(DTP) – Hỏi: Vừa qua đã xảy ra vụ ngộ độc rượu làm 6 người tử vong ở Quảng Ninh. Xin luật sư cho biết, nhà sản xuất nói chung và đối với vụ ngộ độc rượu ở Quảng Ninh nói riêng sẽ bị xử lý thế nào khi người tiêu dùng bị ngộ độc chết người?
Trả lời:
Đối với mỗi vụ thực phẩm gây ngộ độc chết người thì đặt ra vấn đề xử lý trách nhiệm đối với các bên liên quan, như thương nhân là nhà sản xuất, nhà kinh doanh và các cơ quan chức năng.
Thứ nhất, nhà sản xuất, kinh doanh là tổ chức, thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20 – 100 triệu đồng đối với trường hợp sản xuất thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc sử dụng chất độc hại theo quy định tại Nghị định số 91/2012/NĐ-CP ngày 08-11-2012 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (nay là Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013).
Thứ hai, các cá nhân có trách nhiệm trực tiếp trong việc sản xuất, kinh doanh, thì tùy theo mức độ vi phạm, nhẹ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như trên, nặng thì có thể bị xử lý vi phạm hình sự. Cụ thể là Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo đó, tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của hậu quả phạm tội, có thể bị xử phạt tù từ 1 – 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm.
Người vi phạm là cá nhân và tổ chức còn bị xử lý với các hình thức dưới đây theo quy định của Nghị định số 178/2013/NĐ-CP nói trên, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12-11-2012 về Sản xuất, kinh doanh rượu, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và quy định tại Điều 610 về “Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm”, Bộ luật Dân sự năm 2005:
– Tịch thu tang vật, buộc tiêu hủy hàng hóa độc hại;
– Thu hồi Giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
– Bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho thân nhân của những người chết; tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của người chết.
Thứ ba, là các cá nhân và cơ quan có chức năng cấp phép, quản lý và kiểm nghiệm an toàn thực phẩm cũng có thể bị xử lý kỷ luật lao động, xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự nếu làm sai nhiệm vụ, quyền hạn, dẫn đến hậu quả chết người.
Luật sư Trương Thanh Đức
——————
Dân thực phẩm 13-03-2014:
http://danthucpham.vn/threads/trach-nhiem-cua-nha-san-xuat-khi-gay-ngo-doc-chet-nguoi.11346/
(570/570)