42. Một số vướng mắc cần được quan tâm khi xây dựng các văn bản triển khai thực hiện Luật Các TCTD

Một số vướng mắc cần được quan tâm khi xây dựng các văn bản triển khai thực hiện Luật Các TCTD

(TCNH)Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) năm 1997 đã tạo được một hành lang pháp lý khá vững chắc để bảo đảm cho hoạt động an toàn của các TCTD. Tuy nhiên, do Luật được xây dựng thiếu chi tiết, cụ thể và còn phụ thuộc quá nhiều vào các văn bản hướng dẫn, nên bước đầu thực hiện đã xuất hiện một số vướng mắc.
1- Ngân hàng TMCP liệu có được thành lập các công ty con?

Khoản 2, Điều 32, Luật các TCTD quy định: TCTD được phép “thành lập công ty trực thuộc có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập bằng vốn tự có để hoạt động trên một số lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm theo quy định của Chính phủ”.

Điều 74 của Luật quy định cụ thể trong lĩnh vực bảo hiểm: “Tổ chức tín dụng được lập công ty độc lập để kinh doanh bảo hiểm theo quy định của pháp luật”.

Các quy định trên có thể áp dụng đối với ngân hàng thương mại quốc doanh, vì các công ty Nhà nước được phép thành lập các công ty trực thuộc hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 1995. Nhưng đối với ngân hàng thương mại cổ phần thì không thể thành lập công ty trực thuộc được, vì Luật Công ty năm 1991 không cho phép. Theo Luật Công ty, muốn thành lập công ty thì phải có từ 2 thành viên (chủ thể) trở lên. Như vậy, chỉ riêng từng ngân hàng TMCP thì không thể thành lập được công ty. Còn nếu như, nhiều ngân hàng TMCP cùng góp vốn để thành lập công ty, thì khái niệm “công ty trực thuộc” nêu trong Điều 32 Luật các TCTD lại không còn ý nghĩa ghì cả. Trong Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của các Ngân hàng thương mại cổ phần cũng chưa thấy hướng dẫn về vấn đề này. Nếu cho rằng, điều luật trên có nói đến việc thành lập và hoạt động của các công ty này được thực hiện theo quy định của Chính phủ, thì cũng không thể đi ngược lại nguyên tắc thành lập công ty theo Luật Công ty hiện hành.

Tương tự, có những vấn đề khác về tổ chức và hoạt động của các TCTD liên quan đến Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Công ty, Luật Hợp tác xã,…  thì thực hiện theo văn bản nào? Ưu tiên các quy định chuyên ngành ngân hàng hay ưu tiên các văn bản pháp luật chung? Nếu thực hiện ưu tiên theo cơ quan ban hành và thời gian ban hành như quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, thì hoạt động của các TCTD chắc chắn sẽ còn gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Và sẽ rất khó tìm thấy một quan điểm chung giữa các TCTD, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các cơ quan pháp luật trong những trường hợp như trên.

Vậy phải sửa đổi Luật Công ty theo hướng chấp nhận công ty trách nhiệm hữu hạn (có tư cách pháp nhân) một chủ hay phải sửa đổi Luật các TCTD theo hướng không phụ thuộc vào các quy định của các luật doanh nghiệp khác?

2- Về phân biệt giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay

Khoản 2, Điều 53, Luật các TCTD quy định: “Tổ chức tín dụng phải tổ chức việc xét duyệt cho vay theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa các khâu thẩm định và quyết định cho vay”.

Điều 15, Quy chế Cho vay của TCTD đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 324/1998/QĐ-NHNN1 ngày 30-9-1998 của Thống đốc NHNN quy định rõ hơn: “Tổ chức tín dụng xây dựng quy trình xét duyệt cho vay theo nguyên tắc bảo đảm tính độc lập và phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay”.

