431. Khách hàng tố chủ đầu tư: “Rượu mới, bình cũ”

(TC) – Càng về cuối năm, dường như những “lùm xùm” xung quanh câu chuyện khách hàng “tố” chủ đầu tư trên thị trường bất động sản (BĐS) lại được hâm nóng trở lại, thậm chí còn có phần ngày càng gay gắt hơn trong những ngày gần đây…

“Ăn gian” diện tích căn hộ là chiêu được nhiều dự án thực hiện. Nguồn: internet

1.001 kế “lừa đảo”

Diễn biến của các vụ việc khách hàng kiện chủ đầu tư “lừa đảo” và bao vây trụ sở làm việc của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS đang có chiều hướng tăng nhanh vào những tháng cuối năm. Đáng chú ý, những lỗi phổ biến mà chủ đầu tư “qua mặt” khách hàng thường là thất hứa với khách hàng về thời hạn bàn giao nhà; “ăn gian” diện tích căn hộ của dự án; lợi dụng tín nhiệm chiếm dụng vốn trong thời gian dài mà không triển khai dự án…

Đỉnh điểm của những câu chuyện này là vụ việc gần đây nhất tại dự án khu đô thị Đại Thanh của DN tư nhân số 1 Lai Châu, do ông Lê Thanh Thản làm giám đốc. DN này đã “ăn gian” diện tích căn hộ của khách hàng bằng cách áp dụng phương pháp tính “diện tích mới” theo kích thước tim tường chung và toàn bộ tường bao ngoài của căn hộ. Như vậy, với cách tính này, các khách hàng mua căn hộ tại dự án Đại Thanh đều bị “lõm” một phần diện tích căn hộ so với thiết kế xây dựng dự án ban đầu. Bức xúc với cách làm thiếu chuyên nghiệp của “ông lớn nhà giá rẻ”, các khách hàng mua căn hộ tại đây đã đồng loạt “tố” chủ đầu tư để đòi lại quyền lợi. Tuy nhiên, khi “thượng đế” kéo đến trụ sở làm việc của Công ty tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu thì bị các đối tượng côn đồ hành hung đến nỗi một số khách hàng phải nhập viện.

Dẫn chứng điển hình tiếp theo là vụ “lùm xùm” tại dự án chung cư Binh đoàn 12 (xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Sau khi Công ty BĐS Thế Kỷ (Cengroup) huy động tiền vốn góp của hàng trăm khách hàng trong suốt hơn 3 năm qua, đến nay, dự án chung cư Binh đoàn 12 vẫn là một mảnh đất hoang và chỉ là một dự án trên giấy. Điều này đã khiến khách hàng bức xúc bao vây trụ sở của Cengroup mới đây để đòi lại tiền.

Chưa hết, ngày 22/10, tại TP. Hồ Chí Minh, gần 100 khách hàng đã bao vây trụ sở Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) lần thứ 6 để đối chất vì sao công ty này không bàn giao nhà dự án chung cư cao tầng Mỹ Phú (quận 7, TP. Hồ Chí Minh) cho khách hàng theo đúng như cam kết vào tháng 9/2012. Đến nay, sau hơn một năm trôi qua, dự án trên vẫn chưa được hoàn thiện và chưa thể bàn giao nhà cho khách hàng đã đóng tới 70% giá trị căn hộ.

Không chỉ các chủ đầu tư ở phân khúc căn hộ “thi nhau” sai phạm, mà các “ông chủ” ở phân khúc mặt bằng bán lẻ, trung tâm thương mại còn “lừa đẹp” khách hàng. Đơn cử, mới đây, Công ty Cổ phần Phát triển thương mại Vinaconex (Tổng công ty Cổ phần Vinaconex) bị tố thực hiện sai hợp đồng liên quan đến việc chuyển nhượng sàn thương mại tại dự án trung tâm thương mại, căn hộ Chợ Mơ, Hà Nội…

Giải đáp một phần sai phạm nói trên của chủ đầu tư trong thời gian qua, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, nội dung hướng dẫn về cách tính diện tích sàn trong hợp đồng mua, bán căn hộ nhà chung cư nêu tại Thông tư số16/2010/TT- BXD là không trái với quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số71/2010/ NĐ-CP.

Tìm tiếng nói chung…

Ông Nguyễn Đình Tùng – Giám đốc công ty TNHH BĐS và Dịch vụ địa chính Hà Nội cho biết, giữa lúc thị trường BĐS khó khăn, các bên nên cố gắng tìm được tiếng nói chung trên cơ sở thống nhất để đi đến thỏa thuận là phương án tốt nhất. “Không nên để những vụ việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài giữa chủ đầu tư và khách hàng. Điều này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của DN BĐS và niềm tin của khách hàng”, ông Tùng nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tài chính & Đầu tư, việc các khách hàng tìm đến gặp chủ đầu tư để tìm tiếng nói chung hiện nay là phổ biến trên thị trường BĐS, nhưng để thống nhất các phương án giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên vẫn chưa được giải quyết. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới hàng loạt các vụ việc khách hàng tố chủ đầu tư trong thời gian qua.

Đại diện một sàn giao dịch BĐS ở khu vực Mễ Trì, Hà Nội cho rằng, khi thị trường BĐS trầm lắng các chủ đầu tư không triển khai dự án cầm chừng, cộng với sức ép từ phía cư dân về tiến độ đã dẫn đến việc các “ông chủ” dự án BĐS hành xử thiếu văn hóa với chính khách hàng của mình. Điều này cũng phần nào làm giảm uy tín của chủ đầu tư với khách hàng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện nay DN BĐS đã bị đẩy đến bước đường cùng thì khách hàng cũng rất khó gỡ gạc lại về tài chính. “Khách hàng mua nhà và chủ đầu tư cần thiện chí ngồi lại trao đổi cùng nhau để tìm hướng giải quyết khả dĩ nhất, biết đâu trong cái khó lại “ló” cái khôn”, ông Châu nhận định.

Tuy nhiên, nêu quan điểm về những vụ kiện cáo, tranh chấp trong lĩnh vực BĐS, theo luật sư Trương Thanh Đức (TP. Hồ Chí Minh), kể cả trong trường hợp khách hàng đưa chủ đầu tư ra tòa, theo kiện và thắng kiện cũng chưa chắc đã lấy lại được tiền, bởi lẽ đa phần các chủ đầu tư hiện nay đều “đói vốn”, không còn khả năng trả nợ, thanh toán.

HÀ MINH LỤC

———————————————————–

Tài chính 27-12-2013 (Mục Bất động sản):

http://tapchitaichinh.vn/bat-dong-san/khach-hang-to-chu-dau-tu-ruou-moi-binh-cu/39333.tctc

(73/1.151)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,761