442. Bình luận pháp lý về việc “chuyển giao bắt buộc” để cơ cấu lại ngân hàng thương mại.

Bình luận pháp lý về việc “chuyển giao bắt buộc” để cơ cấu lại ngân hàng thương mại.

(tham luận Hội thảo “Nhìn lại lịch sử tái cơ cấu Ngân hàng Việt Nam: Đâu là giải pháp tối ưu để giải cứu ngân hàng?”, do Báo Tiền phong tổ chức ngày 11-4-2025 tại TP HCM)

                                                                                     Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC 

“Chuyển giao bắt buộc” là một khái niệm đã có trong Luật Các tổ chức tín dụng từ năm 2017, tuy nhiên cuối năm 2024 mới được áp dụng lần đầu tiên trên thực tế. Có k nhiều vấn đề pháp lý chung quanh việc hình thành, thực hiện và lý giải về mô hình “chuyển giao bắt buộc”.

1. Quá trình hình thành mô hình “Chuyển giao bắt buộc”:

1.1. Việc mua ngân hàng 0 đồng:

1.1.1. Theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 và 2010 trước kia, ngân hàng thương mại trong nước chỉ được tổ chức dưới mô hình công ty cổ phần, không tổ chức dưới mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, ngoại trừ ngân hàng thương mại nhà nước.

1.1.2. Từ ngày 05-3 đến 07-7-2015, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp mua 03 ngân hàng với giá 0 đồng, bao gồm Ngân hàng thương mại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (G.P Bank).

1.1.3. Việc mua 03 ngân hàng với giá 0 đồng khi đó không có đủ căn cứ pháp lý theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, mà chỉ dựa vào Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 01-8-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt” và Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015”” và Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 01-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Một loạt chữ “mua bán” trong các Quyết định này và một số đạo luật tại thời điểm này là cách sử dụng từ ngữ pháp lý không chính xác, mâu thuẫn với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2005 và những nguyên lý của pháp luật về quyền sở hữu.

1.1.4. Trong giai đoạn đó, việc mua ngân hàng với giá 0 đồng được xác định là mua cổ phần bắt buộc, không bảo đảm về cơ sở pháp lý và không xác định được là mua của ai. Tuy nhiên, việc “mua cổ phần bắt buộc” theo các quyết định trên chính là tiền đề, là “phiên bản” đầu tiền của mô hình “chuyển giao bắt buộc”.

1.2. Nguyên nhân ra đời mô hình “chuyển giao bắt buộc”?

1.2.1. Khi ngân hàng rơi vào tình trạng không bảo đảm các yêu cầu về an toàn và chất lượng hoạt động thì có thể bị áp dụng biện pháp “can thiệp sớm”. Nếu sau khi đã được “can thiệp sớm” mà vẫn không khắc phục được, thì sẽ bị đặt vảo tình trạng “kiểm soát đặc biệt”. Và sau một thời gian đã được kiểm soát đặc biệt mà vẫn không khắc phục được, thì sẽ bị phá sản hoặc “chuyển giao bắt buộc”.

1.2.2. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 không có quy định về việc “chuyển giao bắt buộc”. Năm 2014 và 2015, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện việc mua bắt buộc 03 ngân hàng 0 đồng. Tuy nhiên, từ mua bắt buộc, đương nhiên dẫn đến hậu quả pháp lý tiếp theo là “chuyển giao bắt buộc”. Ngày 22-3-2017, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 được thảo luận tại Ban Soạn thảo, đã đưa ra quy định về việc “mua bắt buộc pháp nhân ngân hàng”. Ngày 05-4-2017, Dự thảo trình lên Bộ Tư pháp thẩm định đã đưa ra quy định về việc “mua bắt buộc vốn điều lệ”. Cả “mua bắt buộc pháp nhân ngân hàng” và “mua bắt buộc vốn điều lệ” đều trái với nguyên tắc pháp lý. Ngày 15-4-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc chấm dứt việc mua bắt buộc ngân hàng. Ngày 21-4-2017, Dự thảo trình lên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra quy định về việc “chuyển nhượng bắt buộc”[1]. Và ngày 20-11-2017, Quốc hội đã thông qua quy định về việc “chuyển giao bắt buộc”. Cuối cùng, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã tiếp tục quy định về việc “chuyển giao bắt buộc”. Trạng thái pháp lý “mua bắt buộc”, “chuyển nhượng bắt buộc” và “chuyển giao bắt buộc” cơ bản giống nhau.

