416. Xử lý nợ xấu: vẫn còn nhiều dấu hỏi

(TTCT) – Còn rất nhiều hoài nghi trong việc xử lý khối nợ xấu khổng lồ tại các ngân hàng thương mại dù Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chuyên mua bán và xử lý nợ xấu đã ra đời.

Hiện VAMC chủ yếu mua các khoản nợ trong lĩnh vực bất động sản, gồm 60-70% là nhà đất – Ảnh: Tự Trung

Thực lực của VAMC rõ ràng rất giới hạn so với giá trị các khoản nợ xấu, trong khi đó cơ chế để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tiến trình này đang khiến người trong cuộc bối rối.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, phó chủ tịch thường trực hội đồng thành viên VAMC, nói hiện có 14 ngân hàng đề nghị bán nợ xấu cho VAMC. Cho tới nay VAMC đã mua được 6.500 tỉ đồng trên giá trị sổ sách là 7.800 tỉ đồng nợ của tám ngân hàng.

Xếp hàng bán nợ

“Các khoản nợ VAMC đã mua chủ yếu là lĩnh vực bất động sản, gồm 60-70% là nhà đất, 20-30% thuộc khu vực sản xuất kinh doanh, phần còn lại là lĩnh vực khác. Hiện VAMC đang tập trung mua nợ và phân loại ban đầu. Phân loại nợ đồng thời kiểm tra sức khỏe của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chỉ khó khăn tạm thời, nguyên nhân chủ yếu là do hơn hai năm trước phải vay với lãi suất tới 20%/năm… Nay nếu họ xây dựng được phương án kinh doanh hiệu quả, có kế hoạch trả nợ rõ ràng cả gốc lẫn lãi, VAMC sẽ điều chỉnh lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn nợ, xem xét miễn giảm lãi cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp kinh doanh thiếu vốn còn được ngân hàng bơm vốn” – ông Nguyễn Quốc Hùng, phó chủ tịch VAMC.

Mô tả công việc trong những ngày đầu ở VAMC, ông Hùng kể rằng công ty làm việc cả thứ bảy, chủ nhật và làm đến tận 10g đêm mới được về nhà vì khách hàng quá đông. Theo ông Hùng, kể từ sau hợp đồng mua nợ xấu giữa VAMC và Ngân hàng Agribank hồi đầu tháng, các hợp đồng bán nợ ùn ùn gửi về VAMC.

Không chỉ là các ngân hàng có nợ xấu cao, các ngân hàng thương mại nhà nước mà cả những đơn vị có nợ xấu dưới 3% cũng đến gặp VAMC muốn bán để làm đẹp sổ sách. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, chủ tịch hội đồng thành viên Ngân hàng Agribank, cho biết tới đây sẽ tiếp tục bán nợ cho VAMC chứ không chỉ dừng ở hợp đồng bán nợ đầu tiên giá trị hơn 2.500 tỉ đồng.

Ông Hùng ví VAMC như là bệnh viện với bệnh nhân là các khoản nợ xấu. Về cách xử lý nợ hiện nay, ông Hùng cho hay VAMC mới chỉ tập trung mua và phân loại nợ. Các khoản nợ được kiểm tra, phân loại xem nợ thuộc lĩnh vực gì, thuộc dự án nhà đất hay sản xuất kinh doanh, tài sản thế chấp là gì… Phân loại đúng thì mới có “phác đồ” điều trị hợp lý.

“Sau khi phân loại, VAMC sẽ cùng với ngân hàng và doanh nghiệp bàn cách giải quyết. Vì một mình doanh nghiệp không thể xoay xở được với vài chục tỉ đồng nợ xấu. Ngân hàng cũng vậy, không thể ép khách vay trả đủ cả gốc lẫn lãi trong khi họ không đào đâu ra tiền để trả, nợ một lúc vài ngân hàng. Còn nhiệm vụ của VAMC không phải mua nợ về để đấy mà sẽ phải xử lý bằng cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho ngân hàng” – ông Hùng lý giải.

