(ANVI) – Nhân loại từng có muôn vàn áng thơ văn bất hủ ca ngợi người Phụ nữ đẹp đẽ như trăng sáng, trời xanh; dịu dàng như gió thoảng, mây trôi; thơ mộng như sóng gợn, mưa bay; hấp dẫn như trái ngọt, hoa thơm và là yếu tố tuyệt vời tạo nên tình yêu, hạnh phúc, gia đình.
Hơn thế nữa, Phụ nữ Việt Nam còn tham gia và ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Trên khắp mọi miền đất nước và trong mọi thời kỳ, luôn luôn xuất hiện những tấm gương Phụ nữ “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”.
Phụ nữ luôn là một nửa Thế giới, là một nửa Việt Nam và Phụ nữ ngành Ngân hàng chính là một nửa sự đóng góp và thành công của ngành Ngân hàng.
Đứng trước yêu cầu đổi mới ngành Ngân hàng để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay, Phụ nữ Ngân hàng liệu có tiếp tục phát huy được vai trò của mình? Dưới đây là đôi nét và thực trạng đời sống và công tác của cán bộ nữ ngành Ngân hàng cùng những bức xúc cần phải quan tâm để cán bộ nữ ngành Ngân hàng phấn đấu vươn lên.
I/ Thực trạng về công tác và đời sống của cán bộ nữ Ngân hàng
1- Về công tác của cán bộ nữ:
Đối với ngành Ngân hàng, cán bộ nữ không những chếm trên 70%, mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình quản lý và kinh doanh. Hiện nay, ngành Ngân hàng đang có nhiều Phụ nữ là Phó Thống đốc, các Tổng Giám đốc, Giám đốc,…; rất nhiều Phụ nữ là các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà chuyên môn xuất sắc và có bề dày thành tích. Ngay tại Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hải Phòng, cán bộ nữ cũng chiếm tỉ lệ gần 57%, là lực lượng có trình độ tương đối cao về chuyên môn, ngoại ngữ, vi tính và chính trị; trong đó, chị em có bằng đại học chiếm 56%, một số đã và đang học bằng đại học thứ hai. Nhiều chị em đã và đang giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Cơ quan cũng như của các Phòng, Ban. Trên các cương vị và chuyên môn đảm nhiệm, nhìn chung Phụ nữ đều không ngừng phấn đấu vươn lên và hoàn thành công việc với chất lượng cao.
Có thể nói, những thành tích của ngành Ngân hàng đạt được trong thời gian qua, nhất là trong 10 năm đổi mới nền kinh tế đất nước, mà ngành Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong sự nghiệp đó, có phần đóng góp vô cùng quan trọng của Phụ nữ.
Dù là ở Ngân hàng Nhà nước hay Ngân hàng thương mại, Phụ nữ cũng đã, đang và sẽ làm việc với ý thức trách nhiệm cao, với thái độ phục vụ nhẹ nhàng, với đức tính kiên trì, cẩn thận và với một sức khoẻ bền bỉ, dẻo dai. Đặc biệt, trong một số công việc, Phụ nữ đảm nhận thường có chất lượng và hiệu quả hơn nam giới, ví dụ như:
– Công việc kiểm đếm, thu phát ngân quỹ, nhất là nhận và trả tiền gửi tiết kiệm hoặc các hình thức huy động vốn khác từ dân cư;
– Công việc giao dịch kế toán và thanh toán ngân hàng;
– Công việc giao dịch mua bán vàng bạc, đá quý và làm các dịch vụ khác;
– Công việc văn thư, lễ tân, đón tiếp và hướng dẫn khách,…
Phụ nữ có những thế mạnh riêng mà nam giới khó có thể có được. Không phải ngẫu nhiên mà có câu thành ngữ: “Chỉ với một sợi tóc, phụ nữ có thể trói nổi voi”.