1.2.3. Như vậy, việc “chuyển giao bắt buộc” đã được chính thức quy định trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng vào năm 2017. Luật này đã bổ sung khoản 38 và 39, Điều 4, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 giải thích về Phương án “chuyển giao bắt buộc” và Bên nhận “chuyển giao bắt buộc” như sau (Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng quy định tương tự):

“38. Phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho bên nhận chuyển giao.

39. Bên nhận chuyển giao là tổ chức tín dụng trong nước, tổ chức tín dụng nước ngoài, nhà đầu tư khác có đề nghị được nhận chuyển giao bắt buộc và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định được nhận chuyển giao bắt buộc”.

2. Quá trình thực hiện mô hình “Chuyển giao bắt buộc”:

2.1. Ngày 17-10-2024 và ngày 17-01-2025, Ngân hàng Nhà nước đã công bố 04 Quyết định (mật) “chuyển giao bắt buộc” đối với 04 ngân hàng như sau:

TTTên Ngân hàng nhận chuyển giaoTên Ngân hàng được chuyển giaoTên ngân hàng sau khi được chuyển giao
1Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank).Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (MBV).
2Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB).Ngân hàng TNHH một thành viên Ngoại thương công nghệ số (VCBNeo).
3Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank).Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên GPBank.
4Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank).Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank).Ngân hàng TNHH MTV số Vikki (Vikki Bank).

2.2. Như vậy, cả 04 ngân hàng bị “chuyển giao bắt” buộc đều được tổ chức dưới mô hình công ty TNHH một thành viên và 100% vốn thuộc sở hữu của 04 ngân hàng thương mại cổ phần. Xét về bản chất, thì có thể nói, 04 ngân hàng này đã bị “chuyển giao bắt buộc” lần thứ hai.

1.3. Có 03/04 ngân hàng bị “chuyển giao bắt buộc” vẫn giữ nguyên mô hình là công ty TNHH và được Nhà nước mua bắt buộc từ năm 2014 – 2025, nên đến nay chỉ đơn thuần là việc chuyển từ 100% sở hữu Nhà nước sang sở hữu của các ngân hàng thương mại cổ phần. Đây là quyền quyết định tự xử lý tài sản của Nhà nước, không định đoạt quyền sở hữu của các chủ sở hữu tư nhân (đã định đoạt từ hơn chục năm trước).

2.4. Có 01/04 ngân hàng bị “chuyển giao bắt buộc” trên cơ sở sự chuyển sở hữu của trên 100 cổ đông thành sở hữu của 01 công ty cổ phần. Việc “chuyển giao bắt buộc” này tuy đã được ấn định trong luật, nhưng vẫn không hợp lý. Cổ đông ngân hàng tự dưng bị mất quyền sở hữu mà không dựa trên sơ sở tự nguyện hay bắt buộc phải chuyển nhượng quyền sở hữu (cho dù vốn điều lệ có bị coi là bằng 0) hay bị mất quyền sở hữu cổ phần do bị phá sản. Vì vậy, về bản chất vẫn giống như việc mua ngân hàng 0 đồng đã xảy ra từ 11 năm trước.

2.5. Việc “chuyển giao bắt buộc” không phải là việc mua ngân hàng 0 đồng (không phải việc mua bán ngân hàng), không xuất phát từ cơ sở pháp lý định đoạt tài sản, vì không phải là việc mua cổ phần do ngân hàng phát hành, không phải là việc nhận chuyển nhượng vốn cổ phần của cổ đông ngân hàng, cũng không phải là việc trưng mua, tịch thu hay quốc hữu hoá ngân hàng. Theo quy định tại Điều 32 của Hiến pháp năm 2013, thì “Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”. Còn theo quy định tại Điều 51 Hiến pháp năm 2013 thì “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.

