421. Bình luận Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội

Bình luận Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội

(ANVI) – Góp ý theo đề nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam – Bản trình kỳ họp Quốc hội thứ 7, tháng 5-2024.
1. Về đối tượng áp dụng (Điều 2):

1.1. Quy định:

Khoản 1, Điều 2 của Dự thảo quy định một trong những đối tượng áp dụng là “người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc”.

1.2. Kiến nghị:

Cần mở rộng đối tượng tham gia không chỉ “người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc” mà gồm cả đối tượng không bắt buộc, tương tự như “người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”.

1.3. Lý do:

Ngoài việc đóng bảo hiểm bắt buộc, thì người sử dụng lao động cũng có thể tham gia trong trường hợp không bắt buộc. Việc này cần ghi nhận để khuyến khích và có cơ sở pháp lý chấp nhận chi phí hợp pháp hợp lệ cho người sử dụng lao động.

Ngay chính tại khoản 5, Điều 4 của Dự thảo này cũng đã đề cập đến “người sử dụng lao động” trong quy định về chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung.

2. Về Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là “người quản lý điều hành hợp tác xã” (khoản 1, Điều 3):

2.1. Quy định:

Điểm i khoản 1 Điều 3 của Dự thảo quy định một trong các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là “người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã”.

2.3. Kiến nghị:

Đề nghị sửa cụm từ trên để xác định rõ là ai, có phải là gồm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc hay không?

2.3. Lý do:

Thứ nhất, Luật Hợp tác xã năm 2022 không có giải thích về “người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã”, mà chỉ có đề cập gián tiếp (không chính xác) như “Ứng cử, đề cử thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu” (điểm e khoản 1 Điều 31) hay “Giám đốc (Tổng giám đốc) là người điều hành hoạt động của hợp tác xã” (khoản 1 Điều 68);

Thứ hai, ngay tại điểm n khoản này lại đã mô tả cụ thể một số chức danh của hợp tác xã;

Thứ ba, theo cách hiểu được quy định trong Luật Doanh nghiệp và nhiều luật khác, thì “người điều hành” cũng chính là “người quản lý” tổ chức kinh tế.

3. Về Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là Chủ hộ kinh doanh (khoản 1, Điều 3):

3.1. Quy định:

Điểm m, khoản 1 Điều 3 của Dự thảo quy định một trong các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là “Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh”.

3.2. Kiến nghị:

Sửa cụm từ trên theo 01 trong 02 cách: Chỉ cần viết là “Chủ hộ kinh doanh” hoặc “Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký hộ kinh doanh”.

3.3. Lý do:

Khoản 3 Điều này cũng chỉ quy định “hộ kinh doanh”, chứ không quy định “hộ kinh doanh có đăng ký hộ kinh doanh”.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 và 2020 không thống nhất khi vẫn sử dụng cụm từ “đăng ký kinh doanh” trong tên “cơ quan đăng ký kinh doanh”, nhưng toàn bộ việc đăng ký lại được gọi là “đăng ký doanh nghiệp” hoặc “đăng ký hộ kinh doanh” (Nghị định số 01/2021/NĐ-CP).

4. Về Giải thích từ ngữ (Điều 4):

4.1. Quy định:

Điều 4 về giải thích từ ngữ không sắp xếp từ ngữ được giải thích theo trật tự a, b, c mà theo một lô gic khác.

4.2. Kiến nghị:

Sắp xếp các từ ngữ được giải thích theo thứ tự a, b, c.

4.3. Lý do:

Sắp xếp theo tứ tự a, b, c là cách khoa học nhất, dễ theo dõi, nhất là trường hợp có nhiều từ ngữ cần giải thích 26 từ ngữ trong Luật Hợp tác xã năm 2022, 33 từ ngữ trong Luật Đấu thầu năm 2023, 40 từ ngữ trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Đáng tiếc là nhiều luật khác, như Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024 thì lại không theo thứ tự a, b, c (biết rằng xếp theo ý đồ, nhưng không chặt về lô gic và thực tế là khá lộn xộn).

