470. Quản lý bitcoin thế nào?

(DĐDN) –  Một DN của VN lại vừa phát đi thông cáo lập sàn giao dịch bitcoin trực tuyến đầu tiên (VBTC) tại VN. Điều đáng nói, DN này được cấp phép chính thức của cơ quan quản lý dù phát ngôn của các cơ quan nhà nước vẫn khẳng định không coi bicoin là một loại hình tiền tệ.


Trang web của Cty Bicoin thông báo đã có thành viên thứ 500 gia nhập vào ngày 2/4/2014

Hiện dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều về bitcoin. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, chưa có một cơ quan nào đưa ra quyết định chính thức về việc cho phép hay không cho phép loại tiền ảo trên được lưu hành tại VN.

DN: được làm những gì pháp luật cho phép

Trong khi dư luận còn đang bán tín, bán nghi về đồng bitcoin thì Cty TNHH Bitcoin VN có trụ sở tại Bến Vân Đồn (quận 4, TP HCM) vừa phát đi thông cáo về việc Cty này đã hợp tác với Bit2C (một Cty ở Israel) để lập sàn giao dịch bitcoin trực tuyến đầu tiên (VBTC) tại VN. Theo đó, hai đơn vị này đã chính thức ký hợp tác vào ngày 24/3/2014 và dự kiến sàn giao dịch trực tuyến VBTC sẽ được ra mắt vào cuối tháng 4 tới. Cùng với đó, Hiệp hội Bitcoin VN sẽ lần đầu tiên khai mạc hội nghị Bitcoin vào ngày 23/5/2014.

Để giải đáp thắc mắc, vì sao thị trường bitcoin đang rất u ám mà DN vẫn định khai phá một lĩnh vực được cho là “xương xẩu” này, theo bà Nguyễn Trần Bảo Phương – Giám đốc điều hành của Cty TNHH Bitcoin VN, mặc dù có nhiều tin tức tiêu cực sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cảnh báo về những rủi ro liên quan đến bitcoin. Tuy nhiên, việc sử dụng bitcoin chưa bao giờ bị cấm ở VN. Với sự ra đời của sàn giao dịch trực tuyến bitcoin đầu tiên tại VN, việc phát triển của đồng tiền này sẽ nhanh chóng được mở rộng.

Thông tin từ Phòng Kiểm tra (Sở KH&ĐT TP HCM) cho biết, Cty TNHH Bitcoin VN đăng ký 12 ngành, nghề kinh doanh như bán lẻ hàng may mặc (ngành chính), bán lẻ hàng lưu niệm, bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông… 12 ngành, nghề trên không thuộc diện kinh doanh có điều kiện nên Sở cấp đăng ký kinh doanh là đúng quy trình. Trường hợp DN này muốn mở sàn giao dịch hàng hóa thì phải xin phép Bộ Công Thương. Về việc trong tên DN có chữ Bitcoin, phòng cũng cho biết tên này được chấp nhận vì không vi phạm quy định về đặt tên DN.

Cơ quan chức năng: mới chỉ là cảnh báo

Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cũng có thông báo liên quan đến Cty Bitcoin VN. Trong đó nói rõ lý do Cục từ chối hồ sơ thông báo của website www.bitcoinvietnam.com.vn như một website thương mại điện tử. Việc thông báo website chỉ áp dụng đối với các website thương mại điện tử bán hàng, trên đó người bán phải cung cấp thông tin cho khách hàng để có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ khi quyết định giao kết hợp đồng. Hiện tại bitcoin chưa được quy định là hàng hóa hay dịch vụ trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Như vậy, hiện nay Cục TMĐT – CNTT (Bộ Công Thương)  không chấp nhận việc thông báo, đăng ký các website mua bán bitcoin như website TMĐT bán hàng hay sàn giao dịch TMĐT. Do việc sở hữu và sử dụng bitcoin như một loại tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ, Cục cũng khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi tham gia mua bán bitcoin hay sử dụng bitcoin để thanh toán cho các giao dịch thương mại điện tử.

Còn theo Ngân hàng Nhà nước, bitcoin chứa đựng nhiều rủi ro cho người sử dụng. Các giao dịch bằng bitcoin có tính ẩn danh cao nên bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp… Bitcoin là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn. Bên cạnh đó, do giá trị đồng bitcoin biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn nên hoạt động đầu tư vào bitcoin ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng. Đặc biệt, bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào. Do đó, người sở hữu bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.

Ngân hàng Nhà nước VN khuyến cáo, bitcoin không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại VN. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Ngân hàng Nhà nước còn khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Giải quyết?