Có thể nói, Phụ nữ nước ta nói chung, Phụ nữ ngành Ngân hàng nói riêng, đã thể hiện được một cách xứng đáng và rõ nét những khả năng tuyệt vời và bản chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế, còn không ít người chưa tin tưởng và nhận thức chưa đúng đắn về vai trò và năng lực của Phụ nữ. Trong công tác, Phụ nữ thường chịu thiệt thòi hơn so với nam giới. Phụ nữ thiếu thời gian rảnh rỗi để học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; hiếm có cơ hội để cập nhật những kiến thức mới của nền kinh tế thị trường và ít có điều kiện để tiếp cận những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến.
Đặc biệt, đối với chị em làm công tác hành chính – phục vụ trong cơ quan còn không ít băn khoăn, mặc cảm trước công việc khó khăn, vất vả như thể “làm dâu trăm họ”. Cũng như việc “tề gia nội trợ” trong gia đình, công việc của chị em hành chính – phục vụ thì liên miên, thành tích thì khó thấy, còn khuyết điểm, sai sót thì không thể nào dấu được “người trong nhà”.
Mọi người lao động, mọi nghề nghiệp và công việc chân chính đều là vinh quang và kết quả hoạt động của mỗi cá nhân, đơn vị đều phụ thuộc vào điều kiện, môi trường nhất định. Công việc hành chính quản trị chính là điều kiện là “môi trường” bảo đảm cho sự điều hành quản lý của lãnh đạo và sự hoạt động nghiệp vụ của các phòng, ban chuyên môn.
Công việc hành chính – phục vụ, tuy có phần đơn giản, nhưng cũng đòi hỏi sự rèn luyện, phấn đấu tích cực của mỗi chị em, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, trung thực, bảo ban, tương trợ lẫn nhau và cũng cần có các điều kiện nhất định thì mới bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Khi cần phát triển kinh tế, người ta phải đề cao môi trường kinh doanh; khi cần thu hút nguồn vốn, người ta phải coi trọng môi trường đầu tư. Vậy, muốn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của ngành, của cơ quan, phải chăng cũng cần tạo ra một “Môi trường hành chính” lành mạnh, hữu hiệu? Đó là việc chăm lo cho sự an toàn, trật tự, vệ sinh để giữ gìn bộ mặt của cơ quan được khang trang, sạch đẹp; là việc lo toan đáp ứng mọi yêu cầu về công tác, phục vụ hậu cần, sức khoẻ để cán bộ yên tâm làm việc; là việc làm sao luôn “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Bên cạnh những lúc rỗi rãi, không hiếm lúc phải tất bật, vất vả đi sớm, về muộn hoặc làm việc đột xuất, ngoài giờ.
2- Về đời sống của cán bộ nữ:
Có một sự thật là, Phụ nữ ngày nay chưa thật sự được bình đẳng với nam giới trên mọi mặt của đời sống gia đình và xã hội. Ngoài những công việc phải gánh vác tại các cơ quan, đơn vị như đối với nam giới, Phụ nữ còn có thêm những trọng trách và sứ mệnh cao cả, đó là làm thiên chức của người vợ, người mẹ, quán xuyến công việc nội trợ, chăm sóc cho hạnh phúc gia đình. Đó là một khối lượng công việc khổng lồ nhưng lại “không tên”. Đông đảo các tầng lớp Phụ nữ ngành Ngân hàng đã thực sự là những chị em “Giỏi việc cơ quan, đảm đang việc nhà”. Đó là niềm vinh dự, tự hào, nhưng đồng thời cũng lại chính là trách nhiệm nặng nề đặt ra đối với chị em. Phụ nữ luôn đấu tranh và thực sự đã giành được quyền bình đẳng với nam giới trong “việc nước”, nhưng nam giới lại chưa bao giờ có ý muốn “đòi hỏi” sự ngang bằng với Phụ nữ trong chia sẻ “việc nhà”. Sự bình đẳng của Phụ nữ đối với nam giới mới chỉ được xã hội quan tâm đến một nửa, mới chỉ thể hiện tại nơi làm việc và ngoài xã hội, còn trong gia đình – một tế bào của xã hội – hầu hết mọi công việc vẫn đang ngày đêm trút lên đôi vai nhỏ bé của người Phụ nữ.
