427. Gia tăng tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng:

(CAND) – Chủ động phòng chống hành vi phạm tội từ trong nội bộ và ngoài ngành Ngân hàng

Bên cạnh những “điểm nghẽn” như nợ xấu, sở hữu chéo… thì hệ thống ngân hàng (NH) cũng đang phải đối mặt với một nỗi lo khác. Đó là việc gia tăng các loại tội phạm trong lĩnh vực NH, bao gồm cả tội phạm công nghệ cao (ngoài NH) và tội phạm ngay nội bộ các NH.

Theo thống kê của lực lượng Công an, dù chỉ chiếm 0,22% trong tổng số các vụ phạm tội nhưng mức độ thiệt hại của các vụ án trong lĩnh vực NH lại chiếm tới 60%. Điều này không chỉ gây ra thiệt hại trực tiếp tới chính lợi nhuận của NH mà còn gây ra nhiều hậu quả kinh tế rất nghiêm trọng. Có 2 hình thức tấn công chính là: tấn công từ bên ngoài (có thể đơn phương hành động hoặc câu kết với cán bộ NH) và tấn công từ bên trong (chính từ những cán bộ thoái hóa, biến chất của NH).

Trên cơ sở những vụ việc đã xảy ra, có thể thống kê một số loại tội phạm NH phổ biến như: cướp, trộm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tham ô và tội phạm làm giấy tờ giả, con dấu giả. Trong đó, nếu như tội phạm công nghệ cao làm thiệt hại về kinh tế cho các NH rất lớn thì loại tội phạm ngay trong nội bộ NH lại nguy hiểm hơn bởi mức độ tinh vi, khó phát hiện và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của NH.

Các ngân hàng cần tăng cường công tác kiểm tra nội bộ và xử lý nghiêm các sai phạm.

Điển hình trong số này có thể kể đến vụ việc Đỗ Thị Thu Thủy, nguyên trưởng quỹ kho tiền Ngân hàng Xăng dầu (PG Bank) Hải Phòng đã mua tiền âm phủ về đánh tráo tiền thật, chiếm đoạt 308.700 USD và 39.500 EUR và đã bị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hải Phòng khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam vào ngày 6/11/2013.

Trước đó là hàng loạt vụ việc vi phạm khác như vụ ông Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên) đã qua mặt cơ quan quản lý tạo ra một “ma trận” về vốn ảo với số tiền lên tới 2.400 tỷ đồng, gây thất thoát tài sản của NH và ảnh hưởng xấu đến chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước; vụ Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cho thuê tài chính II (Công ty ALCII) lợi dụng chức vụ làm thiệt hại gần 400 tỷ đồng; vụ Nguyễn Lê Việt và Nguyễn Thuý Mai ở Hà Nội bằng thủ đoạn làm đại lý thẻ ATM cho Ngân hàng ECOMBANK và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã chiếm đoạt hơn 3 tỉ đồng của 57 khách hàng…

Song song với những thiệt hại do những “con sâu” trong nội bộ các NH là sự tấn công của tội phạm công nghệ cao gây thiệt hại lớn về kinh tế cho hệ thống các NH. Điển hình trong số này có thể kể đến một số vụ việc như đối tượng Nguyễn Anh Tuấn làm giả thẻ ATM để trộm cắp tài sản tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Đắk Lắk – Đắk Nông; vụ việc 3 đối tượng Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Lượng sau khi làm giả thẻ ATM ở Việt Nam đã sang Thái Lan dùng kỹ xảo ghi chồng lên thẻ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Kỹ thương… khoảng 30 lần, rút trót lọt 14.000 USD; đối tượng Murugian người Malaysia chỉ sau 3 ngày nhập cảnh vào Việt Nam đã sử dụng tới 18 thẻ ATM rút 41 triệu đồng của ACB; đối tượng Kevin Ruggio (quốc tịch Mỹ) đã cùng với David Trần, người Mỹ, gốc Việt vào TP Hồ Chí Minh dùng thẻ tín dụng giả rút 187.000 USD từ hệ thống ngân hàng rồi trở về Mỹ và gần đây nhất là vụ việc đối tượng Đinh Xuân Lợi (Thanh Hóa), cướp sim, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng trong tài khoản của khách hàng.

Lý giải về nguyên nhân gia tăng tội phạm ngân hàng, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch CLB Pháp chế của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng: Đây là hậu quả của thời kỳ tăng trưởng nóng của cả hệ thống NH. Nay gặp tình hình kinh tế – xã hội khó khăn, kết hợp với sự lỏng lẻo của hệ thống pháp luật khiến tội phạm trong lĩnh vực này gia tăng.

Cũng theo khuyến cáo của ông Đức, để nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm, các NH cần đầu tư lắp đặt các thiết bị an ninh giám sát như camera, thẻ chip thay cho thẻ từ và thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế giám sát và quản lý, đặc biệt là vấn đề quản lý quỹ bởi lẽ thực tế cho thấy, nhiệm vụ kiểm quỹ phải làm hằng ngày nhưng nay, tại nhiều NH, chỉ kiểm lấy lệ, kho quỹ cũng không đóng/mở theo quy trình mà mở luôn cả ngày để tiện xuất/nhập tiền mặt.

Qua những lần thanh tra, đoàn thanh tra còn bắt gặp nhân viên “để quên” cả tập biên bản kiểm quỹ giống hệt nhau được photocopy sẵn để trong hồ sơ, chỉ cần điền ngày tháng. “Kiểm quỹ dễ dãi như vậy thì đối với NH tồn quỹ nhiều có thể vênh đến hàng chục tỉ đồng, dễ khiến nhân viên nảy sinh lòng tham”- luật sư Trương Thanh Đức nói.

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Huy Thọ- cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN cho rằng: Một trong những nguyên nhân gia tăng tội phạm trong lĩnh vực NH là do đạo đức của một bộ phận cán bộ NH xuống cấp, năng lực yếu kém, quản lý, quản trị kém, thiếu chiến lược kinh doanh; một số NH chưa chủ động phát hiện hành vi tham nhũng trong nội bộ NH; rất ít vụ án được phát hiện, xử lý từ trong nội bộ tổ chức tín dụng, NH. Đồng thời, hoạt động của hệ thống kiểm soát – kiểm toán nội bộ còn hạn chế; thậm chí hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

Đề xuất các biện pháp phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực NH, Đại tá Nguyễn Văn A, Cục trưởng Cục C46, Bộ Công an khẳng định: Yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất trong việc ngăn ngừa vi phạm trong hoạt động của các NH. Không ai khác, chính các NH phải kiên quyết thanh loại các cán bộ yếu kém về phẩm chất đạo đức, có chính sách khen thưởng, động viên hợp lý. Bên cạnh đó, NHNN cũng cần rà soát lại tất cả các quy trình, quy chế trong hoạt động của NHTM… để bịt các kẽ hở để cán bộ NH không thể lợi dụng lừa đảo, tham ô chiếm đoạt tiền NH. Đồng thời, cũng phải tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất, xử lý nghiêm các sai phạm, rút kinh nghiệm và nếu có dấu hiệu hình sự phải chuyển cho cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, NH nào kiểm soát nội bộ tốt thì rất ít xảy ra sai phạm.

Lệ Thúy – Huyền Thanh

——————————————-

Công an Nhân dân 26-11-2013:

http://www.cand.com.vn/vi-VN/kinhte/2013/11/215883.cand

(253/1.358)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,177