(HNM) – Các luật sư liên tục phản đối ngay trong phiên tòa vì đại diện Vietinbank không xưng họ tên, chức vụ và cho biết trả lời các câu hỏi với tư cách cá nhân.
Điệp khúc không nhớ gì, không trả lời
Ngày 10.1, phiên tòa xét xử “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như lại được tiếp tục với phần thẩm vấn của các luật sư. Vào ngày hôm nay, có tất cả 9 vị luật sư đăng ký thẩm vấn.
Cũng như các ngày trước, hai bị cáo Huyền Như và Võ Anh Tuấn (nguyên giám đốc Vietinbank, Chi nhánh Nhà Bè) được các luật sư chú ý nhiều nhất. Điều đáng nói, trong suốt ngày hôm nay, cả hai bị cáo này không “mặn mà” lắm với những câu thẩm vấn của luật sư. Trả lời hầu hết các câu hỏi, hai bị cáo thường lặp lại: “Bị cáo không nhớ” hoặc “Xin cho bị cáo không trả lời câu hỏi này” hay “Bị cáo đã trả lời HĐXX trước đây nên cho bị cáo không trả lời”.
Riêng bị cáo Huyền Như còn nại ra lý do: “Mọi chuyện xảy ra quá lâu, bị cáo không thể nhớ hết được. Mỗi ngày, các luật sư hỏi bị cáo rất nhiều câu. Nếu cứ bắt bị cáo phải nhớ hết thì bị cáo sợ mình không đủ sức khỏe để tham gia hết những ngày phiên tòa diễn ra”.
Bên cạnh đó, Như nhiều lần cho rằng mình không biết thế nào là chi nhánh cấp 1, chi nhánh cấp 2 của ngân hàng. Như cũng không nhớ rõ chức năng, nhiệm vụ của phòng giao dịch Điện Biên Phủ. Hạn mức chuyển tiền Như cũng không thể nhớ nổi có phải là 50 tỉ đồng hay không. Bên cạnh đó, việc huy động vốn, người giúp ngân hàng Như cũng không nhớ là có được nhận hoa hồng hay không.
Trước cách khước từ trả lời của Huyền Như và Tuấn, các luật sư cũng đành “bó tay”. Đặc biệt, mỗi khi các luật sư đặt câu hỏi chưa xong, những người dự khán đã có thể biết được Như và Tuấn trả lời như thế nào nên bật cười.
Yêu cầu triệu tập chủ tịch HĐQT Vietinbank
Trong phần thẩm vấn của mình, luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng ACB) cho rằng, hôm qua, ông Phạm Huy Hùng, chủ tịch HĐQT Vietinbank đã đăng đàn trên một tờ báo mạng khẳng định ngân hàng này không chịu trách nhiệm bồi thường khoản tiền Huyền Như đã chiếm đoạt. Do đây là việc riêng của Huyền Như. Đồng thời, số tiền này cũng chưa được chuyển vào ngân hàng Vietinbank và chưa cập nhật vào sổ sách.
Từ những điều này, luật sư Tám đề nghị triệu tập chủ tịch HĐQT Vietinbank để làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án. Đồng thời, để ông Hùng trả lời trực tiếp tại phiên tòa chứ không phải thông qua một kênh báo chí.
Ngay sau đó, HĐXX bác bỏ yêu cầu của luật sư Tám. Vì, phía Vietinbank đã có đại diện đến phiên tòa. Đồng thời, chủ tọa cũng nhắc nhở, đây là một phiên tòa, tất cả việc xử án phải dựa vào hồ sơ, chứng cứ chứ không thể tiếp nhận ý kiến, dựa vào thông tin trên một tờ báo nào. Riêng việc một cá nhân nào đó trả lời trên báo thì không thuộc thẩm quyền xét xử của phiên tòa.
Cho một bị cáo về thăm nhà
Bị cáo Phạm Văn Chí (37 tuổi) là bạn học của Huyền Như, đồng thời là đồng nghiệp tại ngân hàng Vietinbank. Theo hồ sơ vụ án, Chí không có tiền cho Như vay nhưng đã lấy giấy tờ nhà cho Như đi vay để lấy tiền. Chí đã hưởng lợi gần 6 tỉ đồng khi cho Như vay nặng lãi. Tuy nhiên, trong phần trả lời thẩm vấn, Chí cho rằng những điều cáo trạng qui kết mình là không chính xác.
Sau phần thẩm vấn, Chí cũng cho biết, do mẹ quá lo lắng cho mình nên đã bị đột quị, đang cấp cứu trong bệnh viện. Chí xin HĐXX cho mình được về nhà để thăm và chăm sóc mẹ. Trong phiên tòa chiều nay, HĐXX xem xét ngay tại chỗ và chấp thuận cho Chí về thăm mẹ trong giờ giải lao.
Đại diện Vietinbank trả lời với tư cách cá nhân
Trong mấy ngày hôm nay, điều khiến dư luận quan tâm nhất là quan điểm của ngân hàng Vietinbank sẽ như thế nào trước phiên tòa. Do đó, có tổng cộng 31 luật sư gửi câu hỏi cho đại diện của ngân hàng này. Riêng luật sư Tám gửi đến 18 câu hỏi.
Chiều 10.1, một người đàn ông cho biết là đại diện Vietinbank đến dự phiên tòa. Tuy nhiên, người này không cho biết họ tên, năm sinh, chức vụ. Đặc biệt hơn, lại khẳng định trả lời các câu hỏi của luật sư trên quan điểm cá nhân.
Ngay lời nói được cất lên, rất nhiều luật sư phản đối, vì họ cần được nghe câu trả lời của phía ngân hàng Vietinbank chứ không phải của một cá nhân nào. Thậm chí, có luật sư còn yêu cầu hoãn phiên tòa.
Người đàn ông này chỉ trả lời rất ít câu hỏi trong tổng số 31 câu và viện dẫn quyết định 1284 của ngân hàng nhà nước. Ngoài ra, ông này cũng đọc các văn bản liên quan đến ngành tài chính ngân hàng.
Không thỏa mãn trước câu trả lời của người này, các luật sư tỏ ra khá bức xức và phản đối liên tục. Một số luật sư không đồng tính với việc trả lời của đại diện Vietinbank theo tư cách cá nhân. Một số khác lại yêu cầu xem xét lại tư cách của người này vì luật sư hỏi ngân hàng Vietinbank chứ không hỏi bất kì cá nhân nào. Riêng luật sư Trương Thanh Đức lại yêu cầu hoãn phiên tòa để triệu tập đại diện ngân hàng Vietinbank…
Trước làn sóng phản đối dữ dội của các luật sư, người đàn ông này lên tiếng khẳng định: “Tôi trả lời trên tư cách đại diện Vietinbank”. Tuy nhiên, lời nói của vị này vẫn không xoa dịu được sự bức xúc của các luật sư.
Ngày 11.1.và 12.1, phiên tòa tạm gián đoạn. Đến sáng 13.1, phiên tòa lại tiếp tục lúc 8 giờ sáng.
Cường Nguyễn
———————————————————
Hà Nội mới (Mục Pháp đình) 10-01-2014:
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/phap-dinh/658286/hang-loat-luat-su-buc-xuc-vi-dai-dien-vietinbank-tra-loi-voi-tu-cach-ca-nhan
(20.1137)