(DĐDN) – NHNN sắp đưa ra “chương trình tín dụng cánh đồng mẫu lớn” với mong muốn có sự đột phá trong chính sách tín dụng tam nông năm 2014. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi: các ngân hàng dám mạnh dạn mở hầu bao, khi mà rủi ro trong sản xuất nông nghiệp được coi là đứng đầu trong các lĩnh vực cho vay?
Quy định và thực tế
Nhà nước cần tổ chức một sân chơi công bằng hơn không chỉ giữa các DN (quốc doanh, tư nhân) mà còn là công bằng hơn cho nông dân với vai trò người chơi – đối tác, trong đó các điều kiện tham gia và sự bảo trợ của nhà nước không tạo thêm áp lực lên người dân hiện đang nằm ở nhóm đáy trong phân tầng của xã hội. Kinh nghiệm của Oxfam “Sáng kiến nông nghiệp bền vững” cho thấy gói hỗ trợ của chính phủ cần tính toán đến các điều kiện sản xuất cụ thể của người dân, đảm bảo đồng bộ bốn yếu tố như: Chia sẻ rủi ro (thông qua tín dụng); Chuyển giao rủi ro (thông qua bảo hiểm nông nghiệp với các điều kiện thời tiết bất lợi, dịch bệnh…); Đảo ngược rủi ro (thông qua thúc đẩy tiết kiệm); và giảm thiểu rủi ro (thông qua các công cụ quản trị).
Những quy định cần sát với thực tế. Chẳng hạn, vay tín chấp cần được hiểu và thực thi đúng (thực tế vẫn có khúc mắc giữa tổ chức tín dụng và ngành nông nghiệp trong khái niệm và thủ tục vay). Nếu vẫn cho nông dân vay thế chấp bằng tài sản, chúng ta vẫn không thể giải quyết được nhu cầu vay vốn của người nông dân. Hợp đồng ký kết giữa DN với nông dân và quy hoạch của địa phương là những cơ sở để xây dựng phương án cho vay và hỗ trợ lãi suất. Tuy vậy, nhu cầu của nông dân, với phong tục, tập quán, điều kiện văn hóa, thổ nhưỡng, và năng lực khác nhau, nên các chính sách tín dụng cần linh hoạt, các thủ tục cần giảm thiểu để dễ thực hiện và khuyến khích người dân sử dụng vốn vay hiệu quả hơn.
Trong điều kiện kinh tế thị trường với những đòi hỏi cạnh tranh khốc liệt, để tiếp cận và sử dụng vốn vay và sản xuất hiệu quả hơn, nông dân cần được tổ chức liên kết hiệu quả hơn, có sự tự chủ trong sản xuất, trong đàm phán lợi ích, và trong bảo vệ quyền lợi cho mình.
Cần xác định nông dân là chủ thể hưởng lợi trực tiếp và đầu tiên trong các chính sách tín dung. Bài học về trợ giá lúa của Thái Lan dẫn tới thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, đổ vỡ niềm tin, bất ổn xã hội cho thấy chính sách trợ giúp của Chính phủ có thể gây bất ổn, không chỉ bởi đã tạo ra ảo giác về một thực tế không có thật, mà còn bởi chính sách không tính tới lợi ích trực tiếp, lâu dài và bền vững của người nông dân là một ví dụ điển hình.
Cần phân rõ vai
LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI |
Việc NHNN sắp đưa ra “chương trình tín dụng cánh đồng mẫu lớn” với mong muốn có sự đột phá trong chính sách tín dụng tam nông năm 2014 là một tín hiệu đáng mừng để ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không biết NHNN sẽ phải xử lý vấn đề rủi ro ra sao? Vì để hô hào các NHTM thực hiện những nhiệm vụ theo kiểu chính trị thì rất khó. Các ngân hàng bao giờ cũng phải xét tới tiêu chí tính khả thi của dự án. Nếu dự án nào có độ rủi ro cao thì khó ai dám cho vay, chưa nói đến cho vay với số vốn lớn. Trong khi đó, để thực hiện các dự án cánh đồng mẫu lớn hay áp dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp phải cần số vốn thường rất lớn. Còn độ rủi ro của các dự án nông nghiệp từ trước đến nay đều bị đánh giá là rất cao.
Thử nhìn vào việc Chính phủ Israel nói là muốn cho dự án TH True Milk vay 100 triệu USD thì điều kiện lại là Chính phủ VN bảo lãnh. Chưa cần nói tới tính khả thi đến đâu, chỉ cần có Chính phủ bảo lãnh thì ngân hàng nào cũng sẵn sàng cho vay. Không cần tới ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng trong nước cũng đang tìm các dự án có tính khả thi cao hoặc được bảo lãnh chắc chắn để cho vay. Nếu nói cho vay để phát triển chương trình mục tiêu như kiểu cánh đồng mẫu lớn thì không thể trông chờ vào sự hô hào của ngân hàng. Nhà nước phải đứng ra làm chủ chuyện này. Ví dụ nhà nước chỉ đạo NH Phát triển VN phải chuẩn bị vốn để phát triển cánh đồng mẫu lớn. Qua đó, nhà nước phải chấp nhận một mức độ rủi ro nào đó.
Việc tổ chức để phát triển chương trình cánh đồng mẫu lớn, hay áp dụng công nghệ hiện đại vào nông nghiệp phải thuộc chuyên môn như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây sẽ là cơ quan thẩm định và đính hướng các dự án đi đúng các mục tiêu đồng thời hạn chế độ rủi ro.
