47. Một số vướng mắc pháp lý giữa lãi suất ngân hàng với các quy định về lãi suất trong các văn bản pháp luật

Một số vướng mắc pháp lý giữa lãi suất ngân hàng với các quy định về lãi suất trong các văn bản pháp luật

(TCNH) – Quy định về lãi suất của NHNN không chỉ áp dụng trong ngành Ngân hàng, mà còn liên quan đến luật pháp đa ngành. Nhưng do các quy định về lãi suất trong nhiều văn bản pháp luật còn thiếu đồng bộ, nên trong nhiều trường hợp, việc xác định một mức lãi suất cụ thể là không đơn giản, thậm chí còn không thể làm được, bởi không có đủ căn cứ pháp lý cũng như thực tế.
 1- Các quy định liên quan đến Lãi suất cho vay trong Bộ luật Dân sự

Mức trần lãi suất cho vay của các TCTD hiện nay được NHNN quy định tương đối rõ ràng, tương ứng với hai loại thời hạn cho vay ngắn hạn và trung-dài hạn. Nhưng, khi nó được lấy làm căn cứ để thực hiện các quy định về thời hạn và lãi suất cho vay theo các văn bản pháp luật khác, lại phát sinh không ít vướng mắc.

Khoản 1, Điều 473, Bộ luật Dân sự (năm 1995) quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 50% của lãi suất cao nhất cho NHNN quy định đối với loại cho vay tương ứng”.

Theo Quyết định số 39/1998/QĐ-NHNN1 ngày 17-1-1998 của Thống đốc NHNN, quy định về lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thì hiện nay có hai mức lãi suất cao nhất (trần lãi suất): Cho vay ngắn hạn là 1,20%/tháng và cho vay trung-dài hạn là 1,25%/tháng. Nhưng theo Điều 10, Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng, ban hành kèm theo Quyết định 324/1998/QĐ-NHNN1 ngày 30-9-1998 của Thống đốc NHNN, thì cho vay ngắn hạn và cho vay trung-dài hạn đều có thể là 12 tháng. Không hiểu vì lý do gì mà thời hạn cho vay lại có sự thay đổi, dẫn đến một thời điểm trùng lặp khi phải áp dụng lãi suất theo Điều 473 Bộ luật Dân sự.

Ví dụ, nếu một hợp đồng cho vay thuộc loại hợp đồng dân sự mà có thời hạn đúng 12 tháng, thì khi áp dụng Điều 473 nói trên, lãi suất cho vay được xác định là không được vượt quá 50% trần lãi suất cho vay ngắn hạn (1,2% x 150% = 1,8%/tháng) hay không được vượt quá 50% trần lãi suất cho vay trung-dài hạn (1,25% x 150% = 1,875%/tháng)?

Từ trước đến nay, trong các Thể lệ và văn bản liên quan đến tín dụng của NHNN đều quy định: Cho vay ngắn hạn là loại cho vay có thời hạn không quá 12 tháng. Nhưng, đối với một số ngành, khi vận dụng các văn bản của NHNN, lại xác định và hướng dẫn khác về thời hạn cho vay.

Tại điểm b mục 1 phần I, Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 của Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính, hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản, có nêu một ví dụ: Cho vay không có lãi 1 tháng, từ ngày 20-2 đến ngày 20-3-1996. Sau khi kiện ra toà, việc trả nợ được xác định tính từ ngày 20-3 đến ngày xét xử sơ thẩm 20-11-1996 là 8 tháng. Nhưng Thông tư lại hướng dẫn như sau: “Mức lãi phải trả là mức lãi suất nợ quá hạn của loại vay trung hạn (vì thời gian phải trả lãi quá 6 tháng) tại thời điểm xét xử sơ thẩm. Theo quy định tại Quyết định số 266/QĐ-NH1 ngày 27-9-1996 của Thống đốc NHNN Việt Nam thì mức lãi suất đó là 2,025%/tháng (1,35% x 150% = 2,025%/tháng).

