(IFN) – Phiên thẩm vấn “siêu lừa” Huyền Như ngày 9/1/2014 khép lại với những suy tư của các luật sư bào chữa, khi họ đã va phải những tình huống chưa từng có…
Ngày 9/1/2014, theo đúng chương trình, Hội đồng Xét xử (HĐXX) dành quyền thẩm vấn, xét hỏi cho đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát đã xác nhận sẽ không hỏi thêm gì vì lý do hồ sơ vụ án đã được HĐXX thẩm vấn đủ.
Quyền xét hỏi thuộc về các luật sư. Điều đáng lưu ý là chỉ sau phần xét hỏi của một luật sư, lập tức Chủ tọa quyết định không luật sư nào được trực tiếp xét hỏi đại diện Vietinbank nữa với lý do quá nhiều luật sư muốn hỏi Vietinbank và hỏi như vậy sẽ bị trùng, cho nên các luật sư chỉ được đặt câu hỏi, đại diện Vietinbank sẽ trả lời vào ngày hôm sau.
Việc các câu hỏi dành cho VietinBank được HĐXX cho phép “gom” lại để VietinBank trả lời sau khiến luật sư không thể phát triển thêm được câu hỏi bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Vậy là, nhiều luật sư đã phải thay đổi kế hoạch, không thể hỏi được đại diện Vietinbank trực tiếp, đành phải hỏi các bị cáo là chủ yếu. Tuy nhiên khó khăn đã gặp phải đối với các luật sư bảo vệ cho các nguyên đơn dân sự và người bị hại, khi mà đại diện VietinBank mới chính là đối tượng cần hỏi thì phải để sau, trong khi bị cáo Huyền Như – nhân vật còn lại cũng thể hiện một “bản lĩnh đáng kể” khi gần như thoái thác hoàn toàn việc trả lời các câu hỏi của các luật sư.
“Siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên tòa xét xử ngày 9/1/2014 |
Luật sư Trương Thanh Đức (bảo vệ quyền lợi cho NAVIBANK) xét hỏi của Huyền Như, luật sư Đức ngay từ đầu chỉ dùng một câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản: “Khách hàng cá nhân NAVIBANK đã gửi 200 tỷ đồng cho cá nhân bị cáo Huyền Như vay hay gửi vào Vietinbank?”. Huyền Như sau khoảng 3 giây lưỡng lự đã trả lời: “VietinBank”. Câu hỏi thứ hai của luật sư Trương Thanh Đức: “Khách hàng cá nhân NAVIBANK gửi 200 tỷ đồng vào Vietinbank được thể hiện bằng hình thức gửi tiền tiết kiệm hay Hợp đồng tiền gửi?”. Có vẻ trước một câu hỏi mang tính nghiệp vụ và đơn giản đã làm cho bị cáo Huyền Như vốn là một nhân sự có nghiệp vụ ngân hàng tiếp tục không do dự trả lời: “Là hợp đồng tiền gửi”.
Các câu hỏi của luật sư tập trung vào việc làm rõ toàn bộ số tiền 4 khách hàng cá nhân NAVIBANK gửi vào Vietinbank HCM là hợp đồng thật, do lãnh đạo Chi nhánh ngân hàng này ký và số tiền 500 tỷ đồng đã được nhập vào hệ thống VietinBank, sau đó được hoàn trả thanh toán, tất toán 300 tỷ đồng. Việc khách hàng xác lập hợp đồng tiền gửi không phải là loại hình thẻ tiết kiệm của ngân hàng nên không cần phải nhận thẻ tiết kiệm từ ngân hàng.
Trong khi vừa hỏi, luật sư cũng vừa đưa ra những dẫn chứng bút lục, căn cứ pháp lý, thì Huyền Như đã rơi vào tâm trạng giật mình ở câu hỏi thứ 6: “khách hàng cá nhân gửi 200 tỷ tại Vietinbank có ký các lệnh chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi đi nơi khác hoặc ký Hợp đồng cầm cố số tiền gửi đó cho người khác vay vốn không?”. Thay vì tiếp tục trả lời Huyền Như cất tiếng nói với giọng uất ức đề nghị luật sư phải dành thời gian cho bị cáo suy nghĩ, việc luật sư liên tiếp đưa ra những câu hỏi rồi lại lập luận có vẻ muốn dẫn dắt bị cáo vào một cái gì đó, điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo.
Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh, toàn bộ hồ sơ vụ án cũng như kết quả xét hỏi công khai tới giờ tại phiên tòa này cho thấy, không hề có việc khách hàng thực hiện điều này.
Lúc này, Huyền Như vẫn tiếp tục thể hiện thái độ mất bình tĩnh cho rằng, Luật sư Đức đang có vẻ như kết luận áp đặt lên bị cáo, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Huyền Như.
Tuy nhiên, những câu hỏi tiếp theo của luật sư nhằm làm rõ trách nhiệm của Vietinbank: “Theo đúng quy định của pháp luật, nếu không có lệnh của khách hàng, thì Vietinbank có cho phép chuyển khoản tiền gửi của khách hàng không?”, Huyền Như hình như đã lấy lại sự bình tĩnh và không trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên ông Đức lý giải ngay, chỉ trong trường hợp có thoả thuận, vi phạm, theo lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyên, thì ngân hàng mới được chuyển khoản tiền gửi của khách hàng khi không có lệnh của khách hàng.
Câu hỏi chốt, luật sư Trương Thanh Đức tung ra cùng bút lục cụ thể: “Việc trả 300 tỷ đồng trên tổng số 500 tỷ đồng cho 12 cá nhân NAVIBANK là lấy từ tiền túi của Huyền Như hay túi tiền của VietinBank?”. Huyền Như khai đó là tiền của Huyền Như, nhưng luật sư Đức đã dẫn chứng một bút lục cụ thể khẳng định, tiền được hoàn trả thanh toán từ chính tài khoản của VietinBank. Ông Đức cũng bình luận, tiền của khách hàng đã gửi vào kho két Viettinbank lại được VietinBank coi là tiền túi của Huyền Như. Đó chính là nguyên nhân mất gần 4.000 tỷ đồng tiền gửi của một loạt khách hàng.
Tiếp sau Huyền Như, luật sư Trương Thanh Đức hỏi một loạt câu hỏi với bị cáo Võ Anh Tuấn, lãnh đạo Chi nhánh VietinBank Nhà Bè, vốn là cấp trên của Huyền Như. Toàn bộ các câu trả lời của Võ Anh Tuấn là “không rõ, không biết”, rằng trách nhiệm quản lý tiền và tài khoản là thuộc về khách hàng chứ không phải ngân hàng. Điều này mặc nhiên làm nổi bật sự tương phản với nội dung của các câu hỏi, vốn có chủ ý tập trung vào việc nhận thức về trách nhiệm quản lý an toàn tiền gửi khách hàng, phân định trách nhiệm của chính ngân hàng.
Luật sư Đức kết thúc màn thẩm vấn bằng một lời nhận xét: “Nếu hiểu pháp luật và ý thức hành nghề như những gì các bị cáo vốn là nhân viên Vietinbank vừa thể hiện công khai như thế, thì khách hàng mở tài khoản tiền gửi xong, cứ để tiền ở nhà, khỏi nộp vào ngân hàng. Gửi tiền vào ngân hàng như thế thì khác nào gửi trứng cho ác, ngân hàng chịu trách nhiệm số không về mấy triệu tỷ đồng tiền gửi của khách hàng?”!
Có lẽ đây là phiên xử đầu tiên chứng kiến sự mất bình tĩnh đến nóng giận của bị cáo Huyền Như, nhưng cũng là một phiên thẩm vấn khép lại với những suy tư của các luật sư trước những tình huống chưa từng có.
Luật sư Trần Minh Hải
—————————
Infonet 11-01-2014:
http://infonet.vn/xu-huyen-nhu-ls-doi-mat-tinh-huong-chua-tung-co-post113758.info
(931/1.277)