423. Bình luận về chính sách và giải pháp quản lý thị trường vàng

Bình luận về chính sách và giải pháp quản lý thị trường vàng

(ANVI) – Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại Hội nghị do NHNN tổ chức ngày 09-6-2024 tại 49 Lý Thái Tổ.

quản lý thị trường vàng

1. Tiếp cận vấn đề:

1.1. Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất thế giới, vì chuyện vàng, đô thế giới nó không khó khăn đặc thù, phức tạp như ta. Trước đây, cái khó của Ngân hàng Nhà nước đúng chất ngân hàng, đó là lãi suất và tỷ giá, thì bấy giờ lại khó ở cái phi ngân hàng, tăng trưởng và giá vàng. Quá khó thì phải dùng cả võ lẫn văn.

1.2. Sáng qua tôi vừa nghe bác Lê Doãn Hợp nhắc lại bài học đáng giá nhất và tâm đắc nhất mà bác ấy nhận được từ người tiền nhiệm: Cái gì có lợi cho dân cho nước thì cứ lẳng lặng mà làm. Cái gì chưa muốn làm thì cứ đưa ra bàn. Lần thứ n họp bàn về vàng và về việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP rồi, rất có thể chốt một số vấn đề theo hướng lẳng lặng mà làm, không giống chuyện khác.

2. Xác định mục tiêu:

2.1. Thực sự mục tiêu quan trọng, sâu xa là gì, muốn gì? Cho tự do kinh doanh vàng phi trang sức hay thắt chặt? Khuyến khích hay không khuyến khích tích trữ vàng? Chưa thấy hoặc chưa rõ. Theo tôi, cần theo hướng không khuyến khích thị trường vàng, nhưng cần xử lý bằng giải pháp kinh tế và tinh tế, trên thì hài lòng Chính phủ, dưới thì thoả mãn lòng dân và giữa thì người không mua, chẳng bán là các chuyên gia ngồi đây đồng tình.

2.2. Hướng là tự do hoá ngoài thị trường nhưng kiên quyết không khuyến khích tích trữ, giao dịch. Chẳng hạn đánh thuế nhập khẩu 20%, đánh thuế VAT 10% trên giá bán, bằng dịch vụ ngân hàng hay dịch vụ tư vấn pháp luật chẳng hạn.

3. Việc bình ổn giá:

3.1. Bình ổn giá có cần không? Không cần. Không thể bình ổn thứ nằm ngoài khả năng và cũng nằm ngoài quy định của pháp luật. Phải chấp nhận giá lên xuống, trôi nổi. Bình ổn lúc này chỉ là tình thế bắt buộc cực chẳng đã. Mà muốn bình ổn thì ngoài việc bán quan trọng không kém là không hạn chế bằng lượng mua, vì như thế là tác dụng ngược, tạo ra tâm lý khan hiếm càng đua mua.

3.2. Không có cơ sở pháp lý để lên án việc đầu cơ, tích trữ. Tức không hạn chế bằng biện pháp hành chính được. Nếu đi theo hướng này sợ rằng càng làm cho thị trường căng thẳng hơn. Việc chỉ được mua 1 lượng là giải pháp tình thế cần sớm có cách ứng phó với tác dụng ngược, cái gì bị ngăn cấm là hấp dẫn.

4. Việc của Nhà nước:

4.1. Theo tôi là xoá bỏ điều kiện kinh doanh vàng miếng SJC, vì bản chất vàng nhẫn không khác gì vàng miếng. Chính việc phân biệt đối xử, phân biệt hoàn toàn khác nhau giữa vàng miếng SJC và vàng còn lại, đã tạo gia chênh lệch giá và ngày càng làm phức tạp tình hình. Về thị trường vàng thì cơ bản là phải buông, nhưng phải chống vàng hoá. Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực như luật & rất thành công, tuy nhiên kéo dài việc xiết chặt vàng miếng trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP là một sự sai lầm. Một ưu điểm mà cứ kéo dài mãi thì khéo thành khuyết điểm. Chống vàng hoá bằng cách cần tiếp tục xiết rất chặt, rất mạnh những gì ảnh hưởng và liên quan đến ngành Ngân hàng, đến an ninh tiền tệ, ổn định giá trị VND.

4.2. Đến hôm nay, có 2 hệ thống pháp luật khác nhau về vàng trong và ngoài ngành Ngân hàng. Ngoài hệ thống ngân hàng chỉ cấm duy nhất thanh toán bằng vàng, còn lại là kinh doanh có điều kiện.

4.3. Trong hệ thống Ngân hàng thì đang và vẫn cần tiếp tục cấm thanh toán, cấm huy động, cấm cho vay vàng. Thậm chí cần xem xét cấm thêm, như cầm cố tại ngân hàng hay không? Ngược lại, cần xem xét bỏ quy định cấm vay vốn để mua vàng miếng hay không?

4.4. Vấn đề muôn thuở của thị trường là bài toán cung cầu. Nhưng với vàng, vấn đề cốt lõi cần xử lý cung cầu, là giảm cầu, chứ không phải tăng cung.

5. Việc của Ngân hàng Nhà nước:

5.1. Ngân hàng Nhà nước cần thuyết phục Chính phủ rằng, cứ để giá vàng lên thật cao rồi nó sập, để nó trồi sụt thật thất thường, khó lường, giảm thiểu can thiệp, để dân sợ rủi ro, không muốn tích trữ nhiều. Cái này cứ làm mà không cần nói.

5.2. Trước mắt, trong một vài tuần tới, giải quyết vấn đề cung cầu vẫn làm nhưng là phụ, không nên giảm sốc, giảm nhiều, cái chính là trấn an tâm lý. Vì giải quyết cung cầu thì không biết bao nhiêu tấn vàng mới đủ bù vào cơn khát vàng, nghiện vàng, say vàng và tâm lý sùng bái vàng. Giải quyết cung cầu bằng giải quyết tâm lý không mua, bớt mua, giảm mua, mua càng ít càng tốt. Ví dụ cung cấp thông tin Ngân hàng Nhà nước lấy vàng đáu ra để bán và khả năng cung ứng đến đâu? Nếu không nói được thì phải tính cách khác. Đồng thời, ngay lúc này cần tính tới kịch bản chấp nhận hay xử lý thế nào với tình huống bán hết vàng, giá lại tăng lên, thậm chí cao hơn trước khi bán vàng bình ổn?

5.3. Tóm lại, Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý vàng ngoại hối theo đúng Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, còn lại quy định gì đó của Luật Đầu tư không phải là việc của Ngân hàng Nhà nước. Điều này cũng tương tự như hoạt động in, đúc tiền là việc của Ngân hàng Nhà nước, không phải là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhưng đã bị đưa nhầm vào Luật Đầu tư 2014, nên đã phải xoá bỏ khỏi Luật Đầu tư 2020.

5.4. Do đó việc của Ngân hàng Nhà nước là: Không mua bán vàng, không bình ổn giá vàng, không quản lý chất lượng vàng, bỏ việc quản lý vàng miếng, đồng thời hạn chế tối đa việc kinh doanh và giao dịch vàng, bất kể vàng gì, qua hệ thống ngân hàng thương mại. Buông cái gì thuộc về thị trường, xiết cái gì thuộc về ngân hàng./.

—————————-

Hà Nội, ngày 09-6-2024

Luật sư Trương Thanh Đức 

Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC

(1.135)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.413. "Nợ xấu ngân hàng tiếp tục bị che mờ...

"Nợ xấu ngân hàng tiếp tục bị che mờ nếu gia hạn Thông tư 02". (VNF)...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,537