429. Góp ý sửa đổi Luật DN: Cần sự thống nhất, rõ ràng

(ĐTTC) – Hiện nay, thủ tục thành lập doanh nghiệp được ghi nhận trong nhiều văn bản từ các luật như: Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật kinh doanh bảo hiểm… Trên cơ sở đó, nhiều cơ quan khác nhau có thẩm quyền khai sinh tư cách pháp lý của doanh nghiệp, tạo ra sự chồng chéo, dễ gây hình sự hóa hoạt động kinh tế.

Quá nhiều đầu mối quản doanh nghiệp

Tại hội thảo góp ý sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2005 vừa diễn ra, TS. Nguyễn Thị Yến, Khoa Pháp luật Kinh tế (Đại học Luật Hà Nội), cho biết việc nhiều đầu mối có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư… đã “lấn sân” sang thẩm quyền của cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc công nhận tư cách pháp lý của chủ thể kinh doanh, gây phức tạp cho doanh nghiệp khi đồng thời kinh doanh một số lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, như vừa kinh doanh hàng hóa thông thường, vừa kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán.

Ngoài ra còn dẫn đến trùng tên đối với các doanh nghiệp được cấp phép bởi các cơ quan khác nhau, gây nên sự nhầm lẫn không đáng có trong các doanh nghiệp (hệ thống mạng đăng ký doanh nghiệp quốc gia chỉ cập nhật thông tin của doanh nghiệp đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh mà không cập nhật thông tin liên quan đến các doanh nghiệp được cấp phép bởi các cơ quan quản lý khác).

Theo TS. Yến, cần thống nhất về thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với tất cả các doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Cụ thể, khi người kinh doanh muốn thành lập doanh nghiệp trong bất kỳ lĩnh vực nào, họ phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh để xin cấp giấy chứng nhận.

Sau khi đã có tư cách pháp lý, nếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thông thường được quyền hoạt động ngay, nếu hoạt động trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải thỏa mãn các quy định của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Như vậy, các cơ quan quản lý chuyên ngành không mất đi quyền quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực mà mình quản lý và không “đụng chạm” đến quyền khai sinh tư cách pháp lý đối với doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh.

Theo  Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, một trong những điều quan trọng nhất khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005 phải phân định rõ ràng những hoạt động nào là hợp pháp và khi nào là phạm pháp. Nếu không làm được điều này, doanh nhân vẫn tiếp tục bị rơi vào tình trạng như “cá nằm trên thớt” vì không biết thế nào là đúng, sai, khi nào là quan hệ dân sự, kinh tế và lúc nào là hình sự.

Tháo vòng kim cô?

Đầu mối quản doanh nghiệp quá nhiều nhưng không phát huy được hiệu quả, do vậy cần nghiên cứu xây dựng một hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh thống nhất. Đăng ký doanh nghiệp là thủ tục khai sinh ra doanh nghiệp, còn việc doanh nghiệp hoạt động hay đầu tư như thế nào là quá trình phát triển kinh doanh. Chính sự không rõ ràng của luật đã dẫn đến tình trạng cán bộ có cái cớ để sách nhiễu.
Luật gia Cao Bá Khoát
Công ty Tư vấn K và Cộng sự

Theo Luật sư Đức, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh hay xuất khẩu hàng hóa do mình làm ra… đều có thể phạm tội kinh doanh trái phép, vì không ai đi đăng ký kinh doanh những hoạt động đương nhiên đó.

Còn nếu việc góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp khác mà phạm tội kinh doanh trái phép chỉ vì không có chức năng “kinh doanh tài chính”, thì hầu hết doanh nghiệp đã, đang và sẽ góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu đều có thể phạm tội kinh doanh trái phép.

Rõ ràng Luật Doanh nghiệp đang trở thành bẫy “hình sự hóa” quan hệ kinh tế, dân sự. Khoản 1, Điều 7 về “Ngành, nghề và điều kiện kinh doanh”, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm”.

Khoản 3 Điều này quy định: “Cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khỏe của nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường”. Hay như trong Điều 7 về “Ngành, nghề cấm kinh doanh” tại Nghị định 102 quy định 15 ngành nghề cấm kinh doanh; còn Điều 8 về “Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh” tại Nghị định 102 nêu ra các điều kiện kinh doanh dưới các hình thức: giấy phép kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; chứng chỉ hành nghề…

Tóm lại, doanh nghiệp muốn kinh doanh phải đăng ký kinh doanh và nếu kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng được các điều kiện nói trên.

Như vậy các doanh nghiệp hay cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vào các doanh nghiệp khác dưới hình thức hợp tác kinh doanh, góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu doanh nghiệp, tuyệt nhiên không cần bất cứ phép tắc nào, trừ một vài trường hợp ngoại lệ cá biệt.

Do đó, cần “tháo vòng kim cô” cho doanh nghiệp, đó là bỏ tội kinh doanh trái phép trong Bộ luật Hình sự đối với tất cả các hoạt động kinh doanh không thuộc diện bị cấm. Chỉ xử phạt về tội buôn lậu hay tội kinh doanh trái phép các hành vi kinh doanh trong ngành, nghề, lĩnh vực, mặt hàng bị cấm theo Khoản 1, Điều 7 của Luật Doanh nghiệp 2005. Nếu kinh doanh chưa có phép hay chưa đủ các loại điều kiện kinh doanh thì xử lý vi phạm hành chính. 

Quang Minh

——————————————————————-

Đầu tư Tài chính 26-12-2013 (Mục Doanh nghiệp):

http://www.saigondautu.com.vn/Pages/20131226/Can-su-thong-nhat-ro-rang.aspx

(665/1.113)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,761