Theo ông Hùng, doanh nghiệp sẽ phải đưa ra phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả và kế hoạch trả nợ rõ ràng, chi tiết. Xét thấy doanh nghiệp có khả năng phục hồi qua kế hoạch kinh doanh, VAMC với tư cách là chủ nợ sẽ cơ cấu lại khoản nợ như gia hạn thời gian trả nợ, giảm lãi vay… Nếu doanh nghiệp thiếu vốn thì ngân hàng phải có trách nhiệm tiếp tục cho vay, cùng với doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh.

Với ngân hàng, khoản nợ được bán cho VAMC trước mắt được trả bằng trái phiếu đặc biệt không quá 70% giá trị sổ sách khoản nợ. Ngân hàng sẽ dùng trái phiếu này để tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, ngân hàng sẽ tăng thêm nguồn lực tài chính để phục vụ nền kinh tế.

Về lý thuyết, nếu kịch bản đi đúng như những gì ông Hùng giải thích, “cục máu đông” nợ xấu sẽ tan, vận hành của nền kinh tế sẽ được trả lại tình trạng bình thường.

Nhà đầu tư nước ngoài chờ

Ba tháng trước, khi nghị định 53 quy định hoạt động của VAMC ra đời, ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước đều tỏ ra băn khoăn, thậm chí cho rằng công ty này sẽ thất nghiệp. Bởi VAMC có quyền năng rất lớn là mua, bán và xử lý nợ xấu của cả hệ thống ngân hàng nhưng thực lực tài chính chỉ 500 tỉ đồng, quá nhỏ so với gần 200.000 tỉ đồng nợ xấu. Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng thẳng thắn thừa nhận ngân sách đang hết sức khó khăn, Nhà nước không thể bỏ đồng tiền tươi nào ra mua nợ mà sẽ trông chờ vào nhà đầu tư.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa – thành viên Ban cố vấn của Chính phủ, gần đây ông được một số công ty tư vấn mời tiếp một số tập đoàn, các quỹ đầu tư nước ngoài đến VN. Con số mà ông Nghĩa đề cập là 60-70 tập đoàn, quỹ đầu tư quan tâm đến việc mua nợ xấu ở VN. Có những quỹ đầu tư sẵn sàng cả 2 tỉ USD để mua nợ. Tiến sĩ Cấn Văn Lực – giám đốc Trường đào tạo Ngân hàng Đầu tư phát triển VN – cũng cho biết theo khảo sát mới đây có tới 58% quỹ đầu tư nước ngoài được hỏi đang rất quan tâm tới việc mua nợ xấu của VN.

Ông Simon Andrew, giám đốc Công ty Tài chính quốc tế (IFC – thuộc World Bank) khu vực Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, thừa nhận các nhà đầu tư và các công ty xử lý nợ xấu nước ngoài rất quan tâm đến nợ xấu Việt Nam, nhưng thủ tục mua bán, quy định pháp lý đang là vấn đề khiến nhà đầu tư còn băn khoăn. Một trong số các vướng mắc hiện nay như quy định người nước ngoài không được sở hữu tài sản đất đai ở Việt Nam mà chỉ được thuê đã gây khó khăn trong việc mua tài sản thế chấp.

Ông Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận: “Cái khó của ta là hiện chưa có cơ chế chính sách bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta vừa làm vừa tham khảo. Nếu họ vào được sẽ có một lượng vốn khổng lồ hỗ trợ. Tôi thấy việc này rất ý nghĩa với chúng ta vì bán nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết, tuy lúc này còn hơi sớm. Trước hết, chúng ta phải tự xử lý khoản nợ đã”.

Lý giải vấn đề này, ông Hùng nói nhiều tháng nay các ngân hàng đang thừa vốn, trong khi nợ xấu thì tăng, doanh nghiệp lại khó khăn do không vay được vốn. Vì thế tái cấu trúc để bơm vốn vào cho doanh nghiệp phát triển.

