Bình luận về việc xây dựng Trung tâm tài chính.
(Bình luận sơ bộ về dự thảo sơ khai tham gia Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 18-02-2025 tại Trụ sở Bộ)
1. Tiếp cận vấn đề:
1.1 Quan điểm cá nhân:
Ủng hộ chủ trương xây dựng 01 Trung tâm tài chính tầm cỡ không quốc tế thì cũng khu vực. Việt Nam đã có trung tâm tài chính, ít nhất là TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cần có quan điểm, cách thức và lộ trình thể nào để đạt được điều này?
1.2. Tinh thần Đề án:
Trên tinh thần khá lạc quan, nhưng cần xem xét kỹ hơn các điều kiện và yếu tố hình thành Trung tâm tài chính. Ví dụ, gần chục lần nhắc đến múi giờ, như “Có múi giờ khác biệt với 21 TTTC lớn nhất toàn cầu (đây là lợi thế “riêng có và đặc biệt” trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này)”.
Thế mạnh múi giờ đến đâu, có thật sự là “lợi thế riêng có và đặc biệt” trong khi chỉ chênh lệch 1 giờ với các Trung tâm tài chính Singapore, Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Quảng Châu,…
1.3. Tinh thần Nghị quyết:
Dự thảo Nghị quyết (bản dự thảo trước ngày 13-02-2025) thể hiện việc xây dựng Trung tâm tài chính tương tự như xây dựng 1 khu kinh tế tự do (đặc khu tài chính). Tuy nhiên, yếu tố hành chính nặng hơn yếu tố thị trường.
2. Xác định vấn đề:
2.1. Trung tâm tài tài chính khác với các trung tâm Trung tâm kinh tế hay Trung tâm thương mại ở chỗ, chủ yếu là các giao dịch vô hình, chứ không phải là giao dịch hữu hình. Không thấy Trung tâm tài chính nào không gắn với hay không phải là sản phẩm của các Trung tâm kinh tế.
2.2. Trung tâm tài chính là một đầu mối giao dịch tài chính, gắn liền với hoạt động của cả nền kinh tế và chỉ mang lại lợi ích khi phục vụ cả nền kinh tế, chứ không có nhiều ý nghĩa khi chỉ khoanh vùng riêng biệt và gần như chỉ mang lại lợi ích trong phạm vi nội khu Trung tâm tài chính.
2.3. Hình thành Trung tâm tài chính để triển khai các hoạt động tài chính hay triển khai các hoạt động tài chính để trở thành Trung tâm tài chính? Sở giao dịch ngoại hồi, sở giao dịch vàng, sở giao dịch hàng hoá, tở giao dịch chứng khoán, trong đó chấp nhận giao dịch coin. Do vậy, Trung tâm tài chính là sự hình thành chứ không phải là sự thành lập.
2.4. Trung tâm tài chính được phát triển theo mô hình nào trong số 03 mô hình nêu trong Đề án là do hình thành tự nhiên, do cải cách hay độc lập (có thể hiểu là thành lập trên cơ sở khoanh vùng địa giới cụ thể và khá hẹp) thì cũng phải trên cơ sở một thị trường tài chính phát triển, có độ mở lớn, thu hút vốn mạnh, tính cạnh tranh cao. Trong khi đó, chúng ta đang rất khép, đến nay đồng tiền vẫn chưa thể tự do chuyển đổi, tiền ảo vẫn bỏ ngỏ, fintech gần như chưa có quy định.
3. Giải quyết vấn đề:
3.1. Cần xây dựng tất cả các yếu tố, các điều kiện và sản phẩm cần thiết của một Trung tâm tài chính để phát triển thành Trung tâm tài chính, thay vì thành lập mới và gom lại, chuyển trụ sở các tổ chức tài chính vào Trung tâm để gọi là thành viên của Trung tâm tài chính như thành viên Sở giao dịch chứng khoán. Ví dụ, Nhà đầu tư chiến lược có 4 tỷ đô mới được nhày vô Trung tâm tài chính, trong khi chưa có gì, chỉ là xếp gạch ngồi chờ tương lai thì chỉ là chuyện gà & trứng.
