(TT) – TS Hoàng Dương Tùng, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – môi trường), khẳng định vấn đề gây ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke loa kéo, karaoke gia đình không phải bây giờ mới xuất hiện, mà do lâu nay bị xem nhẹ.
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho rằng không nên cho phép hoạt động karaoke loa kéo – Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Tùng nói:
Có thực tế nhiều người coi đó là sinh hoạt văn hóa trong cuộc sống, một liệu pháp tinh thần giải tỏa mệt nhọc sau một ngày làm việc, có thể đây là khía cạnh tích cực, nhưng nó chỉ tích cực khi việc hát đó không làm ảnh hưởng đến những người dân liền kề, tức là không làm phiền đến ai.
Ở chiều ngược lại, khi người hát, nhóm hát sử dụng âm thanh công suất lớn, hát không kể giờ giấc, có khi hát xuyên trưa, có lúc tận khuya, khi đó là gây ô nhiễm về tiếng ồn, ‘phá quấy’ lúc người dân cần sự yên tĩnh.
Thực tế hoạt động karaoke loa kéo, karaoke gia đình khiến người dân bức xúc, ảnh hưởng tới cuộc sống, nhưng việc xử lý về vi phạm gây ô nhiễm tiếng ồn lại không hiệu quả, vì sao vậy, thưa ông?
Luật bảo vệ môi trường qua nhiều giai đoạn đều đã đề cập đến việc kiểm soát tiếng ồn, nghị định 155 được Chính phủ ban hành năm 2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó cũng có điều khoản xử phạt về hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn.
Tuy nhiên, để xử phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn phải tiến hành đo tiếng ồn, nếu vượt ngưỡng mới xử phạt được. Vì thế chỉ có thể áp dụng hiệu quả trong xác định tiếng ồn của các nhà máy sản xuất, công trường có hoạt động gây ồn thường xuyên, còn với hoạt động karaoke loa kéo, karaoke gia đình lúc hát lúc nghỉ thì rất khó thực hiện hiệu quả.
Theo nghị định xử phạt hành vi vi phạm về môi trường, trong đó có vi phạm về tiếng ồn thì phải đo âm lượng, đo tiếng ồn, vượt quá quy chuẩn mới xử phạt được, nhưng thực tế là ai đo, thiết bị đo có được trang bị tới cấp phường, xã, khu dân cư không, chắc chắn là chưa làm được.
Thậm chí nếu có thiết bị, có người đo thì cũng gặp nhiều khó khăn, đó là khi lực lượng đến tiến hành đo thì họ tắt nhạc, thôi hát, vậy là không đo được, hoặc đo được nhưng không vượt quy chuẩn cũng không phạt được.
Vì vậy, với karaoke loa kéo, karaoke gia đình, ngoài quy định về pháp luật bảo vệ môi trường, phải có giải pháp tiếp cận từ góc độ văn hóa xã hội, trật tự xã hội, có ứng xử riêng với mỗi loại hình.
Ông nói cần có giải pháp ứng xử riêng, với karaoke loa kéo hát dạo, giải pháp ứng xử là gì, thưa ông?
Việc này hoàn toàn trong thẩm quyền và sự chủ động của chính quyền địa phương, vấn đề là lựa chọn giải pháp mạnh đến đâu. Ví như tỉnh An Giang cấm hẳn karaoke loa kéo trên đường phố, tôi cho rằng đây là vấn đề không chỉ riêng một tỉnh, mà các tỉnh cần có chính kiến chấp nhận hay không chấp nhận, cho phép hay không cho phép tồn tại hoạt động này.
Cá nhân tôi cho rằng dừng hoạt động karaoke loa kéo trên đường phố. Còn việc thực hiện, đây là sự chủ động trong thẩm quyền cho phép của từng địa phương. Và chỉ khi làm quyết liệt, như TP.HCM có những động thái quyết liệt trong những ngày qua, lãnh đạo TP.HCM cũng đã khẳng định sự ồn ào của các hoạt động karaoke loa kéo, karaoke gia đình cũng đã giảm.
Ngoài ra, với các hàng quán kinh doanh, ngoài chịu sự quản lý về đăng ký kinh doanh, về trật tự xã hội, cần có thêm cam kết không sử dụng loa đài công suất lớn, không hát ầm ĩ.
Với hoạt động karaoke gia đình, khi đo tiếng ồn để xử phạt không hiệu quả, cần những giải pháp nào mới trước thực tế karaoke gia đình đang nở rộ?
Đúng là karaoke gia đình hiện nay giống như phong trào, chỉ cần một cái loa di động, bộ mic, rồi kết nối với điện thoại là có thể hát, hát ở mọi nơi, mọi lúc, cả trong khu phố, trong chung cư.
Nếu hỏi những gia đình liền kề có cảm thấy bị làm phiền không, chắc chắn là có, thậm chí khó chịu, bức xúc, nhưng từ chỗ ngại nói, âm thầm chịu trận, lặng lẽ cho qua thì nay nhiều người cũng đã lên tiếng.
