(NLĐ) – Thường thiếu vốn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động giao thương quốc tế và đặc thù sử dụng tiền mặt khiến Việt Nam trở thành mục tiêu của tội phạm tài chính quốc tế.
Vụ tỉnh Tiền Giang vừa từ chối gói viện trợ 10 tỉ USD của Tập đoàn Diamond Access do một Việt kiều được ủy quyền cho thấy những chiếc bẫy vay vốn nước ngoài lúc nào cũng giăng sẵn.
Từ đầu quý II/2013 đến nay, nhiều địa phương đồng loạt đưa ra khuyến cáo về hiện tượng lừa đảo vay vốn ngoại thông qua cầu nối chủ yếu là các cá nhân có vỏ bọc Việt kiều, các tổ chức hoặc thương nhân nước ngoài.
Liên tục cảnh báo
Tháng 5-2013, UBND tỉnh Đắk Lắk có công văn gửi các sở, ban ngành, hiệp hội trong tỉnh về việc thông tin liên quan đến các khoản chào vay vốn nước ngoài. Công văn nêu rõ gần đây có một số người Việt Nam, Việt kiều, người nước ngoài tự nhận là đại diện một số tổ chức tài chính quốc tế hoặc được ủy quyền liên hệ với Bộ Tài chính, Ngân hàng (NH) Nhà nước, UBND tỉnh, doanh nghiệp (DN) nhà nước làm môi giới vay vốn nước ngoài để thực hiện các dự án. Các cá nhân, tổ chức này có tư cách pháp nhân không rõ ràng, không chứng minh được năng lực tài chính, nguồn gốc vốn cho vay, có dấu hiệu lừa đảo, rửa tiền.
Tháng 6-2013, UBND TP Hội An cũng có văn bản cảnh báo về lời chào vay vốn nước ngoài. Vì trước đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xuất hiện một số đối tượng tự nhận là đại diện Tổ chức Môi trường xanh thế giới liên hệ muốn hỗ trợ không hoàn lại khoản tiền hơn 1.114 tỉ đồng cho dự án trồng rừng của Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Điều kiện để tiếp nhận khoản hỗ trợ này là lãnh đạo địa phương phải cung cấp hồ sơ dự án và ký hợp đồng cam kết trả hoa hồng môi giới hơn 48 tỉ đồng. Công an tỉnh Quảng Nam đã xác minh và khẳng định không có tổ chức nào mang tên Tổ chức Môi trường xanh thế giới; các cá nhân đứng ra chào mời vay vốn có nhân thân, lai lịch không rõ ràng…
Văn bản cảnh báo của một số địa phương về việc vay vốn nước ngoài Ảnh: Minh Sơn – Tư liệu
Trước đó, nhiều địa phương rộ lên thông tin có nguồn vốn khủng của các tổ chức phi chính phủ tài trợ cho các dự án phát quang, dự án trồng rừng để giảm nghèo cho các tỉnh miền núi khó khăn. Bộ Tài chính cũng nhận được một số hồ sơ đề nghị vay vốn cho “Dự án phát quang”, “Dự án trồng rừng” của các tổ chức, cá nhân gửi đến. Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời chính thức cho các cá nhân, tổ chức với nội dung Chính phủ không có dự án nào và cũng không có nguồn vốn nào dành cho mục đích phát quang, trồng rừng. Đồng thời đề nghị các địa phương nâng cao cảnh giác…
Chiêu cũ, vẫn lừa được
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch CLB Pháp chế NH -Hiệp hội NH, cho biết hiện tượng lừa đảo vay vốn ngoại đã xuất hiện từ nhiều năm nay với chiêu bài rất cũ là hứa hẹn cho vay vốn khổng lồ với lãi suất rẻ như biếu không. Điều kiện giải ngân chỉ cần có bảo lãnh của cơ quan Chính phủ hoặc của NH thương mại. Dễ dàng hơn, có tổ chức, cá nhân chỉ yêu cầu bên vay vốn ký cam kết “lại quả” tiền môi giới hoặc chi trước khoản tiền “chạy” dự án. Thế nhưng, ở bất cứ thời điểm nào cũng vẫn có những nạn nhân mới sập bẫy.
