428. Tài chính vi mô: Sân chơi lớn chưa định hình

(ĐTTC) – Những hoạt động tín dụng như tổ chức các đoàn cho vay hỗ trợ người nghèo, công ty tài chính (CTTC) kết hợp nhà phân phối bán xe trả góp, hay cả những tiệm cầm đồ, chính là hình thái của tài chính vi mô (TCVM). Đã xuất hiện, vận hành từ rất lâu, nhưng hiện tại thị trường TCVM nước ta vẫn chưa được định hình rõ ràng.

Hoạt động chưa rõ nét

Theo quan điểm của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), TCVM sẽ cung cấp một phạm vi rộng các dịch vụ tài chính như tiền gửi, tài khoản tiết kiệm, thanh toán, bảo hiểm, chuyển tiền cho người nghèo hoặc các hộ gia đình có thu nhập thấp, cho những hoạt động kinh doanh cá thể hoặc doanh nghiệp rất nhỏ.

Hiện tại, chúng ta đang thấy các tổ chức TCVM chỉ chú trọng đến cho vay tiêu dùng, các công ty làm ăn tương đối bài bản, chuyên nghiệp, họ mở rộng những hoạt động quảng bá, tiếp thị rộng khắp. Nhưng mảng TCVM dành cho người lao động, người nghèo vẫn chưa phát triển tương xứng như vậy.

Th.S Đỗ Thanh Năm, 
Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược Win Win

Tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về tín dụng vi mô ở Washington, Hoa Kỳ diễn ra vào tháng 2-1997, TCVM được định nghĩa là các hoạt động có mục đích cung cấp các khoản vay quy mô nhỏ đến đối tượng người nghèo để triển khai sản xuất kinh doanh, tạo ra lợi nhuận, nâng cao chất lượng đời sống.

Căn cứ trên định nghĩa này, hợp tác xã tín dụng, hệ thống quỹ tín dụng, các hoạt động cho vay hỗ trợ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân… chính là các tổ chức TCVM. Nhưng trong suy nghĩ của nhiều người hiện nay, TCVM lại bó hẹp trong các dịch vụ của các CTTC như Prudential, Home Credit, ACS… với các sản phẩm hỗ trợ cho người tiêu dùng, mà cụ thể nhất là mua trả góp.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – VNBA), sự khác biệt này xuất phát từ hoạt động nhìn chung còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa xác lập được rõ ràng thị phần của các tổ chức TCVM.

Một người đã có thâm niên làm việc trong ngành ngân hàng đưa ra so sánh: Hiện nay, vay tiêu dùng từ ngân hàng lãi suất sẽ dao động trong khoảng 10-12%/năm, kèm theo đó phải có tài sản thế chấp. Còn vay tiêu dùng từ các CTTC và trả dần hàng tháng, tính ra lãi suất cũng phải 20%/năm, gấp đôi vay ngân hàng, nhưng thủ tục vay nhanh hơn, không cần tài sản thế chấp.

Sự khác biệt này cho thấy các ngân hàng và CTTC có thị phần riêng trong mảng cho vay tiêu dùng, không đụng nhau, những người không thể vay từ ngân hàng sẽ tìm đến CTTC. Nhưng ở đây cũng rất dễ tạo ra rủi ro là CTTC phải “hớt váng” từ thị phần của ngân hàng.

Cần giải pháp tổng thể

Chủ cửa hàng điện thoại di động Anh Khoa trên đường Hùng Vương (quận 5, TPHCM), cho biết một số khách sau khi mua điện thoại tại các shop lớn đã đến bán lại cho chị và chấp nhận chịu lỗ để lấy tiền về. Lý do không phải vì khách hàng không thích nên bán lại, mà đây là một chiêu để vay tiền từ các CTTC để mua điện thoại trước đó.

