445. Bình luận về việc Thế chấp tài sản số tại ngân hàng.

Bình luận về việc Thế chấp tài sản số tại ngân hàng.

(Tham luận Hội thảo “Tài sản bảo đảm ngân hàng: Những vấn đề quan tâm hiện nay”,mdo Thời bảo Ngân hàng tổ chức ngày 28-4-2025 tại Hà Nội)

1. Thực trạng sử dụng tài sản bảo đảm vay vốn ngân hàng:

 1.1 Trên thực tế lâu nay hầu như pháp nhân và cá nhân vay vốn tại ngân hàng đều phải có tài sản bảo đảm. Chỉ trường hợp không có, không còn tài sản bảo đảm thì mới xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm (thường hay bị đồng nhất với “tín chấp”). Lý do là kinh doanh quá rủi ro, pháp lý rất phức, thu nợ rất khó khăn, hậu quả rất khó lường, trách nhiệm rất nặng nề. Bao nhiêu năm nay, việc cho vay hầu hết là có tài sản bảo đảm với đầy đủ thủ tục, giá trị tương đương, nhưng rủi ro tín dụng còn quá lớn, tổn thất còn quá nhiều, nếu không có tài sản bảo đảm thì tình hình còn xấu đến mức nào?

 1.2. Tài sản bảo đảm cũng chính là tài sản được giải thích theo quy định tại khoản 1, Điều 105 về “Tài sản”, Bộ luật Dân sự năm 2015, bao gồm 04 loại tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

 1.3. Tài sản bảo đảm đương nhiên thuộc một trong 04 loại tài sản nêu trên và trên thực tế thường được ưu tiên nhận bảo đảm theo thứ tự như sau: Tiền, giấy tờ có giá, vật và quyền tài sản. Riêng đối với vật, thì thông thường được nhận bảo đảm theo thứ tự ưu tiên: Bất động sản, hàng hoá và tài sản hình thành trong tương lai. Ông Vũ Văn Tiền đã nhấn mạnh tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của ABBank: ABBank khi cho vay phải có tài sản bảo đảm, trong đó ưu tiên hàng đầu là bất động sản[1]. Tất nhiên, đi vào cụ thể thì thường lại được nhận bảo đảm theo tứ tự ưu tiên khác. Chẳng hạn nếu vật là vàng, bạc, thì thường được ưu tiên nhận bảo đảm hơn giấy tờ có giá (tuy nhiên nếu vật là kim cương hay đá quý khác thì thường lại ít khi được ưu tiên nhận bảo đảm). Hay quyền tài sản là quyền sử dụng đất thì thường được ưu tiên nhận bảo đảm bằng quyền sở hữu trí tuệ hay quyền đỏi nợ.

1.4. Khoản 1, Điều 295 về “Tài sản bảo đảm”, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu”. Như vậy, quyền sử dụng đất, cũng là một loại tài sản và được thế chấp trong trường hợp “thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm” (tức diễn nôm ra là, trường hợp người sử dụng đất “có quyền sở hữu quyền sử dụng đất” thì được phép thế chấp, còn “không có quyền sở hữu quyền sử dụng đất” thì chỉ được quyền sử dụng, mà không được quyền thế chấp)[2].

 1.5. Khoản 9, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Thông tư số 23/2020/TT-NHNN ngày 31-12-2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng”, giải thích giấy tờ có giá như sau: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Giấy tờ có giá bao gồm trái phiếu, tín phiếu, công trái, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác”.

1.6. Điều 115 về “Quyền tài sản”, Bộ luật Dân sự năm 2015 giải thích như sau: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.

1.7. Khoản 9, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Thông tư số 23/2020/TT-NHNN ngày 31-12-2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng”, giải thích giấy tờ có giá như sau: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Giấy tờ có giá bao gồm trái phiếu, tín phiếu, công trái, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác”.

1.8. Điều 115 về “Quyền tài sản”, Bộ luật Dân sự năm 2015 giải thích như sau: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.

1.9. Khoản 1, Điều 20 về “Quyền tài sản”, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022), liệt kê, quyền tài sản đối với tác phẩm bao gồm 06 nhóm được tóm tắt như sau: Làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm; phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng; phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

1.10. Khoản 7, Điều 6 về “Tài sản thuộc trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng”, Thông tư số 08/2018/TT-BTP ngày 20-6-2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp “Hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp” (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 06/2020/TT-BTP ngày 17-12-2020), giải thích các quyền tài sản gồm:

Thứ nhất, “Quyền tài sản đối với đối tượng quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; quyền tài sản phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ hoặc quyền tài sản khác trị giá được bằng tiền trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, công nghệ thông tin; quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên”;

Thứ hai, “Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng bao gồm quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền thụ hưởng lợi ích hình thành từ hợp đồng, quyền khai thác, quản lý dự án, quyền được bồi thường thiệt hại theo hợp đồng hoặc quyền tài sản khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ hợp đồng (trừ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, quyền sở hữu hoặc quyền khác phải đăng ký đối với tàu bay, tàu biển theo quy định của pháp luật về hàng không, hàng hải); quyền thụ hưởng bảo hiểm; quyền được bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”;

Thứ ba, “Quyền tài sản khác theo quy định của pháp luật”.

