429. Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Bình luận về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

(Dự thảo Luật tháng 10-2024, theo yêu cầu của Liên đoàn Luật sư Việt Nam)

1. Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng các loại.

1.1. Khoản mục 2.2, Báo cáo số 640 /BC-CP ngày 13-10-2024 của Chính phủ gửi Quốc hội “Báo cáo Về việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”, đề nghị tiếp tục thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, với 04 ý chính như sau “đối với ý kiến đề nghị đưa mặt hàng xăng ra khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB”:

Thứ nhất, là hàng hóa (xăng gốc hóa thạch) cần “hạn chế tiêu dùng cũng như định hướng tiêu dùng tiết kiệm;

Thứ hai, phù hợp với thông lệ quốc tế, hầu hết các nước đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng;

Thứ ba, phù hợp với mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt;

Thứ tư, giảm “ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu” và “góp phần giảm phát thải”.

1.2. Việc tiếp tục thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là không hợp lý, không thuyết phục, cần xem xét bãi bỏ vì 05 lý do sau đây:

Thứ nhất, mục tiêu hạn chế tiêu dùng là không thuyết phục. Xăng là một mặt hàng đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế, thuộc diện được bảo đảm về an ninh năng lượng; là một mặt hàng thiết yếu cho giao thông, sản xuất, kinh doanh và rất khó có lựa chọn thay thế;

Thứ hai, mục tiêu định hướng tiêu dùng tiết kiệm là không thuyết phục. Nhìn chung mọi thứ đều cần sử dụng tiết kiệm (trừ một số rất ít hàng hoá, dịch vụ khuyến khích tiêu dùng). Thực tế việc sử dụng điện tiết kiệm còn được nhấn mạnh hơn xăng, mà không phân biệt nhiệt điện hay thuỷ điện, điện từ năng lượng gốc hoá thạch hay từ năng lượng tái tạo. Cũng là nhiên liệu có nguồn gốc hoá thạch, nhưng than đá, dầu thì không, trong khi riêng xăng đánh thuế với lý do cần sử dụng tiết kiệm là không thuyết phục.

Thứ ba, mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường là không thuyết phục. Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010, trong đó có quy định than đá, xăng, dầu, mỡ nhờn là đối tượng thu thuế bảo vệ môi trường. Từ năm 1995 đến nay, các Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như Dự thảo chỉ quy định thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với “xăng các loại”, mà không quy định đối với than đá, dầu, và mỡ nhờn. Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng nhằm tới mụctiêu này là trùng lặp, chồng chéo đối với xăng và bỏ sót đối với than đá, dầu, mỡ nhờn. Ngoài ra, cũn không thuyết phục đối với việc chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe máy 02 bánh, 03 bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3, trong khi hàng triệu chiếc xe máy gây ô nhiễm lớn và một số địa phương như Hà Nội còn chủ trương cấm xe máy, mô tô đi vào nội thành;

Thứ tư, việc cho rằng phù hợp với mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt thì không rõ là gì. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ban hành lần đầu tiên vào năm 1990 và các lần sửa đổi, bổ sung vào năm 1993 chưa quy định thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Từ năm 1995 bắt đầu thu thuế đối với mặt hàng “xăng các loại”. Lý do đánh thuế tiêu thụ đặc biệt được nêu tại lời nói đầu của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1998 “Để hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng cho ngân sách nhà nước một cách hợp lý, tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh đối với một số hàng hóa, dịch vụ” (vẫn giống như được nêu tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1990). Như vậy, có thể thấy, mục tiêu quan trọng nhất là tăng nguồn thu rất lớn và rất dễ thu cho Ngân sách nhà nước từ mặt hàng này;

Thứ năm, mục tiêu bắt đầu thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng trước đây, bắt đầu từ năm 1995, khá hợp lý và dễ chấp nhận, vì Ngân sách còn rất khó khăn, hạn hẹp và chưa đánh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này. Tuy nhiênm, đến nay cần được bãi bỏ để giảm bớt sự ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, của hàng hoá, sản phẩm, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đời sống hằng ngày của người dân, nhất là người có thu nhập thấp.

2. Về thuế tiêu thụ đối với điều hoà nhiệt độ:

2.1.  Khoản mục 2.3, Báo cáo số 640 /BC-CP ngày 13-10-2024 của Chính phủ trình Quốc hội “Báo cáo Về việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”, đề nghị tiếp tục thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hoà nhiệt độ, với 03 ý chính như sau “đối với ý kiến đề nghị không thu thuế TTĐB đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ”:

Thứ nhất, máy điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống phục vụ nhu cầu cá nhân, sử dụng năng lượng điện lớn, là một trong những tác nhân khiến trái đất nóng lên, gây hại cho tầng ôzôn và ô nhiễm môi trường;

Thứ hai, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, một số nước thu thuế tiêu thụ đặc biệt và có quy định hạn chế sử dụng điều hòa;

Thứ ba, để hạn chế tiêu dùng, tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường sống.

2.2. Việc tiếp tục thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với “điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống” là không hợp lý, không thuyết phục, cần xem xét bãi bỏ vì 03 lý do sau đây:

Thứ nhất, mục tiêu hạn chế tiêu dùng là không thuyết phục. Khác với mấy chục năm trước, điều hoà nhiệt độ còn là mặt hàng xa xỉ, chủ yếu dành cho người giàu có, hiện nay đã trở thành rất phổ thông, gần như là thiết yếu đối với đời sống, thậm chí đến mức không thế thiếu, đối với đa số người dân đô thị, nhất là trẻ em. “Điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống” bắt đầu bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1998. Khi ấy là tương đối phù hợp vì gần như là mặt hàng xa xỉ, là nhu cầu cao cấp. Còn hiện nay, cần phải nâng cao sức khoẻ, chất lượng cuộc sống, đặc biệt đối với nước nhiệt đới (nhất là miền Bắc), mùa xuân thì rất ẩm ướt, nhớp nháp; mùa hè thì nóng nực, độ ẩm cao rất khó chịu; mùa đông thì rét buốt tê. Tái.

