Bình luận về việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
(Tham luận tại Toà đàm “Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 21-4-2025 tại 35, Ngô Quyền, Hà Nội).
1. Vấn đề nợ xấu:
1.1. Nợ xấu là vấn đề tất yếu và muôn thuở của nền kinh tế nói chung, ngành Ngân hàng nói riêng. Nợ xấu trong bối cảnh nền kinh tế, môi trường pháp lý thực tế, luôn là cao và rất cao.
1.2. Mục đích, ý nghĩa của việc xử lý nợ xấu thì rất rõ, rất quan trọng và vô cùng cần thiết.
2. Yêu cầu pháp lý:
Vì vậy, rất cần có cơ chế xử lý hiệu quả để bảo vệ chủ nợ và thúc đẩy nền kinh tế, trong đó có lưu chuyển dòng vốn. Đã hơn 10 năm tranh cãi về hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu, trong đó có ít nhất 07 năm đặt trách nhiệm lên vai Ngân hàng Nhà nước về việc xây dựng Luật Xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, việc tiến hành xây dựng Luật Xử lý nợ xấu chung của cả nền kinh tế đã không được tiến hành. Đến hôm nay gần như lại phải quay trở lại từ đầu.
3. Nghị quyết 42:
3.1. Ngành Ngân hàng xây dựng Nghị quyết 42 của Quốc hội thí điểm cho minh vào năm 2017 để chữa cháy trước nguy cơ nợ xấu quá nghiêm trọng, gia hạn vào năm 2020, muốn đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 nhưng đã bị bác bỏ sau rất nhiều vòng thảo luận kỹ lưỡng và căng thẳng.
3.2. Trước đó, khi xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã bàn nát nước về việc này và chốt không có quyền thu giữ. Đó là lý do xuất hiện Nghị quyết 42.
4. Không đưa vào luật:
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 vừa có hiệu lực chưa đầy 01 năm, nay lại phải quyết tâm sửa đổi bổ sung quy định về việc xử lý nợ xấu. Việc luật hoá này đã được Quốc hội tranh cãi ít nhất là 3 lần trước đây và lần này có thể được hoặc không được chấp nhận, nhất là mới chỉ qua có 3 kỳ họp và vẫn trong một nhiệm kỳ Quốc hội.
5. Nội dung Dự thảo:
5.1. Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (Dự thảo tháng 4-2025), chủ yếu cốt lõi nhất là bổ sung tại Điều 198a về “Quyền thu giữ tài sản bảo đảm” của các tổ chức tín dụng, trong đó 99% là tài sản thế chấp và lại 99% nữa là nhà đất thế chấp.
5.2. Dự thảo sửa 01 điều quy định về “Lãi suất cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước là 0%/năm” (Luật hiện hành giao cho Ngân hàng Nhà nước). Và sửa 02 điều khác liên quan đến xử lý nợ xấu là “Kê biên tài sản của bên phải thi hành án…” và “Hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự…”.
5.3. Cần xem xét lý do bỏ quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 7, Nghị quyết số 42/2017/QH14: “d) Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền”. Như vậy, trường hợp Toà án đang giải quyết tranh chấp, Luật vân cho phép tổ chức tín dụng vẫn được quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
5.4. Cần xem xét xử lý cho đồng bộ và rõ ràng với quy định tại đoạn 2, Điều 301 về “Giao tài sản bảo đảm để xử lý”, Bộ luật Dân sự năm 2015 để tránh vướng mắc trên thực tế: “Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”.
6. Vấn đề tổng thể:
6.1. Nếu được Quốc hội thông qua lần này, thì đương nhiên tốt hơn cho việc xử lý nợ xấu, trong đó điểm mấu chốt quan trọng nhất là cho phép các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản thế chấp, nhưng cái khó chắc hẳn có một phần nguyên nhân là lo ngại cho tính công bằng, bình đẳng và mặt trái của môi trường pháp lý chung. Tuy nhiên Nghị quyết nào hay Luật nào cũng không thể vượt được qua nguyên tắc, người đang sở hữu và quản lý tài sản không đồng ý bàn giao, tức không tự nguyện, không thoả thuận được, thì vẫn phải quay lại giải quyết theo trình tự, thủ tục chung.
6.2. Còn, thực tế Nghị quyết 42 và dự thảo sửa đổi, quan trọng nhất không phải là quy định pháp lý, mà có tác dụng chính là là gây sức ép tâm lý, sức ép chính trị, sức ép thực tế để hỗ trợ việc xử lý nợ xấu có tài sản thế chấp.
6.3. Pháp luật cũng cần có những quy định tương ứng và phù hợp với đặc điểm của ngành Ngân hàng, đặc biệt là yêu cầu, đòi hỏi đối khá nhiều trong việc phục vụ cho phát triển chung.
7. Mục tiêu lâu dài:
7.1. Vì vậy, trong mọi trường hợp, giải pháp thực sự cả trước mắt và lâu dài để hỗ trợ việc xử lý nợ xấu phải là thúc đẩy tốc độ và hiệu quả giải quyết loại tranh chấp, vướng mắc này tại các cơ quan liên quan, như Toà án, Trọng tài, thi hành án, đấu giá, thuế, sang tên, chuyển quyền, chuyển đổi công năng,…. Đây không chỉ là việc riêng và không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho riêng ngành Ngân hàng, mà cho mọi chủ nợ, cho tất cả doanh nghiệp, cá nhân và cả nền kinh tế.
7.2. Đáng tiếc là những vấn đề trên đã không thực sự được quan tâm trong suốt nhiều năm qua./.
Hà Nội, ngày 21-4-2025
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC
(1.084)