2.6. Dường như việc mua ngân hàng 0 đồng trước kia trên thực tế và việc “chuyển giao bắt buộc” theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 cũng như Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 hiện hành đã không hề có sự phân biệt giữa quan hệ mua bán, chuyển nhượng, chuyển giao hoàn toàn khác nhau giữa pháp nhân ngân hàng với người quản lý ngân hàng và đặc biệt là với cá nhân cổ đông ngân hàng.

2.7. Qua gần 10 năm thực hiện việc mua 03 ngân hàng 0 đồng, đồng thời cũng thực hiện việc giao cho một số ngân hàng thương mại hàng đầu quản lý, khôi phuc, tương tự như “chuyền giao bắt buộc”. Tuy nhiên, việc đó đã không hiệu quả, không thành công, 03 ngân hàng vẫn bị kiểm soát đặc biệt, vẫn bị rơi vào tình trạng yếu kém nhất, đến mức đã phải “chuyển giao bắt buộc”.

2.8. Vì việc “chuyển giao bắt buộc” chỉ mới được thực hiện chưa quá nửa năm, nên chưa có cơ sở đánh giá về hiệu quả của mô hình này trong việc giúp tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

3. Điều kiện cần thiết để thực hiện thành công việc tái cơ cấu ngân hàng theo mô hình “chuyển giao bắt buộc”:

3.1. Việc “chuyển giao bắt buộc” chỉ đặt ra đối với trường hợp ngân hàng thương mại bị kiểm soát đặc biệt. Có 02 trường hợp “chuyển giao bắt buộc” ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt, đó là trường hợp có đề nghị của bên nhận “chuyển giao bắt buộc” theo quy định tại Điều 179 và trường hợp chỉ định bên nhận “chuyển giao bắt buộc” theo quy định tại Điều 180, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

3.2. Dù trong trường hợp nào, thì việc “chuyển giao bắt buộc” ngân hàng thương mại cũng được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, ngân hàng thương mại có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;

Thứ hai, có bên đề nghị nhận “chuyển giao bắt buộc” hoặc phải chỉ định bên nhận “chuyển giao bắt buộc” trong trường hợp việc phá sản ngân hàng thương mại có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng;

Thứ ba, được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án “chuyển giao bắt buộc”.

3.3. Bên nhận “chuyển giao bắt buộc” có thể là một hoặc một số tổ chức tín dụng (trong nước và nước ngoài); doanh nghiệp (trong nước và nước ngoài); hoặc tổ chức khác và phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, hoạt động kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập trong ít nhất 02 năm liền kề trước thời điểm nhận “chuyển giao bắt buộc”;

Thứ hai, có phương án “chuyển giao bắt buộc” khả thi;

Thứ ba, riêng đối với các tổ chức tín dụng trong nước thì còn phải đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (như tỷ lệ khả năng chi trả; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có; tỷ lệ mua, nắm giữ, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; và tỷ lệ bảo đảm an toàn khác).

4. Một số điểm mâu thuẫn pháp lý về “chuyển giao bắt buộc”:

4.1. Về việc xác định mô hình ngân hàng:

4.1.1. Theo quy định tại các khoản 21 và 40, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Điều 6 về “Hình thức pháp lý của tổ chức tín dụng”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 thì có những mô hình ngân hàng như sau:

4.1.2. Tất cả có 03 loại ngân hàng, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã (giống với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, khác với quy định tại khoản 2, Điều 20 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 trước kia phân chia ngân hàng thành 06 loại, bao gồm: Ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, ngân hàng đầu tư, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác và các loại ngân hàng khác);

– Ngân hàng thương mại, bao gồm ngân hàng thương mại trong nước và ngân hàng thương mại là tổ chức tín dụng nước ngoài;

– Ngân hàng thương mại trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần (bắt buộc phải là công ty đại chúng, có ít nhất 100 cổ đông), trừ 02 trường hợp ngân hàng thương mại nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và trường hợp thực hiện phương án “chuyển giao bắt buộc”;

– Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 cũng như Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 chưa có quy định về ngân hàng thương mại trong nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, kể cả trong trường hợp thực hiện phương án “chuyển giao bắt buộc” hay mua 0 đồng.