Trong khi đó, thu nhập của cán bộ Ngân hàng, nhất là Ngân hàng Nhà nước, còn quá eo hẹp, hầu như không có khoản gì khác ngoài đồng lương ít ỏi. Điều này đã gây rất nhiều nỗi phiền toái, khó khăn đến chức năng “tay hòm chìa khoá” của người Phụ nữ. Một khi đồng lương chưa đủ bảo đảm mức sống tối thiểu, thì thật khó có thể nói đến việc đầu tư xứng đáng cho học hành và tương lai của con cái; cho việc phát triển, nâng cao trình độ của bản thân; cho việc rèn luyện, tăng cường sức khoẻ và cho nhu cầu thưởng thức văn hoá, nghệ thuật hay vui chơi, giải trí. Đó là chưa kể đến việc phải quan tâm đến bao nhiêu nhu cầu chính đáng khác của bản thân và gia đình. Gánh nặng này luôn luôn ám ảnh chị em Phụ nữ, và nó thật sự trở thành nỗi bức bối và ray rứt, thường xuyên tác động trực tiếp đến sức khoẻ, suy nghĩ và tâm sinh lý của nhiều chị em. Việc phải tằn tiện từng đồng tiền còm cõi trang trải cho mọi thứ chi tiêu, đã làm ảnh hưởng đến Phụ nữ bội lần so với nam giới; nó đã vô hình chiếm đi mất nhiều thời gian, sức lực và vẻ đẹp của người Phụ nữ.
Mối quan tâm to lớn và thường xuyên đến gia đình, đã làm cho người Phụ nữ phải gánh thêm phần thiệt thòi so với nam giới. Và cũng lại chính từ những thua thiệt thiệt đó, một lần nữa lại tác động ngược trở lại, làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác của Phụ nữ. Là nữ giới, nhất là những chị em có con nhỏ, không thể làm việc say sưa, nhiệt tình quên ăn, quên ngủ, quên gia đình như nam giới. Thực tế cho thấy, đại đa số Phụ nữ Ngân hàng luôn sẵn sàng chấp nhận hy sinh lợi ích của bản thân, coi trọng cuộc sống của con cái và tổ ấm gia đình hơn cả bản thân.
II/ Những bức xúc cần phải quan tâm để cán bộ nữ ngành Ngân hàng phấn đấu vươn lên
Để đảm bảo quyền lợi, tạo ra những cơ hội bình đẳng và phát huy được vai trò của Phụ nữ nói chung, Phụ nữ ngành Ngân hàng nói riêng, Nhà nước, xã hội cũng như mỗi cơ quan, đơn vị và mỗi gia đình cần phải quan tâm giải quyết tốt một số vấn đề sau đây:
1- Về công việc và chuyên môn:
Cần quan tâm hơn nữa đến việc bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại về trình độ nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ, vi tính cũng như kiến thức pháp lý, văn hoá, xã hội phù hợp với điều kiện, khả năng của cán bộ nữ Ngân hàng.
Ngành Ngân hàng muốn tồn tại và phát triển được trong bối cảnh hoạt động tài chính, tiền tệ mang tính chất quốc tế hoá toàn cầu như hiện nay, thì cần phải dựa trên cơ sở hiện đại hoá trang thiết bị. Để đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành Ngân hàng, thì mỗi cán bộ, mà đặc biệt là cán bộ nữ, cần phải được thường xuyên trang bị những kiến thức và nhận thức mới, để có thể theo kịp thời đại, làm chủ được mọi phương tiện khoa học kỹ thuật trong chuyên môn.
Đặc biệt, đối với chị em làm công tác hành chính, mong muốn nhận được một sự đánh giá công bằng hơn, một sự cảm thông hơn nữa của các phòng, ban nghiệp vụ, để phần nào xóa bớt mặc cảm là bộ phận không quan trọng của cơ quan. Tuy không được làm nghiệp vụ Ngân hàng, nhưng không có nghĩa là họ không cần sự quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về nghề nghiệp. Dù là nghề văn thư, đánh máy, lễ tân, y tế, nấu ăn,… đều cần có khoa học, cần có những kiến thức mới và cần thường xuyên trau dồi, rèn luyện tay nghề. Không những thế, chị em cũng rất mong muốn và rất cần được cung cấp những thông tin cần thiết về hoạt động của Ngành và cơ quan.
