437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường là chìa khóa phát triển[1]

Chùm 3 bài Việt Nam – Khát vọng hùng cường:

Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường là chìa khóa phát triển[1]

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên VIAC.
Chúng ta đang ở trong những thời khắc lịch sử rất quan trọng của đất nước. Sau mấy chục năm đổi mới và cải cách, chúng ta lại bắt đầu bước vào kỷ nguyên mới bằng việc thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là cải cách thế chế.

Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường

Bài 1: Thể chế là chìa khoá mở ra Kỷ nguyên mới

Chúng ta đang chậm chân và tụt hậu sau khoảng thời gian dài đổi mới, bứt phá. Rất may là chúng ta có rất nhiều cơ hội và lợi thế, trong đó có ba thứ lợi thế dành cho tất cả mọi người, không lợi trừ một ai. Đó là kinh doanh, tiêu dùng và hội nhập. Tôi cho rằng, thế giới nếu có cùng lắm cũng chỉ một hay hai chứ không có được đồng thời ba lợi thế như chúng ta.

Thứ nhất, doanh nhân và người dân đất nước ta chấp nhận rủi ro rất cao. Họ sẵn sàng đầu tư, sẵn sàng kinh doanh rất mạnh mẽ, kể cả trong nhiều lĩnh vực mạo hiểm. Thứ hai, doanh nghiệp và người dân chấp nhận hội nhập rất mạnh mẽ với hàng loạt các hiệp định, hiệp ước chúng ta tham gia và trên thực tế đã được biến thành hành động và cho kết quả rõ nét. Chúng ta sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng tiêu thụ toàn cầu. Chúng ta đã bắt nhanh và tận dụng được lợi thế của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, của những thành quả đổi mới. Ở nhiều nước khác, người ta phát triển, tăng tốc, đổi mới trong những giai đoạn chưa có những lợi thế này. Thứ ba, người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu rất mạnh tay. Có thể nói, chúng ta chưa giấu nhưng rất “chịu chơi” và chịu chi, tức khả năng tiêu thụ rất mạnh hàng hóa, dịch vụ từ bình dân cho đến cao cấp. Thị trường 100 triệu dân chấp nhận rủi ro lớn, chấp nhận hội nhập cao và chấp nhận tiêu thụ mạnh là thị trường quá hấp dẫn và có rất nhiều cơ hội phát triển.

Đấy là những cơ sở để chúng ta bứt phá trong sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh toàn cầu. Nhưng đẩy mạnh sản xuất, phát triển thương mại, dịch vụ hay gia tăng tiêu thụ thì cũng đều phụ thuộc rất nhiều vào thể chế.

Chúng ta đã từng tiến rất nhanh, rất mạnh, rất tốt, như một giấc mơ và hơn cả giấc mơ mà thế giới cũng phải ghi nhân. Nhưng đó mới chỉ là so sánh với chính chúng ta, với mặt bằng khởi đầu rất thấp. Đã chấp nhận nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu, rộng toàn cầu mà chỉ so với chính mình thì không có mấy ý nghĩa, thậm chí là vô nghĩa, là ru ngủ, là trì trệ, tụt hậu. Nếu như sắp tới không vượt qua chính mình thì chúng ta cũng vẫn cứ đi lên, vẫn cứ tiến bộ, vẫn cứ tăng trưởng vì là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, tiến lên kiểu nhờ nước nổi, bèo nổi thì không khác nào kiểu tư tưởng lội nước đi sau, bình chân như vaị, được chăng hay chớ, theo đóm ăn tàn và sẽ chỉ quanh quẩn ở cuối, đi sau thiên hạ. Thách thức của chúng ta là buộc phải chạy đua với các nước trong lúc họ cũng rất nhanh, rất cởi mở, rất tạo điều kiện phát triển. Do đó, muốn bước vào kỷ nguyên mới thành công thì đừng ngủ mê trên thành tích. Chúng ta đã từng rất khốn khổ, nghèo đói vì chính sách phát triển không phù hợp quy luật thị trường, khiến kinh tế bị kìm hãm, lạc hậu. Nhưng chúng ra đã kịp nhận ra để thay đổi và phát triển với chính sách đúng đắn, rộng mở.

