(LĐ) – Chiều nay (9.1), phiên tòa tiếp tục “nóng” và có phần “căng thẳng” khi các luật sư đặt câu hỏi xung quanh vấn đề các Cty, các ngân hàng gửi tiền vào VietinBank- Chi nhánh TPHCM, nhưng bị Huyền Như làm giả chữ ký, hồ sơ giả… để rút tiền, vay tiền VietinBank; tuy nhiên, bị cáo Huyền Như loanh quanh, im lặng, từ chối trả lời câu hỏi của luật sư bảo vệ quyền lợi cho các Cty, ngân hàng, hoặc cho rằng bị cáo đã khai với Cơ quan điều tra rồi!
Bị cáo Huyền Như đều né tránh hoặc im lặng không trả lời nhiều câu hỏi của luật sư.
Tuy nhiên, trả lời các câu hỏi của luật sư bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Công Thương (VietinBank), thì bị cáo Như rất nhanh nhẹn, đáp rõ ràng. Luật sư hỏi bị cáo Huyền Như: “Trong các năm 2010, 2011, lãi suất huy động là 14%, lãi suất cho vay là 18% phải không ?”, bị cáo Như trả lời ngay: “Dạ phải”.
“Khi bị cáo huy động vốn, 9 Cty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân, thì bị cáo phải trả lãi suất ngoài hợp đồng, bị cáo có lấy tiền của bị cáo trả không?” – luật sư hỏi; bị cáo Như liền đáp: “Dạ phải”. “Giao dịch đó là trái pháp luật không ?” – luật sư hỏi tiếp; bị cáo Như cũng nhanh chóng trả lời: “Dạ thưa, lãi suất vượt quy định là sai quy định ạ”.
Trong khi hỏi bị cáo Huyền Như và cũng được Huyền Như trả lời nhanh gọn, bỗng vị nữ luật sư này buột miệng: “Ok” (!?).
Tuy nhiên, đến phần các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các cá nhân, Cty và ngân hàng thì bị cáo Huyền Như hầu như né tránh, im lặng, không trả lời hoặc loanh quanh không trả lời thẳng vào vấn đề trọng tâm câu hỏi.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho 3 Cty Thịnh Phát, Hưng Yên và Phúc Vinh hỏi bị cáo Như: “Bị cáo có biết và quản lý tài khoản của 3 Cty Thịnh Phát, Hưng Yên và Phúc Vinh không?”, thì bị cáo Như im lặng một lúc rồi ậm ừ: “Thưa phải xem lại quy trình quản lý tài khoản”. Luật sư tiếp: “Bị cáo có quản lý tài khoản của 3 Cty này không? Bị cáo có biết các tài khoản của 3 Cty mở tại Vietinbank không?”.
Bị cáo Như không trả lời câu hỏi của luật sư, mà cho rằng: “Tài khoản của khách hàng, chủ tài khoản quản lý”. Luật sư hỏi tiếp: “Trách nhiệm của ngân hàng, thì ai quản lý tài khoản ?”, bị cáo Như im lặng và sau đó cho rằng: “Luật sư xem lại quy định, bị cáo không trả lời luật sư?”.
Luật sư cố gắng hỏi thêm: “Bị cáo có nhận tiền gửi của 3 Cty không ? Bị cáo nhận tiền trực tiếp của 3 Cty không ? Nếu không nhận thì ai nhận?”. Lúc này Huyền Như từ chối thẳng câu hỏi của luật sư đặt ra với mình, mà cho rằng: “Bị cáo khai rõ trong hồ sơ, bị cáo khai tại Cơ quan điều tra, bị cáo không trả lời”.
Đến lúc này, luật sư nhắc lại: “Bị cáo phải trả lời trước HĐXX, bị cáo có nhận trực tiếp số tiền đó của 3 Cty hay không? Tiền 3 Cty mở tài khoản ở đâu?”, cuối cùng, Huyền Như mới đáp: “Dạ mở tại VietinBank”.
Chuyển sang câu hỏi của luật sư đối với đại diện VietinBank, thì HĐXX cho rằng: “Yêu cầu các luật sư đặt ra câu hỏi, rồi phía đại diện VietinBank phải có trách nhiệm trả lời sau, vì có hơn 40 luật sư tham gia”. Như vậy, phiên tòa từ sáng đến chiều 9.1, luật sư đặt ra rất nhiều câu hỏi cho đại diện VietinBank, nhưng vẫn đang chờ câu trả lời.