4.1.3. Từ khi có Luật Các tổ chức tín dụng đầu tiên vào năm 1997 cho đến nay, toàn bộ 04 ngân hàng thương mại nhà nước (quốc doanh), mà bản chất là ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên, đều đã và sẽ được chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần, cụ thể như sau:

– Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), đã được cổ phần hoá từ năm 2008;

– Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đã được cổ phần hoá từ năm 2012 (khi đó tuy tên là ngân hàng đầu tư và phát triển nhưng được xác định là ngân hàng thương mại);

– Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã có kế hoạch cổ phần hoá từ năm 2007, nhưng, quá chậm trễ đến nay vẫn chưa thực hiện được.

4.1.3. Ngoài ra, còn Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bàng sông Cửu long (MHB), được thành lập trước khi có Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997, là ngân hàng của Nhà nước (không được xác định rõ là loại ngân hàng gì), cũng đã được cổ phần hoá từ năm năm 2011 (và đã bị sáp nhập vào BIDV vào năm 2015).

4.1.4. Như vậy, trong bối cảnh bình thường, thì ngân hàng thương mại trong nước không tổ chức dưới mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, mà chỉ được tổ chức theo mô hình công ty cổ phần. Ngân hàng thương mại trong nước được tổ chức theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn là ngoại lệ, không được khuyến khích và cần phải chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần. Suốt 28 năm qua, Từ khi có Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 đến nay, Việt Nam chưa thành lập bất kỳ ngân hàng thương mại trong nước mới nào dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Càng không có bất cứ lý do hợp lý nào để phát triển hay chuyển đổi ngân hàng loại khác thành mô hình ngân hàng thương mại là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu 100% của một ngân hàng thương mại cổ phần trong nước. Mô hình trách nhiệm hữu hạn chỉ nên áp dụng đối với ngân hàng chính sách của Nhà nước như hiện nay, đó là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP).

4.1.4. Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng được sửa đổi từ năm 2017 và 2024 đã giải quyết tình thế ngoại lệ bất thường, chấp nhận loại hình ngân hàng thương mại là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Từ tháng 10-2024, lần đầu tiên mới xuất hiện ngân hàng này lại là công ty con của ngân hàng khác.

4.2. Về việc xác định bản chất của việc “chuyển giao bắt buộc”:

4.2.1. Pháp luật quy định về đại diện chủ sở hữu của công ty nói chung, ngân hàng có vốn đầu tư của Nhà nước nói riêng như sau:

Thứ nhất, Điều 53, Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:

“Điều 53.

Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Thứ hai, khoản 1, Điều 99 về “Trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

“1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của mình bằng tài sản mà mình là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, trừ trường hợp tài sản đã được chuyển giao cho pháp nhân theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Thứ ba, khoản 1, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 giải thích như sau:

1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu là cơ quan, tổ chức được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập”.

4.2.2. Theo một loạt quy định của các điều luật nêu trên, thì Nhà nước, Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều không phải là “chủ sở hữu” (sở hữu toàn dân), mà chỉ là “đại diện chủ sở hữu” đối với phần vốn do Nhà nước đầu tư vào các công ty nói chung và cổ phần ngân hàng nói riêng.

