415. Để văn bản pháp luật “chết yểu”, truy cứu trách nhiệm từ đâu?

(CL) – Theo Bộ Tư pháp, Luật Ban hành văn bản pháp luật có hiệu lực từ 2008 đã tác động tích cực, tuy nhiên vẫn còn thiếu nhất quán, chồng chéo và mâu thuẫn.

Có quá nhiều cơ quan Chính phủ tham gia vào quy trình xây dựng luật; tham vấn công chúng chưa đầy đủ; chất lượng thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật còn yếu.

Ban hành ra rồi… để đấy

Dư luận hẳn vẫn chưa quên việc đã từng “phát sốt” với hàng loạt văn bản được ban hành với nhiều nội dung kỳ lạ, hài hước như: “Cấm người ngực lép lái xe gắn máy”; cộng điểm ưu tiên cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hay “Cấm ghi hình chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ”; “ghi tên cha mẹ lên CMND”… Chưa kể nhiều văn bản được ban hành nhưng đành “để đấy” và thiếu khả thi như: Cấm bán thuốc lá, cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, sản xuất rượu thủ công phải đăng ký với chính quyền địa phương; không được bán thịt sau 8 giờ kể từ khi giết mổ…

Đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Bởi, theo thống kê của Cục Kiểm tra VBQPPL, trong 10 năm qua, các cơ quan kiểm tra văn bản cả nước đã tiếp nhận, kiểm tra trên 1,7 triệu văn bản, phát hiện trên 50.000 văn bản sai trái ở các mức độ khác nhau. Con số 50.000 văn bản sai khiến nhiều người không khỏi giật mình. Bởi đồng hành cùng với con số này là hàng triệu người dân đã bị điều chỉnh, chịu ảnh hưởng bởi các văn bản sai trái này. Tuy nhiên, con số thực tế về những thiệt hại hay những khó khăn mà những chính sách này mang lại chưa có con số thống kê cụ thể…

Trong một hội nghị mới đây về vấn đề hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, phát biểu của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đã gây “sốc” cho nhiều người khi ông cho rằng: “Có một nghịch lý dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trở thành phổ biến, nhức nhối là cái giá phải trả cho việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật nhiều khi “đắt” hơn so với việc vi phạm pháp luật” bởi sự rối rắm, lòng vòng và dẫm chân lẫn nhau của các văn bản pháp luật. Nhiều trường hợp DN không biết phải ứng xử ra sao trước những vướng mắc thực tế. Thậm chí, sau khi nghiên cứu văn bản vẫn không hiểu nổi, rồi được cơ quan chức năng giải đáp lại càng hoang mang hơn.

Ông Đức đưa ra ví dụ như việc nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động bán tài sản bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng. Bộ Tài chính cũng đã có tới hai văn bản hướng dẫn việc bán tài sản này không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Trong khi đó, Tổng cục Thuế lại có công văn cho rằng, hoạt động này thuộc đối tượng chịu thuế GTGT! Điều đáng nói là, Luật Thuế GTGT cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành từ năm 1997 đến nay đều không có văn bản nào nhắc đến hoạt động bán tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ thuộc diện phải nộp thuế GTGT hay không? Vậy nên, nếu “ép” DN theo hướng dẫn của Bộ Tài chính hay Tổng cục Thuế đều không đúng vì đây là vấn đề đang bị bỏ ngỏ.[1]

Ảnh minh họa

Vô vàn khó khăn

Ngoài việc khó xử lý trách nhiệm người ban hành văn bản vì lý do như trên còn có tình trạng những quy định “trên trời” được ban hành vì “lọt lưới” thẩm định của cơ quan tư pháp. Theo luật, tất cả VBQPPL trước khi trình cấp có thẩm quyền ký, bắt buộc phải gửi đến cơ quan tư pháp cùng cấp để thẩm định. Tuy nhiên, để “lồng ghép” vào văn bản những quy định thuận cho hoạt động quản lý của mình, nhiều cơ quan đã “lách” thẩm định. Không ít trường hợp, khi phát hiện văn bản có vấn đề thì cơ quan thẩm định cũng đồng thời phát hiện ra, phần “có vấn đề” đã bị “rút ruột” trước khi gửi thẩm định, thẩm định xong, cơ quan soạn thảo mới “đính kèm” vào để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Đấy là những văn bản được ban hành ở tầm thấp, còn ở tầm cao hơn cũng có nhiều vấn đề đáng bàn. Theo quy định, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có nhiệm vụ thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, lĩnh vực này hiện nay không phải không có vướng mắc.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã từng phát biểu trong một cuộc họp mới đây: Có nhiều nguyên nhân khiến cho chất lượng các văn bản luật ban hành bị hạn chế, trong đó có tình trạng “nể nang” khi bày tỏ quan điểm, phát biểu chính kiến của mình; việc thể hiện ý kiến của cơ quan thẩm tra trong Báo cáo thẩm tra đôi khi còn mang tính hình thức. Nhiều trường hợp, để tránh dự án luật, pháp lệnh không bị “đổ”, cơ quan trình đưa những vấn đề lớn trong Tờ trình gửi cơ quan thẩm tra, nhưng thực chất vấn đề được cho là “lớn” đó lại chỉ là quan điểm của riêng cơ quan này và không loại trừ có những vấn đề thực sự “lớn” lại không được nêu lên trong Tờ trình cho cơ quan thẩm tra biết…

Điều khiến nhiều người quan tâm là, trước những văn bản có tính thiếu khả thi đã được ban hành thì trách nhiệm của người tham mưu, ban hành văn bản như thế nào còn đang bỏ lửng. Thực tế cho thấy, mỗi khi có một văn bản bị “tuýt còi”, chỉ thấy thông tin văn bản được thu hồi, sửa đổi, hủy bỏ mà rất hiếm thông tin cán bộ, công chức tham mưu, soạn thảo, ký ban hành các văn bản sai phạm đó bị xử lý kỷ luật hay không được công khai. Hầu hết các cơ quan ban hành văn bản cho rằng, không có “lợi ích cá nhân” trong việc tham mưu ban hành văn bản mà chỉ nhằm phục vụ công việc chung nên thường cán bộ chỉ bị kiểm điểm, khiển trách.

Bộ Tư pháp cũng đề xuất việc đưa ra cơ chế để người dân có thể khởi kiện các văn bản sai ra Tòa. Đây là cơ chế cụ thể ràng buộc, xử lý trách nhiệm của những người đã tham gia tham mưu, soạn thảo, ban hành những VBQPPL “có vấn đề” và tạo hành lang pháp lý phù hợp cho người dân đòi bồi thường khi bị thiệt hại. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm hay đòi bồi thường khi bị thiệt hại do hoạt động ban hành VBQPPL bất hợp lý gây ra đều là những việc “khắc phục hậu quả”, cái thực sự cần là nâng cao chất lượng văn bản ngay từ khâu soạn thảo.

Mai Thoa

—————————————————

Công lý 18-10-2013 (Mục Pháp luật):

http://congly.com.vn/phap-luat/dien-dan-cong-ly/de-van-ban-phap-luat-chet-yeu-truy-cuu-trach-nhiem-tu-dau-32519.html

(296/1.268)

[1] Thông tin này từ năm 2010. Nay đã quy định trong Nghị định.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,166