468. VietinBank không chịu trách nhiệm về những việc làm bất hợp pháp của Như

(PL) – Ngày 16-1, phiên tòa xét xử vụ Huyền Như ngày thứ 9 tiếp tục với phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nguyên đơn dân sự và người bị hại. Chiều nay, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh vẫn tiếp tục dự phiên tòa.

14 giờ 15, LS Nguyễn Thị Bắc bảo vệ cho VietinBank đã một lần nữa khẳng định VietinBank không bị thiệt hại và vô can đối với những vi phạm của Huyền Như.

Khi kiểm tra, thanh tra nội bộ ngân hàng, Kiểm toán nhà nước không nhận diện được và không phát hiện được vi phạm của Như có nguyên nhân là do Như dùng thủ đoạn quá tinh vi và những đối tác của Như (các ngân hàng và các cá nhân) cũng có những sai phạm quá tinh vi.

Cuối cùng vị LS bảo vệ cho VietinBank rút lại: “VietinBank không chiu trách nhiệm về những việc làm bất hợp pháp của Như và những thiệt hại của các đơn vị, cá nhân liên quan.”


Phạm Anh Tuấn trong phiên tòa sáng nay. Ảnh: Phương Loan

Trong phiên tòa buổi sáng, ý kiến bảo vệ của các nguyên đơn dân sự và người bị hại đều yêu cầu VietinBank phải chịu trách nhiệm về những khoản tiền mà Huyền Như đã chiếm đoạt. Đồng thời, các nguyên đơn dân sự đều từ chối là nạn nhân của Huyền Như, mà yêu cầu tòa xác định lại tư cách tố tụng của họ chỉ là người liên quan, còn VietinBank mới là nguyên đơn dân sự trong vụ án này.

Niềm tin của người dân khi gửi tiền vào ngân hàng là điều được các LS nhắc nhiều khi mà VietinBank phủ nhận trách nhiệm, cho rằng mình vô can, và người dân thì không biết làm sao để đòi quyền lợi.

LS Đặng Ngọc Châu bảo vệ Công ty bảo hiểm Toàn Cầu (công ty này bị Huyền Như chiếm đoạt 125 tỉ) cho rằng 17 hợp đồng của các nhân viên công ty này ký với VietinBank là hợp pháp. Hợp đồng có dấu và chữ ký của người có thẩm quyền của VietinBank. Công ty Toàn Cầu chỉ biết đây là hợp đồng giả khi khởi tố vụ án. Tiền mà Toàn Cầu gửi vào VietinBank chưa hề được trả đồng lãi nào, kể cả lãi nhà nước lẫn lãi ngoài quy định. Vì vậy, có thể khẳng định hoàn toàn không có chuyện Toàn Cầu ham lãi suất cao mà bị Huyền Như lừa.

Theo LS Châu, việc VKS khẳng định Huyền Như đã đưa tiền chênh lệch lãi suất cho một nhân viên của Toàn Cầu chỉ dựa vào lời khai một phía của Huyền Như và những người giúp việc cho Huyền Như là không có căn cứ. Trong gần 4000 tỉ mà Huyền Như chiếm đoạt có đến 3.000 tỉ được mang đi trả nợ lãi cao nên cần thu hồi vì tiền lãi cao này chính là tiền phạm pháp. “Tôi không lý do vì sao cơ quan công tố không nhắc gì đến việc thu hồi số tiền này?” – LS Châu nêu thắc mắc.

Như khai dùng tiền của người trước trả cho người sau, khi chuyển tiền thì chuyển qua hệ thống ngân hàng, có đầy đủ chứng từ. Vì vậy có địa chỉ để thu hồi và cần thu hồi để giảm nhẹ tổn thất.

LS Châu khẳng định: Công ty Toàn Cầu gửi tiền cho VietinBank ngay tình, hợp pháp nên VietinBank phải trả lại cho Toàn Cầu 125 tỉ là phù hợp đạo lý của người kinh doanh ngân hàng, đồng thời cũng phù hợp các quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Bá Thanh cũng đến dự phiên tòa sáng nay. Ảnh Phương Loan

LS Trương Thanh Đức  bảo vệ cho NaviBank: Sáng nay trên website của mình, VietinBank vẫn khẳng định tiền trong tài khoản của khách hàng được VietinBank quản lý, và bảo mật. Trong khi đó, đại diện VietinBank trả lời trước tòa rằng, các bộ luật, nghị định, quyết định hoặc các văn bản dưới luật khác không có điều khoản nào quy định về trách nhiệm quản lý tài khoản tiền gửi, tài khoản của khách hàng được mở tại ngân hàng cũng như quản lý số dư trên các tài khoản này tại ngân hàng.