4.2.3. Như vậy, khi “mua ngân hàng 0 đồng”, là việc chuyển giao quyền của chủ sở hữu ngân hàng từ các cổ đông cá nhân, pháp nhân sang sở hữu toàn dân, do Ngân hàng Nhà nước (một pháp nhân phi thương mại) làm “đại diện chủ sở hữu” (trường hợp của 03 ngân hàng CB, GPBank và OceanBank vào năm 2014 – 2015). Còn khi “chuyển giao bắt buộc” ngân hàng, thì ngược lại, là việc chuyển giao quyền của chủ sở hữu ngân hàng từ sở hữu toàn dân, do Ngân hàng Nhà nước làm “đại diện chủ sở hữu” sang sở hữu của một ngân hàng cổ phần (một pháp nhân thương mại) (trường hợp của 03 ngân hàng CB, GPBank và OceanBank năm 2024 – 2025) hoặc chuyển giao chủ sở hữu từ các cổ đông cá nhân, pháp nhân sang sở hữu của một pháp nhân thương mại (trường hợp của DongA Bank năm 2025).

4.3. Về việc thay đổi quyền sở hữu trong “chuyển giao bắt buộc”:

4.3.1. Pháp luật quy định về việc bảo đảm quyền sở hữu tài sản nói chung, quyền sở hữu cổ phần của cổ đông ngân hàng cổ phần và phần vốn góp của thành viên ngân hàng trách nhiệm hữu hạn như sau:

Thứ nhất, các khoản 2 và 3, Điều 32, Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:

“2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.

3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”.

Thứ hai, Điều 10, Luật Đầu tư năm 2020 quy định như sau:

“Điều 10. Bảo đảm quyền sở hữu tài sản

1. Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.

2. Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Thứ ba, khoản 3, Điều 5 về “Bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:

3. Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trường hợp thật cần thiết, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của doanh nghiệp thì được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản”.

 4.3.2. Đoạn thứ hai, khoản 1, Điều 183 về “Tổ chức thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định về việc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu như sau:

“Kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước quyết định chuyển giao bắt buộc, toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chấm dứt”.

4.3.3. Quy định trên và các quy định liên quan của Luật Các tổ chức tín dụng đã không minh định được bản chất pháp lý của việc “chuyển giao bắt buộc” là gì, quyền và nghĩa vụ pháp lý của cổ đông thế nào. Tại sao cổ đông không hề định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình mà tự dưng “toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chấm dứt”? Dù việc “chuyển giao bắt buộc” ngân hàng là việc chuyển giao bất cứ cái gì, thì vẫn phải dựa trên nguyên tắc pháp lý, bản chất giao dịch và đặc biệt là hậu quả pháp lý của nó. Quy định này của Luật đã xoá bỏ gianh giới về quyền và trách nhiệm giữa 02 chủ thể hoàn toàn khác nhau là cổ đông ngân hàng và pháp nhân ngân hàng. Như vậy, dù có căn cứ pháp lý, nhưng vẫn không có cơ sở pháp lý thuyết phục về việc “chuyển giao bắt buộc”.

4.3.4. Lý do dẫn đến việc ngân hàng bị “chuyển giao bắt buộc” là đã có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, tức thị giá cổ phiếu có thể là 0 đồng (tức cổ đông không bán được), tuy nhiên, về pháp lý, vốn điều lệ không bao giờ là số âm (tức cổ đông phải bỏ thêm tiền ra mới bán được). Giá trị của ngân hàng trên thực tế chưa chấm dứt có thể là rất thấp, nhưng cũng về pháp lý, thì tối thiểu cũng phải bằng 01 đơn bị tiền tệ, tức là 01 đồng, chứ không thể là số 0 và càng không thể là số âm. Trên sổ sách kế toán, con số vốn điều lệ tối thiểu cũng như tổng mệnh giá cổ phiếu tối thiểu cũng vẫn bằng mức vốn pháp định 3.000 tỷ. Mọi cổ đông ngân hàng vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu và cổ phiếu. Các cổ phiếu ngân hàng cũng vẫn còn nguyên giá trị pháp lý và không bị huỷ bỏ.