Chủ trương phát triển ngành nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp không thể chậm chễ được. Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương này cần có một sự phân vai cụ thể, từ Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, NHNN… Đây là một nhiệm vụ chính trị không thể lơ là của các cơ quan này. Khi Chính phủ đã có quyết tâm chính trị thì phải chuyển nó tới từng bộ ngành và địa phương.
Đừng chỉ là phong trào
Việc gói tín dụng được đề xuất hướng vào các mục tiêu sản xuất phát triển ngành nông nghiệp là sát với tình hình sản xuất nông nghiệp của ta hiện nay. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện gói tín dụng này trên thực tế chắc chắn sẽ không dễ…
Chẳng hạn nông dân muốn vay thì ai sẽ là người đứng ra bảo lãnh cho nông dân vay vốn? Làm sao nông dân có đủ lòng tin để ngân hàng chấp nhận hỗ trợ cho vay vốn?… Chưa kể, hàng nghìn thủ tục mà nông dân khó có thể đáp ứng nếu muốn vay vốn ngân hàng… Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp của chúng ta hiện nay còn quá manh mún, nhỏ lẻ khó có thể ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học và các mô hình mới. Ngoài ra, các chính sách đưa ra cần phải tính đến việc nông dân sử dụng được đồng ruộng của mình, đặc biệt nông dân phải làm giàu được từ những sản phẩm nông nghiệp.
Một vấn đề nữa là gói tín dụng 1 năm sẽ khó có thể hiệu quả ngay được mà phải được hỗ trợ vay vốn trung và dài hạn để kịp áp dụng khoa học, công nghệ hoặc quay vòng sản xuất theo mô hình mới cho chọn một vòng đời của sản phẩm đặc thù trong sản xuất nông nghiệp. Còn nếu chúng ta lại chỉ áp dụng vay theo kiểu “chính sách quan tâm” thì tôi cho gói tín dụng sẽ chỉ dừng lại ở phong trào, chưa thay đổi được sản xuất nông nghiệp cũng như cải thiện được đời sống người nông dân.
Để chính sách tín dụng phát huy hiệu quả với sản xuất nông nghiệp thì không chỉ 1 xã, 1 hộ dân hay 1 dự án là xong mà phải làm đồng bộ, có được một ý tưởng mô hình phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của từng vùng. Có thể đúc kết một số mô hình đã thành công như phát triển bò sữa ở Mộc Châu,Nghệ An, ở đó, người nông dân đã được tập hợp lại trong quá trình sản xuất. Hay với đất đai hiện nay, chúng ta cần mạnh dạn dồn điền, đổi thửa, cho phép tích tụ ruộng đất lớn để đưa khoa học công nghệ vào. Sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL cũng vậy, cần phải có chính sách tín dụng tốt để thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiện nay, để nông dân không phải làm tới 3 vụ lúa mà có thể làm 1 lúa, 1 tôm, 1 mầu vẫn có thể giàu có…
Quy trình cho vay khép kín
Việc gói tín dụng được đề xuất hướng vào các mục tiêu phục vụ ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất nông nghiệp; phục vụ mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp và tín dụng phục vụ xuất khẩu nông thủy sản tôi cho là sát với tình hình sản xuất nông nghiệp của ta hiện nay.
Hiện nay, mặt bằng lãi suất thị trường đang ổn định và có xu hướng giảm. Vấn đề là làm sao để khu vực nông nghiệp, nông thôn hấp thụ được vốn nếu các ngân hàng triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng. Điều quan trọng nhất, phải phát triển hợp tác xã để đứng ra hỗ trợ nông dân, rồi phát triển các mô hình cánh đồng mẫu lớn để sản xuất hàng hóa thì mới có thể hấp thụ được vốn tín dụng (mô hình cánh đồng mẫu lớn giảm được 2% chi phí so với sản xuất nhỏ lẻ).
Thực tế hiện nay, nông dân sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có liên kết. Cà phê, cao su , hồ tiêu… có dấu hiệu tốt thì đổ xô vào làm, không có qui hoạch, dẫn tới vỡ nợ không trả được nợ… Do vậy, để có chính sách tín dụng hiệu quả thì phải có quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể, có sự liên kết từ đầu vào tới đầu ra, khi đó tín dụng sẽ bền vững, thậm chí không cần thế chấp ngân hàng vẫn có thể cho vay để phục vụ cho sản xuất. Trên cơ sở thanh khoản được cải thiện, mặt bằng lãi suất ổn định và có chiều hướng giảm, để hỗ trợ sự phát triển nông nghiệp nông thôn, NHNN đã dành ra một khoản tiền nhất định hướng vào các mục tiêu: cho vay ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất mới quy mô lớn và phục vụ hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.
Theo hướng này, một quy trình cho vay khép kín đối với DN đứng đầu chuỗi sẽ ra đời nhằm từng bước thay thế kiểu cho vay rải rác như trước. Nhờ đó, sẽ khắc phục tình trạng ngân hàng này cho vay sản xuất, ngân hàng kia cho vay chế biến, xuất khẩu, chỉ cần một khoản vay ở khâu này rủi ro là kéo theo rủi ro ở các khoản vay khác. Đây sẽ là chương trình thí điểm và sẽ triển khai ngay trong quý 1 này, nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực tam nông…
Để chính sách tín dụng phát huy hiệu quả với sản xuất nông nghiệp thì không chỉ 1 xã, một hộ dân hay 1 dự án là xong mà phải làm đồng bộ. |
T.Anh, B.Tú, P.Hà thực hiện
————————————–
Diễn đàn Doanh nghiệp (Toạ đàn) 12-3-2014:
http://dddn.com.vn/toa-dam/goi-tin-dung-canh-dong-mau-lon-cach-nao-de-ngan-hang-mo-hau-bao–20140311021252248.htm
(490/2.042)