1.11. Như vậy, có thể nói, theo cách phân loại của Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản nào không phải là vật, tiền và giấy tờ có giá thì chỉ có thể là quyền tài sản. Ví dụ, đất là vật, nhưng quyền sử dụng đất thì không phải là vật, mà là quyền tài sản. Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ và Thông tư số 08/2018/TT-BTP không đề cập đến quyền sử dụng đất khi liệt kê cụ thể tài sản trong quyền tài sản.

1.12 Pháp luật tài chính, kế toán và kiểm toán phân chia tài sản thành 02 loại là tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản số hay tài sản kỹ thuật số không phải là vật, tiền hay giấy tờ có giá, nên đương nhiên thuộc vào nhóm quyền tài sản và là một loại tài sản vô hình.

2. Lợi ích và rủi ro với ngân hàng khi nhận tài sản số, tài sản vô hình, làm tài sản thế chấp:

2.1. Tài sản số nói riêng, tài sản vô hình nói chung, ngày càng có giá trị rất lớn và vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội. Tuỵ nhiên cho đến cuối tháng 4-2025, pháp luật chưa có giải thích thế nào là tài sản số. Điều 8, Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số năm 2025 giải thích như sau: “Tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối, mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan”.

2.2. Khoản 1, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Thông tư số 37/2024/TT-BTC ngày 16-5-2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành “Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về thẩm định tài sản vô hình”, giải thích như sau: “Tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất nhưng có khả năng tạo ra các quyền và lợi ích kinh tế, tự biểu hiện thông qua các đặc tính kinh tế. Tài sản vô hình không bao gồm tiền mặt”. Như vậy, tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại) không phải là tài sản vô hình. Tuy nhiên tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương hay do cá nhân, pháp nhân thương mại phát hành (tiền ảo, không phải là tiền theo khái niệm của Bộ luật Dân sự và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) thì lại là tài sản vô hình.

2.3. Là một loại tài sản nói chung, quyền tài sản nói riêng, tài sản số hay tài sản vô hình, đương nhiên cũng được ngân hàng nhận thế chấp theo quy định chung. Người thế chấp sẽ là người sở hữu tài sản số được xác lập quyền sở hữu dựa trên cơ sở hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ hoặc được chuyển quyền sở hữu hay được thừa kế theo quy định tại Điều 221 về “Căn cứ xác lập quyền sở hữu”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

2.4. Nhận thế chấp tài sản số và tài sản vô hình thì việc quản lý cũng bằng công nghệ, kỹ thuật, chứ không mất nhiều chi phí cho kho tàng, bến bãi, bảo quản, xử lý lý tài sản. Tuy nhiên, rủi ro đối với loại tài sản này cũng rất lớn như yêu cầu trình độ chuyên môn cao, khó định giá, khó phát mại. Ví dụ, trong lúc hành lang pháp lý chưa rõ ràng, nếu nhận thế chấp tài sản số như tiền kỹ thuật số không phải là tiền pháp định (tiền mã hoá, tiền ảo) thì chi phối, quản lý và định đoạt (bán) tài sản thế nào. Nếu mất giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản hữu hình thì có thể dễ dàng xin lại, nhưng nếu nhận thế chấp tài sản số bằng việc chuyển giao quản lý mật khẩu, mà quên hoặc bị mất mật khẩu thì gần như đồng nghĩa với việc mất tài sản thế chấp (không có khả năng khắc phục).

Hà Nội ngày 284-2025

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.

(2.054)

[1]   Trang CafeF 20-4-2025: “Ông Vũ Văn Tiền: Bất động sản không bao giờ chết, dư địa còn mấy chục năm nữa”:

https://cafef.vn/ong-vu-van-tien-bat-dong-san-khong-bao-gio-chet-du-dia-con-may-chuc-nam-nua-188250420120058834.chn

[2]   Xem thêm Luật sư Trương Thanh Đức, Tiểu mục 11.1, “Điều kiện đối với tài sản bảo đảm”, Chương I, “Giao dịch bảo đảm và tài sản bảo đảm”, Sách 9 biện pháp bảo đảm nghĩa vụ hợp đồng, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2022.

Bài viết 

314. Bài 3: Khát vọng hùng cường - Thể chế tốt phải...

Bài 3: Khát vọng hùng cường - Thể chế tốt phải tạo ra sự đột phá. Luật sư Trương...

Bình luận 

444. Bình luận về Chính sách hình sự khi sửa đổi, bổ...

Bình luận về Chính sách hình sự khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình...

Phỏng vấn 

4.468. Điểm nghẽn thuế, khi nào tháo gỡ.

Điểm nghẽn thuế, khi nào tháo gỡ. (VTV1) - Chương trình có sự tham...

Trích dẫn 

4.048. Luật hóa xử lý nợ xấu để giải phóng...

Luật hóa xử lý nợ xấu để giải phóng nguồn lực đang bị "đóng băng"...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 246,107