047. Lúc nào nên nới lỏng chính sách tiền tệ?

(ĐTCK) – Ý kiến chuyên gia cho rằng thời điểm thích hợp để có thể nới lỏng CSTT là lạm phát phải hạ xuống và có dấu hiệu tương đối ổn định, dự kiến sớm nhất là đầu năm 2009.

Vòng xoáy lạm phát cộng với sức ép lãi suất cao đang đẩy nhiều DN vào tình trạng đình đốn sản xuất. Việc thắt chặt chi tiêu và đầu tư công đã có những kết quả ban đầu, trước diễn biến này, một số chuyên gia và DN đã đề nghị NHNN nên xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ (CSTT).

Ông Nguyễn Chí Sỹ, Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2 cho biết, một chung cư ở Nam Trung Yên mà Công ty đang triển khai thi công phải dừng lại vì nợ đọng đã lên đến hàng trăm tỷ đồng mà chưa biết sẽ thanh quyết toán ra sao trong khi hàng ngày, hàng giờ lãi vay đang phình ra.

Và không chỉ DN nhỏ, ngay DNNN lớn cũng kêu. Ông Lê Văn Chung, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam cho rằng, việc ngân hàng tăng lãi suất tín dụng để hút tiền về là đúng, tuy nhiên giải pháp này khi điều hành cụ thể đang làm cho các DN điêu đứng.

Đơn cử, lúc ký hợp đồng tài trợ vốn theo hợp đồng gốc bình quân lãi suất ngân hàng cho vay ở mức 12%/năm, sau thời điểm tháng 5/2008, các ngân hàng đồng loạt đề nghị điều chỉnh lãi suất, bằng lãi suất tiết kiệm VND (hoặc USD) kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng đồng tài trợ vốn cộng phí từ 3,5-4%/năm.

Tính theo lãi suất huy động tiết kiệm hiện nay từ 17-18%/năm thì lãi suất cho vay bằng VND không thấp hơn 21%/năm, so với hợp đồng gốc tăng gấp 2 lần, trong khi xi măng là mặt hàng nằm trong diện Chính phủ quản lý giá, vì vậy để tạo ra lợi nhuận bình quân 10% trên vốn hàng năm là rất khó khăn.

“Lãi suất cho vay như thế này chắc chắn hiệu quả của dự án sẽ không đảm bảo, nhiều dự án không dám vay, dẫn đến hệ lụy là đình đốn sản xuất”, ông Chung than thở.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thương mại Thủ Đô cũng cho rằng, với lãi suất cho vay cao như thế này ít ai dám đầu tư, bởi xây nhà, đầu tư BĐS, trang bị máy móc đều phải vay ngân hàng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chủ đầu tư, ảnh hưởng đến các dự án mở rộng.

Điều mà các DN mong muốn hiện nay, theo ông Trần Trọng Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Biển Bạc là giảm thuế nhập khẩu hàng hóa, giảm lãi suất vay ngân hàng.

Tại một cuộc hội thảo hôm 24/7, Luật sư Trương Thanh Đức, Gíam đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, cần nới lỏng các biện pháp thắt chặt đối với các ngân hàng thương mại, bởi ngân hàng yếu một nền kinh tế yếu hai, đồng thời nhanh chóng cấp phép chính thức cho các ngân hàng đã được chấp thuận về nguyên tắc để đưa hàng chục nghìn tỷ đồng đang bị phong tỏa tham gia sản xuất – kinh doanh.

PGS-TS. Nguyễn Thị Mùi, Phó giám đốc Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) – thành viên Hội đồng Tư vấn CSTT quốc gia cũng cho rằng, lãi suất phải được điều hành theo hướng ổn định và giảm dần, nếu không giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đến vốn vay và đình trệ sản xuất.

“Trong điều kiện lạm phát bắt đầu được kiểm soát, phải giảm dần lãi suất và không nên quá coi trọng chính sách thắt chặt tiền tệ. Nếu tiếp tục duy trì lãi suất cao sẽ phản tác dụng”, bà Mùi nói.

Nới hay không?

Tuy nhiên, theo Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn CSTT quốc gia, chưa thể nới lỏng chính sách tiền tệ lúc này.

“Chúng ta mới thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng, lãi suất. Nhiều giải pháp khác như cắt giảm đầu tư, tiết kiệm chi tiêu ngân sách vừa mới triển khai, chưa phát huy được tác dụng mà đã nới lỏng ngay CSTT là không đồng bộ và sẽ có mâu thuẫn”, ông Kiêm nói và cho biết thêm, thời điểm thích hợp để có thể nới lỏng CSTT là lạm phát phải hạ xuống và có dấu hiệu tương đối ổn định, dự kiến sớm nhất là đầu năm 2009.

TS. Nguyễn Đại Lai, Vụ phó Vụ chiến lược phát triển NHNN cho rằng, Chính phủ cần kiên trì và kiểm soát chặt các giải pháp đã ban hành đúng hướng như khống chế tốc độ gia tăng tín dụng không quá 30%. Lý do là giai đoạn 2005 – 2007, tổng phương tiện thanh toán tăng 135%, trong khi tăng trưởng kinh tế lũy kế cùng thời gian trên chỉ gần 26% làm cho lạm phát kỳ vọng ở Việt Nam cao hơn nhiều so với lạm phát danh nghĩa.

Quan điểm của một số nhà làm luật là tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng cần làm gì để hạn chế tình trạng sản xuất đình đốn vì thiếu vốn?

Một trong những hướng đi được ông Vũ Đức Nhuận, Ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Bảo Việt chia sẻ là hạn chế tăng trưởng nóng nhưng cần tiếp tục khuyến khích đầu tư tín dụng cho các DN thực sự kinh doanh có hiệu quả thuộc các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng xuất khẩu.

Theo bà Cao Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội, thực tế hiện buộc các ngân hàng phải điều hành lãi suất linh hoạt, có lựa chọn danh mục cho vay, đầu tư xây dựng hệ thống tiêu chí chấm điểm khách hàng theo chuẩn quốc tế và tích cực nắm sát hoạt động của khách hàng để hành động kịp thời.

Doanh nghiệp muốn nới lỏng tiền tệ, nhưng điều đó khả năng khó sớm xảy ra. “Cái khó ló cái khôn”, diễn biến trên thị trường tiền tệ buộc cả DN và ngân hàng phải tìm ra phương thức hoạt động để ít nhất có thể tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thuỷ Nguyễn

——————-

Báo Đầu tư Chứng khoán ngày 29-7-2008:

(82/1.130)

——————–

Đăng lại:

http://www.ktdt.com.vn/print.asp?newsid=80828

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông...

Trích dẫn 

3.859. Sửa Luật Chứng khoán: Vẫn còn đó không...

3.859. Sửa Luật Chứng khoán: Vẫn còn đó không ít băn khoăn. (DĐDN) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 223,672