Thứ hai, mục tiêu tiết kiệm điện là không thuyết phục. Với thu nhập và mức sống còn khá thấp, người dân rất có ý thức tiết kiệm, nhất là việc sử dụng điều hoà. Việc lãng phí sử dụng điều hoà chủ yếu xảy ra đối với một thiểu số giàu có (nhất là giàu bất chính) và nơi công sở, công cộng. Nếu vì mục tiêu tiết kiệm thì có lẽ phải đặt vấn đề tại sao không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điện;

Thứ ba, mục tiêu bảo vệ môi trường là không thuyết phục. Nếu quá trình sản xuất điều hoà có sử dụng các chất độc hại, ô nhiễm môi trường thì đánh thuế bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường sống bằng hạn chế sử dụng điều hoà thì chủ yếu phải từ chính sách trồng và bảo vệ rừng; trồng cây xanh và giảm ô nhiễm đô thị; giảm bê tông hoá và tạo kiến trúc xanh; ứng dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm điện; kiểm soát chặt hoá chất độc hại, ô nhiễm;…

3. Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng khác:

3.1. Dự luật vẫn tiếp tục duy trì việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số hàng hoá, dịch vụ khác như kinh doanh mát-xa, ka-ra-ô-kê.

3.2. Cần xem xét kỹ lưỡng thay đổi, bỏ bớt một số đối tượng không phải phục vụ nhu cầu xa xỉ, không phải lĩnh vực siêu lợi nhuận và không mang lại nguồn thu ngân sách đáng kể. Chẳng hạn mát-xa từ chỗ bị xem là rất nhạy cảm, ăn chơi xa đoạ, dành cho thiểu số, thì nay đã rất phổ biến, bình dân, là hoạt động có tác dụng cần thiết để điều trị, phục hồi, tái tạo sức khoẻ. Kỹ thuật viên trong lĩnh vực này là người lao động chân tay vất vả, thiệt thòi. Hay kinh doanh karaoke cũng chỉ là hoạt động văn hoá giải trí rất bình dân, phổ thông, không phải là hoạt động cần phải tiếp tục áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt.

4. Về thẩm quyền quy định về thuế trong luật:

4.1. Mục 3, Báo cáo số 640 /BC-CP ngày 13-10-2024 của Chính phủ trình Quốc hội “Báo cáo Về việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có nêu “quan điểm và cách thức xây dựng Luật cần phải thống nhất, cân nhắc, tính toán một cách thận trọng, chặt chẽ, theo nguyên tắc Luật chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, trường hợp Hiến pháp quy định thuộc thẩm quyền Quốc hội thì Luật không giao cho cơ quan khác ngoài Quốc hội, trường hợp đặc biệt thì Quốc hội có thể ủy quyền cho UBTVQH xem xét giữa 2 kỳ họp Quốc hội và báo cáo lại Quốc hội; không luật hóa các nội dung văn bản dưới Luật nếu nội dung đó không thuộc thẩm quyền của Quốc hội để bảo đảm tính ổn định lâu dài của Luật và tạo được sự chủ động, kịp thời trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu thay đổi nhanh của thực tiễn”. Việc này được thể hiện tại khoản 3, Điều 2 về “Đối tượng chịu thuế”, và khoản 5, Điều 3 về “Đối tượng không chịu thuế, Dự thảo Luật.

4.2 Quan điểm “Luật chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội” nên trên là không hợp lý vì 05 lý do sau đây:

Thứ nhất, quan điểm giao cho Chính phủ chỉ phù hợp với cách làm luật khung, luật ống cách đây mấy thập kỷ, như đã làm đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1990;

Thứ hai, việc thu thuế đối với mặt hàng nào, thuế suất bao nhiêu, rất quan trọng đối với người dân và doanh nghiệp (bản chất là việc đánh hay không đánh thuế) cần phải được Quốc hội biểu quyết ấn định cụ thể trong Luật, không thể giao cho Chính phủ quyết định;

Thứ ba, chỉ có cấp dưới không được quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của cấp trên, chứ không có chuyện nội dung trong luật của cơ quan lập pháp bị hạn chế vì thẩm quyền của các cơ quan hành hành và tư pháp;

Thứ tư, không phù hợp với quy định “văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung” tại khoản 2, Điều 8 về “Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật”, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020);

Thứ năm, thực tế rất nhiều vấn đề không có quy định cụ thể thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cũng không thuộc 11 nội dung về việc quốc hội ban hành luật để quy định theo khoản 1, Điều 15 về “Luật, nghị quyết của Quốc hội”, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Hà Nội ngày 19-10-2024

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.

(2.115)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

428. Bình luận về việc thắt chặt điều kiện...

Bình luận về việc thắt chặt điều kiện phát hành và mua Trái phiếu doanh...

Phỏng vấn 

4.377. Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến...

Thương mại điện tử bước vào cuộc chiến mới (*): Ứng phó cơn...

Trích dẫn 

3.892. Sửa đổi Luật Chứng khoán và bài toán...

Sửa đổi Luật Chứng khoán và bài toán nâng hạng thị trường. (TBNH)- Tại...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 228,316