mang “án” nợ xấu nên ngân hàng phải thẩm định kỹ càng thì thời gian như vậy là quá ngắn.
Điều này may ra chỉ có thể thực hiện được với các doanh nghiệp đã có sẵn dự án kinh doanh tốt, chứ giờ mới bắt tay vào lập dự án chắc không thể kịp, ông Kiêm nhận xét.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, về quy định thì các doanh nghiệp có nợ xấu không bị cấm vay vốn, nhưng vì thấy xấu nên không ai dám cho vay nữa vì lo sợ sẽ xấu hơn. Hiện cả doanh nghiệp và ngân hàng đều gặp khó nên được bật đèn xanh. Mặc dù vậy, để đánh giá thế nào là dự án có hiệu quả, khả thi là điều không hề đơn giản, vì vậy việc cho vay làm sao đảm bảo an toàn hiệu quả theo chủ trương này không phải là chuyện dễ dàng.
Lo nợ xấu mới
Một số ngân hàng cho biết, họ đã gửi ngay công văn này tới các DN, song đến thời điểm này, hầu như chưa có doanh nghiệp nào đề nghị được vay.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, các ngân hàng hiện khi xem xét cho vay phải chọn lọc kỹ càng để tránh phát sinh thêm nợ xấu. Trong lúc này, không phải ngân hàng nào cũng mạnh dạn trao vốn cho doanh nghiệp có tiền sử nợ xấu. Bởi rủi ro nợ xấu luôn là mối quan tâm hàng đầu trong phát triển tín dụng hiện nay và ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay.
Báo cáo tài chính quý III vừa được không ít ngân hàng công bố cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng lên. Điều đáng lo ngại là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm phần lớn tổng nợ xấu của các ngân hàng. Không chỉ với ngân hàng nhỏ, mà ngay cả những ngân hàng lớn, nợ nhóm 5 tính tại thời điểm cuối quý III cũng tăng.
Mặc dù đã được kiểm soát kỹ chất lượng khoản vay, song nợ xấu vẫn không ngừng tăng lên. Không chỉ với khoản vay cũ, mà ngay cả với những khoản vay mới giải ngân vài tháng trước, nguy cơ nợ xấu cũng rình rập. Nguyên nhân chính là hàng hóa sản xuất ra doanh nghiệp không tiêu thụ được, trong khi tài sản thế chấp vay chính là dòng tiền bán hàng. Trước diễn biến thị trường còn khó khăn như vậy, không nhiều ngân hàng mạnh tay cho vay, nhất là vay tín chấp, với những doanh nghiệp đang có “tiền sử” về nợ xấu.
Không những thế hiện nay, nhu cầu đầu tư mới của doanh nghiệp rất ít. Theo các ngân hàng, nhu cầu vốn trong mùa kinh doanh cuối năm nay không tăng nhiều so với năm ngoái. Lúc này, các doanh nghiệp chủ yếu tận dụng nguồn vốn tự có và hạn chế sử dụng vốn vay để giảm chi phí, vì vậy nhiều doanh nghiệp không có ý định vay mới.
Các doanh nghiệp tốt hiện không có nhu cầu vay vốn, chủ yếu tận dụng tối đa nguồn vốn tự có. Ngược lại, với những khách hàng chấp nhận vay lãi suất cao lại phải thận trọng khi trao vốn nên tín dụng khó tăng.
Ngược lại, có doanh nghiệp dù vẫn phải vay vốn, nhưng đồng thời cũng than phiền rằng, lãi suất theo dạng cho vay tín chấp còn cao. Kèm theo đó là những điều kiện trong hợp đồng tín dụng vẫn hết sức khắt khe và chỉ bảo vệ an toàn bên cho vay.
Một số doanh nghiệp cho biết, tùy thuộc vào khoản vay và mức độ tín nhiệm mà các ngân hàng đặt ra lãi suất vay tín chấp. Nhưng với doanh nghiệp đã có nợ xấu nay phải vay bằng tín chấp thì lãi suất khá cao. Với mức trên 20%/năm thì tính ra các dự án khó đem lại hiệu quả, vì vậy, sau khi tính toán không doanh nghiệp nào dám vay.
Cho đến nay, chưa có thống kê cụ thể nên cũng chưa biết rõ có doanh nghiệp nào được vay theo chỉ thị của công văn nêu trên hay không, nhưng với các phân tích trên, có thể thấy số doanh nghiệp vay được sẽ rất hạn chế và mục tiêu giúp ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp có được vốn phục vụ sản xuất kinh doanh là không nhiều.
Tác giả: TRẦN THỦY
————————————-
VEF 20-11-2013 (Mục Đầu tư thông minh):
http://vef.vn/2013-11-19-go-no-cho-vay-moi-dn-mong-ngan-hang-so
(98/1.193)