Đại diện bất tiện
(ANVI) – Trong pháp luật nước ta, hệ thống quy phạm về xử lý vi phạm hành chính xem ra đồ sộ bậc nhất, trải khắp các lĩnh vực.
Đáp ứng nhu cầu thực tế, Luật về xử lý vi phạm hành chính được ban hành để thay thế cho Pháp lệnh năm 2002. Luật này có hiệu lực từ ngày 01-7-2013, nhưng ngay từ ngày được ban hành (20-6-2012) đã bị đặt ra dấu hỏi về nhiều nội dung; trong đó có quy định về người đại diện. Cụ thể, Điều khoản 2.17 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 liệt kê ra người đại diện hợp pháp gồm: cha mẹ hoặc người giám hộ, luật sư, trợ giúp viên pháp lý.
Ấy thế cứ đọc quy định trên đây một hồi thì thấy “nửa nạc nửa mỡ”, không thừa nhận hoàn toàn đại diện theo pháp luật cũng như theo ủy quyền. Trong khi pháp luật dân sự của ta chia thành đại diện theo pháp luật và theo ủy quyền.
Có ý kiến lý sự xuôi rằng: Do quy định về đại diện hợp pháp trong Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được áp dụng chủ yếu đối với người vi phạm là người chưa đủ 18 tuổi nên chỉ xác định người đại diện hợp pháp là cha mẹ hoặc người giám hộ, luật sư, trợ giúp viên pháp lý cũng là hợp lý?!
Cũng không ít quan điểm ngược rằng: Quy định cứng như vậy là thiếu linh hoạt, hạn chế rất nhiều khi với người vi phạm không còn cha, mẹ, không có giám hộ thì người đại diện lúc đó lại chỉ có thể là luật sư, trợ giúp viên pháp lý.
ANVI, ngày 02-4-2014