Cần tiếp tục triển khai một số chính sách để kích cầu, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp
(NB&CL) – Các chuyên gia cho rằng, việc Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đến hết năm 2025 là hợp lý.
Cần tiếp tục triển khai một số chính sách để kích cầu, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp hoặc điều chuyển một số chương trình để có nguồn lực cho các doanh nghiệp thực hiện.
Đề xuất kéo dài giải ngân vốn Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội
Tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra từ ngày 11 – 18/10), trong nội dung báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế – xã hội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Chính phủ đề xuất giảm 16.100 tỷ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện 4 chính sách cho vay ưu đãi. Trong đó, giảm 6.000 tỷ đồng kế hoạch vốn thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội; giảm 2.160 tỷ đồng kế hoạch vốn thực hiện chính sách cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến; giảm 6.700 tỷ đồng kế hoạch vốn thực hiện cho vay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm 1.240 tỷ đồng cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.
Đồng thời, đề xuất tăng 16.100 tỷ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nâng tổng số kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách này là 26.100 tỷ đồng.
Gỡ khó cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với đề xuất như vậy thì tổng số vốn thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn giữ nguyên theo hạn mức đã được Quốc hội cho phép trước đó (38.400 tỷ đồng).
Đáng lưu ý, Chính phủ còn đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đến hết năm 2025. Bởi vì hiện nay, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án đến ngày 31/8/2023 chỉ đạt 33.840 tỷ đồng, tương đương khoảng 19,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (khoảng 175.217 tỷ đồng).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải, trong trường hợp không cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau ngày 31/12/2023 thì có thể dẫn đến việc các dự án thiếu vốn, không hoàn thành các mục tiêu đề ra theo chủ trương đầu tư dự án. Từ đó, có thể dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, tạo sức ép bố trí vốn trong các năm còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến Nghị quyết 43 của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, 5.000 tỷ đồng từ Quỹ viễn thông công ích chia thành 2 nội dung: 1.000 tỷ hỗ trợ máy tính bảng theo chương trình “máy tính bảng cho em”. Năm 2021, Chương trình Quỹ viễn thông công ích được phê duyệt thì Bộ đã ban hành Thông tư để triển khai thực hiện Chương trình.
Qua khảo sát, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo xin phép Chính phủ tạm dừng lại chương trình này do mục đích của chương trình không còn và hiện không còn tổ chức dạy và học trực tuyến, không sử dụng máy tính bảng. Do đó, hai Bộ quyết định chuyển hướng sang hỗ trợ các em học sinh hộ nghèo và cận nghèo thay vì hỗ trợ máy tính bảng thì hỗ trợ máy tính thông minh với 1.000 tỷ đồng. Dự tính hỗ trợ khoảng 1 triệu máy tính thông minh cho các hộ nghèo, cận nghèo để phục vụ cho việc chuyển đổi số. Hiện nay, Bộ đang trình Chính phủ để chuyển hướng như vậy. Do vậy, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xem xét và cho phép đưa 1.000 tỷ đồng này ra khỏi Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội…
Những nội dung trên được cử tri đặc biệt quan tâm. Dư luận cho rằng, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội được ban hành một cách đúng đắn, kịp thời. Qua nghị quyết đã bổ sung lượng vốn lớn cho nền kinh tế, góp phần phục hồi nhanh kinh tế – xã hội sau đại dịch. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều kết quả đạt được thì do thời gian thực hiện ngắn, khối lượng công việc lớn, nên quá trình tổ chức triển khai có một số nội dung chưa đạt được kế hoạch đặt ra, cần có thêm thời gian triển khai.
Thực hiện chính sách “chưa đồng tốc” với việc ban hành chính sách
Xung quanh vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cho rằng, việc Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đến hết năm 2025 là hợp lý.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Trương Thanh Đức.
Vị chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng phân tích: “Bởi vì, lý do thứ nhất là việc hỗ trợ trước đây, hiệu quả chưa cao và chưa đạt mục tiêu đề ra. Lý do thứ hai, tình hình sản xuất cũng như việc làm cho người lao động đang và còn rất khó khăn trong năm tới. Lý do thứ ba là một số chính sách hỗ trợ khác vẫn đang được tiến hành để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Lý do thứ tư là ngân sách hiện nay có đủ điều kiện để thực hiện việc hỗ trợ. Do đó, tôi đồng tình với quan điểm kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư phát triển của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội”.
Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, tốc độ phản ứng chính sách rất nhanh, tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách lại chậm hơn, chưa đồng tốc với việc ban hành chính sách. Một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhanh, có hiệu lực sớm. Tuy nhiên, cũng có những chính sách bị triển khai muộn, chưa đồng đều giữa ban hành và thực hiện, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng đều giữa các cơ quan khi triển khai.
Đậu Anh Tuấn: Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn.
“Tính thời điểm là rất quan trọng đối với Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế – xã hội, nhất là chính sách an sinh xã hội. Nếu thực hiện chậm thì chính sách sẽ không còn phát huy được hiệu quả, ý nghĩa như ban đầu. Tiêu biểu là chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, mục tiêu là để khuyến khích lực lượng công nhân quay trở lại lao động, tuy nhiên do thực hiện chậm nên hiệu quả chưa được như ý. Một ví dụ khác là chương trình “Sóng và Máy tính cho em”, nếu không thực hiện kịp thời thì học sinh đã quay trở lại học tập trực tiếp bình thường, chương trình không phát huy được hiệu quả tức thời, trong thời điểm quan trọng nhất” – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn phân tích.
Ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị, cần tiếp tục triển khai một số chính sách để kích cầu, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, hoặc điều chuyển một số chương trình để có nguồn lực cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, góp phần giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận thị trường quốc tế.
Làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện chậm Thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc không hoặc chậm triển khai chính sách, kết quả thấp, không khả thi và đánh giá tác động tới kết quả, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Đề nghị Chính phủ bổ sung phân tích về những khó khăn, vướng mắc, đánh giá khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 5 năm 2021 – 2025, từ đó đánh giá hiệu quả triển khai các chính sách tới khả năng phục hồi của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế… |
Thiên An
————-
Công luận (Thời sự) ngày 19-10-2023:
(224/1.755)