Rõ ràng, trong ví dụ trên, cả thời gian cho vay cũng như thời gian phải trả lãi đều chưa đến 12 tháng thì không thể áp dụng mức lãi suất đối với loại cho vay trung hạn, mà phải áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn. Cụ thể, theo Quyết định số 266/QĐ-NH1, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 1,25%/tháng, tức lãi suất quá hạn tối đa là 1,875%/tháng, chứ không phải là 2,025%/tháng (được tính trên lãi suất trung-dài hạn) theo như hướng dẫn của Thông tư liên tịch. Khi xét xử các vụ án cho vay, kể cả đối với các ngân hàng, liệu các Toà án sẽ căn cứ vào hướng dẫn đó để áp dụng các mức lãi suất hay căn cứ vào quy định về thời hạn cho vay của NHNN?

2- Lãi suất cho vay thông thường và Lãi suất cho vay cầm đồ

Theo Thông tư liên Bộ số 02/TTLB ngày 3-10-1995 của NHNN và Bộ Thương mại, thì dịch vụ cầm đồ là hình thức kinh doanh cho vay tiền. Hợp đồng cầm đồ có thể là hợp đồng kinh tế theo quy định của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 (nếu bên cầm đồ là tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh) hoặc thuộc loại hợp đồng dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự (hợp đồng vay tài sản)(1). Bên nhận cầm đồ có thể là các TCTD hoặc các tổ chức, cá nhân khác được phép kinh doanh. Nhưng, lãi suất cho vay cầm đồ lại không hề phụ thuộc vào trần lãi suất cho vay tín dụng thông thường do NHNN quy định.

Theo Thông tư liên Bộ 02/TTLB, thì lãi suất và phí cầm đồ tối đa không quá 4,2%/tháng. Trường hợp bên cầm đồ muốn vay nóng ngắn hạn (dưới 15 ngày) thì không quá 0,3%/ngày (nếu quy ra tháng thì tương đương 9%/tháng). Đến nay, trần lãi suất cho vay do NHNN quy định đã giảm xuống rất nhiều so với thời điểm cuối năm 1995, nhưng trần lãi suất dịch vụ cầm đồ vẫn không thay đổi. Trong khi đó, như trên đã  viện dẫn ở trên, Điều 473, Bộ luật Dân sự quy định: “Lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 50% của lãi suất cao nhất do NHNN quy định đối với loại cho vay tuơng ứng”. Vậy, theo Bộ luật Dân sự, các bên có thể thoả thuận lãi suất cầm đồ không được vượt quá 50% của mức lãi suất cầm đồ (4,2%/tháng hoặc 0,3%/ngày) hay là không được vượt quá 50% của mức lãi suất cho vay thông thường (1,2% hoặc 1,25%/tháng)? Nếu hiểu là không vượt quá 50% của lãi suất cho vay thông thường, thì tại thời điểm này, các bên áp dụng mức lãi suất cho vay cầm đồ bằng 4,2% theo quy định của Thông tư liên Bộ 02/TTLB sẽ là mức lãi suất vượt quá 50% của lãi suất cao nhất do NHNN quy định đối với loại cho vay tương ứng. Bộ luật Dân sự là văn bản có giá trị pháp lý cao hơn hẳn Thông tư liên Bộ nói trên. Vậy, hoặc là các bên được cho vay cầm đồ cao hơn mức lãi suất 4,2%/tháng hoặc là bản thân mức lãi suất 4,2% cần phải được xem lại về tính pháp lý (vượt quá 50% của lãi suất cho vay cao nhất do NHNN quy định hiện nay). Để giải quyết vấn đề này, có thể tách biệt tỉ lệ 4,2% nói trên ra làm 2 phần, một phần là lãi suất không vượt quá 50% của lãi suất cao nhất do NHNN quy định và một phần là phí kiểm định, bảo quản tài sản.

3- Các quy định liên quan đến Lãi suất tiết kiệm trong Bộ luật Lao động và Bộ luật Dân sự

Trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, kể từ ngày 1-1-1996, việc NHNN không còn quy định cụ thể về các mức lãi suất tiết kiệm là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng hiện nay vẫn còn nhiều quy định pháp luật căn cứ vào lãi suất tiền gửi tiết kiệm do NHNN quy định:

Khoản 1, Điều 59, Bộ luật Lao động (năm 1994) quy định: “Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn và tại nơi làm việc. Trong trường hợp đặc biệt phải trả lương chậm, thì không được chậm quá một tháng và người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả lương”. Điều 6, Nghị định số 197/CP ngày 31-12-1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương đã xác định cụ thể, lãi suất trên là loại lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn.

