415. Sai phạm của ngành ngân hàng, phần lớn là cố ý làm trái?

(GDVN) – Về những sai phạm của các ngân hàng trong thời gian qua, liên quan đến các vụ án kinh tế, chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Kiến Thành cho rằng, đây không phải là vấn đề trình độ năng lực mà là chuyện khác, không phải là cán bộ, nhân viên ngân hàng không có trình độ mà đây là việc cố ý làm trái pháp luật, cố ý làm sai.

 “Gót chân Asin” của ngành ngân hàng ở đâu?

Thời gian qua, lần lượt vụ việc sai phạm của ngân hàng được đưa ra ánh sáng, con số 19 hồ sơ vụ việc sai phạm của ngân hàng được NHNN chuyển cơ quan công an điều tra phần nào cho thấy “gót chân Asin” bấy lâu này của hệ thống ngân hàng đang dần lộ rõ. Những yếu kém của ngân hàng bao gồm các yếu tố từ đội ngũ cán bộ thiếu trình độ, thiếu cơ chế quản lý giám sát hiệu quả đến vĩ mô hơn là cách điều hành của lãnh đạo ngân hàng.

Hậu quả để lại sau thời gian dài chạy theo tăng trưởng nóng của các ngân hàng và tổ chức tín dụng là nợ xấu. Về vấn đề nợ xấu của các ngân hàng hiện nay, trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng nợ xấu không phải do ngân hàng gây ra, ngân hàng có lỗi nhưng không phải là nguyên nhân chính dẫn đến nợ xấu. 

“Gót chân Asin” của hệ thống ngân hàng được lộ rõ (Ảnh minh họa).

 

“Ngân hàng chỉ là trung gian khi huy động lãi suất cao thì buộc anh phải cho vay với lãi suất cao và ngược lại, lỗi của ngân hàng có thể chỉ là việc điều phối, phân bổ nguồn tiền”, LS Đức cho biết.

Chỉ ra cách điều hành vĩ mô không hợp lý, LS Trương Thanh Đức cho rằng việc bắt ngân hàng phải chịu trách nhiệm phải cung ứng cho nền kinh tế là không đúng. Việc cung ứng nền kinh tế phải từ Chính phủ.

“Cần tách biệt chính sách tiền tệ với điều hành quản lý. Để hoạt động ngân hàng được tốt, Chính phủ phải dùng công cụ chính sách tiền tệ, công cụ kinh tế không nên dùng hành chính. Không thể đưa ra một con số chung theo kiểu lãi suất 5% và buộc các ngân hàng phải áp dụng dẫn đến ảnh hưởng rất lớn hoạt động của ngân hàng. Việc cho vay lãi suất 25% – 30% là do thị trường quy định huy động lãi suất lớn thì buộc phải tăng lãi suất cho vay, không thể bắt ngân hàng huy động lãi suất cao nhưng cho vay lãi suất thấp được”,  LS Đức nói

Trong khi đó, đề cập đến vấn đề khá nóng của ngân hàng là  trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên còn nhiều hạn chế, TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: So với 5 – 10 năm trước, trình độ đội ngũ cán bộ ngân hàng hiện nay tốt hơn rất nhiều nhờ vào công nghệ corebanking (hệ thống quản trị ngân hàng tập trung). Gắn liền với công nghệ corebanking là hệ thống quản lý ngân hàng hiện đại vì vậy các ngân hàng thời gian qua quan tâm nhiều hơn đội ngũ nhân lực.

“So với những năm chưa có công nghệ corebanking, trình độ cán bộ ngân hàng hiện nay tốt hơn rất nhiều, điều quan trọng là một số lĩnh vực dù cán bộ trình độ tốt nhưng không phát huy được tác dụng. Thường ngân hàng nào có năng lực quản trị, năng lực quản lý rủi ro tốt thì trình độ cán bộ ngân hàng cũng được tăng lên và duy trì mức khá cao. Còn những ngân hàng bị các cổ đông lớn chi phối thường các quyết định tín dụng không đảm bảo được chuẩn mực về quản trị rủi ro. Những ngân hàng như vậy cán bộ không phát huy được tác dụng”, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Điểm yếu nhất về chuyên môn của cán bộ ngân hàng hiện nay theo TS Lê Xuân Nghĩa đó là trình độ tiếng Anh còn kém, khiến việc cập nhật thông tin và áp dụng công nghệ quản trị ngân hàng sẽ khó khăn hơn.


