441. Lương “khủng” sếp ngân hàng: Trong chán ngoài thèm

(IFN) – Cùng nhận lương khủng, nhưng lãnh đạo ngân hàng thương mại nhà nước chê không sống nổi, trong khi lãnh đạo ngân hàng tư nhân khó giữ ghế vì các chỉ tiêu khắc nghiệt.

Lương hơn 400 triệu/năm quá thấp?

Câu chuyện các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty Nhà nước “chê” lương “bèo” đã được đặt ra từ lâu song một lần nữa lại được xới xáo tại Hội nghị Tái cơ cấu DNNN diễn ra gần đây.

Lãnh đạo DNNN phàn nàn chuyện lương “bèo”, nhưng thực tế không phải vậy…

Không hài lòng với mức lương 36 triệu đồng/tháng, Chủ tịch NHTMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà cho rằng, tiền lương của lãnh đạo DNNN hiện đang “lạc nhịp” với tình hình thị trường. Chủ tịch BIDV nói về mức lương 36 triệu đồng/tháng “Thu nhập kiểu này không sống được cũng phải sống vì dù sao vẫn còn cao hơn công chức Nhà nước. Nhưng mức lương này chưa phù hợp với thực tiễn, chưa tạo được động lực cho người đứng đầu DN ra sức cống hiến”.

Kêu là thế, nhưng theo tiết lộ của Phó tổng giám đốc một NHTMCP, thực tế mức lương mà các lãnh đạo ngân hàng, tập đoàn “kêu” chỉ là con số quy định cứng, còn thực tế thu nhập mà họ lĩnh cao hơn hàng chục lần, tới vài trăm triệu đồng/tháng.

Đơn cử con số lương bình quân mà mỗi nhân viên ngân hàng quốc doanh lĩnh trong năm 2013, như tại Vietcombank mỗi nhân viên nhận 19,7 triệu đồng/người/tháng. Hay như tại Vietinbank, lương bình quân của nhân viên nhà băng này là 21,3 triệu đồng/người/tháng, tương đương 255,4 triệu đồng/năm.

Đó chỉ là mức lương trung bình tại các NH quốc doanh, và mức lương này có sự phân biệt lớn giữa nhân viên và cán bộ cấp cao.

Cùng một ngành, lĩnh vực là ngân hàng nhưng chuyện lương, thưởng ở khối NHTMCP và NH thương mại quốc doanh lại có sự khác nhau một trời một vực.

Theo tìm hiểu của PV Infonet, tùy vào từng thời điểm, tùy từng cấp và tài năng, đóng góp của nhân sự lãnh đạo, lương cứng cho chức vụ Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc ngân hàng TMCP hưởng mức lương 60-100 triệu đồng/người/tháng; Giám đốc Chi nhánh, Phó giám đốc Chi nhánh khối NHTMCP dao động từ 25-50 triệu đồng/người/tháng; Giám đốc, Phó giám đốc Phòng giao dịch bình quân 20 – 30 triệu đồng/người/tháng. Đơn cử, như Giám đốc Chi nhánh MB bình quân là 50 triệu đồng/tháng, còn tại Seabank, lương tổng giám đốc có thời điểm 80 triệu đồng/tháng, Phó tổng giám đốc có thời điểm 40 – 60 triệu đồng/tháng, ….

Tuy nhiên, mức lương cứng này không phải là thu nhập, thu nhập của các lãnh đạo ngân hàng TMCP ăn theo kết quả kinh doanh.

Có những lãnh đạo có thu nhập gấp nhiều lần lương do hiệu quả kinh doanh tốt và đổi lại, áp lực của ghế lãnh đạo cũng cực kỳ khố liệt. Đó là lý do có những ngân hàng thương mại thay lãnh đạo như thay áo, từ tổng giám đốc đến các giám đốc chi nhánh, không đạt chỉ tiêu thì rớt ghế liên tục là chuyện thường.

Trong khi, vị trí lãnh đạo các ngân hàng thương mại do nhà nước nắm vốn chi phối, ghế lãnh đạo tương đối vững vàng, do không phụ thuộc vào chỉ tiêu, kết quả kinh doanh.

Muốn lương cao thì bỏ công chức

Bình luận về quan điểm của Chủ tịch BIDV, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, nói về chuyện lương của lãnh đạo DNNN thì phải xét theo hai khía cạnh. Nếu theo mặt bằng chung khối DNNN lương lãnh đạo mà vài chục triệu đồng/tháng thì không phải là thấp. Còn xét về khía cạnh thị trường, như ông Trần Bắc Hà nói, thì đúng là đang thấp hơn thật.

“Nhưng ở đây phải thấy rằng, lãnh đạo một NHTMCP Nhà nước, nghĩa là thuộc quyền sở hữu của Nhà nước thì chuyện lương, thưởng phải theo quy định chung của Nhà nước rồi, muốn lương cao thì ra làm ngoài để được hưởng lương cao hơn vài chục lần”- Luật sư Đức nói.

Là người từng làm lâu năm trong ngành ngân hàng, ông Đức nhìn nhận, “Khi anh đã chấp nhận làm công chức[1] Nhà nước thì phải chấp nhận thiệt thòi, bù lại làm lãnh đạo tập đoàn Nhà nước còn có nhiều quyền lợi, chế độ khác không thể ai so bì được”. Đơn giản nhất như chuyện hàng loạt dự án “khủng” của Nhà nước đều rơi vào tay NH quốc doanh, chứ khối NHTMCP có “nằm mơ” cũng không thể nào với tới.

Trong những lần trước đây, ngay khi Chính phủ ban hành cơ chế về mức lương, thưởng của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, trao đổi với PV Infonet ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội thẳng thắn, trong tiền lương, đừng bao giờ đòi hỏi một sự công bằng tuyệt đối. Xòe bàn tay ra đếm cũng thấy ngón dài ngón ngắn, từng đốt ngón tay trong một ngón tay cũng có đốt dài đốt ngắn.

Nên sự quy định của Nhà nước, là khung của khuôn khổ pháp luật, tùy vào từng trường hợp, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp sẽ xây dựng và đối chiếu, qua Sở LĐTBXH và Bộ LĐTBXH duyệt, họ sẽ trả lương theo cơ chế đó.

Tiền lương với DNNN cần phải tách ra hai nhóm. Một là công chức được Nhà nước cử sang hoạt động ở DN với tư cách là đại diện vốn chủ sở hữu. Nhóm thứ hai là giám đốc điều hành (CEO) phải thi tuyển theo quy chế của đơn vị đó.

“Khi đã chấp nhận làm công chức thì phải theo Luật Công chức, là đảng viên thì ngoài trách nhiệm của công dân còn có nghĩa vụ của Đảng viên, khi phân công thì phải chịu. Còn muốn được hưởng lương cao hơn nữa thì nên thôi làm công chức” – ông Kiên nói.

Trường Giang

—————————

Infonet 20-02-2014:

http://infonet.vn/luong-khung-sep-ngan-hang-trong-chan-ngoai-them-post118344.info

(216/1.077)

[1] Không phải là công chức.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,208