Có thể nói, đây là một nguyên tắc phân định trách nhiệm mới được đưa vào Luật các TCTD, vì nó chưa được đề cập đến trong các quy định về cho vay từ trước đến nay. Thế nhưng hiểu thế nào là “tính độc lập”, thế nào là “khâu thẩm định”, và thế nào là “khâu quyết định” đối với lĩnh vực tín dụng ngân hàng thì lại chưa có văn bản quy định? Vì vậy nảy sinh không ít vướng mắc:

– Cán bộ tín dụng có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, phỏng vấn khách hàng và quản lý các khoản vay nói chung cũng là tham gia “khâu thẩm định” hay chỉ có cán bộ chuyên môn làm một khâu mang tính kỹ thuật tính toán, phân tích tình hình, số liệu của dự án mới là cán bộ thẩm định?

– Những cán bộ thẩm định và những cán bộ, nhân viên tín dụng ít nhiều có tham gia vào “khâu thẩm định” khách hàng hoặc món vay, hiểu theo nghĩa rộng, liệu có được tham gia Hội đồng tín dụng để quyết định việc cho vay?

– Có phải đặt ra các phòng, ban và cán bộ chuyên môn thẩm định ngoài những phòng tín dụng và cán bộ tín dụng như vẫn làm lâu nay?

– Quy định này khác trước với đây về bản chất và trách nhiệm pháp lý thế nào hay chỉ là mới về từ ngữ còn thực chất không làm thay đổi về nội dung?…

Trên thực tế, mỗi ngân hàng hiểu và làm một cách khác nhau. Ngân hàng TMCP Hàng Hải thì quy định rõ 3 khâu quản lý, thẩm định và quyết định cho vay khác hẳn quy trình nghiệp vụ cũ. Nhưng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì lại quy định gần như không khác gì trước đây…

Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì quy định trên của Luật mới chỉ được hiểu và thực hiện theo cách tiếp cận khoa học và từ ngữ thông thường, chứ chưa được giải thích bằng khái niệm pháp lý. Nếu sau này, các cơ quan pháp luật phải xem xét, kết luận các vụ việc cụ thể, thì vấn đề chắc sẽ không đơn giản. Vì, các doanh nghiệp khác có thể cho vay thương mại một cách tự do, nhưng các TCTD thì nhất thiết phải thực hiện đúng Quy chế cho vay.

3- Về hai đối tượng không được cho vay

Khoản 1, Điều 77, Luật các TCTD quy định: “Tổ chức tín dụng không được cho vay đối với những người sau đây:

  1. a) Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của tổ chức tín dụng;
  2. b) Người thẩm định, xét duyệt cho vay;
  3. c) Bố, mẹ, vợ chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của tổ chức tín dụng”.

Khác với điểm a và c đã xác định rõ ràng, còn điểm b nói trên không quy định “người thẩm định, xét duyệt cho vay” là người của tổ chức nào. Vì vậy, hiện nay cả ở NHNN Trung ương cũng như các ngân hàng thương mại, đã có mấy quan điểm giải thích việc cấm này như sau:

– Cấm cho vay đối với chính người thẩm định và người xét duyệt cho vay món đó;

– Cấm cho vay đối với tất cả những người thẩm định và những người xét duyệt cho vay trong từng Chi nhánh của TCTD;

– Cấm cho vay đối với tất cả những người làm nghiệp vụ (nghề) thẩm định và những người làm nghiệp vụ xét duyệt cho vay trong cả TCTD;

– Cấm cho vay đối với tất cả những người làm nghiệp vụ thẩm định và những người làm nghiệp vụ xét duyệt cho vay của mọi TCTD.