Hiện tại bitcoin chưa được quy định là hàng hóa hay dịch vụ trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Với việc chỉ dừng ở khuyến cáo của hai cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề trên, người dân và DN vẫn có thể hiểu giao dịch liên quan đến bitcoin chưa bị cấm và việc một DN của VN đã nhanh chóng ra tuyên bố liên kết để lập sàn giao dịch. Bởi vì, pháp luật của VN có quy định, DN được làm những gì mà pháp luật không cấm.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia còn cho rằng, bitcoin như một hạt nhân báo hiệu cho xu thế phát triển của tiền tệ thế giới trong tương lai. Những đồng tiền đa quốc gia, thanh toán xuyên biên giới nhanh gọn và ít tốn kém về chi phí. Tuy nhiên, đồng bitcoin hay những dạng tiền kỹ thuật số như vậy đang chờ được hoàn thiện, khắc phục nhiều hạn chế về mặt công nghệ, phát hành hay điều tiết… Vậy thì khi nào có thể khắc phục những hạn chế này ? Tiền kỹ thuật số có phải là tương lai hay không?… đang là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Bitcoin ra đời từ năm 2009 dựa trên các thuật toán. Bitcoin đã nhanh chóng gây được sự chú ý của giới tài chính tiền tệ. Bắt đầu từ thời điểm giao dịch đầu tiên người ta dùng 10.000 bitcoin đổi lấy 2 hộp pizza. Nhưng đến thời kỳ cao điểm cuối năm 2013, 01 bitcoin đã có giá trị gần 1.200 USD. Tổng giá trị tiền bitcoin đã được định giá khoảng 7 tỷ USD. Thậm chí, các Cty cung cấp dịch vụ đã đã lập cây ATM bitcoine đầu tiên trên thế giới tại Vancouver (Canada) cuối tháng10/2013 và đang chuẩn bị khai trương một loạt cây ATM bitcoin tại nhiều thành phố lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, cũng vào lúc đồng bitcoin tăng mạnh nhất, không ít người đã chỉ ra những mối họa tiềm ẩn của đồng tiền ảo này như tội phạm mạng đánh cắp hay trở thành phương tiện thanh toán của những kẻ tội phạm ma túy, buôn người… và nhất là tính mong manh “ảo” của nó. Thị trường giao dịch bitcoin đã hoảng loạn khi 2 sàn giao dịch bitcoin hàng đầu bị sập. Đồng bitcoin nhanh chóng lao dốc xuống còn chưa đến 500 USD/1 bitcoin.

Hiện nay trên thế giới, hầu hết các quốc gia đã có thông báo không chấp nhận bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp và đưa ra các cảnh báo rủi ro cho người sử dụng bitcoin như Thái Lan, Nga, Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Nauy… đều không thừa nhận bitcoin là một loại tiền hợp pháp được lưu thông trên thị trường.

 

Cần một quyết định rõ ràng

LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên (VIAC):
Nếu xét ở góc độ luật pháp, DN có thể thành lập Cty bitcoin và cơ quan cấp phép không có gì sai. Nhưng khi họ đi vào hoạt động có giao dịch và thanh toán thì lại là chuyện khác. Đã nói là sàn giao dịch thì thuộc loại có điều kiện, chưa nói đến kinh doanh tiền tệ. Đương nhiên là đồng tiền này không nằm trong hệ thống tiền tệ được công nhận và sử dụng chính thức ở Việt Nam.

Thậm chí các đồng tiền hợp pháp của các quốc gia khi vào Việt Nam cũng chỉ được coi là hợp pháp trong một số trường hợp, vì tiền tệ liên quan đến an ninh và chủ quyền quốc gia và quản lý ngoại hối. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào cam kết và khả năng kiểm soát của các DN áp dụng. Nó chỉ được coi là hợp pháp trong hệ thống ngân hàng Việt Nam khi được pháp luật cho phép.

Để nói về vấn đề rủi ro từ đồng tiền bitcoin, thị trường tài chính tiền tệ ít nhiều bị ảnh hưởng khi các giao dịch không được phản ảnh bằng đồng tiền chính thức, mà phản ánh bằng một thước đo khác. Hiện nay, việc giao dịch bằng đồng tiền này cũng giống như việc mua bán tài sản ảo trên mạng. Nếu chỉ là thử nghiệm hoặc giao dịch nhỏ thì cũng không có gì đáng ngại. Tuy nhiên nếu thực hiện các giao dịch lớn thì việc mất kiểm soát về tiền tệ cũng rất đáng lo ngại.

Còn ở góc độ cá nhân những người sử dụng giao dịch đồng tiền bitcoin, nếu xảy ra tranh chấp hoặc thiệt hại, thì sẽ không được pháp luật bảo vệ, không được Toà án, Trọng tài công nhận đó là giao dịch hợp pháp. Nói tóm lại, giao dịch bitcoin vẫn ngoài vòng pháp luật.

DN có thể nói pháp luật không cấm thì DN có quyền làm và tự chịu trách nhiệm. Đúng là tính đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản nói cấm đối với bitcoin. Các cơ quan liên quan như NHNN, Cục TMĐT&CNTT đều chỉ khuyến cáo, cảnh báo mà thôi, như vậy càng rõ là không cấm. Nhưng tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước về bitcoin cần ngồi lại với nhau. Một quyết định chính thức và rõ ràng về bitcoin phải sớm được đưa ra. Nếu cứ chần chừ để hậu quả xảy ra thì mới khắc phục là nỗi đã thuộc về cơ quan quản lý.

Bá Tú

——————

Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 05-4-2014:

http://dddn.com.vn/phap-luat/quan-ly-bitcoin-the-nao-2014040410174255.htm

(459/1.902)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,582