422. Bình luận Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng

Bình luận Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng

(ANVI) – Bản trình xin ý kiến Quốc hội tháng 5-2024, góp ý theo đặt hàng của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
 1. Về người nộp thuế (Điều 4):

1.1. Quy định:

Điều 4 về “Về người nộp thuế” của Dự thảo quy định người nộp thuế là tổ chức, hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, mua hàng hóa, dịch vụ.

1.2. Kiến nghị:

Cần xác định rõ ràng tư cách pháp lý của người nộp thuế là cá nhân và pháp nhân để bảo đảm về tư cách về chủ thể pháp lý.

1.3. Lý do:

Tổ chức nộp thuế phải là pháp nhân như công ty, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế khác và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân. Tổ chức không có tư cách pháp nhân thì hoặc là đơn vị phụ thuộc pháp nhân hoặc chịu trách nhiệm với tư cách cá nhân, như doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình theo quy định tại Điều 101 về “Chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân” và điều khác của Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 188 về “Doanh nghiệp tư nhân”, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các quy định liên quan của pháp luật.

2. Về Đối tượng không chịu thuế (Điều 5):

2.1. Quy định:

Điều 5 về “Đối tượng không chịu thuế” của Dự thảo quy định 26 nhóm đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

2.2. Kiến nghị:

Đề nghị bổ sung “Dịch vụ pháp lý” không chịu thuế giá trị gia tăng

2.3. Lý do:

Thứ nhất, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tuân thủ pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống để hiện thực hoá chủ trương lớn từ tước đến nay của Đảng và Nhà nước là sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; thực hiện có hiệu quả Luật Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012;

Thứ hai, giảm chi phí thực hiện, tuân thủ, giải quyết tranh chấp, giảm bớt khó khăn cho người dân và giảm giá thành cho doanh nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, pháp luật đã có nhiều quy định hỗ trợ và liên quan như sau:

(1) Các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 05/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012);

(2) Các Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 và Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoại 2010 – 2014 và giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”;

(3) Các Trung tâm trọng tài thương mại theo Luật Trọng tài Thương mại năm 2010.

Thứ ba, đây là một dịch vụ đặc biệt mà trong một số trường hợp Ngân sách Nhà nước phải chi trả thù lao cho Luật sư bảo chữa được chỉ định để bào chữa cho bị can, bị cáo theo quy định tại Điều 76 về “Chỉ định người bào chữa”, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; chi trả thù lao cho cộng tác viên pháp lý trợ giúp pháp lý được quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, trong đó có các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thuộc các Sở Tư pháp;

Thứ tư, thúc đẩy phát triển dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), nhất là lĩnh vực này hầu như không có chi phí để khấu trừ VAT đầu vào, trong khi nguồn thu từ dịch vụ này không lớn, không ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu ngân sách.

3. Về Thuế suất (Điều 8):

3.1. Quy định:

Khoản 3, Điều 8 về “Thuế suất”, Dự thảo quy định “Mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.

3.2. Kiến nghị:

Xem xét giảm thuế suất đa số các hàng hoá, dịch vụ xuống 05% – 08% (trong đó có dịch vụ pháp lý, nếu không được miễn thuế).

3.3. Lý do:

Thứ nhất, giảm thu thuế từ giao dịch, tăng thu thừ lợi nhuận mới là nguồn thu hợp lý;

Thứ hai, nguyên tắc thu phần giá trị gia tăng, nên phần lớn được khấu trừ, do vậy trường hợp không được khấu trừ hoặc chỉ được khấu trừ ít thì công bằng và hợp lý hơn, đồng thời giảm thiểu tình trạng trốn thuế, lách thuế do thuế suất cao;

Thứ hai, qua 03 lần, chuẩn bị lần thứ tư giảm thuế VAT từ 10% xuống 08%, cho thấy kết quả rất tốt, mà không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

4. Về Hoá đơn, chứng từ (Điều 16):

4.1. Quy định:

Điều 16 về “Hoá đơn, chứng từ” của Dự thảo quy định mang tính nguyên tắc về hoá đơn, chứng từ

4.2. Kiến nghị:

Cần luật hoá Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ “Quy định về hóa đơn, chứng từ” (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 41/2022/NĐ-CP ngày 20/6/2022)

4.3. Lý do:

Đây là vấn đề rất quan trọng của pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế và quyền, nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp. Các Nghị định về vấn đề này cũng đã được ban hành nhiều lần và thực hiện nhiều năm.

5. Vấn đề khác

5.1. Quy định:

Còn nhiều nội dung giao cho Nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

5.2. Kiến nghị:

Quy định cụ thể, chi tiết trong Luật, giảm thiểu nội dung phải quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

5.3. Lý do:

Luật này cũng như các nghị định, thông tư đã được xây dựng, sửa đổi nhiều lần và thực hiện trong nhiều năm, về cơ bản đã được kiểm nghiệm. Nên cần quy định cụ thể, chi tiết để bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế được luật hoá, thuận tiện cho việc theo dõi, thực hiện, tránh thay đổi quá nhiều bằng các văn bản dưới luật.

Nơi nhận:

–   Như trên;

–   Lưu: VT.

(1.142)

 CÔNG TY LUẬT ANVI

Giám đốc

 

 

                                                           

Luật sư Trương Thanh Đức

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.413. "Nợ xấu ngân hàng tiếp tục bị che mờ...

"Nợ xấu ngân hàng tiếp tục bị che mờ nếu gia hạn Thông tư 02". (VNF)...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,538