Khoản 4, Điều 471, Bộ luật Dân sự quy định về nghĩa vụ của bên vay trong trường hợp vay không có lãi như sau: “Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ, thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn của Ngân hàng nhà nước tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.”

Khoản 2, Điều 473, Bộ luật Dân sự về lãi suất cũng quy định: “Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi trong việc vay, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất, thì áp dụng lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn do Ngân hàng nhà nước quy định tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.”.

Nhưng, liên quan đến lãi suất tiết kiệm nói riêng và lãi suất huy động vốn nói chung, NHNN chỉ quy định: Tỉ lệ chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động vốn bình quân là 0,35%/tháng (có rất nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội bỏ quy định không cần thiết này và tại Quyết định số 39/1998/QĐ-NHNN1 ngày 17-1-1998 của Thống đốc NHNN đã không còn nhắc lại nội dung đó). Từ năm 1996 đến nay, NHNN đã bãi bỏ việc công bố lãi suất tiết kiệm và lãi suất tiết kiệm do mấy chục ngân hàng thương mại tự quy định với rất nhiều mức khác nhau. Cho nên, cả về mặt pháp lý cũng như thực tế, không thể xác định được đâu là lãi suất tiết kiệm do NHNN công bố (hay quy định). Như vậy, vô hình trung, các quy định về lãi suất nói trên của Bộ luật Lao động và Bộ luật Dân sự đã bị vô hiệu hoá. Để những vấn đề quan trọng và phát sinh rất phổ biến như trên không bị rơi vào bế tắc, hoặc là NHNN cần quay trở lại việc ấn định cụ thể từng mức lãi suất tiết kiệm hoặc là phải nhanh chóng thay đổi các quy định của luật lệ liên quan.

Việc đáng nói là, điều bất cập đó đã tồn tại mấy năm qua, trong khi các văn bản hướng dẫn lại không quan tâm giải quyết. Tại điểm d mục 4 phần I của Thông tư liên tịch số 01/TTLT nói trên vẫn tiếp tục hướng dẫn: “Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi trong việc vay nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất, thì áp dụng lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn do NHNN quy định tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm xét xử sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 điều 473 Bộ luật Dân sự”. Hướng dẫn này chỉ thay đổi đoạn “thời điểm trả nợ” trong Điều 473 Bộ luật Dân sự thành “thời điểm xét xử sơ thẩm”. Như vậy, Thông tư đã phần nào “sửa đổi” quy định của Bộ luật, vì hai thời điểm này thường là khác nhau. Có lẽ, lý do đơn giản dẫn đến việc thay đổi thời điểm là do, khi xét xử, toà án chỉ có thể xác định được thời điểm xét xử sơ thẩm, chứ khó có thể xác định được thời điểm trả nợ. Tuy nhiên, dù có thay đổi thời điểm tính lãi suất, thì cũng vẫn không thể xác định được đâu là lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn do NHNN quy định. Còn về lý thuyết, thì lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn trong giai đoạn này có thể nằm trong khoảng từ  lớn hơn 0% cho đến nhỏ hơn, bằng hoặc thậm chí cao hơn trần lãi suất cho vay (trường hợp các TCTD cần huy động vốn để đảm bảo cho thanh toán hoặc làm các dịch vụ có lợi khác).

4- Các quy định pháp luật liên quan đến Lãi suất nợ quá hạn

Hiện nay còn nhiều quy định của pháp luật căn cứ vào lãi suất nợ quá hạn (lãi suất phạt) do NHNN quy định:

Khoản 2, Điều 313, Bộ luật Dân sự quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự như sau: “Trong trường hợp người có nghĩa vụ chậm trả tiền, thì người đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng nhà nước quy định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Khoản 5, Điều 471, Bộ luật Dân sự quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay trong trường hợp vay có lãi như sau: “4- Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ, thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn của Ngân hàng nhà nước tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.”.

Điều 233, Luật Thương mại (năm 1997) cũng quy định: “Nếu bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán phí dịch vụ, các chi phí khác thì bên kia có quyền đòi tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn do NHNN Việt Nam quy định tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Điểm e khoản 2 Điều 13, Nghị định số 17-HĐBT ngày 16-1-1990 của Hội đồng Bộ trưởng, quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế cũng ghi: “Phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán áp dụng mức lãi suất tín dụng quá hạn của NHNN Việt Nam”.

Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 nói trên cũng hướng dẫn tương tự về lãi suất trong quá trình thi hành án: “Cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn do NHNN quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật Dân sự”.

Những quy định trên hoàn toàn dựa trên cơ sở thực tế lâu nay là lãi suất nợ quá hạn do NHNN quy định theo một tỉ lệ cố định (bằng 150% lãi suất trong hạn). Đã có nhiều ý kiến đề nghị, thay vì ấn định cụ thể lãi suất nợ quá hạn bằng 150% mức trần lãi suất cho vay như hiện nay, NHNN chỉ nên quy định lãi suất nợ quá hạn tối đa bằng 150% mức trần lãi suất cho vay cùng loại. Sự thay đổi đó là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc tự do, bình đẳng trong quan hệ kinh doanh của nền kinh tế thị trường.

Nhưng, nếu NHNN thay đổi quy định hiện nay bằng quy định lãi suất nợ quá hạn tối đa bằng 150% (hoặc không quá 150%), thì những khái niệm theo lãi suất nợ quá hạn do NHNN quy định được nêu trong các điều luật và văn bản hướng dẫn nói trên sẽ không thể thực hiện được, vì khi đó lãi suất nợ quá hạn có thể dao động trong khoảng rất rộng từ > 100% cho đến < 150%. Như vậy, hoặc là NHNN phải giữ nguyên quy định một mức cố định về lãi suất nợ quá hạn như hiện nay hoặc các quy định của pháp luật liên quan nói trên phải bổ sung thêm một chữ “tối đa” để trở thành quy định theo lãi suất nợ quá hạn tối đa do NHNN quy định.

5- Lãi suất cho vay và quy định về Tội cho vay lãi nặng

Khoản 1 Điều 171, Bộ luật Hình sự (năm 1985) quy định về tội cho vay lãi nặng như sau: “Người nào cho vay lãi nặng có tính chất chuyên bóc lột thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Vấn đề đặt ra là, mức lãi suất bao nhiêu thì bị coi là “lãi nặng”, trong khi lãi suất ngân hàng những năm qua biến động rất lớn. Năm 1987 lãi suất cho vay của ngân hàng đã lên tới 9,9%/tháng và lãi suất nợ quá hạn lên tới 21%/tháng(2). Năm 1989 lãi suất huy động của ngân hàng cũng đã từng lên tới 12%/tháng(3). Tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Toà án năm 1995, Toà án Nhân dân Tối cao đã tạm thời hướng dẫn: Nếu mức lãi suất cho vay từ 12%/tháng trở lên thì có thể coi là phạm tội cho vay lãi nặng. Mức lãi suất này so với trần lãi suất cho vay do NHNN quy định, vào thời điểm đó (đầu năm 1996), thì gấp khoảng 5 lần(4), vào thời điểm hiện nay (1998) thì gấp khoảng 10 lần. Như vậy, mức lãi suất để làm căn cứ xác định có hay không có một tội phạm kinh tế xem ra thiếu cơ sở khoa học và không nhất quán.

6- Kết luận và kiến nghị

6.1. Về trách nhiệm của NHNN:

Điều 43 Pháp lệnh NHNN Việt Nam trước đây quy định: “NHNN công bố lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tối thiểu về tiền gửi, tối đa về cho vay của các TCTD”. Còn Điều 18, Luật NHNN Việt Nam hiện nay quy định: “NHNN xác định và công bố lãi suất cơ bản và lãi suất tái cấp vốn”. Và khoản 12 Điều 9 của Luật đã định nghĩa: “Lãi suất cơ bản là lãi suất do NHNN công bố làm cơ sở cho các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh”. Như vậy, về mặt pháp lý, theo Pháp lệnh cũ hay theo Luật hiện hành, NHNN không có trách nhiệm trực tiếp trong việc xác định các mức lãi suất để áp dụng trong các lĩnh vực khác.