Tháng 11-2011, Cơ quan CSĐT (PC46) Công an Hà Nội đã bắt tạm giam “siêu lừa” vốn ngoại Nguyễn Thị Hiền, 56 tuổi. Thành lập Công ty CP Đầu tư phát triển Minh Nam (Hà Nội) để lấy mác doanh nhân, Nguyễn Thị Hiền tự bịa ra các mối quan hệ đặc biệt để cho thấy mình là cầu nối tiếp cận các nguồn vốn vay phi chính phủ “khủng” để tài trợ các dự án nhân đạo. Mỗi địa phương có thể được chấp nhận vài dự án với quy mô 30-50 tỉ đồng, ưu tiên cho các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại nặng nề sau chiến tranh. Muốn nhận tài trợ, các tổ chức, cá nhân phải có dự án do Công ty Minh Nam viết, chi phí là 60 triệu đồng, tiền quà cáp thêm 20-30 triệu đồng và chi phí thẩm định là 5-10 triệu đồng/dự án… Thực chất, các bộ hồ sơ dự án đều giống nhau vì được photocopy từ một bản mẫu, chỉ khác ngày và tên dự án, DN vay vốn. Hàng chục DN đã sập bẫy “siêu lừa” Nguyễn Thị Hiền.
Năm 2010, Công an TP Hà Nội đã bắt khẩn cấp Hoàng Ánh về hành vi giả mạo giấy tờ cho vay vốn nước ngoài. Thủ đoạn của Hoàng Ánh rất tinh vi. Khi tiếp cận các DN khát vốn, Hoàng Ánh trưng ra giấy xác nhận Công ty Hợp Lực có 30 triệu USD gửi tại Deutsche Bank (Dubai). Hoàng Ánh còn cho đối tác xem khoản đặt cọc 3 triệu USD của một DN Trung Quốc chuyển vào tài khoản của Ánh tại NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hợp đồng bán tàu trị giá hàng chục triệu USD. Do đó, có doanh nhân đã vội vàng đưa Ánh gần 3 tỉ đồng để “chạy” dự án tài trợ của một tổ chức Hồi giáo Malaysia cho mục đích xây nhà máy giấy ở Việt Nam với quy mô gói tài trợ 30 triệu USD…
Chỉ với các chứng từ bằng tiếng Anh với nội dung được một người Philippines là ông Francisco E. De Los Santos ủy quyền sử dụng tài khoản ở các NH Việt Nam có tổng giá trị gần 300 tỉ USD, một Việt kiều Mỹ đã mở công ty riêng và ký hợp đồng cho vay vốn đối với 165 DN có tổng giá trị cho vay lên đến 433.000 tỉ đồng. Để được vay vốn, các DN Việt Nam phải trả các loại phí chiếm khoảng 15% tổng số tiền được vay và cam kết thế chấp tài sản hình thành trong tương lai… Thế rồi, các khoản lộ phí đã chi mà chờ “dài cổ” không thấy giải ngân, các nạn nhân trình báo cơ quan công an và khi có kết quả điều tra mới vỡ lẽ chủ tài khoản cùng với số tiền gần 300 tỉ USD ở 5 NH đều là ảo.
Định lừa cả Ngân hàng Nhà nước! Theo Hiệp hội NH, NH Nhà nước từng tiếp nhận không ít đề nghị cho vay vốn lãi suất rất thấp, có khoản chào vay với lãi suất chưa đến 1%/năm, thời gian ân hạn kéo dài có khi đến 40 năm. Giá trị các khoản chào vay đều có quy mô cả chục tỉ USD trở lên, thường vào khoảng 10-20 tỉ USD. Ngay cả khi “đối tác” bày binh bố trận, NH Nhà nước đều từ chối vì khi kiểm tra đã phát hiện có dấu hiệu lừa đảo hoặc không có khả năng thu xếp và cung cấp các khoản tài chính lớn như vậy. |
Kỳ tới: Buôn bán với doanh nghiệp ma
Tô Hà
—————————————-
Người Lao động 03-12-2013:
(116/1.322)