422. Khổ vì đầu tư “tù mù”

(TBNH) – Theo Ths. Nguyễn Thị Phương Luyến, NĐT cần nâng cao trình độ kiến thức về đầu tư, thận trọng trước khi quyết định bỏ vốn. Khi hiểu biết về đầu tư, các NĐT sẽ không bỏ vốn vào công ty có khả năng quản trị yếu kém, không tuân thủ pháp luật. Như vậy, những công ty này khó huy động vốn và có thể sẽ bị đào thải dần trong quá trình cạnh tranh.

Chơi trò ém thông tin

Trong kinh tế học, phi đối xứng thông tin là trạng thái mà ở đó, các chủ thể giao dịch có mức độ nắm giữ thông tin không ngang nhau, theo Wikipedia. Điều này đang được nhiều lãnh đạo DN vận dụng với các cổ đông của chính DN mình. Theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư (NĐT) đến TBNH, tình trạng công ty đại chúng vi phạm công bố thông tin theo quy định của pháp luật chứng khoán đang diễn ra khá nhiều, trên các lĩnh vực khác nhau.


NĐT đau đầu vì thông tin chậm trễ

Trong lĩnh vực khai khoáng, NĐT Bùi Thị Mai Vân (Hà Nội) phản ánh, bà mua cổ phần của ba công ty rất lớn, với vốn pháp định hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, suốt nhiều năm nay, ba công ty này không hề đăng ký đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và không lập trang web, không công bố thông tin gì. Đã mấy năm qua, các cổ đông như bà Vân nhiều lần góp ý với công ty nhưng không có biến chuyển. Thậm chí, thành viên HĐQT còn thách thức cổ đông đi kiện. Đặc biệt, có công ty đã hơn 6 năm nhưng liên tục báo lỗ, không chia cổ tức cho cổ đông.

Ở lĩnh vực du lịch, NĐT Phạm Cao Thái mua cổ phần của một DN đăng ký kinh doanh tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng phản ánh, đây là công ty quy mô lớn với 356 cổ đông, có vốn điều lệ khoảng 186,5 tỷ đồng. Công ty đã cổ phần hóa hơn 7 năm nay nhưng vẫn chưa ra niêm yết và hoạt động kém minh bạch. Cổ tức trung bình 7 năm qua chỉ đạt 1%/năm, trong khi nhiều công ty khác hoạt động cùng ngành đạt cổ tức rất cao, như Công ty Du lịch Hội An năm 2012 chia cổ tức tiền mặt tới 27%, Công ty Cáp treo núi Bà Tây Ninh cùng năm chia cổ tức tiền mặt tới 70%…

Không những thế, việc công bố thông tin của công ty mà ông Thái mua cổ phần rất thiếu nên NĐT gặp khó khăn trong việc kiểm soát hiệu quả hoạt động của DN.

“Vừa qua, các NĐT tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã liên kết với nhau và chất vấn công ty về một số mập mờ trong báo cáo kiểm toán năm 2012 mà cơ quan kiểm toán đã nêu ý kiến ngoại trừ, về việc công ty chưa trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính đối với các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết; chưa trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với một số khoản nợ quá hạn. Tuy nhiên, vị giám đốc lại giải thích rằng, công ty không trích lập dự phòng theo quy định vì cho rằng không cần thiết…”, ông Thái phản ánh.

Cũng mới đây, TBNH còn nhận được đơn phản ánh của NĐT Nguyễn Anh Đức (TP. Hồ Chí Minh), người đang sở hữu 10 nghìn cổ phần của công ty du lịch nói trên. Ông Đức cho biết, DN này đã có hàng loạt vi phạm khiến rất nhiều cổ đông bức xúc như nhiều năm liền có kết quả kinh doanh kém, từ năm 2010 đến nay chỉ chia cổ tức 2%/năm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc không được đại hội đồng cổ đông thông qua, giảm vốn điều lệ nhưng không công bố thông tin theo quy định…

NĐT Phạm Thị Minh Hiền, cổ đông một DN ngành du lịch có trụ sở tại tỉnh Tây Ninh cũng phản ánh, Luật Doanh nghiệp đã quy định, tối đa 4 tháng sau khi kết thúc năm tài chính, DN phải tổ chức đại hội cổ đông thường niên để thông qua kết quả sản xuất kinh doanh năm cũ và lấy ý kiến về kế hoạch kinh doanh năm mới, đồng thời quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác. Thế nhưng đã sang quý IV/2013, công ty này vẫn chưa tiến hành đại hội cổ đông thường niên.

“Hài hước nhất là năm 2010, ngày 31/12/2010 công ty mới tổ chức đại hội cổ đông thường niên để thông qua kế hoạch kinh doanh năm đó… Các cổ đông chúng tôi rất bức xúc trước thái độ coi thường pháp luật, coi thường cổ đông của ban lãnh đạo công ty”, bà Hiền bày tỏ.

Cổ đông nên làm gì?

