(IFN) – Trao đổi với PV Infonet, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, số tiền “lại quả” 16 tỷ đồng của nhà thầu Nhật Bản cho ngành đường sắt Việt Nam có thể xuất phát từ nguồn không minh bạch.
Trong những ngày qua, thông tin từ nhật báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun dẫn lời của Chủ tịch Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) – ông Tanio Kanikuma thừa nhận, JTC đã hối lộ 80 triệu Yên (khoảng 16 tỷ đồng) cho một quan chức của Việt Nam để đổi lại việc JTC trúng thầu một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ Yên (tương đương 867 tỷ đồng) đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI |
Nhận hối lộ: Khung hình phạt cao nhất là tử hình
Thưa luật sư, dư luận mấy ngày nay dư luận xôn xao chuyện quan chức ngành đường sắt Việt Nam dính nghi án nhận hối lộ 80 triệu Yen (khoảng 16 tỷ đồng) của một nhà thầu Nhật Bản. Luật sư có ngạc nhiên khi nghe thông tin này?
Tôi không ngạc nhiên, bởi việc nhận tiền lót tay, tiền lobby không còn hiếm hoi ở Việt Nam, nhất là sau hàng loạt vụ án tham nhũng, thậm chí là đại án đã được phanh phui thời gian gần đây.
Đã trở thành lệ “làng”, thành một thứ “luật chơi” bất thành văn, bất kể một ai, một công ty nào muốn nhận được dự án, hợp đồng tại Việt Nam thì ít nhiều đều phải tính đến khoản tiền “lại quả”, ít là một vài chấm, nhiều thì lời vài chục phần trăm. Thậm chí có thể ví von, chỉ cần mua bán một cái kẹo thì cũng yên tâm là sẽ được mút vỏ kẹo.
Nhưng chuyện ở đây là đối tác hối lộ lại là nhà thầu Nhật Bản thì cũng có ngạc nhiên đôi chút, vì đất nước và con người Nhật họ vốn nổi tiếng tuân thủ luật pháp, làm ăn nghiêm túc, bài bản và minh bạch.
Vụ việc đang được các bên liên quan tích cực xác minh, điều ra. Nhưng nếu qua quá trình xác minh, thông tin về nghi án hối lộ 16 tỷ đồng là có thật thì những người có sai phạm sẽ bị xử lý như thế nào về mặt hình sự?
Vụ việc này có dấu hiệu của tội nhận hối lộ. Như vậy, theo quy định tại Điều 279, Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi năm 2009) về tội nhận hối lộ và văn bản hướng dẫn thì khung hình phạt thông thường (không có các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng đáng kể) đối với người nhận hối lộ là 20 năm tù nếu của hối lộ có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 800 triệu đồng. Mức hình phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ 800 triệu đồng đến dưới 2 tỷ đồng. Và mức hình phạt cao nhất mà một cá nhân nhận hối lộ phải chịu là tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ 2 tỷ đồng trở lên.
Còn với người đưa hối lộ, theo Điều 289 Bộ luật Hình sự, với của hối lộ có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ 20 năm hoặc tù chung thân.
Nguồn tiền hối lộ mà đối tác Nhật đã đưa quan chức Việt Nam có minh bạch? |
Tuy nhiên, trong quá trình xét xử thì tòa án còn căn cứ vào rất nhiều tình tiết như tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng để định lượng hình phạt thích đáng. Đặc biệt, trong trường hợp phải xét xử người nước ngoài, thì còn phải cân nhắc tới quan hệ ngoại giao và các yếu tố tương đồng về đặc điểm và mức độ của tội phạm theo pháp luật của nước mà người phạm tội có quốc tịch. Chẳng hạn, nếu luật Nhật Bản quy định tội đưa hối lộ chỉ chịu mức hình phạt tối đa là 20 năm tù, thì khi xét xử tại Việt Nam cũng sẽ phải cân nhắc kỹ khi phải tuyên mức án nặng hơn.
Tuy nhiên, trong vụ này, khả năng cũng giống như vụ đưa hối lộ đại lộ Đông Tây cách đây 13 năm, công dân của Nhật Bản sẽ được xét xử ở Nhật và chịu mức hình phạt theo luật pháp của nước họ.
Tiền từ đâu và được trao thế nào”
Một câu hỏi được dư luận đặt ra, là trong các dự án ODA thường được rà soát kỹ càng từ Chính phủ hai nước, vậy nguồn tiền đối tác Nhật lấy từ đâu để “lại quả” cho quan chức Việt Nam?
