Bình luận hội trường về sở hữu ngân hàng.
(Phát biểu tại Hội thảo “Quản lý các tập đoàn tài chính hướng đến phát triển bền vững ở Việt Nam” do Tạp chí VietTimes và Câu lạc bộ Cafe số tổ chức ngày 05-12-2024 tại Hà Nội).
1. Chuyện một ngân hàng:
MSB thành lập năm 1991 tại Hải Phòng với với số vốn điều lệ 40 tỷ, gần như lớn nhất lúc đó, do có gần một chục cổ đông là các tập đoàn & tổng công ty lớn, nhiều nhất là trong ngành Hàng hải. Hải Phòng là thành phố 3 hoa, nhưng thế mạnh nhất là thành phố cảng. Tuy nhiên khi đó thành tích rất lớn là sản lượng hàng hoa qua cảng Hải Phòng đạt 2 triệu tấn. Nay đã gần 200 triệu tấn, tức gấp gần 100 lần.
Vào thời điểm đó, Nghị định số 222-HĐBT ngày 23-7-1991 quy định mức vốn pháp định lớn nhất là đối với ngành khai khoáng cũng chỉ có 1,5 tỷ đồng.
2. Mức vốn pháp định:
Quyết định số 223/QĐ-NH5 ngày 27-11-1993 quy định, vốn pháp định đối với ngân hàng thương mại cổ phần từ 01 – 03 – 20 – 50 – 70 tỷ đồng, tuỳ thuộc quy mô và địa bàn.
Nghị định số 82/1998/NĐ-CP quy định, vốn pháp định đối với Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn là 05 tỷ đồng, ngân hàng thương mại cổ phần đô thị là từ 50 -70 tỷ đồng.
Nghị định số 141/2006/NĐ-CP quy định, từ 2008 vốn pháp định đối với ngân hàng cổ phần là 1.000 tỷ và từ năm 2010 vốn pháp định đối với ngân hàng cổ phần là 3.000 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong 04 năm (từ 2006 đến 2010), vốn pháp định của ngân hàng cổ phần tăng từ vài chục đến 600 lần (từ 05 tỷ lên 3.000 tỷ); nếu tính trong 12 năm (từ 1998 đến 2010) thì mức tăng vốn pháp định lớn nhất lên đến 3.000 lần (từ 01 tỷ lên 3.000 tỷ).
Trên thực tế, ngân hàng thương mại cổ phần nói chung, Ngân hàng Hàng Hải nói riêng đều đã đáp ứng được việc tăng vốn điều lệ theo đúng yêu cầu.
3. Tăng vốn siêu tốc:
Để tồn tại & phát triển, các ngân hàng thương mại cổ phần nói chung, Ngân hàng Hàng Hải nói riêng, còn tăng tốc vốn điều lệ hơn mức vốn pháp định nhiều lần để bảo đảm vốn điều lệ thực có không thấp hơn số vốn pháp định, bảo đảm các hệ số an toàn trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thần tốc & cạnh tranh khốc liệt.
Đến nay nhiều ngân hàng đã tăng vốn lên nhiều chục nghìn tỷ. Dẫn đầu Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), với vốn điều lệ 79.339 tỷ đồng. Đứng thứ 2 là Techcombank với có vốn điều lệ 70.450 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, Ngân hàng Hàng Hải cũng có vốn điều lệ khá lớn 26.000 tỷ, tăng lên hơn 600 lần, nhưng phải mất tới 30 năm, trong đó có rất nhiều năm không chia cổ tức tiền mặt, mà chỉ để tăng vốn.
Cũng khoảng thời gian 20 – 30 năm này, nếu một ngân hàng xuất phát điểm từ mức vốn điều lệ 01 – 05 tỷ đồng, tăng lên 10.000 tỷ đồng, thì con số tăng lên đến 05 – 10.000 lần.