2- Về thu nhập và đời sống:
Đồng tiền và miếng cơm, manh áo có ảnh hưởng rất lớn đến con người. Cách đây hàng ngàn năm, đã có sách dạy rằng: “Trị dân mà không dạy dân, thì dân biết thế nào được cương thường, đạo lý, để giữ trật tự trong xã hội. Nhưng trước khi dạy dân, phải cần làm cho dân giàu, vì có đủ ăn, đủ mặc, thì mới học được lễ nghĩa vậy”.
Truyền thống chắt chiu, chịu thương, chịu khó của dân tộc ta đối với nhiều chị em, đôi khi bị biến thành tính cách bủn xỉn, khắc khổ và cam chịu dưới con mắt của những người ít thông hiểu. Câu ca dao thổn thức tâm sự của người nghèo từ ngàn xưa, nay vẫn còn như mới:
Khó thì hết thảo, hết ngay
Công cha cũng bỏ, nghĩa thày cũng quên.
Vì vậy, cần phải bảo đảm thu nhập của cán bộ đủ sinh sống và trang trải được những nhu cầu thông thường, chính đáng của bản thân và gia đình. Trước mắt, ngành Ngân hàng cần tiếp tục đề nghị Nhà nước và cần có các biện pháp tình thế hợp lý để tăng thêm thu nhập cho CBNV.
Đồng lương của công chức, trong đó có cán bộ Ngân hàng Nhà nước hiện nay rõ ràng là chưa đủ đảm bảo cho cuộc sống bình thường, nhất là chị em làm công tác hành chính, phần lớn được hưởng mức lương khá thấp. Thời gian qua, cũng như các cơ quan khác, ngành Ngân hàng đã có nhiều cố gắng cải thiện phần nào thu nhập và đời sống cho CBNV. Nếu làm tốt việc này hơn nữa, thì chắc chắn sẽ giúp cho cán bộ Ngân hàng toàn tâm, toàn ý với công việc của cơ quan và cống hiến cho sự nghiệp đổi mới của Ngành.
3- Về vai trò hỗ trợ của nam giới:
Lâu nay, chúng ta thường đề cao vai trò của Phụ nữ trong công tác và đời sống, mà ít thấy rằng, sự đồng tình hưởng ứng của nam giới sẽ có tác dụng vô cùng to lớn, không những giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ, mà còn là điều kiện quan trọng giúp giữ gìn và tăng cường hạnh phúc gia đình.
Cần vận động, tuyên truyền nam giới tạo điều kiện tối đa và tăng cường quan tâm, giúp đỡ chị em Phụ nữ trong công tác, cũng như trong nuôi dạy con cái và mọi công việc gia đình khác, nhất là trong việc kế hoạch hoá gia đình.
4- Về chính sách đối với con em cán bộ Ngân hàng:
Con cái là niềm hạnh phúc nhưng cũng là mối nỗi lo lắng, quan tâm hàng đầu của Phụ nữ. Hiện nay, chi phí và thời gian học hành của trẻ em đang là một vấn đề bức xúc đối với xã hội và nhiều gia đình. Ngành Ngân hàng có thể phối hợp với ngành Giáo dục hoặc các cơ quan khác, tận dụng những cơ sở vật chất sẵn có để tổ chức các lớp học bán trú cho các cháu nhỏ là con em cán bộ Ngân hàng, giúp cho Phụ nữ có thể yên tâm trong công tác và có khả năng đóng góp nhiều hơn cho công việc.
Cần vận động xây dựng Quỹ khuyến học để giúp đỡ, khen thưởng, động viên những con em CBNV trong Ngành có khó khăn hoặc đạt thành tích cao trong học tập.
Cần có chính sách khuyến khích và ưu tiên con em cán bộ Ngân hàng vào công tác trong ngành để phát huy truyền thống của Ngành và tạo tâm lý yên tâm công tác cho chị em.