“Tôi cũng gợi ý với họ rằng nên tham gia cùng với chúng tôi bằng cách tái cơ cấu doanh nghiệp. Nghĩa là họ tham gia bỏ vốn vào doanh nghiệp như một nhà đầu tư qua mua cổ phần, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao quản trị, hiệu quả kinh doanh… Còn nếu bán đứt ngay doanh nghiệp cho nhà đầu tư ngoại thì khó. Vì với khoản nợ có khả năng phục hồi mà bán ngay thì lo ngại sẽ mất vốn, dẫn đến ngân hàng không thu đủ nợ. VAMC mong muốn nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cấu trúc chứ không phải mua đứt bán đoạn khoản nợ” – ông Hùng giải thích.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch Công ty luật BASIC, cho rằng có rất nhiều khoản nợ xấu không đủ điều kiện bán cho VAMC. Vì theo quy định, nợ phải có tài sản đảm bảo, khách vay vẫn còn tồn tại, nợ của khách vay là tổ chức trên 3 tỉ đồng và cá nhân trên 1 tỉ đồng… thì VAMC mới mua. Như vậy, các ngân hàng chỉ có thể bán được một phần nợ xấu, còn nợ xấu cần xóa sổ sẽ không có phương thức xử lý triệt để. 

LÊ THANH

John Sheehan (giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Dịch vụ vốn – Capital Services Group):

Bán nợ càng sớm càng có lợi

Cách khôn ngoan nhất là xử lý nợ xấu càng nhanh càng giảm thiệt hại. Vì để lâu thì không ai có lợi cả mà nền kinh tế sẽ bị ngưng trệ khi ngân hàng không cho vay vốn, còn doanh nghiệp thiếu vốn để tiếp tục sản xuất, kinh doanh vì đang mắc nợ xấu.

Theo kinh nghiệm 30 năm tư vấn cho các đối tác đi mua bán nợ ở 22 quốc gia, tôi biết các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các nước đang phát triển, nhất là vào thời điểm đang “nóng” với việc xử lý nợ xấu. Việt Nam cũng vậy, các nhà đầu tư ngoại rất muốn đổ tiền vào để đầu tư. Hàng tỉ USD đang muốn rót vào Việt Nam.

Nhưng đáng tiếc là cơ chế chính sách của các bạn vẫn chưa thể bán nợ xấu cho các nhà đầu tư ngoại. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng có những cơ chế chính sách để thu hút, tạo điều kiện cho vốn ngoại đổ vào để cả Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài đều có lợi.

Đơn cử như ở Thái Lan, vào năm 1998, để bán nợ cho nhà đầu tư ngước ngoài mua nợ xấu, Chính phủ Thái Lan đã ban hành một điều luật đặc biệt dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nói tóm lại, xử lý nợ xấu thành công thì phải thật sự dũng cảm.

Ngoài việc ban hành chính sách, Việt Nam phải công khai bán các khoản nợ xấu. Qua đó, nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực nào thì họ sẽ rót vốn vào lĩnh vực đó, kể cả các khoản nợ không có tài sản bảo đảm thì những nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn rất quan tâm bởi đây thường là khoản tín dụng nhỏ.

Qua khảo sát và kinh nghiệm của tôi, thông thường nhà đầu tư quan tâm đến những món nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản chủ yếu đến từ Mỹ, còn các khoản nợ nhỏ lẻ thường đến từ châu Âu, Nhật…

TÂM UYÊN

——————————-

Trao đổi với TTCT, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Ban cố vấn của Chính phủ, nhận định cần phải thêm nguồn lực để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nếu bán nợ thì chúng ta phải hết sức thận trọng.