Hiện nay, thủ tục để mua trả góp khá đơn giản, chỉ cần đưa chứng minh nhân dân, hộ khẩu và trải qua khoảng từ 15 phút đến 1 ngày xét duyệt là có thể mua hàng, không cần tài sản thế chấp. Đối với những người nghèo, đang kẹt tiền thực sự, đây là cách thức rất hữu hiệu mà không mất nhiều thời gian.

Đối với họ, lãi suất trả góp dù 20% hay 25%/năm vẫn còn rẻ, bởi nếu vay nóng từ các nguồn khác lãi suất có thể lên đến 5-7,5%/tháng, tức vay 1 triệu đồng, mỗi tháng trả 50.000-75.000 đồng, quy ra lãi suất năm là 60-90%.

Việc HDBank công bố mua lại CTTC Việt Societe Generale (SGVF) hồi tháng 8 có thể là một chỉ báo dòng vốn trong nước cũng sẽ tham gia hoạt động TCVM và cạnh tranh với các đối tác ngoại trong thời gian tới. Thực chất, các tổ chức TCVM trong nước đã đạt được những thành quả nhất định trong hoạt động, trong các lĩnh vực, phân khúc khác nhau. TCVM không chỉ gói gọn trong mảng tiêu dùng mà còn rất nhiều phân khúc khác có thể khai thác triệt để.

LS. Trần Minh Hải, 
Giám đốc Công ty Luật Basi co

Cũng phải nói thêm, nếu mua xe trả góp, thường CTTC sẽ yêu cầu người mua để lại giấy đăng ký xe cho đến khi trả hết tiền, nhưng mua điện thoại di động trả góp không có gì để thế chấp nên rủi ro tăng lên gấp bội.

Ở đây, về mặt danh nghĩa, cho mua xe trả góp là hình thức cho vay tín chấp, nhưng thực ra là có thế chấp mà tài sản chính là giấy đăng ký xe. Nhưng lãi suất cho vay mua xe trả góp cũng tương đương với mua trả góp điện thoại, nên cuối cùng CTTC cho vay có tài sản thế chấp lại cũng cao ngang với tín chấp. Có thể nói đây là một điều bất hợp lý.

Đối với hoạt động TCVM của các hội, đoàn thể hiện nay, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Bái co, chỉ ra một nghịch lý: “Từ trước đến nay, tổ chức TCVM như các quỹ của hội, đoàn cho các thành viên vay vốn đã phát huy đáng kể hiệu quả trong việc xóa đói, giảm nghèo, góp phần củng cố an sinh xã hội, cải thiện cuộc sống. Các tổ chức TCVM dạng này sẽ được đưa về cho Ngân hàng Nhà nước quản lý. Nhưng vấn đề là các tiêu chuẩn, quy định được đưa ra vẫn chưa thực sự linh động. Thí dụ, nếu lấy các quy định của ngân hàng, chẳng hạn như vay tín chấp lãi suất phải cao để bù đắp rủi ro, mang áp dụng cho các tổ chức TCVM có thể bị “dội chợ”.

Trong khi đó, các tổ chức TCVM tương đối linh hoạt trong lãi suất hỗ trợ các hộ nghèo, các khoản vay cũng không có tài sản đảm bảo. Do vậy nếu áp lãi suất cao có thể khiến những người cho vay gặp rất nhiều thách thức. Nếu các tổ chức TCVM vẫn tiếp tục cho vay sẽ dẫn đến khả năng làm sai quy định”.

Thực tế hiện nay, rất nhiều tiệm cầm đồ đang hoạt động và đây cũng là một hình thái của TCVM, nhưng cơ chế quản lý lại tương đối lỏng lẻo. Như vậy, nếu quản lý các tổ chức TCVM quá chặt sẽ dẫn đến việc tạo cơ hội cho các hoạt động tín dụng mang tính tự phát xuất hiện.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng kể lại việc ông đã từng chứng kiến công nhân tại một khu công nghiệp thiếu tiền để mua gạo, đã phải đi vay mỗi lần 100.000-200.000 đồng để có bữa cơm qua ngày, đến khi có lương tháng trả lại cho chủ nợ.

