Bình luận về việc Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để thúc đẩy sáng tạo.
(Tham luận Hội thảo do Tạp chí Dân chủ & Pháp luật tổ chức ngày 21-02-2025 tại Bộ Tư pháp)
1. Xác định vai trò của pháp luật:
1.1. Đất nước ta được như ngày hôm nay, cũng như có thực sự bước được vào Kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc hay không, 90% phụ thuộc vào hệ thống pháp luật. Điều không thay đổi là phải sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, hầu như tất cả mọi thứ đều phải dựa vào pháp luật. Mà điểm xuất phát, cái gốc, cái quyết định lại nằm ở các quy phạm pháp luật, trong đó đặc biệt quan trọng là pháp luật nhằm thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, kinh doanh, sáng taọ, phát triển.
1.2. Sự xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật trong gần 4 chục năm đổi mới vừa qua là thủ phạm chính đã gây ra nhiều khó khăn, cản trở phát triển, lúng túng, lo ngại, sợ hãi, trái khoáy, oan sai vô cùng tiếc nuối và nhức nhối. Giai đoạn sắp tới nó cũng vẫn sẽ là vấn đề muôn thuở khó tránh và ảnh hưởng lớn nhất đến tiền đồ tương lai của đất nước, chế độ.
1.3. Việc cấp bách sống còn là phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để phát triển và thúc đẩy sảng tạo. Và chỉ có thể giải quyết vấn đề theo một tư duy đột phá, táo bạo, quyết liệt và hoàn toàn khác biệt.
2. Đòi hỏi thay đổi hệ thống pháp luật:
2.1. Chỉ chưa đầy 1 năm trước, tất cả còn tuân thủ quy định xây dựng luật một cách hết sức cụ thể, chi tiết, thì nay đã đột ngột thay đổi theo hướng chỉ quy định khung, thậm chỉ chỉ quy định nội dung chính sách có tính nguyên tắc, định hướng. Hay thay đổi quan điểm làm luật theo hướng, cơ quan soạn thảo chịu trách nhiệm đến cùng thay vì các cơ quan Quốc hội. Những sự đổi mới này thực chất chỉ là sự quay lại cái cũ. Đó chưa thực sự là sự đổi mới căn bản trong công tác xây dựng pháp luật. Việc này chắc chắn sẽ tác động rất tích cực đến việc tăng nhanh tốc độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng sẽ rất hạn chế trong việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế bứt phá.
2.2. Chưa kể, cho dù có hết sức cố gắng, thì dự tính 1 – 2 nhiệm kỳ nữa cũng rất khó có khả năng sửa đổi được gần như toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó phần lớn liên quan đến việc đầu tư, kinh doanh, sáng tạo phát triển.
2.3. Nếu không thực sự có sự đột phá mạnh mẽ, thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới sẽ chỉ dẫn đến kết quả cởi bớt dây trói cho doanh nghiệp và nền kinh tế, , nhưng rất khó thay đổi căn bản, cải cách mạnh mẽ, đột phá, vượt trội, đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng 2 con số. Chỉ có cách nhanh nhất, tốt nhất và duy nhất để đáp ứng được yêu cầu đỏi hỏi là thay đổi nguyên tắc áp dụng pháp luật.
3. Yêu cầu thay đổi nguyên tắc áp dụng pháp luật:
3.1. Không phải tư duy khoa học, tư duy thị trường, mà chính tư duy pháp luật mới là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Trong đó, những quy định mang tinh chất nguyên tắc áp dụng pháp luật lâu nay chính là điểm nghẽn của pháp luật nói chung và trong đầu tư, kinh doanh phát triển nói riêng. Nếu không giải quyết được điểm nghẽn thực sự thì phát triển đột phá đã khó, thúc đẩy sáng tạo cảng khó hơn. Những thay đổi lớn của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, một luật làm luật, ảnh hưởng lớn đến việc cải cách, sửa đổi, toàn bộ hệ thống pháp luật sắp tới chỉ mởi là tìm ra vùng nghẽn, đường nghẽn hoặc cùng lắm là vài điểm nghẽn phụ, mà chưa tìm ra để giải quyết điểm nghẽn quan trọng nhất, điểm nghẽn của điểm nghẽn của hệ thống pháp luật.
3.2. Tôi xin chép lại nguyên văn 3 khoản quy định đặc biệt quan trọng của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mà bản chất có tính chất nguyên tắc áp dụng pháp luật:
Thứ nhất, “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thì văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản đó đồng thời hết hiệu lực, trừ trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền công bố tiếp tục có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần còn phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành”[1].
Thứ hai,“Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn[2].
Thứ ba, “Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau, trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau quy định việc áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước”[3].
