Bồi thường tai nạn
(ANVI) – Ngót nghét 1 năm kể từ ngày Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực, cũng kha khá các Nghị định, Thông tư hướng dẫn trăm hoa đua nở. Kể thì cũng nhiều nhưng không phải vì thế mà Bộ luật Lao động của ta đã rõ ràng. Đâu đó vẫn cứ miên man với câu hỏi làm thế nào cho đúng?
Chẳng hạn như chuyện bồi thường, thanh toán chi phí điều trị tai nạn lao động. Luật quy định theo kiểu không “trần”, không “giới hạn” chi phí, nên cứ khoản nào bảo hiểm xã hội không chi thì người sử dụng lao động phải trả, mà trả đến khi điều trị ổn định. Không rõ người sử dụng sẽ chi trả như thế nào, hạn mức bao nhiêu, chi phí nào thì trả, chi phí nào thì không? Khám chữa bệnh trái tuyến, bệnh viện khách sạn, xuất ngoại chữa bệnh thì có được trả không?
Nhiều chuyên gia thạo luật cho rằng, Điều 144 về “Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”, Bộ luật Lao động 2012 quy định không khác gì “tung hỏa mù”, tù mù hơn cả Bộ luật Lao động 1994. Mặc dù đã có Nghị định số 44/2013/NĐ-CP hướng dẫn nhưng cũng không rõ ràng hơn là mấy. Người thuê mướn lao động, nếu trốn đóng bảo hiểm, thì đương nhiên phải chịu toàn bộ chi phí bồi thường tai nạn lao động.
Nhưng mặc dù đã đóng bảo hiểm đầy đủ, sao vẫn phải gánh thay nghĩa vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội?
ANVI, ngày 09-4-2014