Theo ông Nghĩa, khó khăn lớn nhất là việc xử lý hậu mua nợ. Tức là bán nợ như thế nào, nhất là bán cho các nhà đầu tư ngoại. Để xử lý thành công nợ xấu, VAMC phải bán khoảng 60-70% cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông nhận định như thế nào về việc các nhà đầu tư ngoại quan tâm đến mua nợ xấu?

– Nhiều hơn cả mong đợi của chúng ta. Trong số đó có những tập đoàn rất “khủng”, nhà đầu tư “cá mập” của thế giới như Blackstone Group… Họ đến từ nhiều nước, châu Á, châu Mỹ đều có. Điều đó cho thấy việc mua bán nợ xấu rất hấp dẫn, là cơ hội kiếm lợi lớn. Mặt khác, đây là cơ hội lớn cho chúng ta xử lý nợ xấu nói riêng và tái cấu trúc nền kinh tế nói chung.

Là người trực tiếp gặp một số quỹ đầu tư, ông thấy họ quan tâm đến điều gì, thưa ông?

– Họ quan tâm đến thủ tục minh bạch và mong muốn được mua nợ nhanh và cũng bán nợ nhanh. Họ hoàn toàn không để tâm đến vấn đề sở hữu tài sản sau khi mua nợ. Thậm chí, có nhà đầu tư nói thẳng giá nào họ cũng mua, nhất là các tài sản lớn. Vừa rồi chúng ta đấu giá tàu của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), có nhà đầu tư đã trúng thầu ngay. Nhiều nhà đầu tư đang chờ mua các tàu khác khi chúng ta đấu giá.

Việt Nam chưa có cơ chế bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta phải làm thế nào để tận dụng dòng vốn này?

– Đây là vấn đề cực khó của VN lúc này khi chính sách chưa có. Hiện nay Việt Nam nên vừa làm vừa học hỏi. Đơn cử, Hàn Quốc đã dùng gần như toàn tiền ngân sách để xử lý nợ xấu và họ cũng đã cho phá sản những ngân hàng yếu kém, liệu giải pháp này có áp dụng được ở Việt Nam? Đây là vấn đề cần nghiên cứu thấu đáo cho phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và luật pháp nói chung của Việt Nam.

Riêng về nguồn lực tài chính thì tôi nói rõ là ngân sách không bỏ một đồng cắc nào để xử lý nợ xấu. Thực tế, chúng ta quá khó khăn nên phải dùng tiền tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Giả định chính sách của ta đã sẵn sàng để bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài, theo ông, chúng ta nên bán lĩnh vực nào?

– Lĩnh vực nào mà chúng ta khuyến khích họ vào thì bán, khuyến khích nhiều thì bán nhiều, bán giá hợp lý. Còn chưa muốn họ vào nhiều thì bán giá cao. Quan điểm cá nhân của tôi là nên bán những doanh nghiệp còn tốt để tranh thủ tái cấu trúc doanh nghiệp, vì chả ai điên đi mua những doanh nghiệp sắp chết cả. Người ta bao giờ cũng luôn lựa chọn mua những món hàng còn giá trị chứ không bỏ tiền mua khi nó đã ôi thiu để về vứt bỏ.

Khi mua những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt, người mua thường bỏ thêm vốn vào khôi phục doanh nghiệp, khi nó tốt lên, gia tăng lợi nhuận thì họ lại bán đi kiếm lời.

Tôi cũng xin cảnh báo nếu kinh tế phục hồi chậm, thị trường bất động sản cũng không có chuyển biến rõ rệt và xử lý nợ xấu gặp nhiều rủi ro thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ bỏ đi. Đây sẽ là thách thức lớn không chỉ của hệ thống ngân hàng mà của cả nền kinh tế.

TÂM UYÊN thực hiện

—————————–

Tuổi trẻ 28-10-2013:

http://tuoitre.vn/tuoi-tre-cuoi-tuan/576218/xu-ly-no-xau-van-con-nhieu-dau-hoi.html#ad-image-0

(97/2.743)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,166