Luật sư tiếp tục hỏi bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh (giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, VietinBank): “Bị cáo nhận các lệnh chi của 3 Cty?”, bị cáo Anh: “Dạ bị cáo nhận lệnh từ quyền Trưởng phòng là bị cáo Huyền Như”.
“Khi nhận lệnh, có đóng dấu, ghi họ tên không?”, bị cáo: “Dạ có”. Luật sư liền công bố tại phiên tòa các lệnh chi liên quan đến 3 Cty là không có ghi họ tên, không đúng với quy định của ngân hàng.
“Ai kiểm tra lệnh chi này”, luật sư hỏi; bị cáo Anh: “Dạ kiểm soát viên trực tiếp kiểm tra”. Luật sư lại công bố và cho bị cáo Anh xem bản bút lục, bị cáo khai nhận với Cơ quan điều tra là lệnh chi không ghi rõ họ tên.
“Vậy tại sao lệnh chi không có ghi họ tên của chủ tài khoản mà vẫn thực hiện lệnh chi ? Bị cáo làm việc mấy năm ở ngân hàng?” – luật sư hỏi; bị cáo Anh: “Dạ làm 5 năm”.
Luật sư hỏi bị cáo Bùi Ngọc Quyên (nguyên Phó phòng giao dịch Điện Biên Phủ, VietinBank): “Các lệnh chi không có ghi họ tên mà bị cáo vẫn thực hiện lệnh chi, nghiệp vụ cán bộ VietinBank thế nào?”, bị cáo Quyên: “Dạ lệnh chi thì không cần ghi họ tên”. Lập tức, luật sư đọc quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy định phải ghi rõ họ tên… khi thực hiện lệnh chi. Lúc này, bị cáo Quyên nại rằng: “Bị cáo nghỉ làm ngân hàng 2 năm rồi nên bị cáo không nắm được quy định này” (!?).
Luật sư nói phát biểu tại tòa: “Tôi có thể chứng minh tại tòa, tại các sao kê tài khoản của 3 Cty, có thể chứng minh rằng, các bản sao kê thể hiện việc VietinBank đã thực hiện trực tiếp quản lý các tài khoản của 3 Cty, có số tài khoản, có nhận tiền, thu phí chuyển tiền, có sao kê…; như vậy, trong quan hệ với 3 Cty thì VietinBank có quản ký tài khoản của 3 Cty, chứ không phải ai đó nhận thức rằng các bị cáo làm giả con dấu, giả chữ ký, VietinBank không biết, không quản lý các tài khoản này. Đề nghị HĐXX xem xét, Ngân hàng VietinBank là bị đơn dân sự trong vụ án này”.
Luật sư Trương Thanh Đức – bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Nam Việt (Navibank) – hỏi bị cáo Huyền Như: “Tiền gửi vào VietinBank hay gửi cho bị cáo?”, bị cáo Huyền Như không trả lời.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Không thể cứ gửi tiền vào ngân hàng, mà bị cán bộ ngân hàng lừa chiếm đoạt của ngân hàng đó, rồi ngân hàng không chịu trách nhiệm, mà khách hàng lại bị mất tiền thì triệu triệu người dân để tiền cất giữ ở nhà còn hơn…!”.
16h30 chiều nay (9.1), HĐXX yêu cầu các nguyên đơn, bị hại, sáng mai (10.1) nộp yêu cầu bồi thường thiệt hại cho tòa. Riêng đại diện VietinBank được nhiều luật sư tham gia xét hỏi, đặt nhiều câu hỏi, như vấn đề “quản lý con người, cán bộ, quản lý tài sản của khách hàng đối với VietinBank, nhân viên VietinBank sử dụng danh nghĩa, ảnh hưởng của ngân hàng để huy động vốn, thì VietinBank có chịu trách nhiệm thiệt hại này hay không? Tiền chuyển vào VietinBank thì ngân hàng này phải chịu trách nhiệm…”.
HĐXX cũng cho biết: “Ngày mai (10.1) vẫn diễn ra xét hỏi và đại diện VietinBank phải trả lời mạch lạc các câu hỏi của các luật sư. Tòa không hạn chế thời gian phần xét hỏi của luật sư”.
(LĐ) PHÙNG BẮC
——————————————————
Lao Động 09-01-2014 (Mục Pháp luật):