Nhưng, qua một số trường hợp phân tích ở các phần trên đã cho thấy, ngoài vấn đề huy động vốn, cho vay và dịch vụ trong các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, lãi suất do NHNN quy định đương nhiên còn đang nằm trong các mối quan hệ khá phức tạp của luật pháp đa ngành. Hay nói cách khác, quy định về lãi suất của NHNN đang và sẽ còn liên quan chặt chẽ đến nhiều quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực kinh tế-xã hội khác nhau. Cụ thể, lãi suất do NHNN quy định để làm căn cứ xác định các lãi suất dưới đây:

– Lãi suất cho vay (ngoài cho vay của các Tổ chức tín dụng) trong các hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự;

– Lãi suất cho vay cầm đồ;

– Lãi suất chậm thanh toán (lãi suất phạt) trong các hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự và hợp đồng lao động;

– Lãi suất chậm thanh toán trong thi hành án về tài sản, bao gồm án kinh tế, án dân sự, án lao động, án hành chính và phần tài sản trong các vụ án hình sự;

– Lãi suất làm căn cứ truy tố, xét xử một loại tội phạm về kinh tế (tội cho vay lãi nặng).

6.2. Yêu cầu hoàn thiện các quy định pháp luật về lãi suất:

Nếu giữ nguyên các quy định về lãi suất của pháp luật liên quan như trình bày ở các phần trên, thì NHNN sẽ phải tiếp tục quy định và quy định thêm các mức lãi suất sau:

– Mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn và trung-dài hạn;

– Mức trần lãi suất cho vay cầm đồ;

– Mức lãi suất tiết kiệm loại không kỳ hạn, loại có kỳ hạn ngắn hạn và loại trung-dài hạn;

– Mức lãi suất quá hạn cụ thể (cố định);

– Và các mức lãi suất cụ thể trong mọt số trường hợp riêng biệt khác.

Điều này sẽ không đúng với tinh thần của Luật NHNN Việt Nam, không hợp lý trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Đã đến lúc NHNN cần bỏ việc quy định các mức lãi suất như hiện nay, mà chỉ cần quy định lãi suất cơ bản để làm căn cứ xác định các mức lãi suất liên quan. Tất nhiên, các quy định về lãi suất trong các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác cần phải được sửa đổi, bổ sung theo hướng tính theo các tỉ lệ ổn định nào đó dựa trên cơ sở lãi suất cơ bản.

Vấn đề là cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan để xây dựng được các quy phạm pháp luật về lãi suất một cách đồng bộ, thống nhất, tránh tình trạng mâu thuẫn, sơ hở như hiện nay. Trước mắt, các cơ quan có trách nhiệm cần nhanh chóng hướng dẫn các vướng mắc trên để có thể hiểu, thực hiện và giải quyết các vụ việc liên quan đến lãi suất ngân hàng một cách chính xác và đúng pháp luật.

 

(1) Theo Thông tư liên ngành số 04/TTLN, ngày 26-8-1996 của TANDTC và VKSNDTC thì cá nhân có đăng ký kinh doanh bao gồm doanh nghiệp tư nhân và mọi cá nhân khác có giấy phép kinh doanh.

Vừa qua có nhiều bài viết trong đó giải thích chưa đúng về chủ thể của hợp đồng kinh tế là cá nhân có đăng ký kinh doanh:

– Tạp chí Ngân hàng số 14 tháng 7-1998, bài “Hợp đồng tín dụng: kinh tế hay dân sự?”;

– Tạp chí Ngân hàng số 19 tháng 9-1998, bài Về giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng”;

– Thời báo Ngân hàng số 55, ngày 8-12-1988, bài “Hợp đồng tín dụng là hợp đồng kinh tế hay dân sự?”;

– Báo Đầu tư số 8 (411) ngày 25-1-99) với bài “Để đảm bảo quyền lợi của người cho vay”.

(2) Quyết định số 68/NH-QĐ ngày 2-7-1987 của Tổng Giám đốc NHNN.

(3) Quyết định số 29/NH-QĐ ngày 16-3-1989 của Tổng Giám đốc NHNN.

(4) Theo Quyết định số 381/QĐ-NH1 ngày 28-12-1995 của Thống đốc NHNN thì trần lãi suất cho vay đối với HTX tín dụng và Quỹ tín dụng hoạt động tại địa bàn nông thôn là 2,5%/tháng.

 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

______

 

Bài viết đăng trên Tạp chí Ngân hàng số Chuyên đề 7-1999

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,900