Nhà đầu tư vào Trung tâm tài chính không tạo ra khách hàng được, không tự bán hàng được, không tự quyết định kinh doanh được như đầu tư thành lập ngân hàng hay mở casino, mà phụ thuộc vào đối tác giao dịch khác trong Trung tâm tài chính. Hay, ví dụ, một Trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế thì việc giải quyết tranh chấp tài chính phải dễ dàng lựa chọn được tổ chức giải quyết tranh chấp một cách thuận lợi, nhanh chóng đơn giản, tin cậy.
Để đáp ứng được đòi hỏi này thì, các bên có thể đưa vụ việc tranh chấp ra Toà án Việt Nam hoặc nước ngoài, đưa ra Trọng tài Việt Nam (ví dụ VIAC) hoặc nước ngoài, chứ không phải bằng việc thành lập một Trung tâm Trọng tài của Trung tâm tài chính. Còn theo cách thức đang xây dựng, thì không chỉ thành lập Trung tâm trọng tài mà còn phải thành lập cơ quan thi hành phán quyết trọng tài, đó mới là kết quả cuối cùng, đồng thời là điểm nghẽn lớn nhất trong việc giải quyết tranh chấp nói chung và tranh chấp tài chính nói riêng.
3.2. Đề án viết “Cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính. Thử nghiệm sandbox và ứng dụng fintech cần phải được nhanh chóng triển khai bình thường, chứ không phải chỉ trong Trung tâm tài chính. Hay thành lập sàn giao dịch chuyên biệt trong Trung tâm Tài chính thì cho cả nước hay chỉ cho các doanh nghiệp có trụ sở và những cá nhân định cư hay làm việc trong Trung tâm tài chính giao dịch?
3.3. Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể là “Thành lập TTTC vào năm 2025, phát triển TTTC khu vực vào năm 2035, TTTC quốc tế vào năm 2045”. Điều này không đồng bộ với dự thảo Nghị quyết xây dựng Trung tâm tài chính khu vực Đà Nẵng và Trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh. Cần xác định TP Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm tài chính khu vực trước Đà Nẵng. Hợp lý nhất chỉ chọn xây dựng 1 thay vì 2 Trung tâm tài chính. Và nếu là 2 thì số 2 là Hà Nội có lợi thể hơn nhiều và trên thực tế Hà Nội đã là một Trung tâm tài chính quốc gia.
Quan trọng hơn, bước vào kỷ nguyên Vươn mình của dân tộc, không thành lập Trung tâm tài chính thì 20 năm nữa, năm 2045, thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ trở thành Trung tâm tài chính quốc tế. Vậy thành lập Trung tâm tài chính vào thời điểm này thì đã là Trung tâm tài chính chưa và là Trung tâm gì. Vì rõ ràng, thành phố Hồ Chí Minh đã là một trung tâm tài chính của quốc gia rồi, mà không cần thành lập. Do đó, nếu xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thì cần có những giải pháp đột phá mạnh mẽ để đạt được mục tiêu sớm hơn.
3.4. Cuối cùng, cần phải xây dựng Luật thay vì Nghị quyết về việc “Xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam” và xây dựng bằng cách chủ yếu là việc thúc đẩy hình thành thay vì chủ yếu dựa vào việc thành lập Trung tâm tài chính.Luật này chủ yếu sửa đổi các luật hiện hành để tạo điều kiện hình thành và phát triển của Trung tâm tài chính, bước 1 quốc gia, bước 2 khu vực, bước 3 quốc tế, chỉ nên ban hành sau ít nhất 01 năm nữa, sau khi đã rõ nét về hệ thống pháp luật tài chính – kinh doanh theo hướng cải cách để vươn mình bước vào kỷ nguyên mới. Tất nhiên, phải tích cực làm ngay thì mới hoàn thành sau 01 năm.
Hà Nội ngày 18-02-2025
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC
(1.385)