Sự thiết tha, gắn bó và lòng yêu ngành, yêu nghề là một trong những yếu tố rất cần thiết đối với sự nghiệp của mỗi con người và mỗi ngành nghề. Sự thành công và tương lai tốt đẹp và của một ngành không phải chỉ vì nghề nghiệp nhàn nhã và có thu nhập cao, mà phải là làm sao để cho con cái tự nguyện yêu thích, theo đuổi ngành nghề truyền thống tốt đẹp của gia đình, đồng cảm với những lý tưởng nghề nghiệp mà bố mẹ theo đuổi và truyền lại cho con cái trong cuộc sống.
5- Về hoạt động xã hội và văn thể:
Cần tăng cường vai trò của các tổ chức Đảng, Công đoàn, Nữ công và Thanh niên trong các cơ quan đơn vị; tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao tại các cơ quan, đơn vị phù hợp với điều kiện và khả năng tham gia của Phụ nữ.
Ngoài ra, các cơ quan đơn vị cần tạo điều kiện về thời gian và khuyến khích Phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội ngoài phạm vi cơ quan như tham gia các Tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tham gia các câu lạc bộ sở thích văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm phát triển con người một cách toàn diện.
6- Về sức khoẻ và phúc lợi xã hội:
Cần tăng cường các chế độ phúc lợi xã hội, bảo đảm chế độ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ, thường xuyên và định kỳ hàng năm cho cán bộ nữ.
Cố gắng tổ chức nhiều hơn các hoạt động tham quan, du lịch, nghỉ mát để chị em được chiêm ngưỡng các danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử của đất nước; mở mang hiểu biết và tự hào về nguồn cội và truyền thống cách mạng; tăng cường tình yêu thiên nhiên, quê hương, Tổ quốc và con người Việt Nam.
Hiện nay đất nước ta đang còn rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước đang cố gắng hết sức để phát triển nền kinh tế, làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội, phấn đấu vì mục tiêu bảo đảm dân quyền, cải thiện dân sinh và nâng cao dân trí. Tương lai phát triển của nền kinh tế nói chung, của ngành Ngân hàng nói riêng đang đứng trước nhiều sức ép và nguy cơ đe dọa. Hệ thống Ngân hàng Việt Nam đang còn khá nhiều tồn tại và yếu kém, lại chịu sự ảnh hưởng trực tiếp, to lớn và nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính -tiền tệ trong khu vực, sẽ khó tránh khỏi những khó khăn gay gắt trong duy trì và phát triển hoạt động của Ngành.
Trong bối cảnh đó, Phụ nữ phải là một trong những lực lượng quan trọng đi đầu để tham gia giải quyết những khó khăn của ngành Ngân hàng cũng như của nền kinh tế. Phụ nữ phải thể hiện vai trò quan trọng trong công cuộc chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác đang làm thất thoát tiền bạc của nhân dân, làm tha hoá một số tầng lớp cán bộ, làm băng hoại đạo đức xã hội, là một trong những nguyên nhân đe dọa trực tiếp đến thu nhập, đến đời sống và hạnh phúc của bản thân và gia đình.
Không phải là Phụ nữ ngày nay không còn thiết tha, gắn bó với hoạt động chính trị; không còn hào hứng, sôi nổi trước các sinh hoạt tập thể; không còn vô tư, nhiệt tình tham gia công tác xã hội; không còn trăn trở, hào hứng trước các sự kiện của đất nước. Nếu các cơ quan, đơn vị và mỗi cấp Hội Phụ nữ coi trọng vai trò của Phụ nữ và mỗi nữ cán bộ trong từng vị trí công tác của mình, xác định rõ mực tiêu phấn đấu vươn lên, thấy rõ được trách nhiệm phải làm gì và làm thế nào, thì chắc chắn Phụ nữ chúng ta sẽ vẫn kế tục xứng đáng truyền thống của những con cháu Bà Trưng, Bà Triệu; sẽ tiếp tục phát huy được vai trò to lớn và tất yếu trong chiến lược ổn định và phát triển ngành Ngân hàng, trong công cuộc đổi mới toàn diện và cơ bản nền kinh tế – xã hội, trong sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, trong quá trình xây dựng thành công một chế độ dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh và một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
HP 3-1999
Bài được lưu ở đây:
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070