(HQ) – Từ trước tới nay, với nhiều DN, để duy trì hoạt động và sản xuất kinh doanh, các DN vẫn phải phụ thuộc ít nhiều vào nguồn vốn vay từ ngân hàng. Mặc dù việc tiếp cận vốn ngân hàng không dễ dàng nhưng nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng không nên tiếp cận vốn ngân hàng bằng mọi giá.
DN lưu ý đọc kỹ hợp đồng trước khi vay vốn ngân hàng (ảnh minh họa). Ảnh: ST
Nghĩa vụ pháp lý với tài sản đảm bảo
Trong một hội thảo mới đây của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, các chuyên gia khuyến cáo nhiều vấn đề pháp lý DN cần lưu ý khi thực hiện giao dịch vay vốn ngân hàng.
Theo luật sư Vũ Diệu Huyền, Công ty Luật hợp danh YKVN, DN cần lưu ý đến vấn đề chi phí vay vốn. Thông thường người ta chỉ nhắc đến lãi suất nhưng thực tế ngân hàng sẽ yêu cầu khách hàng gánh chịu các chi phí phát sinh bằng cách điều chỉnh lãi suất, thu thêm phí thu xếp khoản vay, phí cam kết rút vốn, phí hủy bỏ cam kết cho vay, phí rút vốn vượt hạn mức, phí trả nợ trước hạn… Thậm chí có luật sư cho biết có trường hợp DN phải chịu cả chi phí luật sư cho ngân hàng.
Ngoài ra, khi đem tài sản để bảo đảm nghĩa vụ vay vốn, ngân hàng sẽ đòi hỏi DN “trao” cho ngân hàng quyền tự định đoạt các phương thức và xác định giá trị tài sản bảo đảm khi xử lý. Ngân hàng có thể là bán và chuyển nhượng tài sản đảm bảo, nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế nghĩa vụ hoặc bất kỳ hình thứ định đoạt nào. Theo luật sư Vũ Diệu Huyền, DN cần kiểm soát quá trình xử lý tài sản để hạn chế thiệt hại thêm trong trường hợp ngân hàng vì muốn nhanh chóng thu hồi nợ mà chấp nhận bán tài sản với bất kỳ giá nào.
Bên cạnh đó, hồ sơ vay vốn là do DN cung cấp và ngân hàng sẽ yêu cầu DN cam kết rằng các thông tin là đúng sự thật. Đồng thời, DN cũng thường phải cam đoan DN có quyền tham gia hợp đồng, người ký kết đúng thẩm quyền, DN không có vi phạm nào, không bị kiện tụng, nợ đọng thuế… Khi đã cam kết, nếu không thể thực hiện, tức là thông tin cam kết không đúng thì ngân hàng có thể coi đó là vi phạm hợp đồng và có quyền thu hồi nợ trước hạn và xử lý tài sản bảo đảm. Do đó, DN phải thận trong khi cam kết và đảm bảo thực hiện đúng các cam kết tránh rủi ro.
Tuy nhiên đây cũng là việc cực chẳng đã đối với các ngân hàng bởi nếu lạm dụng điều này thì mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng không đạt được, chưa kể khả năng thu hồi đủ vốn gốc cũng khó. Do đó chỉ khi thực sự có nguy cơ mất vốn thì ngân hàng mới phải thu hồi nợ trước hạn.
Các loại phụ phí
DN cũng nên đàm phán với ngân hàng để hạn chế việc liệt kê quá nhiều sự kiện vi phạm. Tất nhiên, việc đàm phán là khá khó khăn do ngân hàng muốn nguồn vốn không bị thất thoát khi xảy ra bất kỳ sự kiện nào ảnh hưởng đến khả năng thu hội vốn. Giải pháp cho DN là cố gắng đàm phán với ngân hàng dành cho DN khoảng thời gian để khắc phục sự kiện vi phạm đó, nếu DN không khắc phục được thì lúc đó ngân hàng mới thực hiện các biện pháp khác.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, về nguyên tắc khi lập hợp đồng bao giờ cũng phải rành mạch, rõ ràng, không thiên vị bên nào, không cục bộ lợi ích quá đáng một phía để bên kia rơi và tình thế ép buộc quá đáng. Do đó, khi giao kết hợp đồng, DN cũng nên lưu ý một số vấn đề để đảm bảo quyền lợi. Tuy nhiên, thực tiễn vay và cho vay cho thấy nhiều góc độ khác. Ví dụ như chuyện phụ phí, nếu như phụ phí đưa vào để lách lãi suất thì đây là lỗi cơ chế, cơ quan quản lý đưa ra quy định sai bản chất vấn đề, sai nguyên tắc kinh tế cho nên có chuyện lách luật. Nếu không lách luật thì sẽ phải tăng lãi suất.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng chia sẻ thêm có trường hợp DN phàn nàn ngân hàng điều chỉnh lãi suất trước kỳ thu lãi nhưng thực ra điều chỉnh là cho tất cả khách hàng, có khách hàng này rơi vào đầu kỳ nhưng nhiều khách hàng khác rơi vào cuối kỳ hoặc là giữa kỳ. Nhiều người cũng lầm tưởng là phụ phí cộng thêm 0,2% vào lãi suất nhưng lãi thì thu theo tháng, năm còn phí chỉ thu đầu kỳ hoặc khi phát sinh.
Vấn đề là các ngân hàng không công bố công khai biểu phí, nhiều khi hợp đồng quy định các phí khác theo công bố, quy định của ngân hàng khiến DN cảm thấy tù mù nhưng thực ra không ngân hàng nào có biểu phí và công khai mặc dù đây là điều pháp luật đã quy định.
Thiên Cầm
—————————————————–
Hải quan 13-01-2014 (Doanh nghiệp):
http://www.baohaiquan.vn/pages/vay-von-can-trong-khong-thua.aspx
(231/951)