4.3.5. Xét về nguyên tắc pháp lý cũng như quy định pháp luật về dân sự, đầu tư, doanh nghiệp, thì không có việc mua bán hay chuyển nhượng sở hữu pháp nhân ngân hàng, mà chỉ có việc mua bán, chuyển nhượng vốn của cổ đông và tài sản của pháp nhân công ty. Việc, mua bán, chuyển nhượng hay chuyển giao sở hữu công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn nói chung, ngân hàng thương mại cổ phần hay ngân hàng trách niệm hữu hạn nói riêng phải là chuyển giao về vốn điều lệ ngân hàng. Như vậy việc “mua ngân hàng 0 đồng” hay “chuyển giao bắt buộc” ngân hàng thì đầu tiên và quan trọng nhất là việc định đoạt và thay đổi quyền sở hữu cổ phần của cổ đông ngân hàng hoặc quyền sở hữu phần vốn góp của chủ sở hữu ngân hàng trách nhiệm một thành viên.

4.3.6. Chuyển giao nói chung, “chuyển giao bắt buộc” nói riêng, mới chỉ tương tự như việc bàn giao tài sản, chứ không phải là hành vi định đoạt tài sản như việc mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế, tiêu huỷ, trưng thu hay tịch thu tài sản. Do Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 chỉ quy định chung chung là “chuyển giao bắt buộc”, nên đành tạm hiểu đó là chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu, bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền hưởng dụng và quyền định đoạt tài sản, từ chuyển giao giấy phép thành lập và hoạt động; chuyển giao cổ phần; chuyển giao tài sản; chuyển giao thương hiệu; chuyển giao hợp đồng kinh doanh thương mại, dân sự, lao động; chuyển giao quyền đòi nợ; chuyển giao nghĩa vụ dân sự, cho đến chuyển giao cơ hội, khách hàng và những thứ khác.

4.3.7. Trong khi đó, không có bất kỳ quy định nào của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 xử lý quyền sở hữu đã được hiến định của cổ đông (đối với ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì đã do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu quyết thay chủ sở hữu toàn dân). Tức là, chỉ thấy “chuyển giao bắt buộc” ngân hàng, mà không hề thấy có sự “chuyển giao bắt buộc” hay tự nguyện nào thông qua việc mua bán, chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, thừa kế, trưng mua, tịch thu cổ phần của cổ đông ngân hàng. Việc chuyển giao nói chung, “chuyển giao bắt buộc” nói riêng không đồng nghĩa với việc định đoạt quyền sở hữu, không phải là một hành vi pháp lý làm thay đổi quyền sở hữu của chủ sở hữu, mà chỉ là một công đoạn để hoàn tất các giao dịch hoặc hành vi định đoạt quyền sở hữu cổ phần, tức chuyển giao quyền sở hữu của chủ thể này cho chủ thể khác. Vậy khi cổ đông không có bất kỳ hành động pháp lý nào định đoạt quyền sở hữu cổ phần của mình thì Luật quy định việc chấm dứt quyền sở hữu của họ trên cơ sở nào? Kể cả trường hợp Đại hội đồng cổ đông ngân hàng biểu quyết đồng ý với việc “chuyển giao bắt buộc” cũng không có giá trị pháp lý. Hay nói cách khác, việc chuyển ngân hàng thương mại cổ phần thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước là “chủ sở hữu” hay đúng hơn là “đại diện chủ sở hữu” 100% vốn là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp và các luật về dân sự, đầu tư, doanh nghiệp.

4.3.8. Vì vậy, cần phải phân định lại tư cách tách pháp lý giữa cổ đông ngân hàng với pháp nhân ngân hàng. Không thể quy định điều luật xoá tư cách của của cổ đông, mà phải quy định cơ sở pháp lý dẫn đến hậu quả pháp lý chấm dứt tư cách của cổ đông.

5. Kết luận và kiến nghị về việc “chuyển giao bắt buộc”:

5.1. Mua 03 ngân hàng 0 đồng, về bản chất cũng không khác gì việc “chuyển giao bắt buộc” lần thứ nhất và đã thất bại, do đó đã buộc phải “chuyển giao bắt buộc” một lần nữa. Vì vậy cần hết sức hạn chế và thận trọng trong việc này, để tránh mất thêm quá nhiều thời gian tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém mà khó lường hiệu quả. Về khía cạnh pháp lý, dù luật đã quy định cụ thể nhưng vẫn cần đặc biệt cân nhắc trong việc thực thi quyền định đoạt quyền sở hữu. Luật muốn gì, cho gì với cổ đông ngân hàng cũng được, nhưng phải ngoại trừ việc tước bỏ quyền sở hữu cùng với các quyền khác của cổ đông mà không xuất phát từ nền tảng pháp lý và triết lý bảo vệ quyền sở hữu.