Trong mọi trường hợp, thì nguồn tiền của nhà thầu Nhật đều có nguồn gốc không minh bạch. Và suy cho cùng, thì tiền ấy cũng từ dự án mà ra, chứ không có chuyện họ tự bỏ tiền túi bản thân để đem “lại quả” số tiền lớn như thế. Kể cả họ ứng trước tiền túi để “lại quả” (do bị thúc ép, gạ gẫm), thì sau khi đã ký được hợp đồng cũng sẽ rút ruột công trình bằng cách đẩy vào chi phí, giá thành công trình để hợp thức hóa các khoản phải chi của mình. Ví dụ giá trị xây lắp gói thầu là 1 triệu đô la, nhưng thực tế chỉ đưa vào 900 ngàn, bằng cách khai khống thêm 100 ngàn giá trị vật tư, nguyên liệu.
Số tiền lót tay là bất hợp pháp nên rất ít khả năng chuyển qua tài khoản, đặc biệt là tài khoản của người nhận trực tiếp, vì như thế thì khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”. Đôi khi người ta che giấu, bưng bít và biến hóa thông qua các giao dịch trung gian khác. Còn cách thức hối lộ chủ yếu thường là trực tiếp trao tay tiền mặt hoặc qua một người trung gian tin cậy như “đệ tử ruột” hay vợ chồng.
Như luật sư nói nguồn gốc của số tiền lại quả trên có thể xuất phát từ nguồn không minh bạch. Liệu có khả năng đây là nguồn tiền bất hợp pháp và có dấu hiệu của hành vi rửa tiền?
Cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét kỹ nguồn gốc của số tiền hối lộ, trong đó không loại trừ khả năng rửa tiền từ nguồn tiền bẩn, nhưng đó là điều vô cùng hãn hữu. Vì rửa tiền là nhằm hợp pháp hóa tiền bẩn, chứ không phải là làm bẩn tiền sạch hoặc dùng tiền bẩn để chuyển sang tiền bẩn thì hoàn toàn không đạt được mục đích của việc rửa tiền.
Qua sự việc này luật sư có đánh giá gì về việc sử dụng nguồn vốn ODA của Việt Nam?
Liệu đây có phải là vụ “đại lộ Đông Tây” thứ hai hay không thì còn phải chờ kết quả xác minh từ cơ quan điều tra, nhưng rõ ràng, từ những vụ việc này niềm tin của người dân vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước đang bị suy giảm đi nhiều.
Từ những vụ việc như thế này chắc chắn ảnh hưởng tới uy tín, thanh danh của quốc gia. Gần đây đã lùm xùm chuyện cảnh báo hành vi trộm cắp vặt đến mức báo động của người Việt tại Nhật. Thêm vụ việc này nữa thì hình ảnh quốc gia của chúng ta sẽ xấu hơn nhiều trong mắt người Nhật nói riêng và thế giới nói chung. Tôi sợ rằng thế giới người ta nghĩ theo chiều hướng người Nhật chỉ là nạn nhân bất đắc dĩ, còn người Việt mới đích thị là thủ phạm.
Gần đây khi nhắc tới chuyện tham nhũng của giới quan chức bị phanh phui, người ta hay ví với hình ảnh của những chiếc vali tiền, thay vì phong bì tiền như trước đây. Hình ảnh này gợi lên cho luật sư suy nghĩ gì?
Việc tham nhũng, hối lộ, nhiễu nhương gần đây của Việt Nam không còn là chuyện lạ. Điều đó nói lên rằng, tham nhũng ngày càng nghiêm trọng và dường như chúng ta vẫn đang bất lực trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng. Chúng ta cứ liên tục hô hào quyết tâm trước nguy cơ tham nhũng tới mức ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước, nhưng lại không có giải pháp thật sự hữu hiệu để giết “sâu” và không dám chấp nhận hy sinh lớn đế cứu được cái lớn hơn, thì sẽ còn phải kéo dài thế trận giằng co với tham nhũng.
——————
Infonet (Dư luận) 26-3-2014:
http://infonet.vn/nghi-an-hoi-lo-80-trieu-yen-di-tim-luong-tien-chay-vao-tui-quan-tham-post123805.info
(1.525/1.525)