Các cơ quan soạn thảo cần thống nhất về thứ tự này trong các đạo luật.

5. Về giải thích từ “thân nhân” (khoản 7, Điều 4):

5.1. Quy định:

Khoản 7, Điều 4 của Dự thảo giải thích về từ “thân nhân là con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng” tương tự như khái niệm “thân nhân” nói chung.

5.2. Kiến nghị:

Cần phải thích cả cụm từ “thân nhân người tham gia bảo hiểm xã hội”.

5.3. Lý do:

Luật không nên chỉ giải thích từ “thân nhân”, vì đó là một từ chung, sử dụng trong nhiều luật và nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, không phải là từ ngữ đặc thù, duy nhất trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp này cần phải phân biệt rõ ràng, không phải là “thân nhân” chung chung, mà là gắn liền với quyền lợi, nghĩa vụ pháp lý của “người tham gia bảo hiểm xã hội”. Trường hợp cần thiết, để ngắn gọn mà vẫn không bị hiểu sai nội dung, thì sau khi giải thích, vẫn có thể sử dụng một trong 02 cách, viết đầy đủ như giải thích hoặc viết rút gọn “thân nhân”.

Tương tự, tại khoản 10 Điều này, không thể giải thích khác đi cụm từ “Giao dịch điện tử”, vì đã được giải thích trong Luật Giao dịch điện tử, mà đã giải thích cụm từ “Giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội”. Một ví dụ khác là, “hộ gia đình” nói chung, khi được đề cập đến trong Luật Đất đai năm 2013 và 2024 thì phải sử dụng và đã được giải thích cụm từ “hộ gia đình sử dụng đất”.

Đây cũng là một lỗi lô gic cơ bản về sử dụng từ ngữ thưởng gặp trong nhiều đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật khác, dẫn đến sự không đồng bộ, thiếu thống nhất từ khái niệm trở đi trong hệ thống pháp luật.

6. Về Nguyên tắc bảo hiểm xã hội (Điều 6):

6.1. Quy định:

Điều 6 của Dự thảo quy định 05 nguyên tắc bảo hiểm xã hội.

6.2. Kiến nghị:

Xem lại cả 03 khía cạnh: Tên điều, tính cần thiết và tính hợp lý của cả 06 nguyên tắc.

6.3. Lý do:

Nguyên tắc của Luật phải bảo đảm sự bao trùm, định hướng để xây dựng các chính sách lớn về bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, cả 06 nguyên tắc không rõ nét, chưa thấy là nguyên lý cần thiết, chưa phải là cơ sở để cho các quy định khác.

Một số nội dung tại Điều 7 của Dự thảo có tính nguyên tắc hơn Điều 6. Ví dụ như “xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng”, “Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội”, “Bảo hộ, bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội” tại Điều 7 không phải là nguyên tắc mới dẫn đến các quy định tại Điều 6  là nguyên tắc và các điều khác, ví dụ:

Thứ nhất, quy định mang tính “nguyên tắc” là “xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng” tại khoản 1, Điều 7, thì mới dẫn đến việc thực hiện nguyên tắc tại khoản 3, Điều 6 xử lý trường hợp “Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện”;

Thứ hai, từ quy định mang tính “nguyên tắc” là “Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội” tại khoản 2, Điều 7, thì mới dẫn đến việc thực hiện nguyên tắc tại khoản 5, Điều 6 “Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội” hay quy định tại Điều 41 về “Cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”;

Thứ ba, từ quy định mang tính “nguyên tắc” là “bảo hộ, bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội” tại khoản 4, Điều 7, thì mới dẫn đến việc cần phải thực hiện nguyên tắc tại khoản 4, Điều 6 là “Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch”;

Thứ tư, “nguyên tắc đầu tư” tại Điều 126 của Dự luật là gì, có xuất phát hay liên quan gì đến các nguyên tắc tại Điều 6 hay không?

