460. Đại án chấn động ngân hàng: Vietinbank ‘phủi tay’ là đánh mất uy tín

(VTC News) – Theo các chuyên gia kinh tế, nếu Ngân hàng Vietinbank nói không liên quan và không phải bồi thường trong vụ án của Huyền Như thì cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng này đang tự đánh mất đi uy tín của mình đối với khách hàng.

Những diễn biến sau một tuần xét xử sơ thẩm vụ án Huyền Như cho thấy ngoài số tiền bị chiếm đoạt vào loại “khủng” nhất từ trước đến nay thì phát ngôn của đại diện Vietinbank còn khiến nhiều người nghi ngại về tính an toàn khi gửi tiền vào ngân hàng.

Phiên tòa xét xử Huyền Như

Trao đổi với Vnexpress, lãnh đạo cấp cao Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) khẳng định: Vietinbank không liên quan tới vụ việc và cũng không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo ông, đây là việc lừa đảo của cá nhân Huyền Như.
Vị lãnh đạo này cho biết, tiền các cá nhân doanh nghiệp gửi qua Huyền Như không hề được cập nhật vào hệ thống của Vietinbank.
Trong khi đó, theo bản cáo trạng của tòa án cùng với lời khai của bị cáo, người liên quan, bị hại ở tòa, có thể thấy trong các thủ đoạn chiếm đoạt tiền của Huyền Như, có những hợp đồng giả được làm từ đầu, tiền không chuyển vào Vietinbank. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp hồ sơ vay giả bị Như chiếm đoạt tiền trên chính tài khoản của khách tại Vietinbank.

Khách hàng đưa tiền cho Vietinbank giữ hộ và tin tưởng ở uy tín của một ngân hàng lớn, chứ không đưa tiền cho Huyền Như.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Cá biệt, có 22 trường hợp đứng tên hộ cho ngân hàng ACB và Navibank, hồ sơ thật, tài khoản thật bị Như “rút” tiền trong tài khoản. Tổng số tiền Như chiếm đoạt đến nay chưa thu hồi được trên tài khoản của khách hàng ở Vietinbank lên đến hơn 3.400 tỷ đồng, trong tổng số tiền hiện chưa thu được là hơn 3.900 tỷ đồng. Tổng số lệnh chi giả do Như lập tại Vietinbank đã lên hơn 300 lệnh. Số hồ sơ tín dụng giả vay tại Vietinbank hơn 100 hồ sơ.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho hay, khi gửi tiền vào ngân hàng Vietinbank, khách hàng chỉ biết Huyền Như là người đại diện của Vietinbank xác nhận thực hiện giao dịch với họ, chứ không biết về cá nhân Huyền Như, nói cách khác, họ đưa tiền cho Vietinbank giữ hộ và tin tưởng ở uy tín của một ngân hàng lớn, chứ không đưa tiền cho Huyền Như.
Quy trình kiểm soát nội bộ nhà băng thường rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Vì vậy, việc một cá nhân có thể làm giả hàng loạt giấy tờ, chiếm đoạt tiền gửi của các cá nhân tại ngân hàng như trong vụ Huyền Như không thể chấp nhận được.
“Nếu Vietinbank nói không liên quan và không có trách nhiệm phải bồi thường thì sẽ là tiền lệ xấu cho ngành ngân hàng”, ông Doanh nói.
Thực tế, trong quá trình thẩm vấn tại tòa, các luật sư muốn làm rõ trách nhiệm của Vietinbank trong việc giữ “chìa khóa” tài khoản của khách hàng để thất thoát. Có luật sư còn chỉ ra, hệ thống quản lý của Vietinbank sơ hở, từ giao dịch đến cho vay. Các quy định pháp luật, các quy trình thủ tục để kiểm soát, đảm bảo sự an toàn đã bị nhiều cán bộ, nhiều khâu tại Vietinbank bỏ qua một cách bất thường.
Đồng thời, tại tòa, nhiều cán bộ của Vietinbank trong vai trò bị cáo, như: Trần Thanh Thanh, Đoàn Lê Du, Huỳnh Trung Chí, Bùi Ngọc Quyên, Hoàng Hương Giang, Vũ Nguyễn Xuân Tiên, Nguyễn Thị Phúc Ngân… thừa nhận các cá nhân đứng tên trên thẻ tiết kiệm đã không trực tiếp đến ngân hàng làm thủ tục; thậm chí, nhiều hồ sơ khi giải ngân không có chữ ký của khách hàng nhưng vì nể nang, tin tưởng thực hiện theo chỉ đạo của Như hoặc của lãnh đạo Vietinbank làm sai quy trình để Như có thể chiếm đoạt được tiền trong tài khoản của khách hàng.
Luật sư Trương Thanh Đức (Hà Nội) cho rằng, sơ hở của hệ thống quản trị rủi ro tại Vietinbank chính là môi trường tạo ra các hành vi phạm tội của Huyền Như.
“Nhiều chứng từ và chữ ký giả vẫn lọt qua mọi cửa kiểm soát. Nhiều nghìn tỷ đồng đã được chuyển đi và rút ra bất hợp pháp dễ dàng”, ông Đức cho biết
.
Vì vậy, việc Vietinbank “phủi tay” trách nhiệm theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là tự tay đánh mất đi uy tín của mình.
“Một ngân hàng lớn như Vietinbank, mà để cho nhân viên lấy đi gần 4.000 tỷ đồng trong thời gian dài mà không hay biết, chỉ điều này theo tôi đã không thể chấp nhận được”, bà Lan cho hay.
Cũng theo bà Lan, trong vụ án lừa đảo của Huyền Như, hoàn toàn có thể truy tố trách nhiệm quản trị hệ thống ngân hàng của Vietinbank. Ngân hàng Nhà nước nên buộc Vietinbank phải có trách nhiệm trong việc bồi thường các nạn nhân.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch Hội luật gia TP HCM cũng cho biết, mỗi ngân hàng đều có quy trình kiểm soát riêng nhưng trên thực tế có thể người ta chỉ làm chiếu lệ.
“Ở vụ Huyền Như cho thấy đã bị bỏ lơ hoàn toàn và trách nhiệm này phải thuộc về những người đứng đầu nhà băng chứ không phải mỗi cá nhân người phạm tội”, ông Hậu nhấn mạnh.

Ngọc Vy

——————————————-

VTC News (Kinh tế) 14-01-2014

http://www.baomoi.com/Dai-an-chan-dong-ngan-hang-Vietinbank-phui-tay-la-danh-mat-uy-tin/126/12898481.epi (bản gốc đã bị xóa)

(68/1.005)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,207