(TBTC) – Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, khuyến nghị, nên tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư ngoại đến 51% thì mới hấp dẫn nhà đầu tư, và mới có thể “lột xác” được các ngân hàng yếu kém hiện nay.
Trong báo cáo trước Quốc hội mới đây của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, ngay cả đối với ngân hàng yếu kém vẫn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Đó là tín hiệu đáng mừng đối với hệ thống ngân hàng, bởi nếu có sự tham gia của các tổ chức nước ngoài có tiềm lực, có “nghề” thì việc cho phép ngân hàng ngoại mua cổ phần của ngân hàng yếu kém trong nước là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Về phía các ông chủ của những ngân hàng yếu kém, tâm lý cũng không còn muốn giữ ngân hàng như trước đây, khi việc kinh doanh trong lĩnh vực này đã bộc lộ những rủi ro quá lớn thời gian qua.
Giải thích về hiện tượng này, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc mua cổ phần của những ngân hàng yếu kém là một rủi ro rất lớn đối với các nhà đầu tư. “Tuy nhiên, rủi ro càng cao thì cơ hội kiếm lợi nhuận càng cao. Khi số đông không dám nhảy vào, thì đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp lại là thời điểm tốt nhất để họ quyết định”, ông Đức nói.
|
Tuy nhiên, ông Đức cũng cho biết, nếu như chỉ được mua và sở hữu khoảng 20% ngân hàng yếu kém thì khó có nhà đầu tư nước ngoài nào muốn vào. Bởi khi đó, nhà đầu tư khó kiểm soát được ngân hàng, khó có khả năng tham gia tái cơ cấu lại nhằm vực dậy ngân hàng.
Khi đó họ sẽ chỉ quan tâm đến ngân hàng tốt, tiềm năng với tỷ lệ tham gia 10-20% cổ phần, nhà đầu tư đã có vị trí vai trò nhất định. Những ngân hàng tốt lại luôn là những ngân hàng sẵn sàng chấp nhận hội nhập, tiếp nhận công nghệ và chuẩn mực hiện đại của nước ngoài.
Do đó, trong việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, nên cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50%. “Nên mở cửa cho nhà đầu tư ngoại sở hữu đến 51% thì mới hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và mới có thể lột xác được các ngân hàng yếu kém hiện nay” – ông Đức khuyến nghị.
Lý giải về vấn đề này, ông Đức cho biết, việc cho phép nâng room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 51% hoặc 65% coi như một dạng ngân hàng nước ngoài, miễn sao chúng ta vẫn giữ được một số ngân hàng thực sự tiềm năng, thực sự có thể cạnh tranh với những ngân hàng có yếu tố ngoại bằng những cơ chế, chính sách khác.
Đối với việc tái cơ cấu 8 tổ chức tín dụng yếu kém tới đây, ông Đức cho biết, nếu không có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực, thì cũng không thể cho phép những ngân hàng không thực sự mạnh tiến hành hợp nhất, sáp nhập với một ngân hàng yếu. “Nếu không phải là ngân hàng thuộc nhóm G10 thì không nên cho phép mua bán, hợp nhất, sáp nhập” – ông Đức khuyến nghị./.
Hà Anh
————-
Thời báo Tài chính (Tiền tệ, tài chính) 21-11-2013:
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/tien-te-bao-hiem/room-ngan-hang-cho-nha-dau-tu-ngoai-nen-mo-tren-50
(674/674)