Còn nữa, ngay chính quyền địa phương lâu nay cũng xem nhẹ việc này, chưa đánh giá đúng mức những tác động từ hoạt động này tới đời sống dân sinh.
Nhưng đã đến lúc không thể xem nhẹ, vì có lúc, có nơi đã trở thành vấn đề bức xúc dân sinh, mà để giải quyết có trách nhiệm của các cấp chính quyền.
Thực tế nhiều tỉnh, thành phố đã có quy chế về nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, trong đó cũng đã đề cập đến việc sử dụng loa đài âm thanh, thời gian dùng loa đài để không ảnh hưởng đến khu dân sư, đến giấc ngủ của nhiều người. Vì vậy, với hoạt động âm nhạc của gia đình, tôi cho rằng nên tìm giải pháp ở khía cạnh văn hóa, trật tự xã hội, quy định về nếp sống văn hóa, quy chế hoạt động khu dân cư, hương ước làng xã, thôn.
Từ góc độ tiếp cận trên để huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, từ đó vận động tới từng gia đình, người dân, thậm chí coi đó là một trong những tiêu chí về gia đình văn hóa.
Ở chiều ngược lại, sau vận động, tuyên truyền, chính quyền địa phương, công an, tổ dân phố cũng nên thiết lập các kênh tương tác với người dân, chủ động tiếp nhận những thông tin phản ánh, thậm chí mở ra cơ chế xem xét “nguội” bằng hình ảnh.
Hiện nay là thời đại công nghiệp 4.0, hoàn toàn có thể tiếp nhận thông tin, hình ảnh, video người dân ghi lại nhà này, nhà kia, chỗ này, chỗ kia mở nhạc ầm ĩ trong khu phố, hát quá khuya phá vỡ giấc ngủ của mọi người.
Khi đã vận động, đã đưa những nội dung karaoke gia đình vào sinh hoạt khu phố, khu dân cư tức là mọi gia đình đã được nhắc nhở, nội dung đó đã có trong quy chế khu dân cư, hương ước làng xã và cũng đã mở ra cơ chế cho người dân phản ánh bằng hình ảnh, video. Tôi tin khi được tổ dân phố, chính quyền gọi tên, nhắc nhở, tình trạng tái diễn sẽ giảm.
Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là nhận thức của chính quyền địa phương về những hệ lụy từ hoạt động karaoke loa kéo, karaoke gia đình, phải coi bức xúc của người dân trong cuộc sống là vấn đề bức bách cần ưu tiên giải quyết. Khi đó, từng địa phương sẽ đánh giá kỹ thực trạng, lựa chọn giải pháp phù hợp và xem xét giải quyết vấn đề bức bách có quá trình, có đánh giá về hiệu quả đúng với quá trình giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc.
Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông):
Lập đường dây nóng tại các phường, chế tài nặng
Hiện nay, khi bị tra tấn bởi “hung thần” karaoke, người dân cũng không biết phản ánh đến đâu để yêu cầu xử lý, ngăn chặn. Muốn ngăn chặn “hung thần” karaoke làm phiền cộng đồng dân cư cần lập đường dây nóng tại các phường để xử lý hành vi vi phạm.
Chỉ khi nào cả xã hội quyết tâm loại bỏ nạn ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng tới sức khỏe, sự yên bình của các khu dân cư thì mới ngăn chặn được “hung thần” karaoke. Việc tra tấn khu dân cư bằng karaoke phần lớn xuất phát từ sự thiếu ý thức của một số người. Vì thế cần tăng mức xử phạt, chế tài nặng để mọi người đều phải tôn trọng sự yên bình của người khác.
Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật ANVI):
Tăng mức phạt với “hung thần” karaoke lên 1.000.000 – 3.000.000 đồng
Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ quy định cảnh cáo, xử phạt 100.000 – 300.000 đồng với hành vi gây ồn ào tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 10h đêm đến 6h sáng là quá nhẹ, không thể ngăn chặn được những hành vi gây tiếng ồn lớn trong khu dân cư, nơi công cộng, ảnh hưởng tới sức khỏe của số đông người dân.
Chính phủ cần sửa đổi nghị định 167 theo hướng cấm hành vi gây tiếng ồn lớn trong khu dân cư, nơi công cộng, trong đó có hành vi hát karaoke ảnh hưởng tới cộng đồng cư dân. Đồng thời phải tăng mức xử phạt gấp 10 lần hiện nay, từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng với hành vi gây tiếng ồn lớn trong khu dân cư, nơi công cộng, gây ảnh hưởng tới cuộc sống, sức khỏe của người xung quanh.
Hơn nữa, cần quy định mức phạt nặng hơn đối với những trường hợp tái phạm. Tăng mức phạt, xử lý nghiêm khắc các hành vi gây tiếng ồn, tịch thu công cụ gây tiếng ồn sẽ ngăn chặn được tình trạng karaoke tra tấn người dân tại các địa phương hiện nay.
XUÂN LONG – B.NGỌC
——————–
Tuổi trẻ (Thời sự) 20-3-2021:
(228/1.746)