418. An toàn, hiệu quả trong hoạt động tín dụng

(TBNH) – Chỉ cần một vụ phạm tội gây thiệt hại trong lĩnh vực ngân hàng bằng hàng nghìn vụ phạm tội bình thường, lẻ tẻ. Với thủ đoạn ngày càng tinh vi của những đối tượng phạm tội ngân hàng, cần có một sự phối kết hợp chặt chẽ giữa ngân hàng với cơ quan chức năng.

Ngày 30/10/2013, câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã tổ chức buổi tọa đàm “Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng và công tác phòng chống”.


Tội phạm đang “tấn công” vào lĩnh vực ngân hàng

Trong tổng số các vụ phạm tội thì tội phạm thuộc lĩnh vực này chỉ chiếm 0,22% nhưng lại có mức thiệt hại rất lớn, chiếm tới 60,2% tổng mức thiệt hại của các vụ án. Như vậy chỉ cần một vụ phạm tội gây thiệt hại trong lĩnh vực ngân hàng bằng hàng nghìn vụ phạm tội bình thường, lẻ tẻ. Hiện loại tội phạm này được chia làm hai loại, tội phạm bên ngoài ngân hàng và tội phạm bên trong ngân hàng.

Tội phạm bên ngoài như: lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo vay vốn ngân hàng, hối lộ nhằm mục đích rút tiền trong ngân hàng. Hoạt động thường là lập “phương án ma”, giấy tờ, cổ phiếu, hồ sơ giả… để lừa đảo ngân hàng. Các đối tượng tội phạm này, đều nghiên cứu cụ thể ngân hàng, sơ đồ vào ra, bảo vệ, quy luật làm việc, kiểm tiền, tiếp tiền, vị trí các camera lắp đặt trong ngân hàng và tìm thấy thời điểm sơ hở nhất để cướp tiền hiệu quả nhất.

Còn loại tội phạm bên trong ngân hàng thường là cán bộ ngân hàng tham ô, nhận hối lộ, vi phạm các quy định cho vay, lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản… Biểu hiện là lập chứng từ giả, lấy cắp mật khẩu… để điều chỉnh cân khớp số liệu trong máy tính để lấy tiền, qua mặt cấp trên. Làm sổ tiết kiệm giả, lấy tiền mà không hạch toán vào tài khoản, cố ý làm sai… Đây là loại có mức độ nguy hiểm nhất và gây thiệt hại khôn lường, rất khó đề phòng, khó kiểm soát.

Hiện nay, việc các DN lừa đảo ngân hàng chiếm đoạt tiền cũng không phải hiếm. Thậm chí có những khách hàng VIP của ngân hàng cũng lừa đảo, dạng khách hàng VIP này thì ngân hàng rất “khó đỡ” vì lịch sử tín dụng rất tốt, được ngân hàng tin tưởng cho vay tín chấp. Chẳng hạn, vụ Thái Loan thành lập nhiều công ty ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Lâm Đồng, Hậu Giang… để mua bán lòng vòng và xuất hóa đơn khống cho nhau nhằm hợp thức hóa đầu vào và lập hợp đồng xuất khẩu khống 5.100 tấn cà phê, nhưng thực chất chỉ có 500 tấn và ký hợp đồng lưu kho với một bên thứ 3.

Hay vụ Công ty TNHH Minh Nhật và Công ty TNHH Nhật Tân đã lập 98 hợp đồng xuất khẩu cà phê khống với 4 DN Trung Quốc và dùng hồ sơ này vay 1.835 tỷ đồng của VDB Đắk Nông. Thực tế hai công ty này chỉ mua 1.500 tấn cà phê trị giá 35 tỷ đồng. Trên đây là những trường hợp làm giả hồ sơ xuất khẩu tinh vi để đánh lừa cán bộ ngân hàng.

Ông Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng cho rằng, những tội phạm mà cán bộ ngân hàng dính vào, chủ yếu là tội tham ô[1]. Trong đó không ít vụ dính líu đến cả giao dịch viên, kế toán, giám đốc… do sai nguyên tắc, chủ quan, không hiểu biết pháp luật… Đặc biệt, hiện nay môi trường pháp luật Việt Nam chưa chặt chẽ, đã tạo nhiều kẽ hở để kẻ gian lợi dụng.

Do vậy, theo ông Đức, đối với tín dụng phải tuân thủ những quy định của pháp luật, chỉ xuất tiền ra khi có vòng chế tài an toàn, chẳng hạn tài sản đảm bảo phải đầy đủ tính pháp lý, cao hơn nữa là mua bảo hiểm cho tài sản đảm bảo… Còn theo bà Trần Thị Hồng Hạnh – Tổng thư ký VNBA, các ngân hàng phải lập được một hệ thống bảo vệ an toàn cho mình, trong đó con người là quan trọng nhất; phải chú trọng khâu đào tạo và tuyển dụng, trang bị kiến thức cho cán bộ ngân hàng để phòng tránh những rủi ro, nhất là những rủi ro đạo đức có thể xảy ra.

Vấn đề bảo mật thông tin, đối chiếu hồ sơ, thực tế về tài sản đảm bảo… nếu chấp hành tốt và có những biện pháp nghiệp vụ tốt, cẩn trọng trong thẩm định hồ sơ, tài sản đảm bảo thì những sai sót sẽ khó xảy ra với ngân hàng và kẻ gian không dễ lợi dụng để tấn công ngân hàng.

Với thủ đoạn ngày càng tinh vi của những đối tượng phạm tội ngân hàng, theo ông Tào Ngọc Hải, Phó trưởng phòng an ninh tài chính – tiền tệ, đầu tư (Công an TP.Hồ Chí Minh), cần có một sự phối kết hợp chặt chẽ giữa ngân hàng với cơ quan chức năng. Ông Hải dẫn chứng, nhiều ngân hàng nước ngoài phối hợp với cơ quan công an rất tốt trong việc phá án nhanh, hiệu quả.

Có khi vụ việc xảy ra tại một ngân hàng nước ngoài ở trong TP.Hồ Chí Minh nhưng họ rất nhanh chóng báo cho công an tận ngoài Hà Nội để kịp thời xử lý, như vậy sẽ giảm thiệt hại cho ngân hàng và ngăn chặn những vụ cướp về sau.

Linh Lan

———————————————-

Thời báo Ngân hàng 01-11-2013:

http://thoibaonganhang.vn/index.php/tin-tuc/11-an-toan–hieu-qua-trong-hoat-dong-tin-dung-13742.html

(267/1.101)

[1] Ít nhất là 3 tội khác nữa.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,166