7. Về việc cấm cầm cố, mua bán,.. sổ bảo hiểm xã hội (khoản 9, Điều 8):

7.1. Quy định:

Khoản 9, Điều 8 của Dự thảo quy định một trong những nội dung bị nghiêm cấm là “Cầm cố, mua bán, thế chấp, đặt cọc sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức”.

7.2. Kiến nghị:

Cần sửa nội dung trên theo hướng cấm rộng hơn và bao quát hơn.

7.3. Lý do:

Sổ bảo hiểm xã hội không phải là tài sản thông thường, không phải là vật có giá trị (trừ tiền in ấn cuốn sổ) để có thể giao dịch chuyển quyền sở hữu, sử dụng và giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, nếu chỉ cấm mua bán thì vẫn có thể được chuyển nhượng, nếu chỉ cầm cầm cố, thế chấp, đặt cọc, thì vẫn có thể sử dụng để để ký cược, ký quỹ. Nếu chỉ cấm giao dịch “sổ” thì vẫn có thể chuyển quyền và bảo đảm bằng quyền nhận tiền, quyền hưởng thụ.

Ngoài ra, không nên chèn “mua bán” vào giữa 03 giao dịch bảo đảm cầm cố, thế chấp, đặt cọc.

8. Thời hạn uỷ quyền nhận chế độ bảo hiểm (khoản 2, Điều 9):

8.1. Quy định:

Đoạn thứ 2, điểm d, khoản 2, Điều 9 của Dự luật quy định “Thời hạn ủy quyền nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày xác lập việc ủy quyền”.

8.2. Kiến nghị:

Cần xem xét sửa lại quy định này về thời hạn uỷ quyền, theo hướng mở hơn về nội dung và từ ngữ sử dụng.

8.3. Lý do:

Thứ nhất, quy định thời hạn uỷ quyền “không quá 12 tháng” có thể là giảm bớt rủi ro cho cơ quan chức năng trong trường hợp người thụ hưởng qua đời. Tuy nhiên, như vậy lại gây khó khăn cho nhiều người, nhất là thực tế rất nhiều người mất trí nhớ, ốm đau không đi lại được. Ngay cả trường hợp quy định uỷ quyền không quá 12 tháng, thì cũng vẫn có rủi ro 11 tháng người thụ hưởng có thể đã chết. Vì vậy, cần sử dụng mã số định danh và áp dụng các giải pháp công nghệ khác để quản lý công dân nói chung, người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội nói riêng, giảm thiểu thủ tục hành chính phiền hà không cần thiết;

Thứ hai, không thống nhất với quy định tại Điều 563 về “Thời hạn ủy quyền”, Bộ luật Dân sự năm 2015: “nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm” (cho phép thoả thuận và tính theo năm chứ không theo tháng);

Thứ ba, viết “tối đa không quá” là trùng lặp, thừa từ. Đây là lỗi gặp khá nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật.

9. Về quyền tố cáo của người sử dụng lao động (khoản 5, Điều 11):

9.1. Quy định:

Khoản 5, Điều 11 của Dự thảo quy định một trong các quyền của người sử dụng lao động là “tố cáo” về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

9.2. Kiến nghị:

Cần sửa lại theo hướng chính xác hơn về quyền tố cáo.

9.4. Lý do:

Chỉ cá nhân mới có quyền tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018. Hầu hết người sử dụng lao động là pháp nhân, nên không có quyền tố cáo, mà chỉ người đại diện theo pháp luật của pháp nhân mới có quyền này.

10. Về Quyền và trách nhiệm của công đoàn (Điều 13):

10.1. Quy định:

Điều 13 của Dự thảo quy định về quyền và trách nhiệm của công đoàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

10.2. Kiến nghị:

Cần xem xét quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động, chứ không chỉ của công đoàn.

10.3. Lý do:

Khoản 3 Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”.