Trong số những nhân tố hàng đầu mở ra công cuộc và quyết định sự thành công của cuộc cải cách phải kể đến là Tổng Bí thư Trường Chinh. Trước đó là công lao của Thủ tưởng Võ Văn Kiệt, khi là Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, đã mạnh dạn phá rào để có đủ lương thực mang về nuôi sống đồng bào Sài Gòn, tức là đã tháo gỡ điểm nghẽn dòng chảy lưu thông của hàng hoá nói chung và lương thực nói riêng, xé bỏ cơ chế ngăn sông, cấm chợ, bóp nghẹt thị trường lúc đó.

Đáng tiếc là những năm gần đây, nền kinh tế lại đang đối mặt trở lại với nguy cơ bị thắt chặt, trói buộc. Nhiều việc lớn, việc khó thì không tìm cách tháo gỡ, tạo điều kiện, mà chỉ muốn ngăn chặn, cấm đoán. Những cái thông thường nhất, đơn giản nhất, dễ nhất thì cũng gây khó dễ, vòi vĩnh. Tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân qua những câu chuyện hằng ngày mới thấy rằng, để đứng vững và phát triển, doanh nghiệp phải trả giá bằng muôn vàn bức xúc, chi phí không chính thức và những điều đáng buồn. Sau một thời gian xoá bỏ “giấy phép con”, rất lo ngại vì nó bị biến thành “giấy phép cha” và “giấy phép vô hình”. Với con số ước tính lên đến 16.000 điều kiện kinh doanh tại thời điểm này thì môi trường kinh doanh đã xấu đi quá nhanh, trắc trở khó ngờ. Đó là một vạn sáu nghìn sợi dây trói buộc doanh nghiệp, níu kéo doanh nhân, kìm hãm thị trường. Rất nhiều tiền bạc, công sức, nguồn lực xã hội bị hao hụt, tiêu tán, thui chột khi hoạt động giao thương rơi vào vô số sợi dây pháp lý hay vượt qua từng đó cái cửa lớn, nhỏ.

Doanh nghiệp muốn được thật sự tự do kinh doanh theo đúng tinh thần của Hiến pháp, muốn được giải thoát khỏi những thứ trói buộc để chớp lấy cơ hội, tả xung hữu đột, tự tin chiến đấu và chiến thắng trên thương trường. Nhưng nểu chỉ tháo gỡ bằng kiểu “cò kè bớt một thêm hai” điều kiện kinh doanh, thì chúng sẽ vẫn cứ luẩn quẩn trong mê hồn trận của pháp luật, sẽ không thành công khi bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thật vô cùng thấm thía và vui mừng trước nhận định rất chuẩn xác của Tổng Bí thư Tô Lâm: Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Vì vậy, cải cách thể chế chính là là chìa khoá mở ra kỷ nguyên mới và bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 

Bài 2: Giảm thiểu can thiệp vào thị trường là tăng cường cơ hội

Theo đuổi kinh tế thị trường, tức thay đổi thế chế, đã giúp nước ta “lột xác”, “rũ bùn đứng dậy” để hôm nay đang đứng trước cơ hội bước vào kỷ nguyên mới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thực tế đã cho thấy, hầu hết các thất bại kinh tế của chúng ta trong mấy chục năm qua là do chính sách sai. Và ngược lại, mọi thành công, thành quả, thành tích, thành tựu có được đều nhờ vào sự sửa sai để đúng với nguyên lý thị trường.

Trên thực tế, thị trường vẫn tuyệt vời hợp lý và không bao giờ khuất phục ý chỉ chủ quan của con người. Thị trường là chùm chìa khóa vạn năng để khai mở, điều chỉnh mọi thứ và liên quan đến cuộc sống của tất cả mọi người. Tất nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó, Nhà nước chỉ cần và chỉ có thể xử lý một phần rất nhỏ mặt trái của nó thôi, còn lại hãy để cho thị trường tự vận hành theo nguyên tắc hoàn hảo. Hãy xem xét kỹ mặt trái của thị trường, vì rất có thể do chính chúng ta làm cho nó thì phải thành trái. Kinh tế thị trường có xu hướng tất yếu là hàng hoá luôn dồi dào nhất; nhanh chóng cân đối cung cầu nhất; vận hành hiệu quả, tiết kiệm nhất; giá thành và giá cả hạ thấp nhất. Nếu nó không thế, không phải do bất khả kháng như thiên tai, chiến tranh, thì là bị can thiệp méo mó, lệch lạc, sai trái. Ví dụ, khi mới xảy ra đại dịch COVID-19, đương nhiên là khan hiếm khẩu trang, nhưng nó thiếu hụt hơn do bị siết quá mạnh dẫn đến dòng cung ứng, lưu thông, điều tiết bị tắc nghẽn. Thị trường luôn phản ánh rất khách quan, nhanh nhạy, chính xác mọi chính sách. Can thiệp không đúng, không hợp lý sẽ mang đến tác dụng ngược, thậm chí là phá hoại thị trường. Tuy nhiên, thị trường không bao giờ chịu chết, mà nó sẽ tự biến dạng khó lường.

