436. Bên nào có trách nhiệm quản lý tài khoản?

(TT) – Trả lời HĐXX các câu hỏi của luật sư liên quan đến nghĩa vụ và trách nhiệm của VietinBank, ông Nguyễn Mạnh Toàn, chuyên viên phòng Pháp chế ngân hàng VietinBank đã khẳng định rằng, các bộ luật, nghị định, quyết định hoặc các văn bản dưới luật khác không có điều khoản nào quy định về trách nhiệm quản lý tài khoản tiền gửi, tài khoản của khách hàng được mở tại ngân hàng cũng như quản lý số dư trên các tài khoản này tại ngân hàng.

Bị cáo Huyền Như tại tòa  – Ảnh: Hữu Khoa

Tuy nhiên, ngay tại trang web của VietinBank sáng nay 16-1 vẫn đang khẳng định rằng “Tiền trong tài khoản của khách hàng được VietinBank quản lý, bảo mật”.

Luật sư Trương Thanh Đức (bảo vệ quyền và lợi ích của NaviBank) đã bắt đầu bài trình bày quan điểm của mình như vậy trong ngày xét xử tiếp theo (16-1) vụ án Lừa đảo chiếm đoạt 4000 tỷ đồng do Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm thực hiện.

Ai quản lý tài khoản?

Theo luật sư Đức, hiện nay, các quy định về mở và sử dụng tài khoản của ngân hàng đã xác định không thật rõ về trách nhiệm quản lý tài khoản. Tuy nhiên vẫn hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm này. Chẳng hạn, khoản 2, Điều 67 về “Phong tỏa tài khoản”, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định “Cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải thực hiện ngay quyết định của Chấp hành viên về phong toả tài khoản.” Đương nhiên phải hiểu rằng người “quản lý tài khoản” là ngân hàng chứ không phải là chủ tài khoản, vì nghiệp vụ “phong tỏa tài khoản” chỉ dành riêng cho ngân hàng, chứ không dành cho khách hàng. Hay khoản 5, Điều 3 về “Nhận biết khách hàng”, Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04-10-2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Phòng chống rửa tiền cũng quy định, ngân hàng phải có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong “dịch vụ quản lý tài khoản của khách hàng”.

Như vậy thì khách hàng có trách nhiệm quản lý tài khoản của mình tại ngân hàng hay không? Luật sư Đức đặt câu hỏi và tự trả lời luôn: “Xin khẳng định rằng khách hàng cũng có trách nhiệm quản lý tài khoản. Điều này đã được quy định trong Điều 10 về “Trách nhiệm của chủ tài khoản”, Quy chế Mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng, ban hành kèm theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN2 ngày 21-11-2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là phải hiểu trách nhiệm ở đây là như thế nào?

Trách nhiệm quản lý đến đâu?

Cho rằng liên quan đến hậu quả mất tiền trong vụ án nói trên, ngân hàng đã viện dẫn quy định quan trọng nhất tại khoản 2, Điều 10, Quy chế số 1284/2002/QĐ-NHNN2, đó là khách hàng có trách nhiệm: “Tự tổ chức hạch toán, theo dõi số dư trên tài khoản, đối chiếu với Giấy báo Nợ, Giấy báo Có, hoặc Giấy báo số dư tài khoản do Ngân hàng nơi mở tài khoản gửi đến”.

Theo ông Đức, một trong những quyền quan trọng nhất của chủ tài khoản là được ra lệnh cho ngân hàng thực hiện các yêu cầu thanh toán, rút tiền, chuyển tiền. Nhưng để thực hiện được quyền này, thì đồng thời khách hàng phải có trách nhiệm tổ chức hạch toán kế toán như thanh toán tiền hàng hay trả lương và theo dõi xem tiền còn hay hết, chứ không thể yêu cầu ngân hàng thanh toán cho mục đích trái luật hay chuyển tiền khi tài khoản trống rỗng. Chủ tài khoản không thể tự mình giao dịch rút tiền, chuyển tiền, thanh toán nếu như không có sự cho phép của ngân hàng. Thậm chí đúng là chủ tài khoản đã ký lệnh thanh toán, nhưng nếu chữ ký không giống với đăng ký hay ký bằng mực đỏ, thì ngân hàng có quyền đồng thời phải từ chối thực hiện lệnh chi. Như vậy, khách hàng chỉ quản lý một phần tài khoản và những gì ngoài phạm vi ngân hàng, còn lại thì chủ yếu thuộc về trách nhiệm của ngân hàng. Điều đó có nghĩa là, dù tội phạm có giật được tài khoản, thì cũng không dễ gì chiếm đoạt được tiền trong tài khoản của khách hàng, vì ngân hàng mới là người quyết định trong việc mở két và xuất tiền. Ngân hàng là hầu bao giữ tiền, tội phạm muốn lấy tiền, thì buộc phải tìm cách rút ruột ngân hàng.

Trách nhiệm pháp lý

Với cơ sở nói trên, theo luật sư Đức tài khoản bị “chọc thủng” ở khâu nào, thì sẽ tương ứng với trách nhiệm liên quan của khách hàng hay ngân hàng ở đó. Quy chế số 1284/2002/QĐ-NHNN2 cũng đã đồng thời quy định tại Điều 10 và Điều 12, khách hàng thì phải “chịu trách nhiệm về những sai sót hay hành vi lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình.”, còn ngân hàng thì phải “chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình.” Nếu khách hàng không hề ký lệnh rút tiền hay thanh toán, cũng không hề ký hợp đồng cầm cố tiền gửi,… thì đương nhiên là không có lỗi trong việc tiền cứ  “biến” khỏi tài khoản.

Tại phiên tòa này, đại diện Vietinbank cho rằng, những quy định trên chỉ áp dụng đối với tài khoản tiền gửi, chứ không áp dụng đối với tài khoản thanh toán của khách hàng. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định của pháp luật luật sư Đức cho rằng: “tài khoản thanh toán cũng chính là một loại tiền gửi và không có sự khác nhau về trách nhiệm pháp lý giữa hai loại tài khoản này. Khoản 22, Điều 4, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã giải thích rõ “Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng.” Không những thế, Quy chế số 1284/2002/QĐ-NHNN2 còn xác định cụ thể hơn, “tài khoản tiền gửi tiết kiệm, tài khoản séc bảo chi, tài khoản chuyển tiền, tài khoản tiền vay,…” đều là “các tài khoản thanh toán khác”. Luật sư Trương Thanh Đức viện dẫn.

Do vậy, vấn đề pháp lý mấu chốt trong việc tranh cãi nói trên không phải ở chỗ ai là người có trách nhiệm quản lý tài khoản, mà là ai đã có lỗi chủ yếu và trực tiếp dẫn đến nguyên nhân thất thoát hàng ngàn tỷ đồng trong tài khoản của khách hàng tại ngân hàng. Luật sư Đức nói.

H.ĐIỆP

————————————————

Tuổi trẻ (Chính trị – XH) 16-01-2014:

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/590438/ben-nao-co-trach-nhiem-quan-ly-tai-khoan.html

(1.110/1.230)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,203