5.2. Thay vì chỉ “chuyển giao bắt buộc” ngân hàng thương mại cổ phần để chuyển thành duy nhất mô hình ngân hàng trách nhiêm hữu hạn một thành viên, thì cần phải tính đến các giải pháp khác, như có thể lựa chọn cách thức, mô hình khác. Chẳng hạn khi muốn cơ cấu lại mông ngân hàng cổ phần, thì vẫn có thể giữ nguyên mô hình cổ phần, chỉ cần xử lý để cho một đầu mối sở hữu với tỷ lệ chi phối quyết định 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Khi ấy, cổ đông đó có toàn quyền quyết dịnh mọi vấn đề, từ điều đơn giản nhất đến quan trọng nhất, về số phận pháp lý của ngân hàng như hợp nhất, sáp nhập, giải thế, phá sản. Luật đã bắt buộc chuyển quyền sở hữu của hàng trăm, hàng nghìn cổ đông cá nhân và pháp nhân cho một pháp nhân thương mại sở hữu 100% vốn điều lệ ngân hàng, thì xử lý tỷ lệ sở hữu thấp hơn càng đơn giản.

5.3. Thiết nghĩ, việc “chuyển giao bắt buộc”, trước mắt chỉ là để giải cứu khó khăn kéo dài, giải quyết tình thế bi đát, dừng hoãn, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ. Còn định hướng tương lai 5 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa, để tiến tới cái đích hợp nhất, sáp nhập, hay cần “tái cổ phần hoá” để tổn tại và phát triển hay giải thể, phá sản, cứ giữ cố định mô hình ngân hàng mẹ con một chủ, bắt buộc nhẹ lý, nặng tình? Tuy vừa mới bắt đầu, nhưng nếu chỉ là giải pháp tình thế, còn tương lai chờ đợi ẩn số bất định thì tốt nhất là không nên tiếp tục “chuyển giao bắt buộc” ngân hàng./.

——————

TP Hồ Chí Minh, ngày 10-4-2025

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.

ĐC: Công ty Luật ANVI, số 02 Đinh Lễ, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Web: www.anvilaw.com

Email: duc.tt@anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070.

(5.500)

——————

Tham khảo tài liệu liên quan 10 năm trước:

Bình luận pháp lý về việc NHNN mua 3 Ngân hàng giá 0 đồng.

Luật sư Trương Thanh Đức – Hội thảo Viện Nghiên cứu Lập pháp, Hà Nội 26-10-2015:    

https://anvilaw.com/vi/253-binh-luan-phap-ly-ve-viec-nhnn-mua-3-ngan-hang-gia-0-dong/

(4.179)

[1]    Tác giả Tham luận này đã tham gia trực tiếp 03 lần thẩm định Dự luật năm 2017 tại Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp và Uỷ ban kinh tế của Quốc hội.

Bài viết 

314. Bài 3: Khát vọng hùng cường - Thể chế tốt phải...

Bài 3: Khát vọng hùng cường - Thể chế tốt phải tạo ra sự đột phá. Luật sư Trương...

Bình luận 

441. Bình luận Dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung...

Bình luận Dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Doanh...

Phỏng vấn 

4.463. Vấn đề giải phóng nguồn lực đô thị.

Vấn đề giải phóng nguồn lực đô thị. (VTV1) - Chương trình có sự...

Trích dẫn 

4.033. Cơ hội vàng để sở hữu ngân hàng 100% vốn ngoại.

Cơ hội vàng để sở hữu ngân hàng 100% vốn ngoại. (ĐT) - Suốt 8 năm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 244,576