Ví dụ nữa về vấn đề đang nóng hiện nay là giá nhà đất. Nhiều lãnh đạo, chuyên gia, người dân đổ lỗi cho mặt trái của kinh tế thị trường hay giới đầu cơ. Nhận đinh  như vậy thì quá đơn giản, hình thức, mà không đúng bản chất. Phải mất nhiều năm mới vượt qua thủ tục và hoàn thành một dự án bất động sản, mà số dự án được phép triển khai bị chặn đứng, chỉ còn rất ít trong suốt mấy năm. Nguồn cung quá ít, trong khi nhu cầu vẫn rất nhiều, thì giá tăng chóng mặt như vậy là đúng quy luật thị trường. Muốn gỡ thì phải tăng cung để cân bằng với cầu chứ ai lại cứ đòi giá đất bán đấu giá phải thấp. Nếu đấu thầu cứ mong giá cao lên giá, ngược lại đấu giá cứ mong giá thấp xuống là đi ngược lại nguyên lý của hai hoạt động này, là tình trạng thông đồng, móc ngoặc, tiêu cực, phạm pháp đã xảy ra khá nhiều trên thực tế trước đây. Muốn giá đất thấp thì điều cốt yếu là phải tăng cung lên, bán nhiều ra. Đất đai để mở rộng thành phố, xây nhà ở của nước mình có phải khan hiếm như Singapore hay Hồng Kông (Trung Quốc) đâu, trong khi thu nhập thì khá thấp, mà giá nhà đất thì quá cao. Thị trường đã bị gánh chịu, bị đổ lỗi của thế chế pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng như Bộ Xây dựng, đến giữa năm 2023, cả nước có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc, chủ yếu là vướng mắc pháp lý. Một năm rưỡi đã qua đi, rất ít vướng mắc được tháo gỡ. Nhiều năm nay, chúng ta cứ quy định, muốn làm dự án nhà ở thì trong diện tích đó phải có 1m2 nhà ở. Đó là sai cơ bản! Chẳng hạn, sẽ không thể có thành phố vệ tinh Ecopark hay Ocean Park ở giữ đồng ruộng, nếu đòi hỏi phải có một phần đất ở. Rồi có những dự án ở giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh, đã được đưa vào sử dụng gần chục năm nay, mà vẫn vướng mắc pháp lý vì chưa tính được ra số tiền đất phải nộp. Như vậy, người dân thì khổ, doanh nghiệp thì chết. Luật Đất đai làm lâu thế, kỹ thế mà chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi ngày áp dụng và vừa có hiệu lực, thì Quốc hội đã phải ban hành Nghị quyết thí điểm trên toàn quốc, mà thực chất là sửa điểm nghẽn bất hợp lý của luật.

Cải cách thể chế đặc biệt cần phải tôn trọng 3 thứ: Tôn trọng tự do con người, tôn trọng môi trường tự nhiên và tôn trọng quy luật thị trường.

Tôn trọng quy luật thị trường là cần chấm dứt ý chí, giảm thiểu ý định can thiệp trực tiếp vào thị trường. Can thiệp để khắc phục lỗi của thị trường, tức là uốn – chống lại quy luật thị trường rất dễ gây tổn thương và tạo ra lỗi trầm trọng hơn. Luật nhiều khi rất sai mà chúng ta vẫn phải coi trọng, không được phép làm trái luật. Quy luật thị trường không có sai nên hãy tôn trọng, đừng chống lại, mà hãy chấp nhận và dựa vào nó. Không có thiên tài vĩ đại nào, không có lực lượng hùng hậu nào và không có nhà nước siêu cường nào có thể làm thay vai trò của thị trường. Nhưng nhà nước lại là nhân tố đặc biệt quan trọng kìm hãm hoặc thúc đẩy thị trường. Càng kìm hãm mạnh thì càng làm hại và càng phải chấp nhận mặt trái, gánh chịu hậu quả xấu của thị trường. Còn thúc đẩy mạnh là làm cho thị trường lợi hơn, tốt hơn thì sẽ được hưởng thành quả của thị trường.