Hiện nay, các quy định về mở và sử dụng tài khoản của ngân hàng đã xác định không thật rõ về trách nhiệm quản lý tài khoản.

Tuy nhiên vẫn có đủ cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm này như khoản 2, Điều 67 về “Phong tỏa tài khoản”, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định “Cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải thực hiện ngay quyết định của Chấp hành viên về phong toả tài khoản.

Đương nhiên phải hiểu rằng người “quản lý tài khoản” là ngân hàng chứ không phải là chủ tài khoản, vì nghiệp vụ “phong tỏa tài khoản” chỉ dành riêng cho ngân hàng, chứ không dành cho khách hàng.

Hay khoản 5, Điều 3 về “Nhận biết khách hàng”, Nghị định 116 năm 2013 Quy định chi tiết thi hành Luật Phòng chống rửa tiền cũng quy định, ngân hàng phải có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong “dịch vụ quản lý tài khoản của khách hàng”.

“Theo Điều 10 về “Trách nhiệm của chủ tài khoản”, quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng, ban hànhkèm theo Quyết định 1284 năm 2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì khách hàng có trách nhiệm quản lý tài khoản của mình tại ngân hàng. Tuy nhiên phải hiểu trách nhiệm ở đây là như thế nào? – LS Đức đặt vấn đề.

LS Đức cho rằng ngân hàng đã viện dẫn quy định “khách hàng có trách nhiệm tự tổ chức hạch toán, theo dõi số dư trên tài khoản, đối chiếu với Giấy báo Nợ, Giấy báo Có, hoặc Giấy báo số dư tài khoản do Ngân hàng nơi mở tài khoản gửi đến” để nói về trách nhiệm liên quan đến việc mất tiền trong vụ án này.

Tuy chủ tài khoản được ra lệnh cho ngân hàng thực hiện các yêu cầu thanh toán, rút tiền, chuyển tiền. Nhưng để thực hiện được quyền này, thì đồng thời khách hàng phải có trách nhiệm tổ chức hạch toán kế toán như thanh toán tiền hàng hay trả lương và theo dõi xem tiền còn hay hết, chứ không thể yêu cầu ngân hàng thanh toán cho mục đích trái luật hay chuyển tiền khi tài khoản trống rỗng.

Chủ tài khoản không thể tự mình giao dịch rút tiền, chuyển tiền, thanh toán nếu như không có sự cho phép của ngân hàng. Thậm chí đúng là chủ tài khoản đã ký lệnh thanh toán, nhưng nếu chữ ký không giống với đăng ký hay ký bằng mực đỏ, thì ngân hàng có quyền đồng thời phải từ chối thực hiện lệnh chi. Như vậy, khách hàng chỉ quản lý một phần tài khoản và những gì ngoài phạm vi ngân hàng, còn lại thì chủ yếu thuộc về trách nhiệm của ngân hàng. Điều đó có nghĩa là, dù tội phạm có giật được tài khoản, thì cũng không dễ gì chiếm đoạt được tiền trong tài khoản của khách hàng, vì ngân hàng mới là người quyết định trong việc mở két và xuất tiền. Ngân hàng là hầu bao giữ tiền, tội phạm muốn lấy tiền, thì buộc phải tìm cách rút ruột ngân hàng.

Từ đó, LS Đức kết luận, tài khoản bị “chọc thủng” ở khâu nào, thì sẽ tương ứng với trách nhiệm liên quan của khách hàng hay ngân hàng ở đó.

Theo quy chế, khách hàng phải “chịu trách nhiệm về những sai sót hay hành vi lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình”, còn ngân hàng thì phải “chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình.” Nếu khách hàng không hề ký lệnh rút tiền hay thanh toán, cũng không hề ký hợp đồng cầm cố tiền gửi,… thì đương nhiên là không có lỗi trong việc tiền cứ  “biến” khỏi tài khoản.

LS Đức viện dẫn: “Tại tòa, đại diện Vietinbank cho rằng, những quy định trên chỉ áp dụng đối với tài khoản tiền gửi, chứ không áp dụng đối với tài khoản thanh toán của khách hàng, tuy nhiên căn cứ vào quy định pháp luật thì “tài khoản thanh toán cũng chính là một loại tiền gửi và không có sự khác nhau về trách nhiệm pháp lý giữa hai loại tài khoản này”. Theo khoản 22 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, “Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng.” Và Quy chế 1284 năm 2002 thì cụ thể hơn, “tài khoản tiền gửi tiết kiệm, tài khoản séc bảo chi, tài khoản chuyển tiền, tài khoản tiền vay,…” đều là “các tài khoản thanh toán khác”.

