419. Nhận diện tội phạm ngành ngân hàng

(ĐTCK) – Với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng chục, thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng mỗi vụ, ngân hàng là mảnh đất màu mỡ để tội phạm “cày xới”.

Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng tuy chỉ chiếm 0,22% tổng số vụ việc, nhưng chiếm tới 66% về giá trị. Với con số thống kê này, theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, ngân hàng là mảnh đất màu mỡ để tội phạm “cày xới”.

Ngân hàng: “thù” trong “giặc” ngoài

Tại buổi Tọa đàm về Tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng, nhiều dạng tội phạm và các vấn đề căn nguyên đã được đưa ra mổ xẻ. Về cơ bản, các vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng có vi phạm về đạo đức, dân sự, hành chính, hình sự, nhưng những vi phạm hình sự thường gây hậu quả nặng nề. Điểm lại 10 đại án của năm 2013 thì đã có tới 9 đại án liên quan tới lĩnh vực ngân hàng.

Theo Thượng tá Tào Ngọc Hải, Phó trưởng Phòng An ninh tài chính – tiền tệ, đầu tư (Công an TP. HCM), do tính chất của ngân hàng – là nơi gắn liền với tiền, tài sản lớn – nên các đối tượng tội phạm hay chọn ngân hàng làm mục tiêu tấn công. Có 2 hình thức tấn công chính là: tấn công từ bên ngoài (có thể đơn phương hành động hoặc cấu kết với CBNV ngân hàng) và tấn công từ bên trong (chính từ những CBNV thoái hóa, biến chất của ngân hàng).

 (Ảnh minh họa)

Đối với nhóm tội phạm từ bên trong, Thượng tá Hải cho biết, các đối tượng này có thể giả mạo chữ ký, giấy tờ của ngân hàng để lừa đảo. Như trường hợp một cán bộ ngân hàng ở Thanh Xuân đã giả mạo chữ ký để huy động vốn với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng từ 4 – 8%. Điều đáng nói là những bị hại dễ dàng đưa số tiền lên tới cả chục tỷ đồng mà không có gì ràng buộc chắc chắn. Đến khi sự việc vỡ lở, bằng chứng cho số tiền hàng chục tỷ đồng đã giao dịch chỉ là cuốn sổ nhỏ ghi chép.

Bên cạnh đó, một hình thức khác cũng được chính cán bộ ngân hàng hay sử dụng là dùng các biện pháp nghiệp vụ để xóa, sửa chữa số dư trong sổ tiết kiệm lên gấp nhiều lần, rồi thế chấp vay ngân hàng. Nổi bật là vụ Ngô Minh Thuyên, nguyên Trưởng phòng giao dịch Tiên Sơn (Bắc Ninh) của Techcombank, đã lập hồ sơ vay vốn giả mang tên khách hàng và thế chấp bằng 2 sổ tiết kiệm của khách hàng khác để rút 3 tỷ đồng của ngân hàng. Ngoài ra, Thuyên còn lập khống thêm nhiều hồ sơ, chiếm đoạt của Techcombank Tiên Sơn tổng số tiền lên đến hơn 8,7 tỷ đồng.

Thượng tá Hải cũng lưu ý hiện tượng lợi dụng chức vụ quyền hạn trong ngân hàng để cấu kết với các tổ chức, cá nhân được coi là sân sau để chiếm đoạt tài sản ngân hàng.

“Vấn đề ‘sân sau’ là vấn đề Chính phủ, Quốc hội, mọi ngành đều quan tâm, đặc biệt là ở ngân hàng cổ phần. Chủ các ngân hàng này đa phần là các chủ DN lớn. Họ thường dùng chính ngân hàng, nơi chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối, để cung cấp vốn ngược lại cho chính DN của mình”, Thượng tá Hải nói đồng thời lưu ý các lãnh đạo “làm thuê” của ngân hàng cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ trước khi đưa ra các quyết định. Bởi khi có thiệt hại xảy ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào chức năng, quyền hạn, quy trình công việc để quy trách nhiệm.

Tuy nhiên, không ít vụ việc cán bộ ngân hàng thực chất cũng là nạn nhân, như vụ lừa đảo hơn 500 tỷ đồng của Techcombank xẩy ra tại Lâm Đồng. Do hậu quả để lại quá lớn, không thể khắc phục nên cán bộ ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới.

 

Phòng, tránh cách nào?

Trước tình hình tội phạm ngân hàng đang diễn ra ngày càng nhiều với mức độ ngày càng nghiêm trọng, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cần nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa nhóm tội phạm này.

“Tội phạm cũng như rủi ro vẫn bao vây ngân hàng và có chiều hướng gia tăng. Và để hạn chế, trước hết mỗi cá nhân cần ý thức bảo vệ tài sản cũng như quyền lợi của mình, góp phần giúp ngân hàng hạn chế rủi ro”, luật sư Đức nói.

Luật sư Đức cũng phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng. Trước hết là do thái độ chủ quan dễ dãi, làm sai nguyên tắc của cán bộ ngân hàng, đã có những giám đốc, trưởng phòng tín dụng cả tuần không kiểm quỹ dù quy định là phải chốt quỹ hàng ngày, chỉ đến khi bị “thụt két” quá lớn mới biết. Tuy nhiên, để xẩy ra những vụ việc này cũng có một phần nguyên nhân từ cơ chế và hệ thống pháp luật còn sơ hở và bất cập.

Trong khi đó, Thượng tá Hải cho rằng, các ngân hàng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tội phạm; chú trọng chất lượng nhân sự cả về chuyên môn và đạo đức, phẩm chất; tăng cường kiểm tra, giám sát; có quy chế phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng như cơ quan thuế, công an…

“Doanh nghiệp hàng năm đều có BCTC với cơ quan thuế, nhưng khi lập hồ sơ vay vốn lại làm sai lệch các con số trên báo cáo này. Vì vậy giữa ngân hàng và cơ quan thuế cần có cơ chế phối hợp, kiểm tra thông tin trước khi ngân hàng có quyết định giải ngân tín dụng”, Thượng tá Hải nói.

———————————————–

Đầu tư Chứng khoán 06-11-2013:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DAABCB/nhan-dien-toi-pham-nganh-ngan-hang.html

(193/1.055)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,759