Đổi mới và cải cách thể chế trong bối cảnh hiện nay là phải giảm thiểu việc can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường. Can thiệp trực tiếp bằng mệnh lệnh, bằng quyền lực hành chính thì thị trường vẫn buộc phải và tiếp nhận và ảnh hưởng thôi, nhưng tác dụng rất dễ bị lệch lạc, hiệu quả rất dễ bị méo mó và kiểu gì cũng sẽ gây tổn thương cho thị trường, không trước mắt thì lâu dài.

Nếu thể chế là chìa khoá mở ra kỷ nguyên mới, thì thị trường là cỗ máy vạn năng của phát triển. Sự can thiệp hành chính trực tiếp, kỳ vọng thay đổi quy luật thị trường sẽ phá vỡ và tạo ra những điểm nghẽn của thị trường. Giảm thiểu sự can thiệp vào thị trường chính là chìa khoá tăng cường cơ hội cho sự phát triển mạnh mẽ.

 

Bài 3: Thể chế tốt phải tạo ra sự đột phá

Nếu giải quyết được điểm nghẽn thể chế, giải phóng được nguồn lực và tận dụng được lợi thế, phá bỏ được sự kìm hãm, trói buộc thì đất nước ta tự khắc, tự tại, đàng hoàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thể chế tốt không phải là chỉ phát huy được lợi thế sẵn có, mà còn phải tạo ra sự đột phá, phát huy được những tiềm năng to lớn hơn. Đáng tiếc là nhiều tiềm năng và lợi thế của chúng ta đã bị hạn chế bởi thể chế.

Thể chế ảnh hưởng rất lớn đến thị trường, nhưng nó chỉ ảnh hưởng tốt nêu can thiệp gián tiếp bằng cơ chế, chính sách, công cụ kinh tế, tức là nương theo, điều chỉnh và thúc đẩy nó theo hướng mong muốn. Nếu thị trường phản ứng thì can thiệp đúng. Nếu thị trường không phản ứng, thì can thiệp đã sai và khi đó thì thị trường lại đúng. Ở những nền kinh tế thị trường lâu đời và phát triển nhất thì nhà nước vẫn phải can thiệp, nhưng theo kiểu dựa nước đẩy thuyền chứ không “ra lệnh” cho thị trường. Bài học lớn trong đổi mới và cải cách mấy chục năm qua là thể chế tốt đã tạo ra sự đột phá. Đó là Bộ Chính trị chỉ ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, tháng 4-1988 (“khoán 10”), tháo bỏ việc ngăn sông cấm chợ, để người dân tự do cày cấy, tự do trao đổi lưu thông, lập tức nước ta đang từ chỗ thiếu đói trầm trọng trở thành dư thừa lương thực để giữ vững vị thế nước xuất khẩu tốp đầu thế giới.

Công lao hàng đầu để ra đời Nghị quyết về khoán 10 phải kể đến ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc và đặc biệt sau đó là ông Đoàn Duy Thành, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, đã dũng cảm xé rào, mạnh dạn thí điểm khoán chui trong nông nghiệp.

Suy nghĩ thật kỹ về nguyên nhân đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong gần 40 năm qua thì thấy chúng ra đang có rất nhiều lợi thế phát triển và cạnh tranh với thế giới. Chẳng hạn như cái tưởng yếu thế nhất là nước nghèo, mức sống thấp, nhưng nếu xét theo chiều hướng tích cực thì đó vẫn có thể là một lợi thế. Vì giàu rồi thì dễ tự mãn, nhiều yêu sách, không muốn làm, làm ít nghỉ nhiều, dễ làm khó bỏ, còn vì nghèo thì phải chèo chống, chịu thương, chịu khó, chịu khổ, chịu làm và quyết tâm thoát nghèo bẳng mọi cơ hội và khả năng. Tương tự, đi sau, đi chậm cũng là một lợi thế. Lên mạng xã hội giải trí, tranh cãi quá nhiều cũng là một lợi thế. Kiều bào phải tha phương cầu thực trước đây, lao động dư thừa, đi xuất khẩu giúp việc hiện nay cũng là một lợi thế. Hàng quán dày đặc, buôn bán manh mún, còn con, nhỏ lẻ, lấn chiếm vỉa hè cũng là một lợi thế. Tất cả đều có hai mặt, trong đó có cả mạt lợi thế. Đó là nhận được những bài học miễn phí từ người đi trước, ứng dụng công nghệ và thương mại online rất nhanh, hội nhập nhanh và rộng, tận dụng mọi nguồn lực lao động, cơ sở vật chất. Nhìn chung là phát huy được các lợi thế một cách tối đa, phong phú, linh hoạt,.

