(DN&PL) – Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng đang có những diễn biến vô cùng phức tạp và trở thành “bạo bệnh” của ngành Ngân hàng. Cuộc chiến với tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng trở nên khó khăn bội phần. Do vậy, muốn “trị bệnh” cho các nhà băng thì phải hết sức từ từ và bình tĩnh.
Kiện toàn hệ thống nhân sự, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho các cán bộ, nhân viên của Ngân hàng là một điều cấp thiết cần thực hiện ngay. Trong các con số đã thống kê của các cơ quan chức năng thì chiếm tới 80% các vụ án, bị can, bị cáo là cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng. Họ lợi dụng những sơ hở của pháp luật, hoặc có thể chấp nhận vi phạm pháp luật để thực hiện các hành vi bất chính và đặt Ngân hàng vào rủi ro. Theo tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, vấn đề rủi ro đạo đức trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang trở nên đáng báo động. Bởi lẽ, khi kinh tế khó khăn thì rủi ro đạo đức, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng sẽ ngày càng gia tăng.
Nâng cấp, cải tiến hệ thống bảo mật thông tin cho khách hàng. Một thực tế hiện nay đó là các loại tội phạm sử dụng công nghệ tinh vi từ nước ngoài đang thi nhau đổ bộ vào Việt Nam, sử dụng công nghệ đánh cắp thông tin, tài khoản khách hàng nhằm “rút lõi” các cây ATM, các tài khoản ngân hàng… Các ngân hàng hiện nay vẫn đang đối phó với tình hình này theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Tức là khi nào xảy ra thiệt hại cho khách hàng, lúc đó mới chạy đi tìm vá các lỗ hổng hệ thống. Điều này đã dẫn đến một hậu quả tai hại tiền thì khách hàng mất, còn tật thì Ngân hàng mang.
Trao đổi thông tin, công bố các rủi ro của hệ thống tín dụng của các Ngân hàng là một điều mà các Ngân hàng nên làm thường xuyên. Thực tế cho thấy, chính vì sự bưng bít thông tin rủi ro mà hầu hết các Ngân hàng đều bị tội phạm đục khoét với cùng một kịch bản. Do vậy, càng công bố các rủi ro sớm bao nhiêu thì Ngân hàng sẽ phòng tránh được sớm bấy nhiêu, đồng thời, xét trên góc độ xã hội, việc Ngân hàng công bố các rủi ro tín dụng do bị tội phạm tấn công sẽ càng làm tăng sự tin tưởng của khách hàng. Vì điều này cho thấy rõ việc Ngân hàng luôn muốn hướng tới việc hạn chế rủi ro cho khách hàng.
Kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật và các nguyên tắc, quy trình, thủ tục: Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng thì “Tình trạng gian lận, lừa đảo tràn lan, khủng khiếp. Vì vậy, nếu Ngân hàng mà làm ẩu, làm dối thì sớm không tù, muộn cũng tội. Tràn lan cái giả, mà chúng ta lại làm ẩu nữa, thì ẩu giả gặp nhau, không dính đau mới tài. Quá nhiều cái gian, mà chúng ta lại làm dối nữa, thì gian dối chập nhau, không chết mau mới lạ!”
Phòng ngừa rủi ro từ tội phạm ngân hàng luôn là điều mà các Ngân hàng quan tâm. Tuy nhiên, đấu tranh với tội phạm ngân hàng không chỉ phụ thuộc vào Cơ quan Công an mà điều cốt yếu là xuất phát từ chính Ngân hàng. Thái độ chủ động đối phó với các loại tội phạm ngân hàng sẽ giúp Ngân hàng hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn hơn cho khách hàng.
Nguyễn Thành An
—————————————————
Doanh nhân & Pháp luật 20-11-2013:
(85/688)