11. Về tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (khoản 1 và 2, Điều 20):

11.1. Quy định:

Điểm a, khoản 1, Điều 20 của Dự thảo quy định, người “đủ 75 tuổi trở lên” được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Khoản 2, Điều 20 của Dự thảo quy định, người “đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi” cũng có thể được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

11.2. Kiến nghị:

Sửa lại cách quy định độ tuổi ở khoản 2 “đến dưới 75 tuổi” thành “đến chưa đủ 75 tuổi”.

11.3. Lý do:

Viết như Dự thảo thì người dưới 75 tuổi có thể được hưởng trợ cấp, nhưng người đã đủ 74 tuổi, tức bước sang tuối 75, mà chưa đủ 75 tuổi thì lại không được hưởng (bỏ sót mất 1 năm ở độ tuổi 75).

11.4. Tương tự:

Tương tự vấn đề như trên là khoản 1 Điều 45 của Dự thảo quy định “con dưới 03 tuổi” và “con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi”. Như vậy con từ 03 tuổi (tức qua thời điểm đủ 02 tuổi) đến đủ 03 tuổi (bước sang 04 tuổi) sẽ bị loại trừ.

12. Về chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội (các Điều 37 – 40):

12.1. Quy định:

Điều 37 quy định về “Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế”, Điều 38 quy định về “Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế “, Điều 39 quy định về “Biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc” và Điều 40 quy định về “Biện pháp xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc”.

12.2. Kiến nghị:

Cần xem xét dồn 04 điều trên thành 02 điều, quy định về chậm đóng và trốn đóng, gồm khoản 1 quy định về dấu hiệu, khoản 2 quy định về chế tài.

12.3. Lý do:

Quy định như Điều 37 và 39 của Dự thảo là thiếu rõ ràng, không hợp lý, khó hiểu, nhất là tên 2 Điều đã bao trùm nội dung của tên Điều 38 và 40.

13. Về bảo hiệm xã hội một lần (Điều 74):

13.1. Quy định:

Điều 74 Dự luật quy định về hưởng chế độ bảo hiểm một lần đối với 05 trưởng hợp sau:

Thứ nhất, đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội;

Thứ hai, ra nước ngoài để định cư;

Thứ ba, người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, lao nặng, AIDS hoặc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ Y tế;

Thứ tư, người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng;

Thứ năm, “Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm” (phương án 1) hoặc “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội” (phương án 2).

13.2. Kiến nghị:

Đề nghị xem lại 4/5 trường hợp trên, giảm thiểu trường hợp hưởng bảo hiểm một lần, ngoại trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư.

13.3. Lý do:

Thứ nhất, nguyên lý của việc cho hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần là có lợi riêng cho cả người tham gia bảo hiểm và có lợi chung cho an sinh xã hội. Vì vậy, duy nhất trường hợp ra nước ngoài để định cư thì nhà nước và xã hội không còn phải chịu trách nhiệm về an sinh xã hội, nên hợp lý. Còn toàn bộ các trường hợp còn lại được hưởng chế độ một lần cần phải được xem xét giảm thiểu và kèm theo những điều kiện khác, nhất là bảo hiểm xã hội bắt buộc;

Thứ hai, nếu chỉ có lợi cho người tham gia bảo hiểm và tạo điều kiện cho các trường hợp khó khăn được hưởng chế độ một lần thì chỉ là nhân đạo, nhân văn ngay khi cho hưởng chế độ một lần, mà sẽ là làm hại cả phần đời còn lại của họ, gây khó khăn cho an sinh xã hội của quốc gia.