Thế chế là chìa khoá mở ra kỷ nguyên mới, là yếu tố quyết định để phát triển nhanh hay chậm và đưa dân tộc ta vươn mình đến đâu. Để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển thì không chỉ cần thể chế theo kịp, không cản trở, mà còn phải có dự đột phá, táo bạo, khác biệt, nhưng quan trọng nhất là vẫn phù hợp với Việt Nam, với những lợi thế từ to lớn đến lặt vặt như kể trên. Hoàn thiện thể chế pháp luật không phải chỉ là tạo thêm hành lang và gia cố thêm rào giậu, cà quan trọng hơn là cần phải xoá bỏ mọi rào chắn lợi bất cập hại, trói chân, giữ tay, bóp đầu doanh nhân.

Nguyên tắc áp dụng pháp luật lâu nay chính là điểm nghẽn của pháp luật nói chung và trong kinh doanh nói riêng. Vì vậy, chìa khoá cải cách thể chế cũng chính là phải có sự thay đổi nguyên tắc áp dụng pháp luật. Ngoài việc được làm tất cả những gì luật không cấm, quan trọng hơn là khi pháp luật xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo đối với một việc, thì người dân phải được toàn quyền lựa chọn áp dụng theo quy định nào có lợi nhất cho họ. Nếu việc đó vi phạm nguyên tắc pháp chế hay có hậu quả pháp lý nào đó không tốt thì đó là trách nhiệm của các cơ quan ban hành, thuộc về lỗi hệ thống, chứ không phải là trách nhiệm của người dân. Còn nếu cứ phải trông chờ, phụ thuộc vào việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật, với hàng nghìn văn bản, hàng vạn điều luật, thì sẽ lại phải tính bằng nhiều nhiệm kỳ và là việc khúc mắc muôn đời như kỷ nguyên cũ.

Tuân thủ pháp luật cũng là đòi hỏi cần thiết, là sự tôn trọng pháp luật tối thiểu, nhưng không phải là trên câu từ, chữ nghĩa, mà phải là trên tinh thần, hồn cốt, nguyên lý của nó, là vì lẽ phải, công bằng, công lý và vì sự tự do của con người.

Dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, quyết đoán, đột phá luôn là điều được khuyến khích. Thậm chí phá rào, tức là vượt qua sự hạn chế, bất cập, vô lý, sai trái của pháp luật trong một số hoàn cảnh cần thiết nhất định, đặc biệt là trong những thời điểm rất khó khăn của đất nước, chính là điều vượt khỏi sự trói buộc kìm hãm của thể chế, cơ chế cũ lạc hậu, kể cả sự sai trái của pháp luật.

Thời kỳ bắt đầu đổi mới luôn cần sự đột phá, dù bao giờ cũng vấp phải nhiều khó khăn. Còn nhớ, năm 1984, trong lúc cả nước đang “sống nhờ” vào chế độ tem phiếu, cái gì cũng phân phối bằng tem phiếu, thì Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Đoàn Duy Thành đã mạnh dạn xoá bỏ và sau đó tuyên bố gây sốc trên Báo Nhân Dân: Dù bất cứ thế nào, Hải Phòng cũng cương quyết không trở lại chế độ tem phiếu. Đến năm 1989, chế độ tem phiếu mới chính thức bị xoả sổ trên phạm vi cả nước, giúp nước ta tăng tốc thần kỳ trên con đường đổi mới và cải cách.

Giai đoạn này, cải cách, đổi mới thể chế trên nền tảng của đổi mới, nên đòi hỏi, yêu cầu cao hơn và sẽ khó khăn, cam go hơn. Đặc biệt, đổi mới thể chế, từ việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy đến thay đổi pháp luật, là yếu tố tất yếu, mang tính quyết định để chúng ta tiến chậm hay nhanh, tiếp tục tụt hậu hay đột phá đế bứt phá vượt lên hàng đầu./.

(3.656 chữ)

[1]     Tôi (Trương Thanh Đức) đã sửa chữa khá kỹ bài viết do 1 phóng viên của 1 tờ báo viết lại ý kiến của tôi, nhưng không đăng, nên ai muốn thì cứ sử dụng.

————-

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,659