Sai phạm của ngân hàng, phần lớn là cố ý làm trái?  

Từ nhận định của TS Lê Xuân Nghĩa, dễ thấy vấn đề đặt ra là trình độ cán bộ, nhân viên ngân hàng tốt nhưng tại sao vẫn có nhiều sai phạm bị phát hiện, phanh phui?

Lý giải điều này chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Kiến Thành cho rằng, đây không phải là vấn đề trình độ năng lực mà là chuyện khác, không phải là cán bộ, nhân viên ngân hàng không có trình độ mà đây là việc cố ý làm trái pháp luật, cố ý làm sai.

“Sau hàng loạt vụ việc sai phạm ngân hàng được vạch ra đặt ra vấn đề trình độ của một bộ phận cán bộ ngân hàng. Thứ nhất là không biết, thứ hai biết nhưng cố ý vi phạm vì có vấn đề tiêu cực. Người ta có trình độ đấy nhưng người ta cố ý làm sai vì nhận được phong bì. Để xảy ra sai phạm tại các ngân hàng thời gian qua còn do sự quản lý lỏng lẻo của ban lãnh đạo”, chuyên  gia Bùi Kiến Thành phân tích.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành thừa nhận, ông không bất ngờ về con số vụ án kinh tế lớn liên quan đến ngân hàng trong thời gian qua. “Từ trước đến nay, chúng ta đã nhìn thấy hoạt động của ngân hàng với nhiều bất cập mà ai cũng biết. Chỉ riêng hoạt động cho vay của các ngân hàng không dựa vào dự án phát triển nào mà dựa vào tài sản thế chấp dẫn đến việc dùng cùng một tài sản đi vay nhiều ngân hàng đến khi vỡ nợ, vài ngân hàng lại cùng đến tranh số tài sản thế chấp đó. Việc cho vay như thế không đúng mục đích còn cán bộ ngân hàng muốn tư lợi riêng, muốn “phong bao – phong bì” thì cùng với doanh nghiệp cố vẽ ra dự án để trình lên sếp để được phê duyệt, có được hạn mức tín dụng để giải ngân để rồi tạo ra một đống nợ xấu”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nêu bất cập.

Để khắc phục tình trạng này, cần phải điều tra nghiên cứu, thanh kiểm tra, nếu phát hiện ngân hàng vi phạm pháp luật, nợ xấu quá nhiều trên quy định là 3% áp dụng luật pháp có thể cho đóng cửa. “Muốn làm sạch sẽ phải làm như thế, phải mạnh tay loại bỏ những ngân hàng yếu kém theo quy định của pháp luật, mình có pháp luật thì phải áp dụng theo để làm sạch cả hệ thống ngân hàng”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nói.

Hoạt động yếu kém của ngân hàng thời gian qua, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng có phần trách nhiệm lớn thuộc về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và cơ quan quản lý nhà nước. Đặt vấn đề hàng năm NHNN và các cơ quan quản lý đều tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động của ngân hàng vậy tại sao không phát hiện được sai phạm của các ngân hàng? Nếu biết tại sao không xử lý ngay từ ban đầu?

Từ đó chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định, nếu nói việc thanh kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước không phát hiện sai phạm làm vô lý. “Anh là cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm trước chính phủ việc điều hành giám sát hoạt động của ngân hàng nếu không làm tốt thì phải chịu trách nhiệm. Mình lãnh trách nhiệm rồi mình phải làm không thể chối trách nhiệm được”, ông Thành khẳng định.

HOÀNG LỰC

————————————————-

Giáo dục 20-11-2013 (Mục Kinh tế):

http://giaoduc.net.vn/Utilities/PrintView.aspx?ID=326055

(299/1.402)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.396. ‘Hiến kế’ hóa giải điểm nghẽn của thể...

‘Hiến kế’ hóa giải điểm nghẽn của thể chế. (TT) - Nhiều người dân...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,620