4. Vốn chính cá nhân:
Trừ 04 ngân hàng thương mại nhà nước Nhà nước, cổ đông nhà nước & nhiều công ty không tăng hoặc rất khó có nguồn để vốn điều lệ, thậm chí là phải thoái vốn. Còn cá nhân, nhất là các đại gia, thì không muốn buông, mà ngày càng muốn tăng, muốn nắm, muốn sở hữu nhiều hơn. Do đó, tăng vốn chủ yếu là của cá nhân, thậm chí nhiều công ty tăng sở hữu bằng vốn thực chất của cá nhân.
Trong một số thời kỳ, ước đoán có tới nhiều hơn một nửa số ngân hàng cổ phần là chỉ do một số ít cá nhân sở hữu chi phối. Trong khi nhiều người giàu nhất trên sàn chứng khoán không phải là chủ ngân hàng.
Do đó với nhiều lần tăng vốn hàng nghìn tỷ đồng, với mức tăng hàng nghìn lần, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ thì rất dễ xảy ra tình trạng nguồn vốn từ sở hữu chéo, liên kết, bắt tay nhau.
Nếu theo đúng quy định của luật, cổ đông lớn của ngân hàng là cá nhân chỉ có một mức duy nhất là 05%, vì trên 05% thì không được phép, mà dưới 05% thì không phải là cổ đông. Trên thực tế thì không biết, nhưng trên giấy tờ, các cổ đông cá nhân đều lựa chọn là cổ đông nhỏ, sở hữu dưới 05%.
5. Lộ trình siết giảm:
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã siết đồng thời giới hạn sở hữu vốn và cấp dụng. Lúc đầu định giảm sở hữu của mỗi cổ đông cá nhân xuống 03%, nhưng cuối cùng vẫn giữ nguyên 05% và chỉ giảm đối với mỗi nhóm cổ đông & người có liên quan từ 20% xuống 15%. Tất nhiên người có liên quan thì đã bị thắt chặt hơn nhiều.
Tuy nhiên, khác với lộ trình giảm dư nợ cấp tín dụng (cho 1 khách hàng từ 15%, mỗi năm giảm 1%, xuống 10% vốn tự có kể từ năm 2029 (sau 40 năm quay trở lại bằng mức quy định của Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng & công ty tài chính năm 1990) & tương tự là giảm mức dư nợ đối với mỗi nhóm khách hàng & người có liên quan từ 25% xuống 15%), lại chưa đặt ra lộ trình cụ thể giảm sở hữu vốn, mà giao toàn quyền cho NHNN.
6. Công khai sở hữu:
Luật Các TCTD năm 2024 cũng quy định việc công khai cổ đông ngân hàng sở hữu từ 01% trở lên. Chỉ có công khai minh bạch thì mới có giám sát thực sự. Một người dân không nằm trong diện nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng lại là cổ đông nắm 01% vốn ngân hàng, một doanh nghiệp liên quan đến giới chủ vay rất nhiều từ ngân hàng, nếu được công khai chi tiết thông tin thì công chúng đều nhìn thấy và cơ quan chức năng phải xem xét ngay.
Tuy nhiên nếu 10 cổ đông, mỗi người được nhờ đứng tên sở hữu suýt soát 01% thì đã thành số gần gấp đôi giới hạn đối với một cổ đông cá nhân, mà không phải công khai, tức không bị giám sát chặt.
Ngoài ra, quản nguồn gốc sở hữu cũng cần xem xét đến cá nhân là người sở hữu cuối cùng của ngân hàng, tương tự như “Công ty mẹ tối cao của tập đoàn” không bị sở hữu bởi bất kỳ pháp nhân nào khác theo như quy định của Luật quản lý thuế năm 2019.
7. Khuyến nghị tuân thủ:
Tuy nhiên, luật chặt hay lỏng thì điều quan trọng nhất vẫn là các ngân hàng, cổ đông và khách hàng phải tự mình tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực, đề cao việc tuân thủ, đồng thời công tác thanh tra, giám sát phải được tăng cường, thật sự nghiêm túc, kịp thời, thì mới bảo đảm được hiệu quả và hiệu lực của pháp luật ngân hàng./.
Hà Nội ngày 05-12-2024
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC
(1.298)