Các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, lao nặng, AIDS hoặc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng; người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng;… chỉ nên cho hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu cuộc sống còn lại rất ngắn, còn nếu ốm đau, bệnh tật nặng kéo dài mà sau này không có chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng thì sẽ rất khó khăn, thậm chí trở thành tai hoạ quá lớn đối với chính bản thân họ cũng như cho thân nhân và xã hội;

Thứ ba, Nhà nước cần có cơ chế khác hỗ trợ, mà tốt nhất là đặt ra thêm chế độ bảo hiểm đặc biệt cho các trường hợp này, thay vì cơ chế cho hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời không còn được hưởng chế độ bảo hiểm hẳng tháng. Đó mới là điều đặc biệt cần thiết, vô cùng quan trọng, thực sự ý nghĩa, mang tính nhân văn và đúng với bản chất của bảo hiểm xã hội. Ít nhất cũng phải có những quy định xử lý trong trường hợp đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhưng sau một thời gian nào đó vẫn gặp khó khăn, không có nguồn thu nhập đáng kế để sinh nhai, kể cả trường hợp ra nước ngoài định cư rổi lại trở về Việt Nam định cư.

Ngoải ra, tên điều luật không chính xác. Phải là hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chứ không có khái niệm “bảo hiểm xã hội một lần”.

14. Về căn cứ để tính lương hưu (Điều 76):

14.1. Quy định:

Dự thảo đang phân chia căn cứ tính lương hưu, trợ cấp một lần theo đối tượng chỉ hưởng lương theo quy định của Nhà nước và các đối tượng khác.

14.2. Kiến nghị:

Cần phải thay đổi hoàn toàn quy định trên.

14.3. Lý do:

Cách thực hiện nhiều năm nay cũng như dự thảo là rất vô lý, ít nhất ở 02 khía cạnh sau:

Thứ nhất, tạo ra sự mất công bằng giữa các đối tượng và các thành phần kinh tế khác nhau, nhất là trường hợp chỉ có một thời gian rất ngắn không hưởng chế độ lương do Nhà nước quy định;

Thứ hai, người hưởng hưu trí có thể đóng bảo hiểm từ 15 năm đến 45 năm (trường hợp nữ đủ 15 tuổi đi làm, đủ 62 tuổi nghỉ hưu, chưa kể nam 65 tuổi nghỉ hưu, ngoại lệ một số chức danh đặc biệt có thể trên 70, thậm chí trên 80 tuổi mới nghỉ hưu). Tính lương hưu trên cơ sở bình quân toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm, thì có thể dẫn đến tình trạng nếu đã đủ thời gian được hưởng mức lương hưu cao nhất, thì càng đóng góp nhiều lại càng thiệt. Vì nhìn chung trong cả cuộc đời đi làm và đóng bảo hiểm, thường thì thời kỳ gần với lúc nghỉ hưu mức lương và đòng bảo hiểm cao hơn.

So sánh 02 trường hợp có mức đóng bảo hiểm bằng nhau trong 30 năm cuối trước khi nghỉ hưu, người chỉ đóng đủ 30 năm thì được hưởng chế độ với mức tối đa 75% (Điều 70). Trong khi người đóng nhiều hơn 30 năm, có thể là 35 – 40 năm, thậm chí có thể lên đến 45 năm thì lại bị hưởng mức lương hưu thấp hơn vì bình quân đóng góp thường sẽ thấp hơn. Thực ra, người có “thừa” số năm để hưởng mức bảo hiểm cao nhất được trợ cấp thêm quyền lợi không đáng kể, từ 0,5 đến 2 tháng lương. Đó là một cách tính rất vô lý mà vẫn cứ duy trì nhiều năm nay, lại còn không được sửa đổi trong Dự luật này;

Thứ ba, quy định này trái với lẽ thường và nguyên tắc cơ bản rõ ràng nhất. Từ đó cần xem lại các nguyên tắc tại Điều 6 của Dự thảo càng không thấy đó là những nguyên tắc thực sự (trong khi Điều 7 còn có những quy định mang tính nguyên tắc hơn).

Nơi nhận:

–   Như trên;

–   Lưu: VT.

(3.983)

 

Công ty Luật ANVI

Giám đốc

 

 

                                                

Luật sư Trương Thanh Đức

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,930