Đã đến lúc cơ quan quản lý phải có một bộ phận chuyên trách, không chỉ giám sát, đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức TCVM, mà cần phải có những giải pháp mang tính định hướng, chiến lược. Thông tư 135/2013/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành mới đây đã miễn thuế trong 2 năm và giảm 50% thuế thu nhập trong 4 năm tiếp theo cho thu nhập từ hoạt động TCVM, có thể là hướng đi hợp lý.

Còn nhiều dư địa phát triển

Tại các hệ thống phân phối lớn như Nguyễn Kim, Thế giới di động, các cửa hàng bán xe gắn máy đều có sự hợp tác với CTTC để triển khai hoạt động bán trả góp. Một điểm dễ nhận thấy là hầu hết thương hiệu tài chính tiêu dùng đều là hàng ngoại, còn các đơn vị trong nước dường như vẫn chưa tham gia nhiều.

Và ngay cả giữa các thương hiệu ngoại, đây cũng mới là giai đoạn tìm kiếm, mở rộng, chưa đến lúc phải giành giật thị phần. Một người đã có nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực xe gắn máy, cho biết khi mở cửa hàng anh được đối tác Nhật Bản giới thiệu một CTTC của Nhật để hợp tác.

(54/1.887)

Mua hàng trả góp là một trong những hình thức của TCVM.

Theo đó, CTTC này sẽ đặt một quầy làm việc nhỏ tại cửa hàng của anh để tư vấn cho khách hàng. Khi khách hàng mua xe, CTTC sẽ thanh toán giá bán cộng thêm một khoản phí nhưng không lớn, cũng xem như việc thuê một phần diện tích để làm việc.

Nếu các CTTC bước vào giai đoạn cạnh tranh, tất nhiên sẽ không thoải mái được như câu chuyện kể trên, vì lúc này các công ty sẽ phải thương lượng với cả hệ thống để có thể xuất hiện mang tính độc quyền, kèm theo đó là những sự hỗ trợ mang tính chất riêng biệt.

Năm 2006, mô hình ngân hàng dành cho người nghèo Grameen của GS. Muhammad Yunus đã đoạt giải Nobel Hòa Bình, là một sự ghi nhận xứng đáng và cũng là điển hình để chúng ta có thể phát triển các hoạt động TCVM. Các tổ chức TCVM không chỉ hỗ trợ “con cá” mà cần phải hỗ trợ cả “cần câu”.

2 vấn đề quan trọng mà các tổ chức TCVM phải hướng đến là sự kết nối và yếu tố chia sẻ giữa bên cho vay và người vay. Vấn đề đặt ra, các tổ chức TCVM phải gồm những người am hiểu thực sự về một ngành nghề, để từ đó có những bộ phận chuyên trách thường xuyên tiếp xúc với những người vay, hỗ trợ họ kinh doanh, quản lý tài chính, từ đó cải thiện đời sống, làm giàu.

Ban đầu có thể cho vay món nhỏ, nhưng nếu người vay kinh doanh tốt, trả nợ đúng hạn, hạn mức sẽ được gia tăng. Mặt khác, giữa bên cho vay cũng cần kết hợp với những đối tác khác để hỗ trợ người vay của mình. Khi người dân vay tiền để đầu tư máy móc thiết bị, các tổ chức TCVM có thể thực hiện chương trình hợp tác với các nhà cung cấp để gia tăng lượng hàng hóa bán ra, đồng thời cũng giúp người mua có được giá tốt nhất.

Thái Ca

————

 Sài Gòn Đầu tư tài chính 06-01-2014:

http://www.saigondautu.com.vn/Pages/20140105/San-choi-lon-chua-dinh-hinh.aspx

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,582