453. Tồn tại sàn giao dịch BĐS: Mấu chốt là tính minh bạch

(VOV.vn) -Sàn giao dịch BĐS có tồn tại hay không vấn đề là ở tính minh bạch của giao dịch.

Mới đây, khi trình Dự thảo Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Xây dựng đã đề xuất bỏ qui định bắt buộc các giao dịch thông qua sàn bất động sản. Đề xuất này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến tranh luận khác nhau của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các chuyên gia, nhà quản lý xung quanh quan điểm nên hay không nên tồn tại sàn giao dịch bất động sản.

Sàn giao dịch góp phần đẩy tăng giá BĐS

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo luật Kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng: cái được của việc phát triển sàn giao dịch bất động sản thời gian qua là đã đem lại diện mạo mới cho thị trường, thay đổi tập quán giao dịch của người dân; khi giao dịch qua sàn giá cả được công khai, thông tin đầy đủ, tránh được rủi ro và thiệt hại cho các bên.

Giao dịch BĐS qua sàn có mặt tích cực nhưng tiêu cực cũng nhiều.(Ảnh minh họa//Internet)

Giao dịch qua sàn có mặt tích cực nhưng tiêu cực cũng nhiều. Kinh nghiệm trên thế giới không nước nào bắt buộc phải giao dịch qua sàn cả. Cho nên không bắt buộc, nhưng ai qua sàn cũng không cấm. Nhưng mà phải tăng chất lượng của tổ chức môi giới, những người môi giới. Trong đó vai trò của luật sư là rất quan trọng. Vì họ đảm bảo được quyền lợi của người bán và người mua.  Tuy nhiên, quy định bắt buộc doanh nghiệp khi mua bán, cho thuê bất động sản phải thông qua sàn giao dịch như lâu nay đã làm tăng thêm tổ chức kinh doanh dịch vụ trung gian, thêm thủ tục, thêm chi phí và góp phần đẩy giá, tạo giao dịch ảo. Vì vậy, dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản bỏ quy định bắt buộc này là nhằm khắc phục những bất cập như vừa nêu, đồng thời bảo đảm quyền tự chủ trong kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cả nước có khoảng 1.000 sàn giao dịch bất động sản. Bên cạnh nhóm sàn giao dịch của các tập đoàn, chủ đầu tư lớn và nhóm sàn do các cá nhân hoặc tập thể có kinh nghiệm lập ra thì việc tồn tại nhóm thứ 3 – thực chất là các trung tâm giao dịch nhà đất nhỏ lẻ, hoạt động thiếu chuyên nghiệp, chủ yếu là môi giới để hưởng chênh lệch giá, thậm chí là lừa đảo, chiếm dụng vốn, gây rủi ro cho người mua nhà…

Không bắt buộc DN phải giao dịch qua sàn là rất chính xác

Qui định bắt buộc giao dịch qua sàn nhưng thiếu giám sát, quản lý lỏng lẻo cũng là kẽ hở để các doanh nghiệp lách luật trốn thuế. Ông Nguyễn Thế Điệp- Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Hà Nội phân tích: “Sàn giao dịch BĐS là một ý tưởng rất tốt, nhưng do không đủ sức kiểm tra giám sát nó nên gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường. Trong tương lai, sàn sẽ hình thành, sẽ bổ sung nhưng lúc này thì chưa cần thiết lắm. Bộ Xây dựng đề nghị không bắt buộc các doanh nghiệp phải giao dịch qua sàn là rất chính xác”.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm trọng tài quốc tế thì đồng tình quan điểm với Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khi cho rằng: về bản chất, sàn giao dịch bất động sản là một nơi để người bán và người mua gặp nhau. Sàn chỉ làm trung gian cung cấp thông tin, tư vấn, giúp cho hoạt động mua bán được tiến hành thành công và được hưởng một khoản hoa hồng nhất định.

Tuy nhiên, những gì diễn ra trong thời gian qua lại không như vậy. Nhiều nơi, sàn giao dịch bất động sản đã trở thành rào cản giữa doanh nghiệp với khách hàng, làm cho thông tin giá cả sai lệch, giao dịch không theo qui luật tự nhiên của thị trường. Vì vậy, theo vị luật sư này, hãy để cho thị trường quyết định, thị trường sẽ trả lời cái gì nên tồn tại.

Nền kinh tế Việt Nam đang vận hành theo cơ chế thị trường. Việc tồn tại các sàn giao dịch bất động sản là một nhu cầu tự nhiên, sản phẩm có được giao dịch qua sàn hay không còn tùy thuộc vào tính chuyên nghiệp của các dịch vụ, độ minh bạch về thông tin sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại cho rằng: nên khuyến khích giao dịch bất động sản qua sàn, nhưng phải đảm bảo hoạt động đó là minh bạch, văn minh.

Thực tế cho thấy, sau cơn sốt ảo, hàng trăm sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa nhưng cũng có nhiều sàn giao dịch đứng vững nhờ tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, bán được hàng nhờ vào uy tín của mình. Không bắt buộc giao dịch qua sàn bất động sản cũng là cách để các sàn giao dịch bất động sản hình thành và hoạt động theo đúng qui luật điều tiết của nền kinh tế thị trường. Một phương thức kinh doanh hiện đại, văn minh chắc chắn sẽ được khách hàng lựa chọn để đặt niềm tin cho việc giao dịch của mình./.

Vân Thiêng/VOV – Trung tâm Tin

——————

VOV.vn (Kinh tế) 13-04-2014:

http://vov.vn/Kinh-te/Dia-oc/Ton-tai-san-giao-dich-BDS-Mau-chot-la-tinh-minh-bach/315293.vov

(152/991)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,208