Thậm chí, do quy định “Người thẩm định, xét duyệt cho vay” chỉ có một chữ “người” nên còn có thể hiểu là, chỉ cấm một đối tượng, mà đối tượng đó vừa thẩm định lại vừa xét duyệt cho vay, chứ không phải cấm hai đối tượng riêng. Ngoài ra, người “xét duyệt cho vay” ở đây có phải là người “quyết định cho vay” theo quy định tại Điều 53 nói trên hay không? Ví dụ, trưởng phòng tín dụng thường không “quyết định” cho vay, nhưng không thể nói rằng họ không có vai trò “xét duyệt” cho vay.

Đáng tiếc là, Điều 20, Quy chế Cho vay của TCTD đối với khách hàng đã chép lại gần như nguyên văn nội dung trên mà không có sự giải thích.

Đa số ý kiến cho rằng, Luật chỉ cấm cho vay đối với chính người thẩm định và người xét duyệt cho vay món đó, vì không cần thiết cấm rộng hơn, nhất là không thể cấm “tiệt đường” việc vay muơn của hai đối tượng nói trên. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một trong những cách hiểu mang tính suy diễn chủ quan mà thôi. Vậy hai đối tượng bị cấm cho vay trên, chính xác là ai và cơ quan nào có thẩm quyền giải thích Điều luật này?

4- Về hai đối tượng bị hạn chế tín dụng

Khoản 1, Điều 78, Luật các TCTD quy định: “Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với những điều kiện ưu đãi cho những đối tượng sau đây:

  1. a) Tổ chức kiểm toán, Kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng; Kế toán trưởng, Thanh tra viên;
  2. b) Các cổ đông lớn của tổ chức tín dụng;
  3. c) Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật này sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó.”

Với nguyên văn nội dung và kết cấu nội dung của điều luật như trên, rõ ràng không thể xác định được những “Kế toán trưởng” và “Thanh tra viên” nào phải hạn chế tín dụng, vì có hàng chục đối tượng hoàn toàn khác nhau có chức danh “Kế toán trưởng” và “Thanh tra viên”.

Điều 21, Quy chế Cho vay của TCTD đối với khách hàng cũng sao chép lại nguyên văn nội dung trên mà không hề có giải thích gì thêm.

Đầu tháng 10-1998, chúng tôi hỏi Vụ Nghiên cứu Kinh tế (Nay là Vụ Chính sách Tiền tệ) qua điện thoại thì được trả lời: “Kế toán trưởng” là người của TCTD còn “Thanh tra viên” là người của NHNN. Trong Hội nghị tập huấn 2 Luật về Ngân hàng ngày 5-11-1998 tại 49 Lý Thái Tổ, Hà Nội, Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Oánh, Trưởng ban Soạn thảo Luật giải đáp: “Kế toán trưởng” và “Thanh tra viên” đều là người của TCTD. Còn ông Trịnh Công Thắng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương, Thành viên Ban soạn thảo Luật, trong bài viết “Luật các TCTD từ góc độ các quy định an toàn”, đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 24 tháng 12-1998 thì giải thích rõ: “Kế toán trưởng” và “Thanh tra viên” là người của Tổ chức kiểm toán đang kiểm toán tại TCTD. Như vậy, chỉ riêng những người “trong cuộc” đã có ba cách giải thích khác nhau.