“Do vậy, vấn đề pháp lý mấu chốt là ai đã có lỗi chủ yếu và trực tiếp dẫn đến nguyên nhân thất thoát hàng ngàn tỷ đồng trong tài khoản của khách hàng tại ngân hàng” – LS Đức đặt vần đề  

LS Bùi Quang Nghiêm đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng Nam Việt (NaviBank), bị Huyền Như chiếm đoạt 200 tỉ.

“Các ngân hàng, công ty tham gia tố tụng trong vụ án này phải làm nguyên đơn dân sự một cách bất đắc dĩ . Quan điểm của VKS cho rằng VietinBank vô can là nhằm giải thoát trách nhiệm cho VietinBank. Điều này hoàn toàn không phù hợp quy định pháp luật. Ý kiến của VKS là sáng tạo không thể chấp nhận được” – ông Nghiêm nhấn mạnh.

Ông Nghiêm đặt câu hỏi, VietinBank giao ai quản lý tiền? Rồi ông Nghiêm trả lời luôn: “Người đó là chính là những người có trách nhiệm như Huyền Như. Vì vậy, không thể nói “giao dịch ngoài trụ sở, tiền chưa vào hệ thống”. Nhận định của VKS như vậy là sai và không phù hợp pháp luật. Đề nghị HĐXX khởi tố để xem xét trách nhiệm của những người có quyền điều hành tại VietinBank vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội”.

Từ đó người đại diện theo ủy quyền của NaviBank đề nghị HĐXX chấp nhận đề nghị buộc VietinBank trả lại cho NaviBnak 200 tỉ đồng.

 LS  Vũ Viết Vạn Xuân bảo vệ Công ty CPĐT An Lộc – công ty được xác định là  nguyên đơn dân sự, bị Huyền Như chiếm đoạt 170 tỉ.

LS cho rằng An Lộc gửi vào VietinBank, giao dịch đã hoàn thành dựa trên chứng từ chuyển tiền. Tuy hai bên chưa ký hợp đồng tiền gửi nhưng VietinBank đã thực hiện nghĩa vụ trả lãi cho An Lộc thì không thể nói giao dịch giữa VietinBank và An Lộc chưa hoàn thành. Bởi khi An Lộc chuyển tiền vào thì ngay lập tức tiền thành tiền của VietinBank, VietinBank có toàn quyền sử dụng, quản lý tiền, cũng có nghĩa đã phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa VietinBank và An Lộc (VietinBank có nghĩa vụ trả lãi, được quyền cho lấy tiền cho người khác vay hay đầu tư; còn An Lộc được nhận lãi và không được rút tiền trước hạn). Có thể nói An Lộc giao dịch trực tiếp với VietinBank thông qua những chứng từ ngân hàng.

Huyền Như là nhân viên của VietinBank, được bổ nhiệm chức vụ quyền hạn, giả con dấu, chữ ký của VietiBank rút êm xuôi số tiền của khách hàng với tư cách người của VietinBank. Điều này có nghĩa VietinBank bị Huyền Như lừa gạt chiếm đoạt tiền của khách hàng. Vì vậy, VietinBank phải có trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng.

LS đề nghi xác định lại vai trò tố tụng của VietinBank, cụ thể VietinBank phải là bị đơn dân sự trong giao dịch này. VietinBank không thể vô can.

LS đặc biệt lo ngại về sự đổ vỡ có thệ thống của ngân hàng. Người dân mất niềm tin vào ngân hàng, không yên tâm về số tiền mình gửi. VietinBank phủ nhận trách nhiệm thì người dân không thể đòi lại quyền lợi của mình. “Như vậy người dân còn dám gửi tiền vào ngân hàng nữa không?” – LS đặt vấn đề.

Cuối cùng, LS đề nghị HĐXX xem xét quyết định buộc VietinBank phải trả lại cho Công ty An Lộc 170 tỉ đồng cộng lãi.

Phương Loan

——————————————————————–

Pháp luật TP HCM (Tạp chí Pháp luật) 16-01-2014:

http://plo.vn/tap-chi-phap-luat/vietinbank-khong-chiu-trach-nhiem-ve-nhung-viec-lam-bat-hop-phap-cua-nhu-444825.html

(992.2.207)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,765