435. An toàn khi gửi tiền vào ngân hàng?

(TBKD) – Vụ án “siêu lừa” của Huỳnh Thị Huyền Như cùng với việc từ chối trách nhiệm của Vietinbank khiến nhiều người nghi ngại về tính an toàn khi gửi tiền vào ngân hàng. Vì họ sẽ chẳng biết đi đâu để đòi tiền. Nếu một ngày, đến ngân hàng lấy tiền, thì hỡi ôi, tiền đã bị một kẻ giả danh dùng sổ tiết kiệm làm vật thế chấp để vay ngân hàng và ngân hàng đó cũng không trả tiền với lý do không liên quan đến vụ việc này.

Trong chương trình “Dân hỏi bộ trưởng trả lời” mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, khẳng định “Trong 2 năm vừa qua, những ai có tiền gửi bằng tiền đồng vào hệ thống ngân hàng đều có lãi và rất an toàn. Do vậy, với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian tới, chúng tôi có thể khẳng định rằng, nếu người dân nào đã có tiền gửi VNĐ, nên tiếp tục gửi. Người dân nào còn đang băn khoăn thì chúng tôi đề nghị hãy nên gửi VNĐ vào hệ thống ngân hàng. Vì đây thực sự là kênh đầu tư an toàn nhất và hấp dẫn nhất, bảo đảm được quyền lợi của người gửi tiền”.

Mục tiêu điều hành chắc chắn là không có gì phải bàn. Nhưng dường như với những gì đang diễn ra tại vụ án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như, lại không cho người gửi tiền niềm tin ấy.

Lợi ích dễ thấy, rủi ro khó lường

Câu chuyện “siêu lừa” của Huyền Như làm “nóng” tại hầu hết các điểm công cộng, từ quán trà đá, đến bến xe buýt, công sở. Câu chuyện họ bàn không phải là Huyền Như đã lừa được bao tiền, mà làm thế nào để xác định được ngân hàng an toàn để gửi tiền.

Khi đem câu chuyện này để trao đổi với chính lãnh đạo một ngân hàng cũng nhận được câu trả lời: khách hàng có thể dễ dàng nắm bắt được lợi ích của việc gửi tiền tại một ngân hàng nào đó, như lãi suất, check tài khoản trên internet… nhưng việc an toàn hay không thì rất khó đánh giá, vì đó là cả một quy trình quản lý sổ tiết kiệm ở ngân hàng.

Nói về cái lý trong hoạt động ngân hàng, người trong ngành này thường dùng, đó là “chính xác đến từng milimét”. Vậy nhưng cái lý đó lại cho biết để đồng tiền gửi vào ngân hàng có an toàn hay không, lại phụ thuộc vào lương tâm của cán bộ ngân hàng.

Thực tế, sự mất mát này là do lỗi quản trị của ngân hàng. “Nạn nhân hoàn toàn có thể truy tố trách nhiệm quản trị hệ thống ngân hàng”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Sau vụ án Huyền Như, việc huy động vàng, ngoại tệ
của dân sẽ là thách thức không nhỏ với NHNN

Dư luận sẽ không khỏi băn khoăn, khi ngay cả một ngân hàng lớn như Vietinbank, lại để cho nhân viên lấy gần 4.000 tỷ đồng trong một thời gian dài, mà không hay biết. “Riêng trường hợp này, tôi chỉ mong Nhà nước phải kiên quyết buộc VietinBank có trách nhiệm, hoặc ít nhất tòa án phải buộc được người có trách nhiệm của VietinBank phải ra tòa cùng với Huyền Như, chứ không thể đổ hết trách nhiệm cá nhân cho nhân viên của mình”, bà Lan nói.

Cùng quan điểm trên, Ts. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), bình luận nếu Vietinbank nói không liên quan và không có trách nhiệm phải bồi thường, thì sẽ là tiền lệ xấu cho ngành ngân hàng.

Sức ép lên cải cách hệ thống ngân hàng

Rõ ràng, trong trường hợp này, trách nhiệm sẽ gắn liền với uy tín và thương hiệu của Vietinbank. Dù những nạn nhân có kiện VietinBank ra tòa hay không, thì uy tín của một ngân hàng lớn như VietinBank, đã bị suy giảm đi khá nhiều. Hay nói như cách nói của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: không cách nào làm mất uy tín ngân hàng bằng cách này.

Thực tế, người gửi tiền vào Vietinbank chỉ biết Huyền Như là người đại diện của Vietinbank, xác nhận thực hiện giao dịch với họ, chứ không biết về cá nhân Huyền Như. Nói cách khác, họ đưa tiền cho Vietinbank giữ hộ và tin tưởng ở uy tín của một ngân hàng lớn, chứ không đưa tiền cho Huyền Như. Vì vậy, Vietinbank không thể không có trách nhiệm được.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Giám đốc Công ty Luật ANVI, bình luận nếu ngân hàng nhận tiền gửi cứ giũ bỏ trách nhiệm của mình, chỉ vì lý do cán bộ phạm tội, thì hàng vạn tổ chức kinh tế và hàng triệu người dân mang tiền gửi vào ngân hàng có thể bị mất trắng tiền gửi bất kỳ lúc nào. Vì ai có thể đoán chắc được, rằng mình không bị “dính” phải một cán bộ nào đó, như giao dịch viên, thủ quỹ, kế toán viên, kiểm soát viên, trưởng phòng hay giám đốc… có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của khách hàng gửi tại ngân hàng.

Từ sự việc này, Ts. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh những lùm xùm như thế này khiến hình ảnh ngân hàng xấu đi rất nhiều. Hy vọng quyết tâm cải cách của Chính phủ, NHNN sẽ là sức ép để hệ thống ngân hàng cải cách, đổi mới, chứ không thể “nói không có trách nhiệm suông là được”.

Nếu khách hàng cứ gửi tiền vào ngân hàng rồi bị mất, do bị cán bộ ngân hàng lừa đảo, thì khách hàng sẽ mất hết niềm tin vào toàn bộ hệ thống ngân hàng. Mà người dân không còn lòng tin vào ngân hàng, thì không thể lường trước được điều tồi tệ gì có thể xảy ra!

Và, sẽ là thách thức không nhỏ với NHNN, khi đang nỗ lực để đưa vàng “ống bơ”, ngoại tệ “gối đầu giường”, tiền trong tủ của dân vào lưu thông, nhằm

tạo nguồn lực cho nền kinh tế. Đây là nhiệm vụ không dễ thực hiện.

Minh Huệ

———————————————————————————-

Thời báo Kinh doanh (Tài chính – Ngân hàng) 15-01-2014:

http://thoibaokinhdoanh.vn/441/news-detail/1167356/tai-chinh-ngan-hang/an-toan-khi-gui-tien-vao-ngan-hang-.html

(122/1.127)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,203