Nếu cho rằng “Thanh tra viên” là người của NHNN thì hạn chế cho vay đối với toàn bộ “Thanh tra viên” ở phạm vi cả nước hay chỉ hạn chế ở những tỉnh, thành phố có cùng trụ sở (kể cả chi nhánh) với các TCTD hay chỉ hạn chế những người đang tiến hành thanh tra tại TCTD? Nếu cho rằng “Thanh tra viên” là người của các TCTD thì e rằng quá gượng ép, vì chức danh này chỉ có ở các cơ quan công quyền Nhà nước, không có trong các tổ chức kinh tế nói chung và TCTD nói riêng. Xét về hình thức kết cấu văn bản, quan điểm thứ ba có phần hợp lý hơn, vì các đối tượng được liệt kê cùng nằm trong điểm a, khoản 1 của điều luật quy định về kiểm toán. Nếu các Nhà làm luật muốn ám chỉ đối tượng không liên quan đến Tổ chức kiểm toán, thì đã tách thành một điểm riêng như điểm b hoặc c. Tuy nhiên, nếu đó là người của Tổ chức kiểm toán thì Luật phải chỉ rõ và không thể dùng dấu chấm phảy (;) trước đoạn “Kế toán trưởng, Thanh tra viên. Nhưng quan trọng hơn, nếu là “Kế toán trưởng“ của Tổ chức kiểm toán thì xét về bản chất sự việc, lại hoàn toàn không cần hạn chế, vì chẳng có ảnh hưởng gì đến TCTD. Còn, chức danh “Thanh tra viên” như đã nói ở trên là không thể có trong các Tổ chức kiểm toán. Nếu có nơi nào lạm dụng tên gọi này, thì cũng không thể thừa nhận và quy định trong luật như vậy được.

Dù sao thì là cả ba cách giải thích trên cũng mới chỉ là về mặt khoa học, không có giá trị chính thức và cũng đều có điểm không thoả đáng. Và, cho dù hai đối tượng trên là ai đi chăng nữa thì với quy định tại Điều luật như hiện nay cũng là rất khó hiểu và không thể chấp nhận được. Vì vậy, để có thể hiểu chính xác, tránh tình trạng không biết thế nào là vi phạm pháp luật, cần thiết phải có văn bản giải thích chính thức của các cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì việc giải thích Luật thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

5- Về giới hạn cho vay đối với các cổ đông lớn của TCTD

Tiếp theo tinh thần của Pháp lệnh Ngân hàng, HTX tín dụng và Công ty tài chính, Điều 78, Luật các TCTD, quy định một cổ đông sở hữu từ 10% vốn điều lệ của TCTD trở lên bị các ràng buộc sau:

– Không được cấp tín dụng không có bảo đảm;

– Không được cấp tín dụng với những điều kiện ưu đãi;

– Bản thân cổ đông đó hoặc cùng với các cổ đông lớn khác cộng với một số đối tượng khác nữa (trong đó có Kế toán trưởng và Thanh tra viên đã phân tích ở trên) không được vay với tổng dư nợ vượt quá 5% vốn tự có của Tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, theo Điều 79, Luật các TCTD, đối với một khách hàng nói chung hoặc một cổ đông sở hữu dưới 10% vốn điều lệ nói riêng thì lại có thể:

– Được cấp tín dụng không có bảo đảm;

– Được cấp tín dụng với những điều kiện ưu đãi;

– Được vay tối đa lên đến 15% vốn tự có của Tổ chức tín dụng.

Luật quy định việc hạn chế cấp dụng đối với các đối tượng trên là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Nhưng rõ ràng, việc cân nhắc giữa tỉ lệ 15% nói chung và 5% trong trường hợp cụ thể này là chưa hợp lý và không tương xứng với khả năng và mức độ ảnh hưởng của các cổ đông đến hoạt động của TCTD. Cụ thể, tỉ lệ 5% là quá thấp, quá mức chặt chẽ. Ví dụ, 3 cổ đông sở hữu 29% vốn điều lệ của TCTD (mỗi cổ đông sở hữu không quá 10% vốn điều lệ), thì có thể được vay tối đa 45% vốn tự có của TCTD. Nhưng nếu 3 cổ đông lớn sở hữu 30% vốn điều lệ của TCTD (mỗi cổ đông sở hữu 10% vốn điều lệ), thì lại chỉ được vay tối đa 5% vốn tự có của TCTD đó. Chưa nói, cũng theo Điều 79, trong trường hợp đặc biệt, tỉ lệ 15% nói trên có thể được phép vượt quá, còn tỉ lệ 5% lại là giới hạn bất di, bất dịch.

 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

_____

Bài viết đã đăng Tạp chí Ngân hàng 04-1999

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,388