3.3. Những quy định cơ bản mang tính chất nguyên tắc ban hành và áp dụng pháp luật là: bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của văn bản; văn bản hướng dẫn đương nhiên hết hết hiệu lực theo văn bản gốc; ưu tiên áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; ưu tiên áp dụng văn bản ban hành sau của Luât Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng như năm 2025 nêu trên, chỉ đúng và chỉ nên áp dụng đối với trách nhiệm của các cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Những nguyên tắc đó, dùng cho quá khứ đã thấy rất không phủ hợp, chắc chắn sẽ làm hại tương lai, chỉ dùng để đập đốt thì tốt, chứ không thể sử dụng cho đột phát triển được, càng không thể dùng cho sáng tạo. Những quy định này không đúng với người dân, doanh nghiệp, với thực tế cuộc sống xã hội và thị trường, càng không đáp ứng được yêu cầu cải tổ mạnh mẽ, đột phá, bứt phá của Tổng Bí thư. Ban hành chậm thời hạn, ban hành sai thẩm quyền, ban hành trái với luật, ban hành văn bản mâu thuẫn, chống chèo, bất cập vô lý, sao lại đẩy trách nhiệm cho người thực hiện?
3.4. Chìa khoá cải cách thể chế cũng chính là phải có sự thay đổi nguyên tắc áp dụng pháp luật. Vì vậy, đề nghị mạnh dạn xem xét sửa đổi tiếp Luật ban hành 2025, theo hướng chỉ cần sửa 1 điều về Nguyên tắc áp dụng pháp luật thay vì phải chờ đợi trong nhiều năm sửa đổi hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật. Có thể diễn đạt việc thay đổi này như sau: Ngoài việc người dân và doanh nghiệp được làm tất cả những gì luật không cấm đúng với quan điểm chỉ đạo, quan trọng hơn là, khi pháp luật xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo đối với một việc, thì người dân và doanh nghiệp phải được toàn quyền lựa chọn áp dụng theo quy định nào có lợi nhất cho họ. Nếu việc đó vi phạm các quy định mang tính nguyên tắc nêu trên, hay nguyên tắc pháp chế hay có hậu quả pháp lý nào đó không tốt thì đó là trách nhiệm của các cơ quan ban hành, thuộc về lỗi hệ thống, chứ không phải là trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp. Bằng không, nếu người dân và doanh nghiệp cứ phải trông chờ, phụ thuộc vào việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật, với hàng nghìn văn bản, hàng vạn điều luật, thì thời gian chờ đợi lại phải tính bằng nhiều nhiệm kỳ và là việc khúc mắc muôn đời của kỷ nguyên cũ.
3.5. Chấp nhận nguyên tắc trên cũng chính là động lực thúc đẩy mạnh mẽ không chỉ tốc độ, mà cả chất lượng, sự đồng bộ, thống nhất, hợp lý, hợp tình, khả thi, hiệu quả trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
3.6. Ngoài ra, cũng cần chấp nhận Công thức bất thành văn 4 – 2 – 1 phổ biến trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong khoảng 2 nhiệm kỳ nữa. Nghĩa là trong 10 năm tới sẵn sàng chấp nhận việc sửa đổi, bổ sung, thậm chí làm mới mỗi đạo luật trong khoảng 4 năm, nghị định trong khoảng 2 năm và thông tư trong khoảng 1 năm và trong trường hợp cần thiết, có thể sửa đổi bất cứ văn bản nào vào bắt cứ thời điểm nào để đáp ứng tốt nhất đòi hỏi thực tế, sau đó sẽ đi vào ổn định, giảm thiểu sự biến động. Trên thực tế thì cũng đã xảy ra tình trạng gần như thế nhiều năm qua, trong bối cảnh cảnh rất mới này thì càng phải chấp nhận sự thay đổi nhanh chóng, dù không muốn. Đành phải và tốt nhất là chấp nhận sự thiếu ổn định của hệ thống pháp luật trong một thời gian để hội nhập, cạnh tranh, vươn mình và phát triển. Hay nói cách khác, thay đổi thật nhanh để thích ứng và giữ vững những gì thuộc về nguyên lý, nguyên tắc. Nguyên tắc là đột phá cải cách, tự do phát triển kinh tế thị trường.
3.7. Thay đổi đột phá trên là tốt cho tất cả: Người dân doanh nghiệp, nhà khoa học, các cơ quan ban hành và thực thi pháp luật; nhà nước, xã hội và nền kinh tế. Nếu bảo không có lợi thì quay trở lại vấn đề thay đổi tư duy.
Hà Nội ngày 21-02-2025
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC
(1.788)
[1] Khoản 2, Điều 18 về “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực”, Luật Ban hành băn bản quy phạm pháp luật năm 2025 (theo bản dự thảo, vì chưa công bố bản thông qua chính thức) (khoản 4, Điều 154, Luật năm 2015).
[2] Khoản 3, Điều 19 về “Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật”, Luật Ban hành băn bản quy phạm pháp luật năm 2025 (theo bản dự thảo, vì chưa công bố bản thông qua chính thức) (các khoản 2 và 3, Điều 156, Luật năm 2015).
[3] Khoản 4, Điều 19 về “Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật”, Luật Ban hành băn bản quy phạm pháp luật năm 2025 (theo bản dự thảo, vì chưa công bố bản thông qua chính thức) (các khoản 2 và 3, Điều 156, Luật năm 2015).