Theo các chuyên gia, việc xuất hiện hàng loạt những mâu thuẫn, bức xúc phát sinh giữa cổ đông và lãnh đạo DN cho thấy, bức tranh của một nền kinh tế yếu, DN làm ăn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất kinh doanh không có lãi nên hàng loạt các tranh chấp phát sinh. DN vi phạm công bố thông tin cũng là một trong những hệ quả.

Mổ xẻ nguyên nhân sâu xa hơn, một chuyên gia phân tích, quyền chủ động đang nằm trong tay ban lãnh đạo DN và những cổ đông lớn. Họ hoàn toàn có khả năng điều tiết lợi nhuận của DN. Nếu DN gặp khó khăn, thông thường họ sẽ đẩy rủi ro sang cổ đông nhỏ bằng cách điều chuyển lợi nhuận từ chỗ nọ sang chỗ kia, hoặc chuyển giá sang DN sân sau… “Cứ khi gặp khó khăn, DN thường bảo vệ cổ đông lớn đầu tiên…”, chuyên gia nói trên phân tích.

Từ thực trạng trên, Ths. Nguyễn Thị Phương Luyến, Phó chủ nhiệm bộ môn Chứng khoán (Học viện Ngân hàng) cho rằng, trình độ quản trị tại các DN đề cập và các DN sau cổ phần hóa ở Việt Nam còn rất yếu kém. Chấp hành luật pháp là yêu cầu hàng đầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng DN đã không thực hiện. Về phía NĐT, có lẽ cũng do trình độ hạn chế, chưa tìm hiểu kỹ về cơ hội đã đầu tư. Chắc chắn, nếu họ biết tình hình quản lý DN như vậy đã không mua cổ phần.

“Điều này cho thấy, chế tài xử phạt của các văn bản pháp luật chưa đủ mạnh và vấn đề thanh tra, giám sát thực thi các quy định của pháp luật chưa hiệu quả”, bà Luyến nêu vấn đề.

Để bảo vệ quyền lợi NĐT, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, các cổ đông hoàn toàn có thể thực hiện quyền triệu tập đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Theo đó, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng, hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn nếu được quy định tại điều lệ công ty, có quyền yêu cầu triệu tập họp đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp: hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý, hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao…

Tuy nhiên, việc làm này gần như vô nghĩa bởi dù có liên kết được nhóm cổ đông sở hữu trên 10% thì cũng không giải quyết được vấn đề bức xúc, hay thay đổi ban lãnh đạo. Bởi các quyết định quan trọng phải được đại hội cổ đông biểu quyết thông qua, theo tỷ lệ đa số. “10% cổ đông dù có yêu cầu đại hội cũng không giải quyết được vấn đề mà chỉ gây lãng phí, tốn kém. Nên tốt nhất là tìm cách thoái dần số cổ phần này để chuyển dòng tiền sang những công ty niêm yết, minh bạch thông tin hơn…”, ông Đức khuyến cáo.

Chọn DN niêm yết, cổ đông lớn là các quỹ

Đầu tư chứng khoán khác hẳn mua hàng hóa trên thị trường. Vì, hàng hóa thông thường có giá trị nhất định, còn ở đây là mua lời hứa, niềm tin. NĐT nên chọn DN niêm yết trên hai sở giao dịch. Khi đó, việc công bố thông tin được minh bạch hơn. Cũng không phải tất cả NĐT đều có khả năng đọc được báo cáo tài chính của DN, nên tốt nhất là chọn đầu tư vào DN đó có cổ đông lớn là quỹ đầu tư chứng khoán trong nước hoặc nước ngoài. Một khi các quỹ này đã để ý đến DN nào thì DN đó đã lọt qua được rất nhiều vòng kiểm tra sức khỏe, uy tín ban lãnh đạo…

Ông Nguyễn Tuấn, Phó ban Tư vấn đầu tư (CTCP Chứng khoán An Bình)

Cần lập “đường dây nóng” bảo vệ NĐT

NĐT cần nâng cao trình độ kiến thức về đầu tư, thận trọng trước khi quyết định bỏ vốn. Khi hiểu biết về đầu tư, các NĐT sẽ không bỏ vốn vào công ty có khả năng quản trị yếu kém, không tuân thủ pháp luật. Như vậy, những công ty này khó huy động vốn và có thể sẽ bị đào thải dần trong quá trình cạnh tranh. Song, trong bối cảnh như hiện nay, phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường thanh tra, giám sát bằng các hình thức. Đặc biệt, có thể thiết lập đường dây nóng để xử lý kịp thời các vụ việc, bảo vệ quyền lợi NĐT.

Ths. Nguyễn Thị Phương Luyến

Nhóm PV

—————————————————————————-

Thời báo Ngân hàng 06-12-2013 (Mục Chứng khoán):

http://thoibaonganhang.vn/index.php/tin-tuc/4-kho-vi-dau-tu-tu-mu-15202.html

(242/1699)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,582